Hôm nay,  

Một Chuyến Đi Tây

23/04/201800:00:00(Xem: 10409)
Tác giả: Ngô Đình Châu

Bài số 5367-19-31208-vb8042218

 
Tác giả hiện là cư dân Tampa, Florida, đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2015. Ông sinh năm 1952, dân Sài Gòn, cựu sinh viên Văn Khoa, cựu Sĩ quan Quân đội Miền Nam, một trung đội trưởng tác chiến. Hồi cuối cuộc chiến, chàng là một thương binh và buổi sáng ngày 1 tháng Năm 1975, bị đuổi ra khỏi quân y viện... Bài viết mới của ông mở đầu bằng câu “Đôi khi tôi nghĩ, viết về một nơi chốn khác, cũng là một cách Viết Về Nước Mỹ.” Cách viết đối chiếu chi tiết tinh tế của tác giả cho thấy không chỉ đúng như ông nghĩ mà còn làm hiện rõ cả tính cách người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt.

 
  ***
 

Cách nay mấy năm, vợ chồng tôi làm một chuyến du hành sang đất Pháp, nơi đến là thành phố Lyon, nằm ở Miền Trung nước Pháp, để thăm viếng gia đình người Dì của tôi, đã qua đây sinh sống từ năm 1984.

Đúng 6 giờ chiều, chúng tôi khởi hành từ thành phố Jacksonville (FL) để bay đến Miami, từ đây sẽ chuyển qua một chuyến bay khác để đến Madrid. Phi trường Miami khá lớn, chúng tôi phải di chuyển thiệt lẹ trong vòng 1 giờ để kịp chuyến bay kế tiếp, vậy mà khi đến gate, đã thấy hành khách lục tục lên tàu.

Rời Miami, chúng tôi sẽ trải qua 9 tiếng để bay đến Madrid. Trên chuyến bay đường dài này, chúng tôi được phục vụ một bửa ăn tối và một bửa ăn sáng. Trên bất cứ chuyến bay đường dài nào, ai cũng cảm thấy đầy ngán ngẩm, tôi ước gì mình được ngủ say một giấc thì sướng biết mấy, thế mà nào có ngủ được, cứ xem TV rồi lại đọc sách, hai cái chân mỏi nhừ khiến tôi cứ loay hoay mãi.

Bay mãi rồi cũng phải đến Madrid, lại gặp một phi trường to lớn, lại phải di chuyển thật nhanh để còn kịp lên chuyến bay kế tiếp đi Lyon. Các bảng hướng dẫn ở phi trường Madrid không được rõ ràng như các phi trường bên Mỹ, nên đôi lúc chúng tôi phải ghé vào Information Desk để nhờ hướng dẫn, nhân viên ở đây họ nói tiếng Anh bằng giọng Châu Âu, nên nghe cứ léo nhéo đôi khi chẳng hiểu gì cả, cứ phải hỏi đi hỏi lại. Theo luật lệ Liên Âu, khi có chuyến bay nước ngoài nào đáp xuống phi trường đầu tiên thuộc Liên Âu, thì hành khách phải làm thủ tục Hải quan tại phi trường đó. Thủ tục Hải quan tại Madrid, đơn giản đến độ ngạc nhiên. Nhân viên chỉ đóng mộc vào passport một cách lẹ làng, họ chẳng hỏi một tiếng nào và cũng chẳng cần nhìn mặt khách.

Kế tiếp chúng tôi đáp chuyến bay cuối cùng đến Lyon. Máy bay thuộc loại nhỏ và bay không cao lắm, nên chúng tôi rất thích thú quan sát khung cảnh ở bên dưới. Chuyến bay dài 1 giờ 40 phút, bay qua hết cánh đồng này lại đến cánh đồng khác. Các cánh đồng cũng có từng ô vuông lớn nhỏ như ở Việt Nam. Có ô vuông màu xanh đậm, có ô màu nâu, lại có ô màu vàng rơm... chen lẫn có những cụm cây cao, lại có khi bay qua những thành phố nhỏ. Tuyệt nhiên trên đường bay, không thấy rừng, không thấy núi non gì cả.

Khi đến Lyon, máy bay đảo một vòng, thành phố nhìn từ trên cao thấy tuyệt đẹp, nhà nhà đều lợp mái ngói đỏ tươi trông bạt ngàn tít tắp, lại điểm xuyến rất nhiều hồ nước, cánh đồng. Cảm giác đầu tiên của tôi, là thành phố này có cái gì đó vừa xinh tươi duyên dáng, vừa gần gủi thân mến.

Đến 3 giờ chiều, chúng tôi thở phào bước xuống phi trường Lyon, sau một chuyến bay dài mỏi mệt. Phi trường Lyon nhỏ tí, có một điều làm tôi rất ngạc nhiên, là từ lúc bước ra khỏi cửa máy bay, đi vài chục bước là đến chỗ lấy hành lý, rồi đi thêm vài bước là ra ngoài để gặp người thân. Tất cả đoạn đường đó chỉ là một khoảng cách ngắn ngủn. Tôi chưa hề gặp một phi trường nào có cách thiết kế quá gọn gàng đến như vậy.

Đón chúng tôi ở phi trường là Chú Tuấn, em họ của tôi. Chú đưa chúng tôi ra bãi đậu xe. Bãi đậu xe không lớn lắm, nhưng cũng làm cho tôi chóa mắt trước một rừng xe lút chút. Ngạc nhiên là bởi vì nó trái ngược hẳn với các loại xe to lớn kềnh càng ở bên Mỹ. "Rừng nào cọp nấy", nơi đây gần như 100% là xe của Pháp, gồm các nhãn hiệu từng có mặt tại Việt Nam như: Peugeot, Renault, Citroen... Những nhãn hiệu này không hề có mặt tại Mỹ, và ngược lại "ăn miếng trả miếng" không hề có chiếc xe Mỹ nào có mặt tại đây. Hai đại gia Toyota và Honda, hùng cứ phương trời Bắc Mỹ, cũng phải chào thua nơi xứ này. Họa hoằn lắm, mới thấy một chiếc Toyota Corolla nhỏ xíu, chạy e dè khép nép ở bên đường. Tôi nghĩ thế, bởi lẽ nếu tôi là người sinh sống trên đất Pháp này, tôi sẽ cảm thấy ngại ngùng khi phải xử dụng một chiếc xe ngoại nhập.

Theo suy nghĩ của riêng tôi, trên thế giới này, ngoại trừ Trung Quốc, thì chưa có đất nước nào gần gũi với chúng ta như là nước Pháp. Từ hồi còn bé cho đến khi trưởng thành, tôi đã say mê thưởng thức không biết bao nhiêu điều về Văn học Nghệ thuật, đã ca tụng hết lời về con người và đất nước này. Ngày hôm nay, tôi đặt bước chân đầu tiên lên nước Pháp, đã khiến tôi liên tưởng đến câu ca:"...mùa Thu Paris trời hoen đôi mi..." hay "...ga Lyon đèn vàng, cầm tay nhau không nói..."  Rồi Thằng Gù Nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo, rồi nhớ đến những áng văn đẹp như thơ của Alphone Daudet, St. Exupery. Nhớ đến Sartre, Gide, Maurois, Sagan... Và không thể nào quên những ngôi sao huyền thoại của một thời: Alain Delon, Jean Paul Belmondo, Catherine Deneuve, Bridgit Bardo... Tất cả những tinh hoa đó đã làm náo động thanh niên Sài Gòn vào thập niên 60, và cũng đã ảnh hưởng mạnh mẽ lên tâm hồn thế hệ chúng tôi biết dường nào.

Hôm nay tôi đến thăm đất nước này, tự nhủ trong lòng mình, sẽ quan sát và ghi nhận nước Pháp một cách hết sức tỉnh táo. Dựa trên quan điểm của một người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt. Bởi lẽ ngày nào, tôi còn thở ra mùi Phở Bắc, Bún Bò Huế, Cơm Tấm Bì Sườn Chả... thì dù cho tôi có sống trên đất Mỹ một trăm năm, tôi vẫn chưa "đắc đạo" để trở thành một người Mỹ. Cố gắng hội nhập cho lắm thì cũng chỉ là một người (hơi hơi) Mỹ gốc Việt.

Xe của chú Tuấn là một chiếc Renault 7 chỗ ngồi, mà sao trông nhỏ xíu. Xe chạy nhập vào xa lộ, cũng không đông đảo xe cho lắm, hai bên đường là ruộng lúa mì xanh ngắt. Thỉnh thoảng xe đang chạy bỗng nghe kêu "toe" một tiếng khá lớn. Lấy làm lạ, tôi bèn hỏi tiếng gì nghe ghê thế. Chú em giải thích rằng, xe được trang bị Radar báo động có ụ đèn chụp hình xe chạy qúa tốc độ. À ra thế, ở xứ tôi máy chụp hình tốc độ do Cảnh sát điều khiển, còn ở đây máy lại đặt cố định ở bên đường, đi một khoảng lại có một ụ đèn như thế, nên xe cứ kêu "toe toe" liên tục, nghe thật khó chịu. Tôi cảm thấy những điều kỳ lạ bắt đầu xuất hiện rồi đây.

Đi khoảng 20 phút thì xe về đến nhà, một nơi có tên là Vanissieux. Đường phố chật hẹp, đã vậy xe còn đậu 2 bên lề đường, nên trông càng chật chội thêm. Ở Mỹ tên đường giăng ngang ngã tư nên rất dễ nhìn, trong khi ở Tây, tên đường được đặt trên một tấm bảng nhỏ rồi gắn lên cột đèn, nên rất khó nhìn.

Dì tôi ở cùng với vợ chồng chú Tuấn, cả hai có một đứa con gái nhỏ, đang học Tiểu học. Nơi ở là một căn hộ trong một chung cư nhiều tầng còn mới tinh. Mỗi căn hộ chỉ có một gara chứa được một xe ở dưới tầng hầm. Đường xuống tầng hầm, vừa hẹp tí vừa quanh co thật gắt, đến nổi khi xe lượn qua những khúc cua cúi chỏ, phải chạy chậm rì rì như rùa bò, nếu không rất dễ bị vách tường cọ vào thành xe, nên thấy rất ghê người. Nếu cho tôi lái chiếc xe này, tôi sẽ không biết lái ra sao trong hoàn cảnh như thế, vì trên đất Mỹ tôi chưa bao giờ gặp cảnh tượng này.

Dì mở cửa vui mừng chào đón chúng tôi, Dì lớn hơn tôi đúng một giáp, và Dì cháu thân thiết với nhau từ lúc nhỏ. Lúc mở cửa, mùi thức ăn đậm mùi nước mắm xộc vào mủi tôi. Đây là cái mùi đặc trưng đậm đà bản sắc dân tộc, nó hiện diện trong bất cứ gia đình Việt Nam nào, dù ở trời Tây hay trời Mỹ thì đều cũng y như nhau. Nhà bên Việt Nam thông thoáng nên không giử lâu mùi thức ăn, trong khi nhà Tây- nhà Mỹ đều có cửa kính bít bùng, cho dù có quạt hút ra ngoài nhưng mùi thức ăn vẫn tồn đọng rất lâu. Những món ăn xếp vào hàng độc chiêu như mắm kho, mắm chưng, mắm ruốc xào xả... thì khỏi phải nói rồi, nhà nào thèm lắm thì cũng năm khi mười họa mới dám nấu một lần, vừa nấu vừa hồi hộp, sợ hàng xóm kêu cảnh sát. Những món ăn cơm hàng ngày cũng nồng nặc không kém như cá kho, thịt kho, tôm rim, phi hành tỏi và đặc biệt kinh hãi là món cá chiên, thứ hàng này mùi hôi kéo dài rất dai dẳng, nó còn thấm vào quần áo mền gối, thậm chí thấm cả vào tường gỗ trong nhà. Mùi thức ăn gây khổ sở cho những người đi học hoặc đi làm khi phải chung đụng với người bản xứ. Có câu nói:" Chúng ta đi mang theo quê hương..." thì trong hành trang đó có mùi nước mắm quê hương này đây, chúng ta đã mang nó đến cùng trời cuối đất.

Nhà của Dì tôi ở gồm một phòng khách và ba phòng ngủ nên gọi là nhà T4 (vì sao gọi thế thì tôi không biết), có căn bếp nhỏ tí chỉ vừa đủ cho một người đứng nấu bếp, có ban công mở ra ngoài trời. Hình như ở cái xứ Tây này, không có khoảng trống nào được bỏ không, nên nơi ban công Dì tôi để lủ khủ thùng chậu, trồng đủ thứ các loại rau thơm.

Nhà chỉ có một phòng tắm với một bồn rửa mặt đi kèm, còn bồn cầu đặt ở một phòng riêng và kỳ lạ là phòng này không có chỗ rửa ráy nên gây khó chịu cho đám dân Mỹ chúng tôi rất nhiều. Nhà Dì tôi thuộc loại mới tinh mà thiết kế chỉ có một chỗ chứa máy giặt, không có chỗ cho máy sấy, cho nên giặt đồ xong là mang ra phơi ngoài ban công, gặp hôm trời mưa thật bất tiện. Đồ hàng "on sale" mua về nhiều quá, không đủ chỗ chứa, nên cứ để đầy trên lối đi, người đi qua lại phải uốn éo thân người như "rắn lượn".

Chiều đến, một chú em khác tên Vũ, con trai kế của Dì tôi. Vũ mang vợ con đến thăm chúng tôi. Các con của Vũ rất xinh xắn, các cháu nói tiếng Việt lọng ngọng nghe rất tức cười. Các cháu chào chúng tôi bằng tiếng "bonjour", rồi lại chào tiếp bằng cách áp má hôn chúng tôi. Tôi để ý thấy cách chào xã giao của người Pháp khác với người Mỹ. Mỗi khi gặp nhau, sau khi bắt tay xong, thì họ sáp lại gần nhau để hôn má, hôn bên này xong lại hôn má bên kia (chứ không chỉ hôn một bên như người Mỹ). Hôn má, có nghĩa là cả hai bên áp má sát vào nhau, và hôn qua hôn lại như thế, đôi khi còn nghe phát ra tiếng "chóc chóc", như vậy mới thiệt đúng điệu hay sao ấy? Ý trời ơi! đám dân Mỹ chúng tôi thường khi gặp nhau, nếu có thân tình lắm thì cũng chỉ ôm vai nhau mà thôi. Chào theo kiểu của Tây, chúng tôi đã không quen mà còn lúng túng ngượng ngập lắm. Có lúc tôi ngượng "điếng người", khi vụng về để mủi của mình chạm vào mủi của phía "đối tác". Người ta nói đi một ngày đàng, học một sàng khôn, còn tôi chả học được một sàng khôn nào, mà chỉ thấy những điều kỳ lạ.

Nước Pháp chỉ có một giờ đồng nhất, mọi nơi đều xử dụng một giờ như nhau, trong khi nước Mỹ có 4 múi giờ kéo dài từ Tây sang Đông. Lyon đi trước Florida của chúng tôi đúng 6 giờ, mấy ngày đầu ở Lyon, chúng tôi cũng gặp tình trạng vật vã, y như lúc về Việt Nam, đó là Hội chứng Sai biệt múi giờ, đêm đến chúng tôi ngủ chập chờn đến đúng 3 giờ sáng là thức giấc, vì thiếu ngủ nên trong người lừ nhừ mệt mỏi lắm.

Dì tôi và các em thay phiên nhau nấu nướng đãi đằng chúng tôi bằng các ngon thường được ưa chuộng: bún suông, nem nướng, mì vịt tiềm, lẫu đồ biển... Tất cả những món ngon này đều được nấu nướng tại nhà, không có món gì mua ở tiệm hết. Bởi lẽ, bên Tây không có hàng quán như ở Cali hay Texas... người ta học hỏi nấu nướng lẫn nhau, rồi mời nhau qua lại, để rồi dần dần đưa các món ngon trở thành xuất sắc.

Các em đưa chúng tôi thăm thành phố Lyon, ban ngày cũng như ban đêm, thành phố thật đẹp và đa dạng, chứ không đơn điệu như những thành phố mà tôi đã sống qua bên Mỹ. Lyon không có nhiều nhà cao tầng lố nhố như bàn chông giống như Hong Kong hay New York, mà nó giống Washington DC nhiều hơn. Các tòa nhà ở Lyon đều cao tầm tầm như nhau hết, tất cả cao 6 tầng đều nhau tăm tắp. Sau này đi thăm Paris, tôi cũng thấy giống y như vậy. Các phương tiện di chuyển trên đất Pháp thật dồi dào: xe bus, xe bus chạy bằng dây điện mắc trên mui, xe điện, xe điện ngầm, xe lửa cao tốc... giúp người dân đi lại thuận tiện và thoải mái lắm, giải quyết được nạn kẹt xe và khan hiếm chỗ đậu, đồng thời giải quyết được nạn quá nhiều xe cộ thải khí độc làm ô nhiểm môi trường. Không biết đến bao giờ nước Mỹ mới làm được điều này.

Chúng tôi đi thăm viếng vài nơi. Trong đó tôi có chú ý đến ba nơi. Thứ nhất, các em đưa chúng tôi đến thăm một nhà thờ nằm trên đồi cao, nhà thờ vừa bề thế vừa nguy nga tráng lệ, đứng ở nhà thờ có thể ngắm nhìn toàn cảnh Lyon rất đẹp. Tôi có cảm giác, dân Pháp xây dựng nhà thờ một cách công phu tuyệt kỷ, chứ họ không làm một cách qua loa loàng xoàng, khi tôi vào trong, một khung cảnh thánh thiện vô cùng, cảm thấy trong lòng nhẹ nhỏm, những ưu tư phiền muộn hình như đã để lại ngoài cửa giáo đường.

Nơi chốn thứ hai, các em đưa chúng tôi vào thăm một công viên. Khi đi dạo vòng quanh, tôi cảm thấy hết sức ngạc nhiên, bởi vì công viên này quá rộng lớn đến độ không ngờ, mà còn kỳ lạ ở chỗ, nó lại nằm ngay giữa Lyon, trong khi ở Pháp, một tất đất là một tất vàng. Khung cảnh thật đẹp và êm mát, tất cả những kỳ hoa dị thảo được trồng khắp nơi.

Nơi chốn thứ ba, chúng tôi đi thăm một ngôi chợ Việt Nam. Nói ngôi chợ thì hơi quá đáng, nói một cửa hàng thì đúng hơn. Cửa hàng khá nhỏ, bán lèo tèo những thứ hàng nhập từ VN qua, hay của Trung Quốc. Người đi mua sắm lơ phơ lất phất, chỉ có dăm ba người, trong khi chúng tôi đã quen mắt với những ngôi chợ VN bề thế trên đất Mỹ, người đi chợ ùn ùn đến chóng mặt, chứ đâu có giống như ở đây. Loại cửa hàng này đã biến mất từ lâu nơi các thành phố lớn đông đảo người Việt, họa chăng chỉ còn thấy nơi các thành phố nhỏ. Thế mới biết người Việt trên đất Pháp sống lưa thưa lắm.

Mấy ngày sau, mấy đứa em xin nghỉ phép để đưa chúng tôi đi chơi xa. Lộ trình dự trù, đi theo một hình tam giác đều cạnh. Từ Lyon theo hướng Bắc đến Paris, ở chơi 2 ngày. Rồi từ Paris đi theo hướng Đông đến thành phố Strasbourg, để thăm một người bạn thân của tôi đã lâu không gặp. Cuối cùng, từ Strasbourg theo hướng Tây Nam về lại Lyon. Các tuyến đường đều cách nhau đúng 500 cây số.

Đúng 7 giờ sáng, chúng tôi bắt đầu lên đường với 2 chiếc Renault. Đường xá xe chạy lưa thưa chứ không đông đảo như bên Mỹ, nên chạy thoải mái. Nhất là xe hàng loại 18 bánh không nhiều, nếu có thì họ chạy từ tốn chứ không hung hăng kiểu ngựa lồng như xứ Mỹ. Hai bên đường cảnh trí thật xinh xắn, những cánh đồng lúa mì bạt ngàn và đôi khi có những cây trồng khác mà tôi không được biết. Hết cánh đồng này lại tiếp nối cánh đồng khác, kéo dài mênh mông tới tận chân trời. Thỉnh thoảng lại đi qua những cánh đồng cỏ, có đàn bò thân trắng lốm đốm đen, đang nhẫn nha gặm cỏ một cách thanh bình. Lúa mì là loại trồng trên cạn, rồi được tưới bằng các dàn tưới di động, không biết ngày xưa người dân họ tưới bằng gì nhỉ? Có khi đi qua những khu nhà nhỏ, đường sá quanh co cùng với hoa cỏ rực rỡ, đẹp như trong truyện cổ tích.

Trong suốt những con đường chúng tôi đi qua, gặp không biết bao nhiêu cánh đồng bất tận, nhưng lạ một điều, chúng tôi không thấy bóng dáng một nông dân nào cả, có lẽ nông nghiệp nước Pháp đã đạt đến trình độ tự động hóa cao rồi chăng?

Còn một điều lạ nữa, chúng tôi không hề thấy rừng, không hề thấy núi non sông suối, có lẽ chúng tôi đi qua một vùng đồng bằng, chắc cũng giống như đi qua vùng đồng bằng sông Cửu Long vậy. Trên đường đi chỉ thấy những bảng báo hiệu đường sá, mà không hề thấy một tấm bảng quảng cáo nào hết. Đi vài chục cây số có một chỗ dừng xe nghỉ ngơi, giống như Rest Area bên Mỹ, nhưng khác một chút là họ có cây xăng trong khu vực này. Nhìn chung, đường xá trên freeway khá tốt, nhưng sao trông có vẻ hiền lành lắm và tôi cũng chưa hề thấy các giao lộ có hệ thống cầu overpass đan chằng chịt ở trên đầu như bên Mỹ.

Đường trống trải, tốc độ qui định lại khá cao 130 Km/h, nhưng các chú em tôi ỷ y có radar báo động nên nhấn ga đôi khi lên đến 140 Km/h, vì vậy chưa tới 4 giờ lái xe, chúng tôi đã đến ngoại ô Paris. Ghé vào nhà một người bạn của Dì tôi để tạm trú. Đường sá ở Paris, ngoài các con đường lớn, còn các con đường nhỏ thì chạy ngoằn ngoèo cong lượn không theo một qui củ nào hết, cũng may nhờ có GPS nên việc tìm nhà không khó lắm.

Buổi chiều, chúng tôi kéo nhau ra thăm Paris. Paris cũng giống như các thành phố lớn trên thế giới, đường phố rất đông đảo xe cộ trông phát khiếp. Paris tìm kiếm chỗ đậu xe cực kỳ khó khăn, xe đậu kín mít hai bên lề đường, cho nên cứ phải lái xe chạy lòng vòng, khi thấy có một chỗ trống nào vừa khít một chiếc xe, thì phải de parallel vào ngay, dân Mỹ lái xe lớ ngớ như tôi, thấy thế lấy làm kinh hãi.

Điểm đến đầu tiên là thăm tháp Eiffel (tiếng Mỹ phe ta đọc là "ê phồ" nghe lạ tai nhỉ?) Tôi nghĩ, bất kỳ ai trên cõi đời này, đều mong ước có ngày đặt chân đến thăm tháp Eiffel, một biểu tượng độc đáo của nước Pháp.

Nhìn trong hình, tòa tháp có vẻ mảnh mai, nhưng khi tôi đứng dưới chân tháp nhìn ngược lên, mới thấy một cảnh tượng kinh hồn, hàng triệu triệu thanh thép đan chồng chéo lên nhau, để tạo nên tòa tháp vĩ đại này. Tòa tháp có 4 chân đế, mỗi chân đế to lớn khổng lồ như một  tòa nhà cao tầng. Càng nhìn càng sợ cho một kỳ công có một không hai trên thế giới của nước Pháp. Hình như người Pháp rất thiện nghệ trong việc xây dựng các biểu tượng quốc gia, chính họ đã tặng cho New York bức tượng Nữ Thần Tự Do, biểu tượng lừng danh của nước Mỹ.

Chúng tôi mua vé lên tầng hai của Tháp để ngắm Paris và cũng để ngắm bên trong tòa tháp. Du khách đông đảo chen chúc nhau. Có đứa em nói rằng:" Tụi em ở Pháp mấy chục năm rồi mà chưa hề đến tháp Eiffel, nay nhờ có anh chị đến chơi nên tụi em mới có dịp đến chỗ này" À! té ra là thế, bụt nhà thì lúc nào cũng không thiêng. Đứng trên tầng hai của tháp, gió thổi lồng lộng đến lạnh người, ngắm Paris đẹp tuyệt vời, kéo dài bát ngát tới tận chân trời. Cách tháp một quãng ngắn là dòng sông Seine nổi tiếng trong thơ Nguyên Sa, "Paris có gì lạ không em. Mai anh về giữa bến sông Seine. Anh về giữa một dòng sông trắng. Là áo sương mù hay áo em..."

Rời tháp Eiffel, chúng tôi đến thăm Đại lộ Champs Elysees. Có lẽ đại lộ Champs Elysee là đại lộ lớn nhất nước Pháp, đường rộng thênh thang, hai bên lề đường mỗi bên rộng khoảng 20 thước dành cho người đi bộ. Vào ngày thường mà thấy người ta đi lại tấp nập, có đứa em nói, vào cuối tuần hay ngày lễ người ta chen chúc nhau như nêm cối. Có hai hàng cây cao lớn chạy dọc hai bên đường, hai hàng cây này được cắt xén thẳng băng, trong giống như bức tường bằng cây xanh mướt.

Champs Elysees là con đường lừng danh trên thế giới, những cửa hàng nổi tiếng bậc nhất đều có mặt tại nơi này: Louis Vuitton, Hermes, Hugo Boss, giầy Italy, đồng hồ Omega, Cartier... Có các cửa tiệm nhỏ bày bàn ghế ra vỉa hè, cho khách ngồi nhấm nháp cốc bia hay tách cà phê. Có lẽ hơn 100 năm trước khi người Pháp vào Việt Nam, họ đã mang theo tập tục ngồi la cà hàng quán sau giờ làm việc, rồi để lại tập tục này cho người Việt chúng ta mãi cho đến bây giờ. Sài Gòn vào buổi chiều sau giờ tan sở, người người ngồi ken đầy trên các lề đường hay bờ kè có các quán nhậu hay quán cà phê.

Dân Paris ăn mặc rất lịch sự, đàn ông veston cà vạt, đàn bà cũng vest cũng đầm trông rất thanh lịch. Điều làm cho tôi ngạc nhiên là hầu hết phụ nữ Pháp có dáng người thanh mảnh. Tôi nói hầu hết vì suốt buổi chiều dạo chơi, tôi chớ hề thấy ai có dáng người "phì nhiêu" quá cở như phụ nữ bên mình. Gương mặt phụ nữ Pháp vừa xinh đẹp vừa thanh tú, trời đã vào Xuân Hè, ở Tây hay ở Mỹ, phụ nữ đều giống nhau ở một điểm là họ ăn mặc "show hàng" rất tươi mát. Phụ nữ Tây phương nói chung, họ quan niệm rằng "show hàng" là để nhằm phô trương cái đẹp, chứ không phải để khêu gợi dục tình (điều này do các ông tưởng tượng ra mà thôi) Cho nên ai thích ngắm thì xin mời tự nhiên, họ không e dè ngượng ngập gì hết.

Ô kìa! tôi có thấy mấy cô vừa đi trên đường hay ngồi trong quán, có cô vừa nói chuyện vừa che miệng ngáp. A ha! có thế chứ, ở cái đất ngàn năm văn vật này phải hành xử như thế chứ. Sao tôi lại chú ý đến điều này? Bởi lẽ tôi làm nghề Nail, cầm tay phụ nữ Mỹ đã ròng rã trên 20 năm rồi, ngồi trước mặt tôi đã có hàng ngàn quí bà, hàng ngàn quí cô. Trong số đó, đã có người há miệng ra ngáp, và tôi cũng chắc chắn một điều là tôi chưa hề thấy có người phụ nữ Mỹ nào khi ngáp, họ lấy tay che miệng, họ đã ngáp trước mặt tôi một cách vô tư. Tôi tự hỏi, các quí bà này không có thói quen lịch sự khi ngáp, hay là họ cho rằng tôi chỉ là một tên "cò ke lục chốt" không đáng quan tâm nên không cần phải làm thế. Thật là, "ở chốn nhân gian không thể hiểu..." (thơ Du Tử Lê).

Đại lộ Champs Elysees, là một nơi chốn gây cho tôi nhiều ấn tượng. Trong dòng người tấp nập kia, ngoài người Tây chiếm đa số, còn có người Trung Hoa, Nhật Bản, Ấn Độ và rất nhiều sắc dân khác, nhưng không hề thấy bóng dáng người Việt nào, ngoài đám chúng tôi. Còn có một sắc dân đặc biệt mà tôi thấy rất nhiều ở đây, đó là người Hồi giáo Bắc Phi. Đàn ông xứ này, ông nào cũng để râu, gương mặt khô cằn sỏi đá. Đàn bà lại có nước da trắng mai mái, khuôn mặt bầu bỉnh, mủi to, lông mày rậm đen, gương mặt có vẻ hiền hiền ngơ ngác. Hiện nay họ không được quyền bịt mặt khi ra đường, nhưng khăn trùm đầu thì bất biến. Họ mặc áo dài lụng thụng, không thấy eo co đồi núi chi hết. Theo tôi, (không biết có chủ quan hay không?) áo dài của họ không có chút thẩm mỹ nào cả, so với áo dài Việt Nam thì kém xa lắm.

Cuối đường Champs Elysees là Khải Hoàn Môn, một biểu tượng khác của nước Pháp. Tôi đã nói rồi mà, người Pháp rất "nghề" trong việc xây dựng biểu tượng quốc gia. Du khách tập trung nơi đây rất đông đảo, họ ngắm nhìn một ngọn lửa vĩnh cửu được đốt cháy suốt ngày  đêm, nhằm tưởng nhớ đến các Chiến sĩ Vô danh, đã nằm xuống cho sự vinh quang của nước Pháp. Trên tường phía trong Khải Hoàn Môn, có khắc rất nhiều tên danh nhân, tôi đọc mãi mà không biết một ai cả.

Sáng hôm sau, chúng tôi kéo nhau ra thăm khu Quận 13. Nói tới Cộng đồng người Việt tại Mỹ, người ta nói tới khu Little Saigon ở Nam Cali, khu Bellaire ở Texas, khu Eden ở Virginia... và khi nói tới người Việt tại Pháp người ta nói khu Quận 13 này đây. Ô kìa! sao khu vực này trông cũ kỹ lắm, các bảng hiêu được trình bày thiếu thẩm mỹ và có vẻ cẩu thả, nhìn chung khung cảnh trông có vẻ bề bộn và nhếch nhác.

Nơi đây không có chợ Việt Nam, mà chỉ có chợ Tàu tên là Tang Frere và Paris Store. Chúng tôi bước vào chợ Paris Store xem thử, khi vừa bước vào bên trong, một mùi hôi kỳ lạ xộc thẳng vào mủi, nhưng chỉ vài phút sau thì mùi hôi biến mất. Mùi gì nhỉ? Ngôi chợ cở trung bình, hàng hóa không phong phú cho lắm, nếu so với mấy ngôi chợ VN ở bên Mỹ thì còn kém xa, ngôi chợ này chẳng có gì hấp dẫn.

Chúng tôi đi dạo ra phía ngoài, và đi vào một khu mua bán nhỏ, cũng có tiệm vàng, tiệm cắt tóc, tiệm bán đồ trang trí trong nhà thuộc loại rẻ tiền, có gặp tiệm Paris By Night được lập ra từ lúc khởi đầu. Chúng tôi chỉ đi tới đó rồi trở ra, vì nhìn khung cảnh èo uột quá, không còn muốn đi xem nữa.

Cuối cùng chúng tôi kéo vào một nhà hàng Việt Nam, khách khứa ngồi nói chuyện ồn ào, có ông còn thản nhiên hút thuốc. Tôi gọi món phở để xem phở ở quận 13 ra sao. Các em, các cháu, kẻ thì gọi cơm sườn, đứa thì gọi cơm bò lúc lắc... Tô phở bưng ra tôi thấy mà hỡi ơi, tô phở khá lớn nhưng trên mặt để lèo tèo vài lát thịt bò, nước phở đục chứ không trong, gắp ăn vài đũa, tôi nghĩ tiệm này mà mở bên Cali chắc dẹp tiệm sớm. Giá tô phở lúc đó rất đắt, 9 Euro (tương đương với 12.5 đô Mỹ) Giá một dĩa cơm sườn còn cao hơn nữa lên đến 12 Euro, đứa em ăn vài muổng cơm sườn rồi bỏ ngang vì khó nuốt quá.

Thế đấy, chỉ là đi dạo "cưỡi ngựa xem hoa", cho nên không biết là tôi đã có nhận xét sai lầm hay không nữa? Nhưng cuối cùng đọng lại trong lòng tôi là khu quận 13 này làm tôi khá thất vọng (lời thật thường mích lòng, xin lỗi bà con bên Pháp vậy).

Rời khu quận 13, chúng tôi đến thăm cung điện Versailles, một cung điện khổng lồ, cực kỳ xa hoa tráng lệ, mà tôi chưa từng thấy bao giờ. Lạ thật, nước Pháp cái gì cũng nhỏ xíu nhưng cung điện thì lại to đùng. Tôi được biết ông vua Louis nào đó, đã vắt kiệt sức dân để xây nên cung điện này, cung điện to gấp hai lần Dinh Độc Lập của Sài Gòn và to hơn tòa Nhà Trắng của Tổng Thống Mỹ. Ông vua này chắc thuộc dòng họ "Nổ", nên đã xây dựng cung điện nhằm hù dọa và lấy le với các nước láng giềng. Cũng may trong Lịch sử Việt Nam không có ông vua nào như thế cả. Hầu hết các vị vua VN đều thương dân như con đẻ, "Dân chi Phụ Mẫu", nên họ không nỡ bóc lột mồ hôi và xương máu của dân, để xây nên những cung điện nguy nga như thế này.

Ngày hôm sau, chúng tôi từ giả Paris để đến thăm một người bạn thân hiện cư ngụ tại thành phố Strasbourg. Đường từ Paris đi Strasbourg dài 500 cây số, các em tôi phóng xe rất nhanh nên chỉ gần 4 tiếng là tới nơi. Khung cảnh 2 bên đường cũng giống y như hôm trước, cũng toàn là cánh đồng bất tận, không có chỗ nào bỏ hoang cả. Theo GPS xe chạy tới tòa chung cư nơi Thành bạn tôi ở. Một cậu em bước xuống đi dáo dát tìm chỗ đậu xe, bỗng nghe tít từ trên cao một giọng nói ồ ề vọng xuống:" Ê! ê!, có phải Việt Nam không?" Đám đầu đen chúng tôi biết đích thị là phe ta rồi. Tôi ùa ra khỏi xe và kêu lên mừng rỡ. Thành vội vàng chạy xuống, chỉ chỗ đậu xe, rồi hướng dẫn mọi người lên lầu bằng thang máy nhỏ tí, thang máy chứa tối đa được 4 người với điều kiện đi tay không, và phải đứng nghiêm thẳng đứng nếu không dễ chạm vào người bên cạnh.

Căn hộ nhà bạn tôi ở tít trên tầng 5, mỗi căn đều có một bảng đồng khắc tên chủ nhà. Lâu ngày gặp lại bạn sau 30 năm xa cách, thời gian thật kinh hãi, bạn bây giờ nhỏ rút lại trông gầy nhom, mặt mày nhăn nhúm như ông lão dầu chỉ ngoài 60. Thế hệ chúng tôi "cùng một lứa bên trời lận đận", đều bị phong ba bão táp cuộc đời, cho nên đều tàn tạ như vậy hết. Sau khi đi Tù Cải tạo về, bạn đi vượt biên, và qua Pháp định cư từ năm 1982, ở một chỗ duy nhất là Strasbourg.

Mọi người vào trong nhà, ngồi quây quần quanh cái bàn rộng trong phòng khách, nơi đây cũng có bàn thờ ông bà và một tủ sách nhỏ. Nhà có 4 phòng ngủ và một phòng khách nên được gọi là nhà F5 (tôi cũng không hiểu sao nữa) Thức ăn được chị Thành bày sẵn ê hề trên bàn, cũng có lẩu thập cẩm, vịt quay, mì xào dòn... Thành hứng chí nói cười huyên thiên, vẫn còn giọng nói của dân nhà binh ồn ào như lệnh vỡ, bia được rót tràn đầy cuộc hạnh ngộ nào mà không vui. Đường xa khiến chúng tôi mỏi mệt và đói bụng, nên xáp vô ăn uống tưng bừng.

Sáng hôm sau, Thành và cậu con trai út 19 tuổi, dẫn chúng tôi đi thăm Strasbourg. Bạn nói thành phố này sát biên giới với Đức, nên có lối kiến trúc giống hệt bên Đức (lạ nhỉ!) Chúng tôi lên thuyền chạy dọc trên sông để ngoạn cảnh thành phố, hai bên bờ sông là những ngôi nhà to lớn xinh đẹp, cảnh trí mơ màng lảng đảng. Ủa, sao thành phố gì vắng tanh vắng ngắt vậy cha? Bạn nói, nước Pháp vào cuối tuần, hầu hết đều đóng cửa, chợ búa chỉ mở cửa đến thứ bảy, chủ nhật cũng đóng luôn, chỉ còn có nhà hàng là mở cửa. Lạ nhỉ! bên Mỹ không có như thế đâu, làm việc quần quật từ ngày này sang ngày khác, "làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm" (câu này sao nghe quen quen!) Chúng tôi lại lên xe điện chạy vòng quanh, thành phố sạch bóng, cảnh trí rất đẹp, người và xe đi lại thưa thớt và chậm rãi nên không khí trông nhàn hạ và yên bình.

Chúng tôi trở lại nhà, ăn bửa cơm từ giả gia đình bạn tôi. Cuộc hạnh ngộ nào rồi cũng tới hồi kết thúc. Lần chia tay trước của chúng tôi kéo dài 30 năm, còn lần này.... không sao biết trước được, bởi lẽ dòng sông nào cũng trôi mãi miết theo lối riêng của mình.

Về lại Lyon, sáng hôm sau Dì đưa chúng tôi đi thăm viếng mấy ngôi chợ gần nhà, đi bộ cũng tới được. Có ngôi chợ Tây kề bên tên Carefour, nhìn bên ngoài thấy ngôi chợ rất đẹp và bề thế. Khi bước vào bên trong, tôi cảm thấy hình như chợ Tây lớn hơn chợ Mỹ. Ngoài khu thực phẩm, còn có hàng loạt cửa hàng bán đủ thứ nằm ở bên trong chợ. Người đi chợ tấp nập đông đúc hơn bên Mỹ. Đặc biệt là chỗ quầy bánh mì, quầy to lớn lắm, bán đủ loại bánh mì, phần lớn là bánh mì baguette. Loại bánh mì này tôi đã ăn liên tục mấy ngày qua, mùi vị rất thơm ngon, thơm ngon đến nỗi hình như tôi thấy chưa nơi nào có trên đất Mỹ. Không lẽ, người Pháp có bí quyết riêng để đặc chế ra loại bánh mì này hay sao? hay là lúa mì trồng trên đất Pháp mới tạo ra hương vị riêng cho loại bánh baguette này. Lạ một điều nữa, tôi thấy người Pháp thích ăn bánh mì hơn người Mỹ. Tôi đứng ở quầy bánh, thấy người ta mua bánh tấp nập. Còn bên Mỹ quầy bánh thưa thớt hơn nhiều. Trên đường đi, cứ đi một quãng  lại thấy có một tiệm bánh mì. Lạ thật !

Rời chợ Tây, chúng tôi đáo qua chợ Tàu cũng gần đó, chợ này cũng thuộc hế thống chợ Paris Store. Bước vào chợ tôi lại ngửi thấy mùi hôi đặc trưng, mà tôi đã ngửi thấy ở ngôi chợ trên Paris mấy hôm trước (tới bây giờ tôi cũng hiểu cái mùi gì, hay là một mùi hôi tổng hợp chăng?) Lần này tôi đi dạo quanh, và chú tâm quan sát kỹ lưỡng hơn. Tôi cầm bịch rau muống lên xem, rau muống được chuẩn bị sạch sẽ và cho vào bịch cẩn thận. Khi nhìn giá tiền tôi thấy khiếp hồn, 1Kg rau muống giá 11 Euro bằng 15 đô Mỹ bằng 300 ngàn tiền VN. Một củ sắn (củ đậu) giá 1.8 Euro. Nói chung thứ gì cũng mắc kinh khiếp. Tôi nhớ lại mấy ngày qua, tôi đã thấy một dĩa beef steak loại thường giá 18 Euro, xăng giá 1.5 Euro cho một lít bằng 2 đô cho một lít (hay 8 đô cho một gallon) Một cái áo pull Cá sấu giá từ 80 cho đến 110 Euro cho một cái. Với con mắt của người Mỹ, tôi không hiểu sao dân Pháp lại chịu đựng nổi những con số khủng khiếp như thế này.

Ôi ! nước Mỹ của tôi, về một phương diện khác (tôi thở dài!) cũng đâu có thua kém gì. Bà vợ tôi bị dao cắt sâu vào ngón tay, không cầm máu được, vội vàng chạy đến Phòng Cấp Cứu, chửa trị đâu khoảng 15 phút, tính tiền hóa đơn 1300 đô. Bạn tôi đi thông tim, không biết bằng kiểu gì, bịnh viện họ tính 40 ngàn đô. Người khác đi mổ sạn túi mật giá 45 ngàn đô. Những con số nghe cũng khiếp hồn không kém !

À ! té ra là thế, tôi hiểu rồi, "đi một ngày đàng học một sàn khôn" là đây. Nước Pháp đã đánh thuế thật nặng vào hàng hóa tiêu dùng, và ngay cả thực phẩm cũng phải chịu thuế cao chứ không free như ở Mỹ. Rồi Nhà Nước dùng số tiền đó chi dùng cho trợ cấp xã hội, đặc biệt nặng nề nhất là trợ cấp về y tế. Ở Mỹ các loại trợ cấp này cũng có nhưng không nhiều, mọi người phải tự bỏ tiền ra mua bảo hiểm y tế (mua hay là chết !) Nhưng ngược lại hàng hóa giá rẻ hơn bên Pháp rất nhiều, thực phẩm lại được miễn thuế. Được cái này mất cái kia, nhưng hình như tôi cảm thấy dân Mỹ thích cái "way" của nước họ hơn.

Sau nhiều ngày thăm viếng loáng thoáng nước Pháp, tôi "lờ mờ" có cảm tưởng rằng. Hình như người Việt ở Pháp, họ biết "enjoy" cuộc đời hơn người Việt ở Mỹ. Người dân chỉ làm việc có 35 giờ một tuần, cho nên họ có nhiều thời gian hơn để săn sóc gia đình của họ, và cũng có nhiều thời gian hơn để vui chơi giải trí, hay để sống cho chính bản thân mình. Cuối tuần họ í ới gọi nhau tụ họp lại, góp tay nấu nướng ăn uống với nhau, hay đánh bài, ca hát, khiêu vũ, xem phim... Một năm họ có đến 5 tuần vacation, thường thường gia đình mấy đứa em tôi, rủ nhau kéo về bờ biển ở miền Nam nước Pháp, thuê nhà ở sát biển, rồi hàng ngày đi câu cá, mò tôm, bắt ốc... sống hoang dã một vài tuần thiệt thoải mái. Cả hai vợ chồng nếu cùng đi làm, chỉ là công nhân bình thường thôi, cũng mua được nhà, được xe, cũng du lịch đó đây. Họ cũng than thở là bị nhà nước đánh thuế nặng quá, nên cũng không dư dả gì nhiều, nhưng bù lại họ không sợ gì cả khi phải ốm đau vào bịnh viện.

Có bữa chú em chở chúng tôi ra thăm một cái hồ rất lớn ở Lyon, vào dịp cuối tuần. Nơi đó quần tụ rất đông người, có thể lên đến cả ngàn người, phần lớn là người Việt-Miên-Lào. Họ tổ chức picnic từng nhóm với nhau. Họ nướng thịt, ăn uống, ca hát, chơi thẩy bi sắt, đánh bài, nhậu nhẹt, có người lại nằm võng đong đưa. Có người mang rau trái trong vườn đi bán dạo. Không khí rất nhàn nhã ung dung. Nhìn ngắm khung cảnh này một hồi, tôi chợt nghiệm ra rằng, người Việt tại Pháp có thể không có đời sống giàu có sung túc như ở Mỹ, nhưng họ cảm thấy sống như vậy là quá hạnh phúc rồi, bon chen kiếm tiền vất vả cuối cùng rồi cũng chẳng ích lợi gì, nếu không biết hưởng thụ cuộc sống. Tri túc, tiện túc, đãi túc, hà thời túc... biết đủ là đủ, chờ cái đủ đến, biết đến bao giờ.

Chào tạm biệt nước Pháp, mai kia những lầu đài cung điện, những khung cảnh nguy nga tráng lệ sẽ mờ dần đi. Nhưng những tấm lòng hiếu khách của người thân của bạn bè đã dành cho chúng tôi, sẽ còn mãi trong lòng.

 
Ngô Đình Châu

 

 

Ý kiến bạn đọc
23/04/201808:22:58
Khách
Lâu lắm mới được đọc một bài « viết về Nước Pháp » của tác giả sống bên Mỹ có cái nhìn khá chính xác về xứ Tây « cái gì cũng bé tý » so với Mỹ, ngoài cái thú ăn chơi hưởng đời to như cái đình.

Cảm ơn tác giả thật nhiều, xin gửi nụ hôn gió của Paris đến anh và gia quyến.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,076,400
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.