Trần Khải
Vậy là đầy nỗi lo... Trước tiên là chuyện Philippines đồng ý khai thác dầu Biển Đông chung với Trung Quốc... nghĩa là công nhận một phần chủ quyền lãnh thổ TQ ở Biển Đông, và đây sẽ là cớ cho tranh chấp của phía Việt Nam và Mã Lai suy yếu.
Bản tin INTERFAX hôm 19/4/2019 ghi rằng hai chính phủ Mã Lai và Việt Nam đã chỉ trích thương lượng của Trung Quốc và Philippines trên Biển Đông.
Phía TQ và Philippines đã chính thức, qua lời Ngoại Trưởng Alan Peter Cayetano của Philippines nói với báo Nikkei Asian Review về khai thác dầu và khí chung với TQ.
Bản tin INTERFAX nói rằng Mã Lai và VN lo ngại TQ sẽ ép họ hợp đồng khai thác tương tự như Philippines.
Trong khi đó, bản tin ABC của Úc châu ghi nhận rằng Hải quân TQ đã thách thức các tàu chiến Úc châu trên Biển Đông.
Nguồn tin Bộ quốc phòng Úc châu xác nhận là ba tàu chiến HMAS Anzac, HMAS Toowoomba và HMAS Success bị các tàu chiến TQ gây rối khi trên đường viếng thăm hải cảng Sài Gòn tuần qua.
Bản tin ABC không nói rõ “thách thức” thế nào cụ thể.
Trong khi đó, bản tin VOA nói rằng Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 19/4 nói các hoạt động của các bên liên quan ở Biển Đông không có sự đồng ý của Hà Nội là phi pháp trong khi Trung Quốc tuần này đã bắt đầu tiến hành các cuộc tập trận trên vùng biển có tranh chấp.
Thông tin này được người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng đưa ra tại một buổi họp báo thường kỳ hôm 19/4 sau khi được phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam về các diễn biến gần đây của Trung Quốc trên Biển Đông bao gồm các cuộc tập trận và việc đưa máy bay ra đảo đá Vành Khăn.
“Quan điểm của Việt Nam rất rõ ràng và nhất quán và mong muốn các quốc gia đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảo an ninh, an toàn, tự do hàng hải, hàng không ở biển Đông,” bà Hằng nói trong phần trả lời phóng viên đăng trên trang web chính thức của Bộ Ngoại giao.
VNExpress trích lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh rằng “các hoạt động của các bên liên quan ở Trường Sa và Hoàng Sa mà không có sự đồng ý của Việt Nam là hoàn toàn vô giá trị và bất hợp pháp.”
Phần nhấn mạnh này của bà Hằng tại buổi họp báo không được đăng tải trên trang web của Bộ Ngoại giao.
VOA ghi rằng Cục Hải sự Trung Quốc hôm 10/4 thông báo về cuộc tập trận ở 7 điểm khác nhau trên biển Đông, nơi Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đến 90% lãnh thổ với đường lưỡi bò 9 đoạn bị tòa trọng tài quốc tế ở La Haye bác bỏ trong một phán quyết ra tháng 7/2016.
Hôm 12/4, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì một lễ duyệt binh hải quân trên Biển Đông mà hãng tin Xinhua gọi là lớn nhất kể từ khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949. Tham gia cuộc tập trận gần đảo Hải Nam có hơn 10 ngàn binh sĩ cùng 48 chiến hạm và 76 chiến đấu cơ, trong đó có tàu sân bay Liêu Ninh và các tàu ngầm mới nhất.
Người phát ngôn của Bộ Quốc phòng Trung Quốc cho biết việc này nằm trong "hoạt động huấn luyện thường xuyên" và các hoạt động tập trận sẽ tiếp tục.
Việc diễn tập của Trung Quốc diễn ra không lâu sau khi Việt Nam phải ngừng hoạt động thăm dò dầu khí trên vùng biển mà Việt Nam cho là thuộc vùng đặc quyền kinh tế của mình nhưng nằm gần đường lưỡi bò 9 đoạn mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.
Tháng trước, các nguồn tin của Reuters và BBC cho biết Việt Nam đã yêu cầu công ty năng lượng Tây Ban Nha Repsol dừng các hoạt động thăm dò ngoài khơi của dự án Cá Rồng Đỏ (Red Emperor) dưới sức ép của Bắc Kinh. Tháng 7 năm ngoái, Việt Nam cũng được cho là đã phải dừng thăm dò dầu khí trong một dự án khác với Repsol theo yêu cầu của Trung Quốc.
Báo Daily Inquirer của Philippines hôm 18/4 công bố các hình ảnh cho thấy hai máy bay vận tải quân sự của Trung Quốc cất/hạ cánh trên đường băng của Đá Vành khăn, một thực thể mà Philippines tuyên bố thuộc chủ quyền của mình.
Vành Khăn là một trong số 7 đá thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam nói thuộc chủ quyền của mình “bị Trung Quốc bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo và xây dựng các công trình phi pháp,” theo VNExpress.
Trong khi đó, bản tin RFA ghi nhận Báo Thanh Niên hôm 19/4 cho biết cách đây vài ngày, phóng viên báo này tận mắt chứng kiến hàng chục tàu cá Trung Quốc các loại tập trung tại khu vực bãi đá Tư Nghĩa - một rạn san hô thuộc cụm đảo Sinh Tồn - thuộc quần đảo Trường Sa đang tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc và một số nước trong khu vực.
Báo Thanh Niên trích lời của một cán bộ trên đảo Sinh Tồn Đông cho biết số lượng tàu cá Trung Quốc xung quanh khu vực này đã tăng nhanh đột biến từ đầu năm đến nay, có lúc lên đến 40 – 50 chiếc, bao gồm cả tàu vũ trang giả dạng tàu cá.
Theo báo Thanh Niên, trong số các tàu cá, đặc biệt có hai tàu cá là tàu “Quỳnh Lăng Sa 18333” và “Jiang Cheng 18111” có tải trọng rất lớn so với các tàu cá thông thường và giàn cẩu tự hành khổng lồ phía sau. Phóng viên báo Thanh Niên cho rằng đây có thể là những tàu vận tải xây dựng đa chức năng.
Bãi Tư Nghĩa là bãi đá bị Trung Quốc chiếm đóng vào tháng 2/1988 và dựng nhà tạm để chốt giữ, sau đó xây nhà tạm thành nhà kiên cố với cầu cảng, lô cốt, ụ pháo và hệ thống thông tin liên lạc.
Cũng theo báo Thanh Niên, hiện nay Trung Quốc đã hoàn tất các cơ sở hạ tầng trên đá Tư Nghĩa, bao gồm một công trình nhà kiên cố 8 tầng cao gần 30 mét, tại 4 góc nhà của các tầng đều thiết kế lỗ bắn.
Trên nóc tòa nhà lắp 2 rada hàng hải và 2 ăngten parabol, ngoài ra còn có các thiết bị thông tin liên lạc, quan sát; rada điều khiển hỏa lực, kính ngắm quang học; 4 bệ pháo 30mm; 4 bệ pháo 76mm. Bên cạnh đó là các công trình khác như bãi đáp trực thăng, cầu cảng.
Trung Quốc là nước đòi chủ quyền đến 90% diện tích biển Đông. Các nước khác cũng đòi chủ quyền ở khu vực này bao gồm Việt Nam, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei.
Trong khi đó, bản tin RFI ghi rằng sau hai ngày tập trận hùng hậu tại Biển Đông (11 và 12/04/2018), Trung Quốc tiếp tục phô trương sức mạnh hải quân và răn đe trong cuộc tập trận bắn đạn thật diễn ra từ 8 giờ sáng đến nửa đêm 18/04/2018 tại eo biển Đài Loan.
Khi tổ chức tập trận bắn đạn thật ngay sát sườn Đài Loan, Trung Quốc bắn một mũi tên nhắm đến nhiều mục đích. Thực vậy, theo nhận định với CNN của nhà nghiên cứu Collin Koh, thuộc trung tâm An toàn Hàng hải Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam tại Singapore, «Trung Quốc muốn nhấn mạnh là Hải Quân nước này luôn sẵn sàng. Đây cũng là một thông điệp nhắc nhở Đài Loan đừng đi quá xa».
Đầy lo ngại, cực kỳ lo ngại.