Nguyễn Thanh Việt, nhà văn gốc Việt đầu tiên đoạt giải Pulitzer với tiểu thuyết The Sympathizer vừa có thêm sách mới, tập truyện ngắn The Refuggees. Truyện đầu trong tập này, Black-Eyed Women, viết về một hồn ma thuyền nhân, tị nạn.
Trong một cuộc trò truyện được ghi lại trên mạng văn chương diaCritics, nhà văn nói về chuyện sáng tác của ông: “Tôi viết truyện ngắn đầu tiên khi đang học trung học, và tất cả những gì tôi nhớ về truyện này là lời bình luận của giáo viên về “lời văn màu tím” của tôi. Tôi trở nên nghiêm túc hơn ở bậc đại học khi tôi theo học sêmina về phi hư cấu sáng tạo của Maxine Hong Kingston ở đại học Berkeley. Nhưng ở thời điểm tôi tốt nghiệp, tôi biết rằng tôi làm nghiên cứu khá hơn là viết văn sáng tạo, do đó tôi tiếp tục làm luận án tiến sĩ và viết truyện hư cấu trong thời gian rảnh. Tôi viết truyện ngắn vì tôi nghĩ chúng dễ viết hơn và tôi có thể hoàn thành chúng trong những khoảng thời gian tôi có. Nhưng hóa ra truyện ngắn khá khó viết, và tôi dành một hai thập kỷ để viết chúng, với sự chú tâm thực sự sau khi tôi được bổ nhiệm làm giáo sư. Thời gian sau khi được bổ nhiệm đó, khi tôi tập trung viết truyện ngắn (trong khi vẫn làm nghiên cứu khoa học), rất là khó khăn và đã rèn luyện cách viết, tính kiên trì và chịu đựng của tôi. Đó là một sự chuẩn bị tuyệt vời cho việc viết tiểu thuyết. Các truyện ngắn đó có nội dung về người tị nạn Việt Nam, những người họ bỏ lại phía sau hay từng gặp gỡ. Khi viết tiểu thuyết, tôi cảm thấy tôi không cần phải tiếp tục chủ đề đó. Hơn nữa, nhiều nhà văn đã xuất bản sách về họ, như Andrew và Aimee. Nên trong cuốn tiểu thuyết tôi tập trung vào chính cuộc chiến và hậu quả của nó. Lối viết cuốn tiểu thuyết hoàn toàn khác với các truyện ngắn, vốn chủ yếu theo mạch chủ nghĩa hiện thực chuẩn mực. Tôi nghĩ tôi có thể làm điều gì đó hoàn toàn khác biệt vì thể loại này bao quát hơn và tự nhiên hơn, và vì tôi đã viết theo kiểu hiện thực và không thực sự hài lòng với nó.”
Nguyễn Thanh Việt sinh năm 1971 tại Ban Mê Thuột trong một gia đình di cư từ Miền Bắc (Việt Nam) năm 1954. Anh di tản cùng gia đình tới Hoa Kỳ năm 1975.
Lớn lên tại San Jose, Nguyễn Thanh Việt học phổ thông tại Trường Phổ Thông St. Patrick và Trường dự bị đại học Bellarmine. Sau khi tốt nghiệp tại Bellarmine, anh theo học một thời gian ngắn tại Đại học California Riverside và UCLA trước khi lấy bằng Cử nhân Anh ngữ và Dân tộc học tại Đại học California, Berkeley tháng 5 năm 1992. Tháng 5 năm 1997 anh lấy bằng Tiến sĩ Anh ngữ cũng tại UC Berkeley rồi chuyển tới Đại học Nam California dạy tiếng Anh và môn Hoa Kỳ học trong vai trò trợ lý giáo sư. Năm 2003 anh trở thành Phó Giáo sư tại đại học này. Bên cạnh việc giảng dạy và sáng tác văn học, Nguyễn Thanh Việt còn là nhà phê bình cho tờ The Los Angeles Times.
Tiểu thuyết đầu tay của ông, The Sympathizer (Grove Press/Atlantic xuất bản năm 2015) đã giành Giải Pulitzer cho tác phẩm hư cấu năm 2016. The Sympathizer cũng giành nhiều giải thưởng khác như Giải Tiểu thuyết đầu tay của Center for Fiction hay Huy chương Carnegie cho Tiểu thuyết xuất sắc của Hiệp hội Thư viện Hoa Kỳ. Tác phẩm này cũng lọt vào vòng tuyển chọn cuối cùng của nhiều giải thưởng văn học khác, cũng như được đưa vào trên 30 danh sách "Sách của năm", trong đó có danh sách của The New York Times, The Guardian, The Wall Street Journal, Slate.com, Amazon.com và The Washington Post.
Vào tháng 10 năm 2017, tổ chức MacArthur Foundation đã trao tặng tiền tài trợ cho 24 nhân vật tài năng được xét là đã mang sự sáng tạo xuất sắc của họ tới những thách thức xã hội, các nơi và các cộng đồng đa dạng-- trong nhóm được trao giải tài trợ này, nhà văn Mỹ gốc Việt Nguyễn Thành Việt là một trong 24 người được trao tiền mặt tới $625,000 mỗi người trong 5 năm để họ tiếp tục tập trung làm việc trong lĩnh vực của họ.
Tập truyện The Refugees - Người Tỵ Nạn do nhà xuất bản Corsiar phát hành vào đúng thời điểm tại Hoa Kỳ, Tổng thống Trump đang xiết chặt việc tị nạn vào Mỹ. The Refugess gồm những câu chuyện lặng lẽ, phản ảnh những kinh nghiệm tị nạn gây xúc động của người Việt.
Truyện ngắn được nhắc tới nhiều nhất trong tập The Refugees là Back-Eyed Women. Người kể chuyện là một cô gốc Việt tị nạn làm nghề viết mướn kiểu Mỹ, gost writer / tác giả ma, kể chuyện cô gặp hồn ma thuyền nhân: “Mưa đã tạnh nhưng người anh ướt sũng. Tôi nghe mùi biển từ anh, và khủng khiếp hơn nữa, cái mùi xú uế trên chiếc ghe ngập ngụa mồ hôi và tiêu tiểu. Tôi run lên khi anh gọi tên mình, nhưng đây là hồn ma của một người mà tôi yêu quý, người tôi không bao giờ làm hại, của một con ma mà, như Má hay nói, sẽ không bao giờ hãm hại tôi. "Vô đi," tôi lắp bắp ..."
Mời đọc trang bên, bản dịch của Ian Bùi, truyện Những Người Đàn Bà Mắt Đen, trích đăng lại từ trang báo mạng Tiền Vệ. Dịch giả cho biết khi địch chuyện này, có lúc ông thấy mình như bị ma nhập.
. . .
Nguyễn Thanh Việt
Ian Bùi dịch từ nguyên tác Black-Eyed Women
truyện ngắn đầu tiên trong The Refugees
Tiếng tăm, loại mà người bình thường ít ai mong có, thường ập đến một cách bất ngờ khi vì bị bắt cóc giam cầm nhiều năm, lúc vì dính phải xì-căng-đan lăng nhăng tình ái, hoặc nhờ thoát chết trong đường tơ kẽ tóc. Nhiều người sống sót sau mấy tình huống như vậy hay kiếm văn sĩ ma để viết hồi ký giùm mình. Những nhân viên agent đại diện cho họ thỉnh thoảng tìm thấy tên tôi. Một lần nọ Má bảo, "Cũng may tên tuổi con ít ai biết tới." Khi tôi trả lời mình sẽ không phiền lòng nếu được nêu danh trong mục cảm tạ, bà nói, "Để Má kể con nghe chuyện này." Đó là lần đầu, nhưng không là lần cuối. "Hồi xưa ở bên nhà," Má nói, "có tay phóng viên nọ hay tố cáo chính quyền việc tra tấn tù nhân. Thế là nhà nước quay lại làm đúng điều đó với hắn. Họ đem anh ta đi đâu không ai biết, mất biệt luôn tới giờ. Đó là số phận những người viết có can đảm đề tên mình lên sách báo."
Khi ông Victor Devoto thuê tôi, tôi đã chấp nhận thân phận một kẻ viết mướn không bao giờ được thấy tên mình trên bìa sách. Agent của Victor đưa cho ông ta coi một cuốn sách do tôi chấp bút. "Tác giả" quyển sách ấy là một người cha có đứa con một hôm xách súng vào trường, nã đạn giết chết mấy người. "Tôi hiểu mặc cảm tội lỗi của ông ta," Victor nói với tôi. Bản thân ông là người duy nhất sống sót trong một tai nạn máy bay. 170 người kia, luôn cả vợ con ông, đều chết hết. Phần người còn lại của ông thường hay xuất hiện trên các chương trình TV, một cái xác biết đi không hơn kém. Giọng nói của ông nhỏ nhẹ và đơn điệu. Đôi mắt, khi bất chợt nhìn lên, như chứa đựng những hình bóng thê lương. Nhàxuất bản cho ông hay phải viết xong quyển sách thật nhanh, trước khi thảm kịch trôi vào quên lãng. Và đó là công việc mà tôi đang dồn hết tâm trí vào khi người anh đã chết của tôi bỗng dưng trở về.
Má đánh thức tôi dậy, bên ngoài trời tối om, "Con đừng có sợ."
Cửa phòng tôi mở toang hoang, đèn từ hàng lang làm tôi chói mắt, "Chuyện gì mà con phải sợ?"
Khi Má nói tên anh, tôi không nghĩ đến anh. Anh mất lâu lắm rồi. Tôi nhắm mắt lại và trả lời mình không biết người nào có tên đó, nhưng Má quả quyết. "Nó về thăm Má con mình," bà lật chăn khỏi người kéo tôi ra. Tôi miễn cưỡng trèo xuống giường, mắt nhắm mắt mở. Má tôi năm ấy mới sáu mươi ba, chưa lú lẫn lắm. Bà dắt tôi ra phòng khách rồi bật khóc, tôi không hề ngạc nhiên. "Nó mới ngay đây," bà quỳ xuống bên cạnh chiếc ghế bành, sờ soạng tấm thảm. "Còn ướt nè." Trong bộ đồ ngủ, Má tôi bò lần theo vệt ẩm ra tới cửa trước. Tôi chạm tay lên thảm, thấy ươn ướt. Giật mình trong tích tắc, tôi chợt nghĩ biết đâu có thật. Im ắng bao trùm căn nhà lúc bốn giờ sáng, dự báo điềm gì không hay. Nhưng rồi tôi nghe có tiếng mưa trên máng xối. Cần cổ tôi nãy giờ cứng ngắc vì sợ từ từ giãn ra. Chắc là Má vừa mở cửa ra ngoài, mắc mưa, rồi đi chân ướt vào nhà. Tôi quỳ xuống bên Má đang cúi gập người trên thảm, tay còn đang bám chặt nắm cửa, "Má chỉ giỏi tưởng tượng."
"Má biết Má thấy gì mà. Nó đi qua đi lại. Nó nói chuyện. Nó nói nó muốn gặp con."
"Vậy ảnh đâu rồi hả Má? Con có thấy ai đâu!"
"Làm sao con thấy được," Má thở dài, như thể tôi quá đần độn để hiểu một điều hết sức hiển nhiên. "Nó là ma mà, đúng không?"
*
Từ khi Ba mất cách đây vài năm, hai má con tôi sống chung một cách lịch sự. Chúng tôi chia sẻ niềm đam mê chữ nghĩa, nhưng tôi thì thích sự im lặng của nghề viết, còn Má tôi lại thích nói. Bà không ngừng tiếp cho tôi những lời đồn đãi, những câu chuyện về một người cha mà tôi không hề biết, lúc ông còn vui vẻ trẻ trung. Kế đến là những chuyện kinh khiếp, giống chuyện người phóng viên nọ, ví chừng đời sống là hệ thống cảnh sát, thỉnh thoảng nó lại nổi hứng đánh đập người ta. Và cuối cùng là loại chuyện Má tôi thích nhất chuyện ma, có chuyện chính mắt bà thấy.
"Bà Sáu bị đột quỵ mất năm 76 tuổi," Má tôi kể một hay hai ba lần gì đó, tôi không nhớ vì bà có thói quen lặp đi lặp lại. Mà tôi cũng ít để tâm những câu chuyện Má tôi hay kể. "Bà ở Vũng Tàu, còn nhà mình ở Nha Trang. Má đang dọn cơm ra bàn bỗng thấy Bà Sáu ngồi thù lù trong bộ áo ngủ. Mái tóc bạc trắng mà Bà hay búi lên xoã xuống dưới vai, che nửa bên mặt. Xém chút nữa Má làm đổ hết chén dĩa. Má hỏi Bà làm gì đây vậy, Bà chỉ mỉm cười. Xong Bà đứng dậy, hôn Má rồi xoay người Má vô bếp. Lúc Má quay lại thì Bà đã đi mất. Đó là hồn ma của Bà. Má gọi liền cho Ông Sáu, ông nói đúng là Bà vừa mới mất bữa đó, trên giường."
Bà Sáu ra đi nhẹ nhàng thanh thản, Má nói, ngay trong nhà của mình với người thân bên cạnh. Hồn bà bay đi khắp nơi chia tay với bà con. Má tôi nhắc lại chuyện Bà Sáu vào buổi sáng, sau cái đêm bà thấy con trai bà, anh tôi, hiện về. Hai Má con tôi ngồi trong bếp, bên chiếc bàn ăn. Tôi pha cho Má ấm trà xanh. Mặc dù bị phản đối dữ dội, tôi nhất định đo nhiệt độ cho Má, và như bà báo trước, kết quả bình thường. Quơ quơ cái ống nhiệt kế trước mặt tôi, Má nói có lẽ vì mệt nên anh tôi không ở lâu được. Dù gì thì thằng con của bà cũng đã phải vượt mấy ngàn dặm trường.
"Vậy ảnh tới đây bằng cách nào?"
"Thì bơi chớ sao," Má nhìn tôi bằng cặp mắt thương hại. "Tại vậy nên nó mới ướt chèm nhẹp đó."
"Ảnh bơi giỏi ghê hén," tôi đùa. "Má thấy ảnh sao?"
"Y chang như hồi đó."
"Hăm lăm năm rồi. Bộ ảnh không thay đổi gì hết à?"
"Lần cuối mình thấy người ta ra sao thì giờ mình sẽ thấy họ y vậy."
Tôi nhớ lại hình ảnh cuối cùng của anh, bỗng dưng tôi không còn thấy mắc cười nữa. Nét mặt sửng sốt, cặp mắt trợn trừng không chớp, mảnh ván gãy của chiếc ghe áp sát vào má tôi thật tình không muốn nhìn thấy anh tôi lần nữa, giả dụ như vẫn còn cái gì đó, hay ai đó, để mà nhìn. Sau khi Má lái xe ra tiệm nail đi làm, tôi leo lên giường cố ngủ lại nhưng không tài nào chợp mắt. Mỗi lần nhắm mắt lại là tôi thấy anh nhìn mình trừng trừng. Tôi chợt nhớ đã mấy tháng mình không nghĩ đến anh. Nhiều lần tôi đã cố quên anh, nhưng chỉ cần rẽ một khúc quanh trong thế giới này, hay là trong tâm tưởng, là tôi bắt gặp anh, người bạn thân nhất đời mình. Trong ký ức sâu thẳm nhất của tôi đã có tiếng anh gọi từ sân ngoài. Chỉ cần nghe nhiêu đó là tôi nhào ra, chạy ù theo anh qua những con đường làng ngóc ngách, xuyên những vườn xoài vườn mít, né mấy thân dừa tàu lá xác xơ, leo lên con đê dựa lưng cánh đồng đầy hố bom lồi lõm.
Nhưng giờ nhìn lại tôi mới thấy, tuổi thơ của mình đã sống trên một mảnh đất bị ma ám. Ba tôi bị bắt đi quân dịch, cả nhà lo sẽ chẳng bao giờ gặp lại ông. Trước khi lên đường nhập ngũ ông cho đào một căn hầm bên hông nhà, mái lợp chống bằng gỗ và bao cát tấn chung quanh. Nó ngộp, nóng, hăng mùi đất ẩm và đầy côn trùng lổm ngổm, nhưng lúc còn bé hai anh em tôi rất thích trốn vào đó chơi. Lớn hơn một chút, tụi tôi hay chui xuống hầm để học bài và kể chuyện cho nhau nghe. Tôi là đứa học trò giỏi nhất lớp, đủ để thâày giáo dạy thêm cho tôi tiếng Anh sau giờ học, và tôi truyền lại cho anh tôi những bài học đó. Bù lại, anh kể tôi nghe những truyện dân gian, chuyện thần thoại, ba tin đồn vớ vẩn. Những khi chúng tôi phải núp trong hầm với Má để tránh oanh tạc hay pháo kích, anh thường thủ thỉ rót chuyện ma vào tai tôi để tôi chia trí. Nhưng anh bảo đó không phải là chuyện ma, mà là những điều tai nghe mắt thấy của mấy bà già ngoài chợ chuyên canh củi lửa hoặc buôn gánh bán bưng, họ ngồi chồm hổm nhai trầu rồi nhổ nước bọt đỏ choé. Cư dân chính thức trong làng, theo lời họ kể, có nửa thân trên của một anh trung uý Đại Hàn được phóng đi bằng một quả mìn, văng dính lên cây cao su; có anh lính Mỹ đen bị lột da đầu trôi trên con rạch gần chỗ chiếc trực thăng của anh ta bị bắn rớt, cặp mắt trắng dã, chiếc sọ hình bán nguyệt lòi óc phêu phếu dưới trăng; một anh binh nhì người Nhật không đầu, sục sạo hằng đêm trên giồng khoai mì để kiếm cái đầu của mình. Mấy thằng xâm lược đến chinh phục nước ta rồi ở lại luôn không chịu hồi hương, mấy bà già trầu vừa kể vừa cười khanh khách, khoe bộ răng đen nhánh. Anh thuật lại như vậy. Trong bầu không khí ảm đạm lúc ấy tôi sướng tê người vì được nghe những mẩu chuyện đến từ những người đàn bà với cặp mắt đen láy. Tôi cũng lờ mờ đoán rằng mình sẽ không bao giờ kể được những câu chuyện như thế.
*
Thế nhưng, có phải trớ trêu là tôi lại sống bằng nghề tác giả ma? Tôi nằm trên giường giữa thanh thiên bạch nhật, vắt tay lên trán tự chất vấn mình, nhưng những người đàn bà răng đen mắt đen kia lại nghe được. Cái mà cô đang có gọi là cuộc sống được à? Họ cười khùng khục qua kẽ răng. Tôi kéo chăn trùm lên tận mũi, như hồi mới qua Mỹ vẫn hay làm vì sợ mấy con quái vật đang rình rập ngoài hành lang và xung quanh nhà. Mỗi khi có tiếng gõ cửa Ba Má phải núp sau rèm nhìn ra xem là ai, sợ nhất là đám thanh niên đồng hương, lớn lên trong bạo lực chiến tranh, kéo tới quấy phá. "Không được mở cửa nếu thấy người lạ," Má dặn tới dặn lui. "Đừng để như gia đình nọ, bọn cướp mang súng xông vào trói ké. Tụi nó lấy đầu thuốc lá dí đốt thằng bé cho tới khi bà mẹ chịu khai chỗ giấu tiền mới thôi." Tuổi mới lớn của tôi đầy dẫy những chuyện đau lòng giống vậy, chúng càng làm cho tôi tin lời Má, rằng gia đình mình không được chấp nhận ở cái xứ này. Trong một đất nước mà của cải là tất cả, chúng tôi chả có gì ngoài những câu chuyện.
Khi tôi nghe tiếng gõ cửa thì trời bên ngoài đã tối. Đồng hồ trên tay chỉ 6:35. Tiếng gõ tiếp tục, ngập ngừng, nhè nhẹ. Dù không muốn tin chính mình nhưng tôi vẫn biết đó là ai. Tôi đã khoá chặt cửa từ trước để đề phòng, giờ thì tôi kéo chăn lên trùm đầu kín mít, tim tôi đập mạnh. Tôi vận dụng hết trí lực để đuổi người ấy đi, nhưng khi cánh cửa rung lên bần bật tôi biết đã đến lúc phải ngồi dậy. Những sợi lông măng trên người tôi dựng đứng, mắt tôi mở to nhìn nắm cửa rung rinh dưới sức mạnh của bàn tay anh. Sực nhớ anh đã liều mạng cứu mình, tôi không thể nào không ra mở cửa.
Mặt anh trắng nhách, hơi bị phù, da ngăm đen, đầu tóc lưa thưa. Anh mặc quần đùi đen và cái áo thun xám nhàu nát, tay chân xương xẩu khẳng khiu. Lần cuối tôi thấy anh, anh cao hơn tôi một cái đầu; giờ thì ngược lại. Anh gọi tên tôi, giọng anh khàn đục không giống chất giọng thanh tao thời mới lớn. Nhưng đôi mắt vẫn vậy, tò mò, và cặp môi hở ra như lúc nào cũng sẵn sàng bắt chuyện. Một vết bầm tím sẫm đen loang loáng bên thái dương, nhưng vệt máu như tôi vẫn nhớ thì không còn nữa, có lẽ nó đã được rửa sạch bởi bão mưa và nước mặn. Mưa đã tạnh nhưng người anh ướt sũng. Tôi nghe mùi biển từ anh, và khủng khiếp hơn nữa, cái mùi xú uế trên chiếc ghe ngập ngụa mồ hôi và tiêu tiểu.
Tôi run lên khi anh gọi tên mình, nhưng đây là hồn ma của một người mà tôi yêu quý, người tôi không bao giờ làm hại, của một con ma mà, như Má hay nói, sẽ không bao giờ hãm hại tôi. "Vô đi," tôi lắp bắp và cảm thấy đó là câu nói can đảm nhất của mình. Anh đứng yên, nhìn xuống tấm thảm bị nhễu đầy nước. Khi tôi đưa cho anh cái áo thun sạch và cái quần short cùng với chiếc khăn, anh ngần ngừ chờ tôi quay mặt đi để anh thay đồ. Đây là bộ đồ nhỏ nhất của tôi nhưng nó vẫn quá khổ đối với anh. Quần short thì dài tới đầu gối, áo thun rộng thùng thình. Tôi ra dấu kêu anh vào, lần này thì anh làm theo, leo ngồi lên chiếc giường bùi nhùi chăn gối. Anh tránh nhìn vào mắt tôi, có vẻ như anh sợ tôi hơn là tôi sợ anh. Anh vẫn là một cậu bé mười lăm tuổi nhưng tôi thì đã ba mươi tám, không còn là một con bé nghịch ngợm, sung sức chỉ thích nói chuyện khi cần như khi tôi phỏng vấn ông Victor chẳng hạn. Làm một nhà văn, dù chỉ hạng ba hay hạng tư, phải rành những câu lịch sự tối thiểu mà tôi đây dư sức. Nhưng nói gì đây với một hồn ma, ngoại trừ hỏi tại sao nó đến? Có lẽ vì sợ nghe câu trả lời đó nên tôi hỏi né, "Sao bây giờ anh mới tới?"
Anh nhìn xuống đôi chân của tôi, mười móng chân trần không sơn phết. Chắc anh cảm nhận được tôi không có khiếu với trẻ con. Thiên chức làm mẹ đòi hỏi nơi tôi một sự thân mật vượt ngoài khả năng, chẳng khác nào cuộc tình dài hơn một đêm.
"Anh phải bơi một quãng xa như vậy, chắc tốn thì giờ lắm hả?"
"Ừ." Miệng anh vẫn mở, như còn muốn nói thêm nhưng không biết nói gì hoặc nói bằng cách nào. Biết đâu chuyện anh hiện hồn về là hệ quả đầu tiên của điều mà Má thường gọi là cái nhân tánh bất bình thường của tôi, độc thân và không con cái. Biết đâu anh không phải là sản phẩm của trí tưởng tượng tôi mà là triệu chứng của một điềm gở. Như căn bệnh ung thư của Ba tôi chẳng hạn. Cái chết của ông cũng khá tốt, Má nói vậy. Ông mất tại gia, với người thân tề tựu, không như cái chết của đứa con trai bà và, xém chút nữa, của tôi. Cơn hốt hoảng trào lên từ đáy giếng sâu bao lâu nay tôi tưởng mình đã đổ xi-măng lên bít kín. May hồn, tôi thở phào nhẹ nhõm khi nghe tiếng cửa trước xịch mở. "Má sẽ muốn gặp anh," tôi bảo. "Anh chờ ngay đây, em quay lại liền."
*
Vài tháng sau đó cuốn hồi ký của Victor ra đời và bán khá chạy. Giới phê bình dành nhiều lời khen tặng. Tên tôi không xuất hiện bất cứ nơi nào trong sách, nhưng tiếng tăm nhỏ bé của tôi cũng vang thêm được một chút trong cái bóng khuất của giới xuất bản sách. Người agent đại diện gọi điện thoại, cho hay cô ta vừa kiếm được cho tôi một mối mới còn bộn bạc hơn, hồi ký một anh binh sĩ bị mất hai tay hai chân vì tháo gỡ mìn. Nhưng tôi từ chối. Tôi đang bận viết một tác phẩm cho chính mình.
"Chuyện ma hả?" Cô ta hỏi, giọng phấn khích. "Tôi có thể lăng-xê chuyện ma. Ai cũng thích bị nhát."
Tôi không muốn nói với cô ta là tôi không có ý định làm cho người sống phải khiếp sợ. Không phải ma nào cũng rắp tâm trả thù hay gây rối. Ma của tôi là những vong linh hiền lành ít nói như anh tôi, là các linh khí u uẩn hiện về trong các câu chuyện của Má tôi. Chính Má, chuyên gia về ma, đã báo cho tôi hay là anh sẽ không trở lại. Lúc tôi quay sang bên cạnh để lấy hộp khăn giấy, anh biến mất, để lại một vệt lõm lành lạnh trên sofa. Tôi lên lầu đánh thức Má dậy. Sau khi bắc ấm nước nấu trà, Má ngồi vào bàn nghe tôi kể chuyện anh về. Sau bao nhiêu năm khóc cho đứa con trai, lần này mắt Má ráo hoảnh.
"Con biết nó đi luôn rồi phải không? Nó chỉ về để nói hết những gì nó muốn nói."
Ấm nước bắt đầu sôi, hơi nước thở phì phì qua cái lỗ mũi sắt.
"Má," tôi trả lời. "Con chưa nói hết những gì con muốn nói."
Má tôi, người đã không tránh chú mục vào đứa con gái của bà lúc trên ghe, giờ lại quay đầu nhìn sang hướng khác. Trong số những chuyện ma Má thuộc nằm lòng, có một câu chuyện bà không bao giờ muốn kể, một loại khách bà không bao giờ muốn mời. Nhưng họ đang tựu về trong bếp. Hồn ma của thuyền nhân, của hải tặc, của chiếc ghe lúc nào cũng nhìn chúng tôi bằng cặp mắt không bao giờ khép, và của đứa con gái trong tôi những hồn ma duy nhất mà Má tôi sợ.
"Kể chuyện nữa đi Má," tôi nói. "Con đang muốn nghe."
Y như rằng, Má đào ra chuyện hết sức dễ dàng. "Ngày xưa có một người đàn bà," Má bắt đầu kể, "yêu chồng tha thiết. Chồng bà là một quân nhân bị mất tích sau một điệp vụ sâu trong lòng địch. Bản báo cáo nói anh ta đã tử trận; bà nhất định không tin. Chiến tranh chấm dứt, bà di cư sang
đây và tái giá sau vài chục năm chờ đợi. Bà sống rất hạnh phúc, cho đến một hôm người chồng cũ trở về từ cõi chết, ông ta được thả ra từ một trại tù tối mật sau ba mươi năm khổ ải." Để chứng minh, Má đưa tôi xem một trang báo cách đây nhiều năm, có hình hai người gặp lại nhau ở phi trường. Họ không nhìn vào mắt nhau. Trông họ rụt rè, ê chề, không thoải mái tự nhiên. Nhiều bạn bè và phóng viên vây quanh, nhưng chẳng ai nhận ra giữa cuộc tái ngộ thê lương này là hai con ma, hai cái bóng hoen ố của những con người đẹp đẽ một thời.
"Mấy chuyện kiểu vầy thiếu gì," Má vừa nói vừa rót trà vào tách cho tôi. Buổi gọi hồn hôm đó đã thành thông lệ mỗi tối của hai má con tôi, một bà già và một bà chưa già nhưng cũng sắp già. "Ghi chép làm chi cho mệt vậy?"
"Con không làm thì ai làm?" Tôi trả lời, quyển tập trên đùi, viết mực sẵn sàng.
"Đúng là văn sĩ," Má lắc đầu, nhưng tôi biết trong bụng bà vui. "Ít ra con không phải đặt điều như mọi khi."
Những câu chuyện đôi khi đến với tôi như vậy, qua Má. "Để Má kể con nghe chuyện này," bà vẫn nói, một hay hai ba lần gì đó. Nhưng thường thường là do tôi đi săn lùng những hồn ma. Họ lai vãng trong cõi người ta cũng như ta vãng lai đến thế giới của họ. Là vật thể yếu ớt xanh xao, họ sợ ta hơn ta sợ họ. Cho nên họ khi ẩn khi hiện khó thấy, ta phải bỏ công truy tìm. Trên bàn viết của tôi có một chiếc quần cộc đen cũ mèm và một cái áo thun xám sờn rách nhưng sạch sẽ, thẳng thớm. Chúng là lá bùa nhắc nhở tôi rằng Má nói đúng. Truyện chỉ là hư cấu không hơn kém. Ta đi tìm truyện trong một thế giới song phương, xong bỏ chúng lại đây cho người khác chứng nghiệm, như y phục trút bỏ bởi hồn ma.
Nguyễn Thanh Việt
Minh họa Ann Phong