Trần Khải
Vậy là có thê có thêm sức mạnh cho khối ASEAN... vì Úc châu suy tính gia nhập khối này. Nghĩa là, thêm quân lực cho ASEAN.
Câu hỏi nên nêu ra: có thể ASEAN mời thêm Nhật Bản gia nhập Khối ASEAN?
Bản tin VOA kể rằng Indonesia đã vận động các nước Đông Nam Á tiến hành tuần tra hàng hải trong vùng biển Biển Đông có tranh chấp để cải thiện an ninh, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Ryamizard Ryacudu nói hôm thứ Sáu.
Indonesia nói họ không phải là nước có tuyên bố chủ quyền trong tranh chấp Biển Đông nhưng đã đụng độ với Trung Quốc về quyền đánh bắt quanh quần đảo Natuna, và đã mở rộng sự hiện diện quân sự của mình ở đó. Indonesia cũng đã đổi tên phần rìa phía bắc vùng đặc quyền kinh tế, khẳng định tuyên bố lãnh hải của chính mình.
Bộ trưởng Ngoại giao Úc Julie Bishop và Bộ trưởng Quốc phòng Úc Marise Payne đã hội đàm với hai vị tương nhiệm của Indonesia là Retno Marsudi và Ryacudu tại Sydney, trước một hội nghị thượng đỉnh của Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Úc là nước chủ trì hội nghị này, mặc dù không phải là một thành viên của khối, trong khi nước này đang tìm cách thắt chặt quan hệ chính trị và thương mại trong khu vực giữa ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc.
Trong khi đó, bản tin RFI ghi nhận: Indonesia gợi ý Úc gia nhập ASEAN, Canberra tỏ ý sẵn sàng...
Trước cuộc gặp thượng đỉnh ASEAN-Úc, ngày 15/03/2018, tổng thống Indonesia Joko Widodo tỏ ý ủng hộ việc Úc có thể gia nhập Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á. Thủ tướng Úc cho biết sẵn sàng thảo luận vấn đề trên.
Trả lời phỏng vấn hãng tin Úc Fairfax Media về khả năng Canberra gia nhập khối ASEAN, tổng thống Joko Widodo cho biết ông ủng hộ ý tưởng đó, bởi vì theo ông, điều này sẽ làm tình hình khu vực trở nên «ổn định về chính trị cũng như về kinh tế hơn».
Trong cuộc họp báo ngày 16/03 tại Sydney, thủ tướng Úc Malcolm Turbull đã tuyên bố: «Tôi đang nóng lòng được trao đổi với tổng thống Joko Widodo về đề xuất của ông… chúng tôi đang chờ được mời». Thủ tướng Turbull nói thêm là Úc luôn trân trọng vai trò của ASEAN trong khu vực.
Thủ tướng Malcolm Turnbull nhấn mạnh sự kiện thượng đỉnh Úc-ASEAN đánh dấu một giai đoạn mới trong mối quan hệ giữa Canberra và các nước ASEAN. Cuộc gặp thượng đỉnh Úc-ASEAN diễn ra trong bối cảnh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đang bị chia rẽ do Bắc Kinh tìm cách mở rộng ảnh hưởng trong khu vực.
Giới quan sát nhận thấy gần đây Bắc Kinh tìm cách dùng lá bài kinh tế, đầu tư ồ ạt vào các nước như Lào, Cam Bốt, Philippines và Malaysia để trói buộc, gây áp lực các nước trên trong những quyết định của khối có liên quan đến Bắc Kinh.
RFI cũng ghi rằng:
“Có vị trí địa lý liền kề khu vực Đông Nam Á và ở giữa Thái Bình Dương, Úc không phải một thành viên chính thức của ASEAN, song luôn đóng vai trò quan trọng như là một đối tác chiến lược của khu vực và thường xuyên tham dự các cuộc họp của khối này. ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Úc.”
Trong khi đó, RFA kể chuyện ngư nghiệp Biển Đông: Hợp tác nghề cá tại Biển Đông” là nội dung của Đối thoại biển lần thứ 2 diễn ra hôm 15 tháng 3 năm 2018 tại Hà Nội.
Theo các chuyên gia tại buổi đối thoại, Biển Đông là một trong những vùng biển giàu tài nguyên nhất thế giới, nhưng các nguồn tài nguyên đang cạn kiệt nhanh chóng, do đó cần phải hợp tác để bảo vệ nguồn thủy sản.
Phát biểu khai mạc buổi đối thoại, tiến sĩ Lê Hải Bình, Phó Giám đốc Học viện Ngoại giao Việt Nam cho biết, nghề cá tại Biển Đông mang lại nhiều lợi ích không chỉ về mặt kinh tế, mà còn góp phần ổn định kinh tế-xã hội, đảm bảo đời sống mưu sinh cho hàng trăm triệu người dân ven biển ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trước thực tế đánh bắt cá quá mức, trái phép và việc ngư dân sử dụng những phương thức đánh cá gây huỷ diệt môi trường biển, các quốc gia tại Biển Đông phải có trách nhiệm trong việc khai thác nghề cá bền vững và bảo vệ môi trường sinh thái biển.
Trong khi đó, bản tin Sputnik dẫn ra bản tin Bloomberg và Tuổi Trẻ, cho biết rằng “Tin tặc Trung Quốc điên cuồng săn ‘thông tin Biển Đông’ từ Mỹ.”
Nguồn tin từ một công ty an ninh mạng tiết lộ tin tặc Trung Quốc gần đây tấn công liên tục nhằm vào các văn phòng chính phủ, công ty quốc phòng… của Mỹ hòng lấy các thông tin liên quan tới vấn đề Biển Đông.
Các tin tặc Trung Quốc thời gian qua đã liên tục tấn công nhằm vào các công ty công nghệ và quốc phòng của Mỹ có liên quan tới tranh chấp chủ quyền ở biển Đông, theo hãng tin Bloomberg.
Thông tin này được công ty an ninh mạng FireEye có trụ sở tại California (Mỹ) tiết lộ ngày 16-3. Theo FireEye, nhóm tin tặc Trung Quốc này có tên TEMP.Periscope, dường như đang moi móc các thông tin có lợi cho chính phủ Trung Quốc.
Ông Fred Plan — nhà phân tích cao cấp tại FireEye, cho biết các tin tặc Trung Quốc tập trung lực lượng tấn công vào các cơ quan hàng hải của Mỹ. Những cơ quan này hoặc có liên quan tới Biển Đông hoặc có khách hàng đang hoạt động ở Biển Đông.
Bản tin ghi lời ông Plan: "Họ truy tìm các dữ liệu có thể được sử dụng cho mục đích chiến lược. Do đó, dạng tin tặc này có liên quan tới gián điệp nhà nước. Một công ty tư nhân có lẽ sẽ không thu được lợi lộc gì từ loại dữ liệu bị đánh cắp."
Và thêm:
“Vị này cho biết các tin tặc nhóm TEMP.Periscope đã tìm kiếm các thông tin thuộc loại như tầm hoạt động của radar, hay một hệ thống (đang trong quá trình được phát triển) có thể phát hiện hoạt động trên biển chính xác bao nhiêu.”
Có vẻ như, đường nào cũng sóng gió Biển Đông vậy.