Hội AH Quảng Ngãi Tưng Bừng Mừng Tân Xuân Mậu Tuất 2018.
Lê Bình
Trong không khí đón Xuân Mậu Tuất, Hội AH Quảng Ngãi Hải Ngoại đã long trọng tổ chức Tiệc Mừng Xuân vào lúc 11:00 AM, ngày Chúa Nhật 25/2/2018 tại nhà hàng Phú Lâm SJ. Có gần 200 đồng hương và quan khách tham dự. Trong sô đó có đại diện một số hội đoàn, đoàn thể, hội đồng hương, và giới Truyền Thông, Báo Chí.
Nhà hàng trang trí đơn sơ mang “hương vị” Tết. Một biểu ngữ lớn Chào Mừng Quan Khách, bên trong có trưng bày một số cây kiểng và các câu đối chúc Tết. Ngày Tết không thể thiếu hình ảnh “Ông Đồ” ngồi viết chữ tặng đồng hương tham dự. Khách tham dự y trang phục sức rất “Tết”. Đàn ông áo dài khăn đống, âu phục; phụ nữ áo dài đủ màu sắc mang đậm sắc Xuân. Nhà hàng tràn ngập tiếng cười, lời chúc Tết. Người lớn như thế, và trẻ con cũng vui theo. Các em bé gái trai cũng theo ông bà cha mẹ “súng sính” với áo dài khăn đống, áo tứ thân rực rở. Trên sân khấu có bàn thờ Gia Tiên, nhang đèn hoa quả.
Và tiếng trống Lân giục giã ngoài sân. Buổi tiệc bắt đầu với lễ rước linh vị, Ông Hội trưởng Nguyễn Trung Cao mang bài vị, và các ông bà trong Ban Chấp Hành tháp tùng, có đoàn lân đi theo. Tiếng pháo nổ vang, tiếng vỗ tay hòa nhịp. Đoàn rước đi vào và quan khách nghiêm trang đón chào. Lễ An Vị, và Ông Phan Quang Nghiệp xướng tên các bậc tiền hiền, danh nhân, anh hùng liệt sĩ đất Quảng: Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt, Chí sĩ Lê Trung Đình, Anh Hùng Trương Công Định, Trương Đăng Quế vào an vị trên bàn thờ…v.v.
Sau đó là Lễ Tế Tổ, đọc Văn Tế, dâng hoa quả hương đăng. Ông Nguyễn Trung Cao, Nguyễn Diên, Hoàng Văn Thiệu, bà Jennifer Trần, Huỳnh Kim Anh, Vũ Diệu Huyền niệm hương trước bàn thờ tổ quốc, trong lúc ông Phan Quang Nghiệp đọc văn tế. Sau đó đoàn lân múa chúc mừng quan khách.
Ông Nguyễn Trung Cao, Hội trưởng đã giới thiệu Ban Chấp Hành Hội gồm bà Huỳnh Kim Anh Hội Phó Nội Vụ, bà Vũ Diệu Huyền Hội Phó Ngoại Vụ, ông Nguyễn Văn Dũng Tổng Thư Ký và bà Kim Đinh Thủ Quỹ.
Tiếp đến là Lễ chào Quốc kỳ Hoa Kỳ, Việt
Ông Nguyễn Trung Cao chào mừng quan khách và đồng hương đã đến tham dự buổi họp mặt mừng Xuân Mậu Tuất. Ông chúc tất cả một năm mới đầy an khang thắng lợi trong mọi công việc. Ông tri ân tất cả đồng hương đã ủng hộ Hội trong suốt thời gian dài.
Ban Tổ Chức cũng đã ghi nhận sự đóng góp của đồng hương cho hội Ái Hữu Quảng Ngãi Hải Ngoại trong thời gian qua, và trao tặng mỗi người một món quà nhỏ. Trong dịp nầy, nghị viên Nguyễn Tâm, đại diện cho thành phố San Jose, trao tặng cho Hội một bản ghi công Hội đã đóng góp cho thành phố trong thời gian qua.
Ông Nguyễn Trung Cao chào mừng và chúc Tết đồng hương, quan khách. Ông phát biểu:
“Kính thưa quý vị trưởng thượng, quý thân hào nhân sĩ
Kính thưa quý vị đại diện cho quý hội đoàn tổ chức,quý cơ quan truyền thông báo chí.
Kính thưa quý quan khách cùng toàn thể quý đồng hương.
Lời nói đầu tiên của tôi là thay mặt anh chị em trong Ban Chấp Hành Hội Ái Hữu Quảng Ngãi Hải Ngoại Bắc
Kính thưa quý vị:
Lại một lần nữa chúng ta đón mừng xuân trên đất lạ quê người. Ai trong chúng ta không một lần hồi tưởng cái Tết năm xưa tại quê nhà. Một cái Tết mang đầy ý nghĩa truyền thống văn hóa cổ truyền dân tộc.Tết của đoàn viên sum họp gia đình, bên cạnh nồi bánh chưng, bánh tét rực lửa hồng ấm áp, khi khói lam chiều loan tỏa lúc hoàng hôn. Chúng ta thật sự đánh mất mùa xuân trọn vẹn kể từ ngày bỏ nước ra đi tỵ nạn Cộng sản.
Ở nơi đây đất lạ quê người cũng có hoa đào, hoa mai đua nhau khoe sắc thắm cũng có thịt mỡ dưa hành câu đối đỏ. Nhưng vẫn thiếu một cái gì đó khó mà diễn tả bằng ngôn từ. Chính vì yếu tố này nên hội đồng hương Quảng Ngãi chúng tôi nói riêng và các hội đồng hương bạn nói chung cố gắng tổ chức ngày họp mặt Tân Niên khi mỗi độ xuân về nhằm tạo cơ hội cho quý đồng hương có dịp gặp nhau hàn huyên tâm sự, và để duy trì truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Để thế hệ mai sau biết đâu là cội nguồn.
Nhân dịp đầu năm BCH chúng tôi thiết tha kêu gọi những người con dân đất Quảng Núi Ấn Sông Trà, nhất là các bạn trẻ hãy đến với hội hãy cùng nhau góp một bàn tay nhằm phát triển xây dựng hội một ngày càng thêm vững mạnh, hãy vững niềm tin vào sức mạnh hợp quần để làm rạng danh người con đất Quảng. (Một cây làm chẳng nên non ba cây chụm lại nên hòn núi cao).
Trước thềm năm mới xuân Mậu Tuất 2018
Thay mặt BCH Kính chúc quý quan khách Quý đồng hương cùng toàn thể gia quyến. Một năm dồi dào sức khỏe , An vui hạnh phúc,Vạn sự như ý con cháu thành đạt. Và cũng không quên cầu chúc cho đồng bào trong Quốc nội sớm thoát khỏi nạn Cộng sản. Hưởng một mùa xuân thanh bình tự do và hạnh phúc.
Trân trọng kính chào toàn thể quý vị.”
Sau lời chào mừng, mọi người hân hoan chúc Tết nhau, và cùng tham dự tiệc. Cũng không thể thiếu những bài ca Xuân, những nhạc phẩm một thời để nhớ.
Nhằm khuyến khích các thế hệ con, cháu cố gắng học hành, BTC đã trao một số phần thường Khuyến Học các học sinh; năm nay có 9 học sinh đều đạt trên 4.0. Các em Amanda Thị Phan, Alina Võ, Bryan Nguyễn, Kaden D. Nguyễn, Hiếu Hoàng, Hương Nguyễn, Thịnh Phạm, Trisha Le, Ryan P. P. Nguyễn đã được nhận các phần qua Tết, bằng khen và 1 bao lì xì mừng Xuân.
Cũng nhân dịp Tết, Ông Nguyễn Trung Cao có phổ biến một tin vui. Để nhớ về quê hương Quảng Ngãi, BCH của Hội có phổ biến một giải Thi Sáng Tác Nhạc về Quảng Ngãi. Ông nói “Nha Trang có Nha Trang Ngày Về, Hà Tiên có Hà Tiên Mến Yêu…Quảng Ngãi cũng nên có một bản nhạc viết về xứ Quảng. Có thể do một nhạc sĩ, chuyên nghiệp hoặc tài tử, sáng tác hay phổ thơ…” Ông ngỏ lời kêu gọi các nhạc sĩ, thi sĩ viết về Quảng Ngãi. Sẽ có cuộc tuyển chọn và có giải thưởng. Mọi chi tiết xin liên lạc với BCH Hội Ái Hữu Quảng Ngãi
Dịp Tết là lúc người ta kể cho nhau nghe về xứ sở, về vùng đất họ đã lớn lên: Quê Cha Đất Tổ. Vùng đất nào cùng có “Anh Linh Hào Kiệt”. Nghe để tự hào, và càng thêm yêu mến quê hương.
Người ta nói, từ xa xưa Quảng Ngãi là vùng ven biển miền Trung. Qua nhiều biến thiên của lịch sử, mảnh đất này đã có ít nhiều sự đổi thay. Vào thời nhà Lê trung hưng (Trịnh Nguyễn phân tranh), vùng đất Quảng Ngãi (ngày nay) là phủ Tư Nghĩa, trực thuộc Thừa Tuyên Quảng
Quảng Ngãi nổi tiếng về những trang sử hào hùng với các anh hùng: Lê Văn Duyệt, Trương Công Định. ÔngTrương Công Định (1820-1864) sinh quán làng Tư Cung
Ngày 5/6/1862, triều đình nhà Nguyễn ký hoà ước Nhâm Tuất giao 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp, hạ lệnh cho Trương Định bãi binh và nhận chức Lãnh Binh ở An Giang. Nhưng ông đã khước từ lệnh của triều đình tiếp tục lãnh đạo các cuộc kháng chiến đánh Pháp.
Ngày
Lê Văn Duyệt (1763 - 1832): Lê Văn Duyệt sinh quán tại Mỹ Tho, tỉnh Định Tường, quê gốc ở làng Bồ Đề, quận Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi. Lê Văn Duyệt theo phò Nguyễn Ánh đánh nhà Tây Sơn và trở thành một trong những khai quốc công thần của triều Nguyễn, được phong chức Khâm Sai Chưởng Tả Quân, Bình Tây Tướng Quân, tước Quận Công, hai lần giữ chức Tổng Trấn thành Gia Định (1813 - 1816; 1820 - 1832). Được các vua Gia Long và Minh Mạng giao quyền hành rộng lớn ở Gia Định và Nam Kỳ. Ông Lê Văn Duyệt thực hiện nhiều chính sách phát triển kinh tế, và giao thương, đối ngoại với Cao Miên, Xiêm La và phương Tây. Sau khi ông mất (1832), vua Minh Mạng và đình thần lấy cớ Lê Văn Khôi (con nuôi của Lê Văn Duyệt) nổi loạn ở thành Phiên An (1832 - 1835), ghép tội ông rất nặng, mãi đến năm Tự Đức thứ nhất (1848) mới được minh oan.
Thắng Cảnh: Núi Thiên Ấn nằm ở tả ngạn sông Trà Khúc, phía đông Sơn Tịnh và phía Bắc tỉnh lỵ Quảng Ngãi, trên địa phận Tịnh An, Sơn Tịnh. Núi cao 106 mét, bốn mặt núi có hình thang cân, nhìn từ xa trông như một ấn đóng trên dòng sông Trà nên cổ nhân gọi là Thiên Ấn Niêm Hà (ấn trời trên sông). Người dân Quảng Ngãi xem núi là linh sơn của vùng đất này. Núi có nhiều cỏ tranh và cây cổ thụ. Trên núi đất bằng phẳng, có chùa Thiên Ấn là danh lam với tháp mộ các thiền sư cao tăng mang dáng uy nghi, trầm mặc. Phía Tây
Núi Thiên Bút: Nằm ở địa phận Nghĩa Chánh, thành phố Quảng Ngãi, cao 60 mét, hình chóp nón, trên núi có nhiều cây, trông xa tựa như ngọn bút lông chỉ lên trời. Về phía Đông núi có hòn Nghiên tựa như nghiên mực. Vào buổi chiều tà có dải mây thấp thoáng in bóng đàn nhạn bay qua đỉnh núi, người xưa thường bảo ấy là lúc Thiên Bút phê vân (bút trời viết lên mây). Núi tượng trưng cho văn khí của đất Quảng Ngãi. Hiện nay trên đỉnh núi còn dấu tích một đền tháp Chàm cổ.
Cổ Lũy cô thôn: Nằm ở xã Nghĩa Phú, Tư Nghĩa. Bên trong có núi Phú Thọ (còn có tên là núi Đá Đen hay Thạch Sơn), cao 60 mét, rộng chừng 8 hec-ta, trên núi còn dấu vết đồn lũy, thành quách Chămpa. Núi có chùa Hang với sự tích con cọp thần. Đứng trên đỉnh núi có thể thấy bao quát trông về dòng sông Trà Khúc hùng vĩ, cửa Đại nên thơ, rừng dừa xanh Cổ Luỹ, đảo Lý Sơn thấp thoáng trong khói sóng biển xanh, phía Tây là đồng bằng Quảng Ngãi xanh tít tắp. Thôn Cổ Lũy như cắt khỏi đất liền. Tương truyền, Nguyễn Cư Trinh khi đứng trên núi trông về xóm Mồ Côi của những người dân chài đơn độc bên cửa Đại, đã gọi là Cổ Lũy Cô Thôn (thôn Cổ Lũy cô quạnh).
Ngoài ra Quảng Ngãi có có thêm 9 thắng cảnh làm nên Thập Nhị Thắng Cảnh kèm theo nhiều câu chuyện truyền kỳ, là niềm tự hào của người dân Quảng Ngãi: Thạch Ky Điếu Tẩu, Vu Sơn Lộc Trường, Vân Phong Túc Vũ, Liên Trì Dục Nguyệt, Hà Nhai Vãn Độ, Thạch Bích Tà Dương, La Hà Thạch Trận, An Hải Sa Bàn, Long Đầu Hý Thuỷ…Nhiều thắng cảnh mà giờ đây chỉ còn tên gọi. Chiến tranh và sự hủy hoại của con người “duy vật” đã không còn dấu tich như: La Hà Thạch Trận, An Hải Sa Bàn, Long Đầu Hý Thuỷ…v.v.
Bãi biển Sa Huỳnh: Nằm ở cực nam tỉnh Quảng Ngãi, thuộc địa phận các xã Phổ Thạnh, Phổ Châu, quận Đức Phổ, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 60 km về hướng Nam. Sa Huỳnh không chỉ là nơi chứa đựng các di tích cổ mà còn nổi tiếng với vẻ đẹp nên thơ. Dọc theo bờ biển Sa Huỳnh là dãy Trường Sơn chạy áp sát bờ biển, có nơi đâm thẳng ra biển tạo nên những ghềnh đá rất đẹp. Bãi biển có núi đá nằm cạnh biển, trên núi nay vẫn còn nhiều khỉ. Bờ biển Sa Huỳnh sạch sẽ, khoáng đãng, là nơi dừng chân lý tưởng cho du khách đến viếng thăm và khám phá vẻ đẹp của vùng đất này.
Bên cạnh Thập Nhị Thắng Cảnh, đất Quảng Ngãi còn có những nơi du lịch kỳ thú; ai đã sanh ra, lớn lên hoặc làm việc tại tỉnh này còn nhớ: Bãi biển Mỹ Khê, Cửa biển Sa Cần, Thác Trắng, đảo Lý Sơn …
Những Di Tich Lịch Sử:
Di tích Cổ Lũy: Đây là di tích Văn hóa Champa có niên đại từ thế kỷ III đến thế kỷ VII sau Công nguyên. Trong hố khai quật hiện rõ các chân móng cột nhà rất lớn bằng gạch và đá cuội. Hiện vật tìm thấy bao gồm các vật liệu kiến trúc như ngói âm dương (ngói cong), gạch, chóp nóc, nồi, hũ kendi, chân đèn, bát...Di tích Cổ Lũy chứng minh cho một trung tâm chính trị của tiểu quốc cổ Champa. Ở đây còn tìm thấy gốm in ô vuông thời Đông Hán và mảnh cà ràng của văn hóa Óc Eo... Trong khu di tích có phế tháp Hòn Yàng. Nơi đây tìm thấy bệ thờ Vihsnu (đản sinh Brahman), niên đại thế kỷ VIII. Trên thành Bàn Cờ cũng còn lại phế tích gạch. Cấm Bầm Buông có đá phát ra tiếng kêu như chuông trống khi gõ vào. Luỹ đất nằm ở phía đông đã bị phá nhiều đoạn.
Di tích Thành Châu Sa: Di tích thành Châu Sa là di sản kiến trúc của văn hóa Champa. Thành Châu Sa là thành đắp đất lớn. Khu vực thành gồm các xã: Tịnh Châu, Tịnh An, Tịnh Thiện, Tịnh Khê thuộc quận Sơn Tịnh. Thành Châu Sa gồm 2 vòng thành: thành nội và thành ngoại. Thành nội là khu trung tâm với hai vành đai bên ngoài, chạy theo hướng Bắc -
Di tích Trường Lũy: Di tích Trường Lũy là một lũy thành bằng đất đá dài 127.4 km được xây dựng từ giữa thế kỷ XVI. Đây là trường lũy cổ xưa nhất Đông Nam Á, có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử và kiến trúc.
Cũng như tất cả các địa phương khác của Việt
Hàng năm, ngư dân tổ chức lễ tế cá Ông 2 lần vào mùa Xuân và mùa Thu. Hiện nay, nhiều nơi trong tỉnh hàng năm còn tổ chức hội hè cúng cá Ông của các vạn chài, lễ cầu ngư cũng là lễ gắn liền với tập tục cúng cá Ông. Những làng xã thường tổ chức lễ cầu ngư hàng năm rất lớn là Sa Huỳnh, An Chuẩn, Cổ Lũy.
Lễ Mẫu: Hiện nay ở Quảng Ngãi còn hàng trăm dinh, miếu thờ Mẫu (Mẹ), thờ nữ thần như: Thiên Y A Na, Ngũ Hành, Thủy Long, Cửu Thiên Huyền Nữ, Tứ vị Thánh Nương...Ngoài ra, ở Lý Sơn còn có thờ bà Phạm Tiên Điều (bà Roi). Người Quảng Ngãi gọi chung cho tất cả các Mẫu, các nữ thần đều là Bà.
Vào các dịp lễ, tết nhiều nơi dọc ven sông biển ở Quảng Ngãi thường tổ chức hội đua thuyền. Ở Tư Nghĩa, hội đua thuyền thường diễn ra trên sông Cổ Lũy - Phú Thọ. Ở Bình Sơn, hội đua thuyền thường diễn ra ở cửa Sa Cần, trên sông Trà Bồng. Ở Sơn Tịnh, hội đua thuyền thường diễn ra trên sông Trà Khúc. Ở Nghĩa Hành, tổ chức đua thuyền trên sông Vệ… Ở đảo Lý Sơn, hội đua thuyền thường được tổ chức ở vùng biển phía Tây
Là một tỉnh nông ngư nghiệp, làm ruộng làm cá là 2 nghề chính. Người dân Quảng Ngãi cùng có những nghề thủ công, khéo tay: Đan lưới, đan rỗ lồng. Đan lưới, đan rổ lồng (hay rổ rỗi) là những nghề “cha truyền con nối”. Gọi là rổ lồng vì hình thù của nó giống cái lồng khi được chồng lên nhiều cái. Còn rổ rỗi là theo từ “bạn rỗi” (nghề phụ trong thời gian rỗi của những dân cư vùng biển, những người không trực tiếp đánh cá.) Rổ rỗi được dùng để hấp cá, mực thông dụng và thuận lợi nhất cho bạn rỗi. Đan lưới có nhiều loại: lưới ghẹ, lưới mực, lưới chuồn…
Đan Nón lá ở Chợ Đình. Chợ Đình ở xã Tịnh Bình, Sơn Tịnh, nổi tiếng là nơi buôn bán nón lá. Gọi là nón lá chợ Đình vì những chiếc nón được chằm bởi những người phụ nữ khéo tay khắp các thôn của xã Tịnh Bình và vùng lân cận, đều được đưa về bán ở chợ Đình, rồi từ đó chuyển đi các chợ trong và ngoài tỉnh. Dụng cụ, nguyên liệu và các giai đoạn chằm nón chợ Đình cũng giống như nón Nghệ, nón Huế ... Nguyên liệu là tre để vót tuyến (tức là những khung tròn bên trong nón) và lá cây nón (hái từ rừng núi phía Tây.) Dụng cụ là bộ kèo gồm 20 rẽ, chiếc rựa vót tre, bộ đồ ủi lá và kim khâu. Nếu như nón Huế thanh mảnh, điệu đàng thì nón chợ Đình nổi bật ở tính bền, chắc, chịu đựng nắng mưa. Sở dĩ như vậy là vì ở đây tre vót tuyến là loại tre đất cát, sớ chắc và dai, khoảng cách các mũi kim rất gần, lại thêm có bốn đồ kiềm giữ bên trong, ép cả ba tuyến đầu chóp nón bằng vảy đá.
Dệt chiếu cói. Ở Thu Xà và Cổ Lũy là những làng chuyên nghề dệt chiếu cói nổi tiếng ở Quảng Ngãi. Các làng trên đều nằm ở hạ lưu sông Trà Khúc, sông Vệ, tiếp giáp với cửa Đại, cửa Lở, có nhiều đầm lầy nước lợ, chua phèn, thích hợp với cây cói, một loài thảo mộc thân thảo, mềm, xốp, khi thu hoạch cao khoảng 1 mét, là nguyên liệu chính để dệt chiếu.
Một nguyên liệu khác là cây tra hoặc cây đay. Đay được trồng ở vùng đầm lầy nước lợ; còn tra lại được lấy từ vùng núi. Thợ dệt chiếu Nghĩa Hòa dùng sợi tra. Thợ Cổ Lũy thì dùng đay. Sợi đay và sợi tra dùng để xe thành những sợi dây trân (tức là khung dây chạy dọc để dệt mảnh chiếu.)
Chiếu có nhiều loại, gồm các loại chiếu đơn, mỏng, dệt đơn giản. Chiếu nhiều màu, dày, dệt công phu. Tấm chiếu khi nhuộm phải lựa chọn các màu sắc hài hòa. Chiếu nhiều màu thường dày, phải dệt bằng loại “khổ” khác. Chiếu đơn thường có kích thước bề ngang từ 8 tấc đến 1.2 mét, chiếu đôi từ 1.2 mét đến 1.6 mét. Thu Xà đã dệt được các loại chiếu dày, nhiều màu đẹp rất được ưa chuộng. Đan võng ở Đức Chánh. Từ rất lâu những chiếc võng làm ra từ bàn tay tài hoa, khéo léo của người Đức Chánh đã nổi tiếng khắp nơi.
Quảng Ngãi cũng là nơi có nhiều món ăn đặc biệt của địa phương. Nổi tiếng nhất là món don. Trên sông Trà Khúc có các loại cá bống như: Cá bống thệ, cá bống dô, cá bống nhọn, cá bống mú, cá bống tượng, cá bống cằn, và cá bống cát…để chế biến nên món cá bống sông Trà kho rim. Ngoài các loài cá bống, sông Trà còn có loài cá thài bai, thường được chế biến theo ba kiểu: hấp, chiên, và ram, cũng là sản vật trời cho của Quảng Ngãi. Vùng rừng núi phía Tây thì có loài cá niêng, kẹp vào gắp tre tươi, nướng trên than hồng nhắm với rượu. Vùng đồng bằng có món bánh xèo, chim mía chiên dòn, hay món bắp nếp nướng. Ăn với cơm thì có mắm nhum ở Phổ Châu, món canh gà lá giang ở Sa Huỳnh…Dân vùng biển có món thịt heo ba chỉ cuốn bánh tráng chấm mắm cá ghim. Ra đảo Lý Sơn thì được thưởng thức món ốc tượng, ốc mặt trăng và món gỏi tỏi.
Bánh tráng vừa là món ăn, vừa là nguyên liệu để chế biến món ăn của người Quảng Ngãi; từ bữa cơm bình dân đạm bạc đến các tiệc cưới, giỗ chạp, đãi bạn bè; từ các quán nhỏ đến những nhà hàng sang trọng… Dĩa bánh tráng cuốn dành riêng cho mỗi người điểm tâm buổi sáng; kẹp bánh tráng đập (bánh rập, bánh ướt) thì nhiều người cũng ăn vào nửa buổi sáng hoặc buổi xế trưa. Bánh tráng mỏng dùng gói ram; ram cuốn nhân thịt, nhân tôm trong tiệc cưới, trong ngày giỗ; cuốn thịt cá, rau tươi trong các nhà hàng. Bánh tráng dày, có khi rắc ít mè, nướng phồng xúc hến xào hành, cá thài bai chiên trứng. Đem bánh tráng nướng phồng nhúng qua nước lạnh cho dịu rồi cuốn rau muống sống chấm với mắm kho, hoặc cuốn cá chuồn hấp là món ăn rất khoái khẩu của người dân Quảng Ngãi. Đặc biệt, trong mâm cơm cúng gia tiên ở khắp mọi miền quê Quảng Ngãi bao giờ cũng có những chiếc bánh tráng tròn trịa, nướng phồng xinh xắn để bên trên. Khi đem mâm xuống bàn mời nhau hưởng lộc ông bà, sau ly rượu nhỏ, bao giờ gia chủ cũng bẻ bánh tráng mời khách trước khi dùng các món khác; và “dường như” đây là một “nghi thức” bắt buộc?
Nhiều món ăn của Quảng Ngãi đã làm nên một Quảng Ngãi rất riêng như cá bống sông Trà, chim mía Thi Phổ, kẹo gương Thu Xà, mạch nha Mộ Đức, đường phổi và don…và đã đi vào văn học nước nhà:
“Chim mía Xuân Phổ
Cá bống sông Trà
Kẹo gương Thu Xà
Mạch nha Mộ Đức”
“Phải đâu chàng nói mà xiêu
Tại con cá bống tại niêu nước chè”,
“Con gái còn son, không bằng tô don Vạn Tượng”.
Một buổi trưa có nắng Xuân ấm áp, trong náo nứt của ngày Tết, mùi pháo còn vương vấn trong không gian; gặp một số đồng hương, ngồi nhâm nhi ly rượu Vang, được nghe nhiều chuyện “cổ tích” (có thể đã bị bỏ quên) mà tôi tưởng chừng như vừa được dự một chuyến “hành hương văn hóa” về quê cha đất mẹ. [Lê Bình]