Tất nhiên đoàn thể thao VN cũng đã chuẩn bị từ lâu và đã lên đường đến Philippnes. Bộ môn bóng đá là môn thể thao thi đấu trước ngày khai mạc cả tuần lễ bởi các đội tuyển phải được nghỉ ngơi sau mỗi trận đấu.
Và một điều rất dễ nhận thấy là môn bóng đá cho đến ngày nay vẫn "môn thể thao vua" ở hầu hết các nước Đông Nam Á, ngoại trừ chính nước chủ nhà Philippines lại "chịu" môn bóng chày hơn. Ở VN, người ta chỉ nhắc đến bóng đá và chỉ cá cược bóng đá. Mùa SEA Games cũng là mùa cá cược rất sôi động từ quán cà phê góc phố đến các cửa hàng "tủ kính" sang trọng. Nhưng cá cược nặng ký nhất vẫn là qua những cuộc điện thoại di động, loại điện thoại trả trước tức là không xác định được ai là chủ số máy điện thoại đó bởi không cần đăng ký, cứ mua ĐT và mua thẻ là xài "chết bỏ".
Những chuyện ngoài SEA Games
Trong tuần vừa qua, từ trước SEA Games 23, tôi có dịp ở Sài Gòn và đôi khi xuống quán cà phê ngay sát khu chợ Bàn Cờ, ngồi coi đá banh với mấy tay thanh niên trong xóm cho có bạn. Coi đá banh ở nhà một mình thì thiếu hẳn cái không khí hào hứng của sân banh. Uống ly cà phê ba ngàn, bao luôn mấy thanh niên cho có bầu có bạn, vị chi mất hơn chục ngàn, "mấy đứa" ngồi coi suốt buổi cũng rẻ chán.
Chúng tôi thường đến quán cà phê sớm để chiếm chỗ ngồi vừa mát mẻ vừa dễ xem, không bị người qua lại "ám quẻ". Trong khi lai rai, chưa có gì để xem thì nói chuyện "thiên hạ sự". Câu chuyện gà vịt ngan ngỗng bị tiêu diệt "sạch bóng quân thù" vẫn là chuyện cửa miệng của người dân VN bây giờ. Một cậu từ miền Quảng Bình vào đạp xe ôm ở trước cửa chợ Bàn Cờ than thở cả nhà đang lo đói vì gia cầm, chắc phải "di tản" cả nhà vô Sài Gòn kiếm sống. Anh ta còn nói thêm:"nhưng cũng phải đợi lãnh được tí tiền đền bù mới có tiền tàu xe". Mấy cậu ở tuốt Bắc Giang, Hà Tây vô sửa xe ở đầu cầu thang chung cư hoặc đạp ba gác cũng đều có tâm trạng tương tự.
Đàn gia cầm bị "diệt gọn" 95% đang là một nguy cơ lớn với người dân hiện nay. Lũ lụt đã làm sản nghiệp họ tan hoang lại thêm tác động của giá cả lên vùn vụt mỗi ngày khiến hàng triệu gia đình lâm vào cảnh khốn cùng. Từ đó nạn trộm cướp, giật ngang giật dọc, đâm chém bừa bãi ngày một gia tăng là việc tất nhiên.
"Hở cái gì ra là mất" đã thành câu cửa miệng của mọi người dân từ thành thị tới thôn quê. Ngay cả những vùng xưa nay không phát triển, người dân sống cần cù, chất phác, bây giờ cũng nẩy sinh trộm cắp hàng đêm. Và từ cái nghèo khó của thôn quê, rất nhiều cô gái muốn thay đổi cuộc sống đã dễ dàng đem thân đi bán cho xứ người xa lạ. Trước kia còn làm dâu Đài Loan, bây giờ đổi kiểu làm dâu xứ Hàn hoặc sang Singapore kiếm anh chồng "làm vốn", từ này được hiểu theo cả nghĩa đen và nghĩa bóng.
Đau lòng và sỉ nhục
Câu chuyện vừa xảy ra hẳn làm những người VN không những chỉ tức giận đau lòng mà còn cảm thấy bị sỉ nhục.
Một gã đàn ông Singapore dùng tờ séc 1 đôla Singapore (SGD - khoảng 9.500 đồng VN) để lừa tình cô gái VN đã bị bắt sáng 22-11 khi chuẩn bị trốn đi đảo Batam.
Gã lưu manh họ Phạm này năm nay 64 tuổi, vốn là một thợ sửa giày, có vợ (ly thân đã hai năm) và hai con. Trước đó hắn từng ngồi tù hai tháng vì tội tạt nước sôi vào cô bạn gái người Trung Quốc và mới ra tù tháng 8 vừa qua.
Vụ lừa đảo diễn tiến quá đơn giản. Ngày 24-10, hắn tìm đến công ty môi giới có tên gọi "Nhà môi giới cô dâu VN". Hắn chọn được một cô tên Lệ (tên đã thay đổi, sang Singapore với hộ chiếu du lịch 14 ngày), 21 tuổi, rồi dẫn thẳng về khách sạn ở Geylang.
Để cô gái tin tưởng, hắn cùng cô đăng ký kết hôn trên mạng và thậm chí còn giả vờ tìm ngày cưới cho hai người. Thế là cô gái đáp ứng mọi yêu cầu của hắn. Được hắn dẫn đi chơi (ở vườn thú và đảo Kusu), cô gái lầm tưởng mình đang hưởng tuần trăng mật. Sau năm ngày hành hạ thân xác cô Lệ, hắn đẩy cô về lại công ty môi giới.
Trong vụ việc này tên họ Phạm lừa cả công ty môi giới: thay vì nộp tiền cọc 10.000 SGD, hắn viết tấm séc nhập nhằng thành 1,0000 SGD (tức tấm séc đáng giá chỉ 1 SGD).
Thậm chí sau khi kiểm tra ngân hàng còn cho biết tài khoản của hắn đã bị đóng từ năm 2002. Công ty không thể tìm được hắn nên đến khi cô Lệ bị trả về, họ mới cùng đi báo cảnh sát.
Ông Trác, giám đốc một công ty môi giới hôn nhân ở Katong, cho biết tên Phạm này đã dùng thủ đoạn tương tự để lừa công ty ông hôm 8-11. Hắn đến mà không chút yêu sách gì về tiêu chuẩn cô dâu. Hắn chọn một cô gái 19 tuổi rồi viết ngay tấm séc và ra đi với cô gái. May là công ty ông Trác sớm phát hiện tấm séc chỉ có giá trị 10 SGD (cũng theo kiểu viết nhập nhằng), họ gọi lại được tên Phạm và cô gái về.
Vài ngày sau, hắn lại tìm đến một công ty môi giới khác và chọn được một cô gái Trung Quốc. May mà cô này chưa sang kịp và hắn bị bắt trong lúc hứa với công ty trên là chấp nhận chờ đợi cô này.
Theo tờ Liên Hợp Buổi Chiều Singapore (13-11-2005), hiện phong trào lấy vợ VN cũng đang rất thịnh hành ở Malaysia. Nhiều công ty môi giới đã tung ra nhiều loại hình để thu hút khách hàng, thậm chí học theo cách trưng bày của các nhà chứa, để cô gái VN xếp hàng cho khách đàn ông chọn lựa.
Cung cách cũng hệt các công ty môi giới bên Singapore là nếu trong vòng một tuần mà không vừa ý, khách hàng có thể trả người nhưng sẽ mất tiền cọc, còn nếu ưng ý thì trả thêm số tiền bằng với tiền cọc để lấy cô gái làm vợ. Các cô được chọn hầu như không có quyền từ chối.
Bạn đọc nghĩ sao về thông tin này" Không lẽ cứ để cho mấy cái công ty nham nhở đó ở Singapore (rồi có thể lan tới cả những nơi khác nữa) ngang nhiên bôi nhục các "cô dâu Việt" như vậy mãi sao"
Anh Tư, đạp ba gác ngồi đầu bàn, chửi thề:
- Mẹ nó, tôi mà bắt được thằng khốn kiếp đó là tôi chém.
Và anh đặt câu hỏi:
- Sứ quán VN để làm gì"
Một anh khác chưa vợ kể thật lòng:
- Em muốn cưới một cô ở quê mà chưa có tiền nên chưa cưới được. Cứ lần khân, để vài năm, nó sốt ruột lấy chồng nước ngoài nữa là em nằm trơ thân cụ ra.
Bắt người giữa quán cà phê và... chết
Một anh khác kể câu chuyện mới toanh ở Gò Vấp. Anh có người bạn Nguyễn Văn Khang, làm nghề in lụa, đang ngồi uống cà phê ở quán cà phê hè phố trước số nhà 512 Đường Nguyễn Oanh - Gò Vấp thì bị 4 anh công an mặc thường phục, bỗng dưng xông đến đấm đá túi bụi rồi bị còng tay mang lên xe "đặc chủng" của CA mang đi, trước sự chứng kiến của nhiều người dân quanh đó. Cụ thể là bà chủ tiệm may và con gái bà cùng chứng nhận việc đó. Câu chuyện xảy ra vào 15 giờ ngày 9-11 vừa qua. Khi bắt không cần giấy tờ, không cần luật lệ, cứ bắt "thoải mái" "vô tư hồn nhiên như người Hà Nội".
Vợ anh là chị Nguyễn Thị Thuyết cũng không hề được thông báo về việc bắt giữ chồng chị. Mãi đến trưa hôm sau CA mới tìm đến nhà chồng chị ở Long Thành báo tin anh Khang đã chết khi được đến trụ sở CA, xác anh đang được để tại Bệnh viện An Bình, Q5, TP. Sài Gòn. Theo lời chị Thuyết, chồng chị từ trước tới nay không hề chứng bệnh nan y nào, kể cả bệnh tim và chồng chị cũng chưa hề làm điều gì trái pháp luật.
Trả lời gia đình nạn nhân, trưởng CA quận Gò Vấp khẳng định rằng "không bắt anh Thành mà chỉ mời về trụ sở làm việc vì nghi ngờ có liên quan đến việc tiêu thụ xe gian". Anh Khang về đến CA lúc 5 giờ thì đến 7 giờ anh Khang kêu đau ngực. Chở vào đến bệnh viện thì anh Khang đã chết.
Theo hồ sơ bệnh viện của Trung tâm Y Tế Gò Vấp thì nạn nhân tử vong khi nhập viện. Bệnh nhân bị bầm tím ở cẳng chân phải mặt trước, có dấu lõm ở hai cổ tay. Có khả năng bị trói chặt hai cổ tay.
Sau đó CA khuyên gia đình nạn nhân đưa xác về mai táng. Tuy nhiên gia đình nạn nhân không đồng ý và đã cầu cứu tới cơ quan ngôn luận và tiếp tục làm đơn gửi lên CA thành phố, thanh tra Bộ CA và Tổng cục Cảnh sát.
Với một vụ việc như thế này, chỉ nhìn sơ qua cũng đã thấy những gì xảy ra. Ngay giữa thành phố Sài Gòn mà CA hành xử như thế thì quả là trắng trợn. Chưa nói đến chuyện có đánh người đến chết hay không, chỉ nói đến chuyện bắt giữ một người vì nghi ngờ có liên quan đến một vụ buôn bán xe gian mà không cần giấy tờ, không cần ai chứng kiến đã là một hành động trái pháp luật. Còn hành động đánh người đến chết tất nhiên là sát nhân có chủ ý.
Điều này cơ quan chức năng phải làm cho rõ ràng. Nhưng ngoài pháp luật, còn một tòa án nữa quan trọng hơn nhiều, đó là dư luận của người dân, cái nhìn của người dân và lòng tin của người dân.
Tóm tắt như thế hẳn bạn đọc đã hiểu được bản chất của vấn đề này là như thế nào. Những người ngồi quanh tôi chỉ còn biết chảy nước mắt và thở dài. Chúng ta hãy chờ xem sự việc sẽ giải quyết như thế nào.
Chuyện nọ xọ chuyện kia
Còn những chuyện Quốc hội họp và những ông "đại biểu" chất vấn các ngài Bộ trưởng thì có khối điều đáng suy nghĩ, nhưng xa với tầm tay của người bình dân quá nên họ chẳng muốn bàn làm gì. Vả lại đó cũng lại là những thứ chuyện đã từng xảy ra, đã từng họp bàn từ năm bảy năm nay rồi chứ chẳng mới lạ gì. Thí dụ chuyện đất đai, chuyện y tế, chuyện điện nước, chuyện môi trường, chuyện giáo dục cho ra lò một mớ tiến sĩ giấy, chuyện tham nhũng... thì có nói đến Tết Congo cũng chưa hết. Vấn đề là sau khi chất vấn, liệu các ngài Bộ trưởng có thể làm được gì" Hay cũng như mấy năm trước, nói rồi để đó thì cũng như không.
Câu chuyện của những người bình dân lại quay về với chuyện đời thường trước mặt. Chuyện tòa án xử vụ công ty buôn bán điện thoại di động lậu và cô cựu hoa hậu HKA có nguy cơ mất trắng 200 ngàn đô la cũng được mang ra tán dóc. Có một điều lạ là mấy người dân nghèo thấy hoa hậu gặp nạn, lại rủ lòng thương. Một anh chuyên ngồi sửa quần áo ở con hẻm cuối chợ tỏ ra tiếc nuối:
- Đau nhỉ, mất một lúc hai trăm ngàn đô, chắc em tự tử quá. Em mong cô ấy đòi lại được.
Một chị bán sinh tố trước cửa quán nhào vô góp chuyện:
- Của "chùa" mà, tiếc gì. Nếu đúng là tiền của cô ấy thật thì cũng là tiền mua đất để đó rồi tự nó sinh lời, chứ có mất giọt mồ hôi nào đâu. Mất cái này, cô ấy lại kiếm ra cái khác ngay ấy mà. Em tin rằng với cái tài "kinh bang tế thế", cô ấy sẽ kiếm được gấp năm gấp mười lần như thế.
Đang chuyện nọ xọ sang chuyện kia, anh thở sửa xe lại tán ngang:
- Còn anh chàng ca sĩ trứ danh Gary Glitter của Ăng Lê, đúng là thằng mắc dịch, dụ toàn con nít làm trò dâm ô. Nó bị có 3 tháng tù thì hơi ít.
Một anh trầm ngâm hơn:
- Dù sao điều đáng thương vẫn là những đứa con nít mới bằng tí tuổi đầu mà đã ham tiền, nếu không thế thì làm sao nó dụ được. Có đúng thế không" Nó thấy người lớn kiếm tiền dễ dàng thì nó bắt chước. Chung quy cũng chỉ vì cái nghèo...
- Vì nghèo một phần thôi, phần khác là do ảnh hưởng của xã hội, của những gia đình không biết gìn giữ nếp sống của cha ông.. Đất nước thì thanh bình, nhưng lòng người và nếp sống thì... loạn lạc.
Lý luận của người bình dân chỉ giản dị có thế nhưng lại cho tôi hiểu được rất nhiều điều.
Bây giờ đến chuyện SEA Games 23
Ngay từ trước những ngày khai mạc SEA Games 23, đã có rất nhiều dư luận không mấy tốt đẹp về nước chủ nhà. Trước hết là vấn đề an ninh. Hầu như tất cả các đoàn thể thao các quốc gia láng giềng đều có chung một nỗi lo. Thực tế cho thấy an ninh của Philippnes trong thời điểm hiện nay không có gì bảo đảm. Nỗi lo là chính đáng. Nhưng nước chủ nhà đã mạnh mẽ cam kết rằng sẽ không có bất cứ "sự cố" gì xảy ra. Nói là nói vậy chứ lấy gì bảo đảm" Các nước láng giềng "cũng đành mắt đưa chân" cho ra vẻ con nhà thể thao chân chính.
Khi được báo chí hỏi: "Trước giờ khai mạc SEA Games 23, ông lo lắng nhất về chuyện gì"" Ông Monico Puentevella, phó chủ tịch thứ nhất Ủy ban Olympic Philippines kiêm phó trưởng ban tổ chức SEA Games 23 đã dứt khoát trả lời:
- Nhiều người lo ngại về vấn đề an ninh nhưng bạn thấy đó, từ khi môn bóng đá nam diễn ra (20-11) đến nay không có một sự việc đáng tiếc nào xảy ra. An ninh được bảo đảm khá tốt. Các đoàn thể thao, quan chức, và khách du lịch vừa đặt chân đến sân bay Manila được bảo vệ chu đáo. Hãy tin tôi, sẽ không có bất kỳ chuyện gì xấu nào xảy ra trong thời gian SEA Games 23.
Và quả thật từ một tuần nay, mọi diễn tiến về SEA Games 23 ở Philippines vẫn hoàn toàn êm đẹp. Tổng thống Macapagal-Arroyo cũng đã đích thân đến thị sát nơi diễn ra các cuộc tranh tài.
Dư luận ngầm về sự thiếu trung thực của nước chủ nhà
Có dư luận cho rằng Philippnes đang dàn xếp để có thể đoạt được nhiều huy chương nhất. Tất nhiên có dàn xếp là có gian lận. Điều đó, chẳng hiểu vì ngẫu nhiên trùng hợp hay vì cố ý, có thể thấy ngay ở cuộc bốc thăm chia bảng đấu bóng đá, đó là những trận đấu đầu tiên của SEA Games 23. Nước chủ nhà đã chiếm lợi thế gần như áp đảo khi được lọt vào bảng nhẹ ký nhất, Bảng A gồm toàn những đội yếu như Campuchia, Malaysia, chỉ có một đội mạnh nhất giải là Thái Lan. Và trong môn bóng đá ước mơ lớn nhất của nước chủ nhà là vào được đến bán kết, đó là thứ hạng chưa bao giờ họ đạt được trong những kỳ SEA Games trước.
Trong khi đó VN ở bảng B gặp toàn những đội sừng sỏ như Singapore, Myanmar. Chỉ có một đội tương đối yếu nhưng cũng đang mạnh dần lên là đội Lào. Hầu hết dư luận ở VN đều cho rằng các cầu thủ U23 VN đã lọt vào "bảng tử thần".
Từ những suy diễn đó, người ta lo ngại rằng trong những trận tranh đua khác mà quyền phán xét đều nắm trong tay trọng tài thì mọi sư dàn xếp về chiếc huy chương vàng, huy chương bạc rất có thể xảy ra mà không ai làm gì được.
Vì thế nên khi trưởng đoàn VN, ông Nguyễn Hồng Minh vừa đặt chân xuống Manila đã được báo chí săn đón "hỏi thăm sức khỏe" đông nhất.
Nguyên nhân xuất phát từ một bài viết của một nhà báo nữ đăng trên tờ TN ngày 14-11, trích nguyên văn lời phát biểu của ông Minh cho rằng "... có những môn hầu như đã có sự phân chia huy chương xong, thi đấu chỉ là hình thức để xác nhận khả năng hoặc điều chỉnh cho phù hợp với dự tính...".
Bài báo này sau đó cũng đã được đăng lại trên website tiếng Anh của tờ báo này. Căn cứ vào thông tin trên, giới báo chí Philippines, nhất là các tờ Manila Standard Today, Malaya Today, đã liên tục có những bài phê phán gay gắt cách phát ngôn của vị trưởng đoàn thể thao VN.
Mặc dù Đại sứ quán VN tại Manila đã ra sức xoa dịu tình hình nhưng làn sóng công kích vẫn không giảm.
Tờ Manila Standard Today trích lời của nghị sĩ tỉnh Negros Occidental, nơi có thành phố Bacolod - ông Monico Puentevella - cho rằng lời phát biểu của ông Minh đã xúc phạm đến người dân Philippines. Đồng thời yêu cầu ông Minh chính thức đưa ra một lời xin lỗi, nếu không sẽ đề nghị không cho nhập cảnh!
Phát biểu tại sân bay Ninoy Aquino, ông Minh tuyên bố: "Tôi không thể nói lời xin lỗi vì tôi không có những phát biểu nào làm xúc phạm đến nước chủ nhà, đến người dân Philippines. Những phát biểu của tôi chỉ mang tính dự báo số huy chương, và những khó khăn có thể các VĐV sẽ gặp phải".
Nhưng rồi mọi chuyện cũng "huề cả làng". Ông Minh và đoàn thể thao VN vẫn phây phây nhập cảnh, có lẽ chuyện nên chờ xem "hậu SEA Games" mới có thể biết chắc nước chủ nhà có dàn xếp hay Fair Play như những lời các quan chức nước chủ nhà đã cam kết.
Những đoàn thể thao đến với SEA Games 23
Nước chủ nhà Philippines cử một đoàn vận động viên đông đến 743 để tham gia tranh tài ở tất cả các bộ môn tại SEA Games 23, tranh 441 chiếc HCV. Được biết con số này thấp hơn con số mà Ủy ban tổ chức SEA Games Philippines (Philsoc) đưa ra trước đó. Đoàn Philippines dẫn đầu về số lượng.
Kế đến là đoàn vận động viên Thái Lan với 677 vận động viên (399 nam và 288 nữ). Nhiều thứ ba là đoàn Indonesia, 633 vận động viên (367 nam và 266 nữ).
Đoàn Việt Nam (đứng đầu bảng tổng sắp HC tại SEA Games 22 tổ chức tại Việt Nam), năm nay cử 516 vận động viên (269 nam và 247 nữ).
Tuy đặt hy vọng lọt vào 1 trong 3 nước dẫn đầu bảng tổng sắp HC nhưng chỉ có 415 vận động viên Malaysia đến Philippines (281 nam và 134 nữ).
Tiếp theo là các đoàn Myanmar, 415 VĐV (281 nam và 134 nữ); Singarpore, 363 VĐV (195 nam và 168 nữ); Brunei 109 VĐV (88 nam và 21 nữ); Campuchia 77 VĐV (62 nam và 15 nữ) và Lào 76 VĐV (66 nam và 10 nữ).
Đông Timor là quốc gia có ít VĐV nhất tại SEA Games kỳ này với chỉ 33 người (24 nam và 9 nữ).
Những trận bóng đá của đội VN
Như trên tôi đã tường trình Đội tuyển U 23 VN đã thắng cả 3 trận đấu đầu tiên, chỉ để thua trận sau cùng và trận này chỉ còn là trận thủ tục vì đã cầm chắc chiếc vé đầu bảng B trong tay để vào bán kết.
Các trận thắng của U23 VN: - Thắng Singapore 2-1; - Lào 8-2; - Myanmar 1-0. Thua Indonesia 0-1.
Tuy nhiên nhìn lại cả những trận đấu của tất cả các đội trong khu vực, hầu như những chuyên gia và ngay cả những khán giả hâm mộ, ngồi nhà coi tường thuật trực tiếp qua các đài truyền hình đều có chung một nhận xét "bóng đá khu vực Đông Nam Á đang tuột dốc thảm hại". Những trận thắng của VN, phải khách quan nhìn nhận rằng là do những đội như Malaysia, Singapore, Lào quá dở chứ không phải VN đá hay. Nếu chỉ cẩn các chân sút của VN khéo léo hơn một chút xíu nữa thì những bàn thắng sẽ còn nhiều hơ nữa và trận sau cùng dù chỉ với lực lượng dự bị cũng không thể thua. Ngoại trừ khi đội VN bằng lòng "nhường điểm" cho đội Indonesia, bởi sự nhường điểm cho một đội yếu dễ chơi có thể vào vòng trong hơn là gặp một đội khác mạnh hơn. Điều này thì cũng thể xảy ra. Tuy nhiên tôi vẫn nghiêng về phía ông HLV đã cho phép các cầu thủ của ông nghỉ ngơi trên sân.
Chứng kiến những trận đầu dở... nhất thế giới
Chỉ có một trận đấu đầu tiên gặp đội Singapore được xem là trận đấu hay nhất của cả hai đội với những cố gắng phi thường như dồn cả 120% sức lực vào trận này. VN thắng hay Singapore thắng chỉ trong gang tấc. Yếu tố may mắn giúp thêm một phần vào chiến thắng này. Nhưng không thể phủ nhận quyết tâm của những chàng trai trẻ VN cùng với một vài đường bóng cá nhân bất thần xuất sắc.
Trận thắng Lào 8-2 lại là một trận dở nhất. Ngồi nhìn cơn mưa bàn thắng của VN thế mà những người hâm mộ đã có nhiều phen phải cười ra "hủ tíu". Có tới 3 bàn thắng của đội Lào tự đốt lưới nhà và VN cũng đáp lại lòng mong mỏi của khán giả bằng 2 bàn thua lãng nhách. Cú đánh vai của cầu thủ Văn Trương vào lưới thủ môn Quang Huy được coi là khôi hài cũng vào bậc nhất Đông Nam Á. Những pha bóng ngớ ngần đó khiến tôi nhớ đến hồi còn nhóc, chúng tôi chơi cũng nỗi tồi như vậy là cùng.
Nhìn sang các đội khác thi cuộc chạm trán sinh tử giữa 2 đội Singapore và Indonesia là 2 đội cũng được đánh giá là ứng cứ viên sáng giá của chức vô địch SEA Games 23. Nhìn họ chạy hùng hục, có khán giả đã ví von rằng "chỉ là những kẻ hữu dõng vô mưu" chỉ biết cắm đấu chạy... không biết đi đến đâu.
Cuộc thư hùng bóng đá trong những ngày đầu tiên tại SEA Games 23 mang lại nỗi thất vọng lớn lao là như thế.
Nhưng dù sao thì đội tuyển VN cũng đã lọt vào trận bán kết. Chưa biết những trận sau họ sẽ chơi như thế nào. Vào đến bán kết không còn là những sai lầm có thể sửa chữa được nữa. Giấc mơ cháy bỏng mà bao nhiêu năm nay đội VN chưa có được là chức vô địch SEA Games liệu có thành sự thật được không" Chưa có kỳ SEA Games nào mà cánh cửa lại mở rộng đối với đội VN như bây giờ. Mong rằng, họ sẽ không làm khán giả quê nhà thất vọng thêm một lần nữa. Trở ngại cuối cùng của VN có lẽ chỉ là đội Thái Lan ở bảng A. Rất có thể hai đội "kỳ phùng địch thủ" này sẽ lại gặp nhau trong trận chung kết diễn ra vào 18 giờ ngày 4-12 sắp tới. Nhìn vào thực lực của cả hai đội, bên tám lạng bên nửa cân. Nhưng có chăng nên lo cho sức lực của Đội VN luôn thua kém đội láng giềng Thái Lan.
Đội tuyển bóng đá nữ VN đến với SEA Games 23 với tư cách "đương kim vô địch SEA Games". Nhưng ngay trận đầu đã để thua đau 0-1 trước Myanmar, một đội được coi là yếu hơn. Nhưng các cô gái VN đã gỡ lại thể diện ngay sau đó bằng trận thắng Thái Lan ngày 26-11 để lại mơ giấc mơ vô địch một lần nữa. Trong hai trận sau, họ sẽ còn gặp Philippines và Indonesia, trước khi bước vào trận chung kết vào ngày 3-12.
Nhưng xem "con gái đá bóng" vẫn chỉ là con gái không thể nào so sánh với những đội tuyển nữ trên thế giới hoặc ngay trong châu lục. Thú thật, coi cho vui, đó là cái tâm lý chung của hầu hết khán giả VN. Thắng hay thua, vô địch hay không, chẳng phải là điều quan trọng. Dù sao cũng chúc cho Đội tuyển nữ VN bảo vệ thành công chức vô địch để kiếm thêm chiếc huy chương vàng cho đủ "chỉ tiêu".
Huy chương SEA Games 23 như một tác phẩm nghệ thuật
SEA Games lần thứ 23 sẽ là một cơ hội cho nước chủ nhà Phillipines trình làng những nét nghệ thuật thủ công tinh tế được thể hiện qua bộ huy chương dành cho những nhà vô địch.
Công ty Suarez & Sons, một trong những công ty hàng đầu của Philippines chuyên sáng tạo, chạm khắc những phần thưởng, quà lưu niệm có tính cách quốc gia, đã một lần nữa giành độc quyền thiết kế bộ huy chương cho SEA Games 23, lần đầu là cho SEA Games 16.
Được biết mẫu mã huy chương SEA Games lần này là sự kết hợp sáng tạo giữa hai anh em nhà Suarez: Rafael H. Suarez II và Willy H. Suarez.
Theo ông Rafael Suarez II, đặc điểm nổi bật của bộ huy chương là biểu tượng của từng môn thi đấu sẽ được chạm khắc một cách tinh vi dọc theo gờ của các huy chương. Suarez cũng cho biết thêm, chính sự tỉ mỉ của các nghệ nhân và thủ công khéo léo của họ đã khiến các sản phẩm Suarez & Sons làm ra vượt trội những công ty cạnh tranh.
Lễ khai mạc SEA Games 23 bắt đầu
Cho đến khi tôi viết bài này vào chiều ngày 27-11. lễ khai mạc đang diễn ra tại Philippnes.
Với chủ đề "Một di sản, một Đông Nam Á", lễ khai mạc diễn ra vào lúc 17 giờ 30 trên quảng trường Luneta, Manila cũng khá hoành tráng.
Sau lời tuyên bố khai mạc của Tổng thống Philippines Arroyo, các đoàn thể thao diễu hành trước khán đài. Sau đó là những màn trình diễn nghệ thuật đặc sắc, kết hợp những nét văn hóa truyền thống và hiện đại của các quốc gia trong khu vực, thể hiện khát vọng chiến thắng của các VĐV tham dự SEA Games 23.
Các biện pháp an ninh được đặc biệt chú trọng với khoảng 5.000 cảnh sát ứng chiến tại chỗ. Được biết, ba hệ thống truyền hình quốc gia và kênh truyền hình tư nhân của nước này sẽ phối hợp để truyền hình trực tiếp các trận thi đấu của SEA Games 23.
Đoàn thể thao VN có giữ ngôi đầu bảng về huy chương hay không, đó cũng chẳng phải là điều dễ dàng. Nếu không có gì trở ngại, xin hẹn bạn đọc đến "hậu SEA Games 23" trong tuần sau.