Trong cuộc họp mặt.
Chu Tất Tiến
Có lẽ trong tất cả các tình bạn, ngoài tình gia đình, thì tình chiến hữu bền chặt và quý giá hơn cả. Lý do đơn giản là các loại tình bạn khác, như tình đồng môn, tình bạn cùng sở, tình bạn trong giao dịch thương mãi, tình đồng thuyền khi vượt biên, tình bạn trong tù Cộng Sản.. vẫn dễ quên và đôi khi còn mâu thuẫn với nhau, nhưng tình chiến hữu thì luôn bảo vệ cho nhau, đôi khi còn xả thân cho nhau không ngần ngại. Tình chiến hữu không tính toán thiệt hơn, không bao giờ đòi trả ơn cứu mạng, và nếu có phải hy sinh thân mình cho chiến hữu được sống, thì vẫn mỉm cười trước khi nhắm mắt. Điều quý giá nữa, là cho dù không có luật lệ ràng buộc, không phần thưởng, không huy chương, không đánh trống, gọi loa, mà các chiến hữu sẵn sàng hy sinh cho nhau cũng giống như lúc chia cho nhau một ly cà phê, điếu thuốc vậy.
Nhìn lại cuộc chiến Quốc-Cộng vừa qua, chúng ta thấy có muôn vàn câu chuyện bi hùng xẩy ra khi một chiến sĩ chấp nhận hy sinh thân mình cho người bạn khác. Điều quan trọng là sự hy sinh mạng sống mình cho đồng đội lại xẩy ra một cách đơn giản. Chỉ một nhún vai, một gật đầu, môt bắt tay là có thể một chiến sĩ sẽ ra đi để bảo vệ mạng sống của quân bạn. Vì thế, cuộc họp bạn 50 Năm Khóa 5/68 Sĩ Quan Thủ Đức được tổ chức tại tư gia của Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Nguyễn Phước, Khóa 5/68 tại thành phố Westminster, ngày Chủ Nhật 28 tháng 2 năm 2018 có lẽ là cuộc họp mặt cảm động nhất trong các cuộc họp mặt chiến hữu khác. Cũng rất đơn giản. Không nghi lễ rình rang mà tâm hồn ai cũng xúc động. Không diễn văn dài giòng, mà lời nói tự trong tim như tuôn trào không dứt. Không cấp dưới, cấp trên, mà vẫn uy nghi, dõng dạc. Những nụ cười hể hả, những xúc động tràn trề. Người đại diện khóa 5.68, anh Văn đức Thiệm, trong chiếc áo thung trắng có in hình huy hiệu Cư An – Tư Nguy, xúc động nói: “Cách đây 49 năm, kể từ sau biến cố Tết Mậu Thân năm 1968, chúng tôi là những chàng trai tuổi đôi mươi phải từ giã bạn bè, xa người yêu, rời nhiệm sở đang phục vụ, xa mái trường thân yêu, từ giã anh chị em và cha mẹ để lên đường tòng quân nhập ngũ… Ngày nào đây, chúng ta cùng chung chiến hào trong cuộc chiến để bảo vệ miền Nam thân yêu… Sau 1975, từng chịu bao đau thương, gian khổ, đọa đầy trong lao tù Cộng Sản.. Anh Em chúng ta là những người còn nhiều may mắn hiện đang sống trên một đất nước Tự Do và giầu mạnh.. Xin hãy cùng nhau đoàn kêt, xây dựng, thương yêu, đùm bọc, chia xẻ niềm vui nỗi buồn, thăm hỏi nhau khi ốm đau hay trong hoạn nạn trên quê hương thứ 2 này…”
Đó thật sự là niềm ước muốn của những chiến sĩ, mới hồi nào tung hoành ngang dọc trên mọi nẻo đường đất nước, người Quân Nhu, Quân Cụ, người Biệt Động, Nhẩy Dù, anh Tâm Lý Chiến, Không Quân.. Có người về từ cõi chết của trận đánh “An Lộc Sử Địa Ghi Chiến Tích – Biệt Cách Dù Vị Quốc Vong Thân”. Có người từng lao vào các trận đánh tuyệt vọng của năm 1975. Rồi tù đầy Suối Máu, Hoàng Liên Sơn, Cà Mâu, Đồng Tháp hay Bù Đăng, Bù Đốp… Người bị đầy 6 năm, kẻ lê lết hơn 10 năm. Nhưng cuối cùng lại gặp nhau, để kể chuyện thằng còn, thằng mất. Những tiếng cười ròn tan, những vòng ôm thật chặt. Một điều không ngờ và rất đặc biệt là trước khi chương trình văn nghệ chiến hữu bắt đầu, thì người điều khiển chương trình thông báo một tiết mục khá lạ lùng: “Ngày họp mặt 50 năm Khóa 5/68 cũng là ngày kỷ niệm 50 năm thành hôn của hai cặp anh chị Trần Có và Huỳnh Thanh Trúc! Mời hai đôi tân hôn ra trình diện anh chị em.” Và thế là vẫn ân cần như năm nào, vẫn e lệ như thuở ấy, hai cặp yêu nhau và đã sống chung với nhau một nửa thế kỷ, chia xẻ biết bao nhiêu nỗi buồn vui, hoạn nạn, dìu nhau ra chào anh chị em trong tiếng vỗ tay, la hò vui vẻ của gần 100 người tham dự. Những chùm hoa được trao tặng, những món quà được mở ra, y như ngày mới cưới. Trên hết là hai tấm hình chụp hai đôi tân hôn do anh Nguyễn Xê phóng thật lớn trên “canvas” được trao cho các “cô dâu, chú rể” khiến cho những giòng nước mắt cảm động lại có dịp rơi nhẹ trên gò má của các cô dâu, hiện đã là những bà nội, bà ngoại của bao đứa cháu…
Những giọt nước mắt hạnh phúc sau đó lại là những giọt nước mắt đầy xúc động của một người từng là Sĩ Quan Cán Bộ của đại đội 52, khóa 5/68 khi ông đọc bài thơ “An Lộc Máu Đào” do ông sáng tác để nhớ đến những người bạn đồng khóa 25 đã hy sinh trong trận chiến mùa hè đỏ lửa năm nào. Khóa 25 Sĩ Quan Thủ Đức của ông ra trường đúng vào thời kỳ Mậu Thân 68, chưa kịp học kinh nghiệm chiến trường đã phải xông vào vùng lửa đạn để bảo vệ cho dân chúng miền Nam thương yêu. Vì thế mà quân số đại đội 9 của ông chỉ còn lưa thưa vài người. Mấy năm nay, kêu gọi khản cổ cũng chỉ có vài mạng đến tìm nhau. Nhìn đến sự vui mừng của các sĩ quan đàn em, ông lại nhớ đến những thằng bạn chí thân đã không còn trên mặt đất này, nhất là ông nhớ đến mảnh đất quê hương, dù đã phủ đầy máu lệ của hàng triệu triệu chiến sĩ, giờ này lại nằm trong tay giặc.
Cuộc họp mặt của các cựu sĩ quan khóa 5/68 năm nay, là một lần gặp gỡ đầy xúc động rất đặc biệt, cho dù là mỗi năm vẫn gặp nhau một lần, nhưng mỗi lần lại có những tiết mục khác lạ, và nhất là có thêm những khuôn mặt mới từ những phương trời rất xa mang theo nhiều kỷ niệm huy hoàng của thời trước, khi những người trai ra đi làm nhiệm vụ bảo vệ đất nước, không mơ ngày trở lại với gia đình.
Chu Tất Tiến
Gửi ý kiến của bạn