Hôm nay,  

Sổ Tay Thường Dân Tưởng Năng Tiến: Chuyện Một Cái Cầu Đã Gẫy

03/12/200500:00:00(Xem: 24726)
- Việt Kiều Đã Bắc Cầu, Nhà Nước Cần Bước Tới. (G.S. Vũ Đức Vượng)

Sau khi về tham quan Việt Nam, tác giả Nguyễn Hoàng Văn - ngó bộ - hơi bị bức xúc. Ông (bục bội) ghi lại, như sau:

"Cơ hồ, đến bất cứ nơi đâu, và gặp bất cứ người nào, tôi cũng ít nhiều va chạm với lối diễn ngôn không chút thần sắc và cá tính... Dạo vòng theo nghĩa vụ thân tộc quanh một xóm nhỏ ở miền Trung cũng thế mà lặn lội ra ngoài tận những ruộng nương bậc thang tít tắp tầng mây ở biên giới phía Bắc cũng thế.

Thấy tôi nhìn mãi lên đầu tường bị đục lam nham với ánh mắt tò mò, ông anh họ cười hì hì phân bua, giọng đặc sệt Quảng Nam: 'Mối ăn hết trơn nên phải đục ra, giải pháp tình thế thôi mà chú!'. Mà không để tôi kịp tiêu hóa cái 'giải pháp tình thế' trên đầu tường lở lói thật ngứa mắt, chủ nhà đã mau mắn 'quay sang hỏi tình hình', và, chợt, hết thẩy, những chuyện chi li và vụn vặt của đời sống cá nhân đều trọng thể hóa thân thành những 'tình hình'; hết 'tình hình kinh tế' thì 'tình hình giáo dục', hết 'tình hình giáo dục' thì 'tình hình sức khỏe', chuyện của tôi mà như thể là chuyện của nguyên một quốc gia hay của cả nhân loại này.

Xa hơn, với chuyến du hành gọi là 'đi để thấy quê hương' tận mảnh đất ở vùng cực bắc cũng vậy. Từng làm một cái nghiên cứu nho nhỏ về lịch sử thuốc phiện ở Việt Nam, tôi tiện miệng hỏi thêm về đời sống hiện tại của những bộ lạc H'mong từng khét danh với nghề trồng cây anh túc và, thế là, anh hướng dẫn viên du lịch tuổi đời mới ngoài hai mươi khoát tay hết sức tự nhiên:'Đồng bào đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng cả rồi'.

"Lối diễn ngôn đóng hộp ấy, chắc hẳn, đã từ đâu chui vào mai phục đâu đó giữa hai lỗ tai để rồi gặp lúc tiệng miệng chui ra" (Nguyễn Hoàng Văn, "Ngôn Ngữ, Văn Học Và Chính Trị," Văn Học, tháng 9 & 10, 2005).

Trước đây, một nhà văn khác, sau khi đi tham quan Hà Nội, cũng lên tiếng càu nhàu:"Lời ăn tiếng nói lễ độ cũng khó gặp, chứ đừng nói gì đến văn vẻ... Một cô gái có thể nói oang oang giữa chợ:

- Nó rủ tao đi nhưng tao đ… đi.

- Sáng nay mẹ mày qua xin lửa bố tao, bố tao đ… cho…" (Phạm Xuân Đài. Hà Nội Trong Mắt Tôi. Thế Kỷ, Hoa Kỳ 1994, 32-33).

Nguyễn Hoàng Văn, Phạm Xuân Đài - dường như - đều bị dị ứng với ngôn ngữ (đương đại) ở quê nhà. Họ nghe chưa quen. Chuyện cũng dễ hiểu thôi.

Điều hơi khó hiểu là chính những người hiện đang sinh sống ở VN, có chiều day thành tích cách mạng và thẩm quyền trong lãnh vực văn học - xem chừng - cũng không thấy thoải mái gì cho lắm với cái thứ ngôn ngữ mà họ phải tiếp cận thường ngày.

Qua bài báo thượng dẫn, Nguyễn Hoàng Văn trích lời của nhà văn Ngô Thị Kim Cúc (cằn nhằn) về "những lời đối thoại vô hồn, sống sượng và thiếu cá tính trên màn ảnh nhỏ". Nhà nghiên cứu Hoàng Ngọc Hiến thì bầy tỏ sự "ưu tư trước sự mất dần thần sắc và cá tính của ngôn ngữ văn chương, cái sự đánh mất mà ông ví von bằng lời của nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường về những dòng chữ "bò trên trang giấy giống như bầy kiến, không hồi hộp, không vang động."

Ôi, nhưng cớ sao lại ra nông nỗi thế" Cứ theo lời Nguyễn Hoàng Văn thì "nguyên nhân, ắt hẳn, do chính trị." Sau khi chiếm được nửa nước, rồi cả nước, Đảng CSVN nắm hết mọi phương tiện truyền thông: báo, đài, và tất cả những cái loa ở đầu đường cuối phố ... Từ đó, các đồng chí lãnh đạo tư duy ra sao, nói năng, viết lách thế nào thì mọi người đều phải nghe theo và lập lại giống y như vậy.

Nói nguyên văn, một cách hàn lâm, theo kiểu của Nguyễn Hoàng Văn là "khi xã hội và con người đã bị đoàn ngũ hóa triệt để thì, cơ hồ, ngôn ngữ cũng bị đòan ngũ hóa ... hậu quả sẽ là, từ một nhân vật ngoài đời cho đến nhân vật trong tác phẩm văn chương, tác phẩm điện ảnh hay sân khấu, ai cũng có thể trơn tru những thông điệp chính trị vô hồn mà mình chẳng bao giờ hiểu được hay cảm được."

Sự thể cho dù có hoàn toàn đúng như quí nhà văn Ngô Thị Kim Cúc, Hoàng Ngọc Hiến, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Nguyễn Hoàng Văn, Phạm Xuân Đài ... mô tả hay nhận xét chăng nữa - theo tôi - cũng là chuyện bình thường thôi. Chả việc gì mà cả đám nhà văn, nhà thơ (từ trong ra ngoài) lại phải phàn nàn, nhăn nhó, gắt gỏng um xùm như vậy.

Miệng người sang (vốn) có gang có thép. (Quả) đã có lúc các đồng chí lãnh đạo nói sao thì cả nước phải bào hao làm vậy. Nói khác chút xíu là bỏ mẹ (hoặc bỏ mạng luôn) chứ đâu phải chuyện đùa.

Nhưng thời đó qua rồi mà. Đã lâu, đâu còn nghe ai trình bày quan điểm chính trị của mình theo xã luận của báo Nhân Dân nữa. Người ta mua báo chỉ để dùng vào những việc gia dụng khác, theo như lời kể của ông Nguyễn Ngọc Lan:

"I was reminded of the time when there was a severe shortage of paper across the country. People literally lined up daily to buy the inexpensive Nhan Dan for household uses."(Robert Templer, Shadows And Wind, Penguin Books, New York, 1988, 165).

Dùng vô chuyện gì khác thì ổng nhứt định không chịu nói. Đang sống ở Việt Nam mà tế nhị như vậy là phải cách. Đám Việt Kiều về chơi thì khác. Họ thấy sao là nói (đại) y như vậy:

"Như tránh người ăn mày, tôi cũng dần dần làm ngơ tin tức trên đài truyền hình. Trong vài ngày đầu tiên ở Việt Nam, tôi ngạc nhiên khi thấy mọi người vội tắt máy truyền hình đúng giờ có tin tức… để làm những công việc khác trong giờ tin tức buổi chiều. Họ có thể ăn uống, vào nhà vệ sinh… (Hoàng Mai Đạt, Giữa Hai Miền Mưa Nắng, Văn Nghệ, Westminster, 1999, 200). Hẳn là không ít người đi vào nhà vệ sinh, với tờ báo Nhân Dân.

Cùng lúc, với thời gian, những cái loa ở khắp nơi đã từ từ được gỡ xuống, những cô gái Hà Nội (rồi) cũng sẽ già và yếu dần đi. Họ không thể đéo (liên tục) như trước nữa. Sức người có hạn thôi chứ bộ.

Lớp người mới sẽ có ngôn ngữ mới: thanh nhã, lịch sự, thần sắc, và linh động hơn. Sự trong sáng, cô đọng và nền nã của ngôn ngữ Việt sẽ hồi sinh. Cứ để nhẩn nha cho thời gian làm công việc của nó.

Ối giào, nói theo kiểu huề vốn như thế thì nói làm (đéo) gì cho nó mệt. Hiện thực không có giản đơn như thế đâu, bố (non) ạ.Trong khi thời gian làm việc để chữa lành mọi vết thương thì con người cũng (thiếu gì đứa) đâu có ngưng tay phá thối.

Đứa nào vậy" Ông lại tẩn cho một trận cho bỏ mẹ bây giờ! Ấy đừng có nóng nẩy thế. Nói năng, nếu không đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, cũng cũng nên mỏng mỏng một tí. Chả thơm cũng thể hoa nhài.

Vì chả phải cái thằng (bá vơ) hay cái con (thổ tả) nào đâu. Chính giáo sư Vũ Đức Vượng, Việt Kiều ở Mỹ hẳn hòi đấy. Mới đây, trên trang web của BBC (đọc được vào ngày 27 tháng 9 năm 205) xuất hiện một bài báo của ông có tựa là "Việt Kiều Đã Bắc Cầu, Nhà Nước Cần Bước Tới." Xin trích dẫn một đoạn ngắn, xem chơi:

“Tiếng Việt còn nước ta còn”

“Trong thế kỷ vừa qua, Việt Nam đã thắng lợi nhiều về quân sự, đã đạt nhiều kết quả về ngoại giao, và đang tiến hành chuyển mình nhanh về kinh tế. Đã đến lúc chúng ta, người Việt trong cũng như ngoài nước, không thể còn coi nhẹ mặt trận văn hoá mà phải đặt trọng tâm văn hóa ngang hàng với ba lãnh vực kia…”

“Về mục tiêu, tưởng không có gì quan trọng hơn việc giúp người Việt, thế hệ thứ hai, thứ ba trở đi, có phương tiện học tiếng Việt, trau dồi văn hoá Việt, và từ đó, họ sẽ vừa giữ được ‘gốc Việt’ của họ, vừa là những sứ giả tiếp tay cho công cuộc bang giao của Việt Nam với thế giới bên ngoài.”

“Về cộng tác giữa người Việt trong và ngoài nước, các phòng văn hoá này cũng sẽ là những cơ cấu thuận lợi để phát huy các liên hệ giữa những cá nhân, tổ chức, những chương trình hưữ ích cho cả hai phía. Và nhất là giữ được cá tính của người Việt trong những thế hệ mai sau…”

“Phải chăng đây cũng là cơ hội và thời điểm tốt để chính phủ Việt Nam tiếp tay vào việc phát huy các ‘đầu cầu’ đã được người Việt ở nước ngoài bắc sẵn"” (http://www.bbc.co.uk/vietnamese/business/story/2005/09/050902_vietkieu_vanhoa.shtml).

Toàn văn bài viết dẫn thượng dài 1.931 chữ, được đăng lại ở trang Anh Ngữ, trên web site của Đảng Cộng Sản VN (http://www.cpv.org.vn/details.asp"topic=61&subtopic=160&id=BT1050561921)

vào tám ngày sau, sau khi đã lược bỏ đoạn giáo sư Vũ Đức Vượng nhắn nhủ Đảng và Nhà Nước "không nên coi nhẹ mặt trận văn hóa" ở hải ngoại!

Chết thật chứ chả bỡn, chả hiểu ông giáo con cái nhà ai mà lại ăn nói hồ đồ đến thế. (Ta) đang tranh thủ cảm tình của những khúc ruột xa ngàn dặm - một bộ phận không thể tách rời của tổ quốc - và đang kêu gọi đại đoàn kết dân tộc để xây dựng đất nước mà nhắc đến chuyện mở mặt trận này, mặt trận nọ làm gì. Nó làm cho người ta nhớ ngay đến Mặt Trận Gỉai Phóng Miền Nam, Mặt Trận Giải Phóng Tây Nguyên ... Toàn là những oan hồn, chưa siêu thoát. Nghe thấy ghê chết mẹ. Không nên nhắc tới dây thừng trong một gia đình đã có (vô số) người (bị) thắt cổ như thế. Người Việt - bất kể Việt Kiều, Việt Gian hay Việt Cộng ... - đều kiêng cữ cái vụ này dữ lắm.

Riêng đoạn mà giáo sư Vũ Đức Vượng đề nghị xuất cảng tiếng Việt để truyền dậy cho trẻ con VN ở hải ngoại thì vẫn được (trân trọng) giữ nguyên và nhấn mạnh:

"According to professor Vu Duc Vuong, a second overseas Vietnamese generation has grown up. Some of them can speak and write Vietnamese strongly, some of them just only practice daily conversations. Most of them are beginners in understanding Vietnamese culture.

It is a good time for the Vietnamese government to open cultural affairs offices in order to help young overseas Vietnamese to find the roots of their origin. "

Giáo Sư Vũ Đức Vượng thiệt là ... bao la và viễn kiến. Chắc vì sợ cái thứ tiếng Việt chết tiệt "mất thần sắc" , "sống sượng vô hồn" "không cá tính" - có thể - bị chết yểu "trong lòng cách mạng" nên ổng mới đề nghị mang nó ra hải ngoại để cho thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba ... học hỏi và lưu giữ.

Tôi rất trân trọng ghi nhận thiện ý, cũng như mọi ý kiến (trờ biển) của giáo sư nhưng chỉ e ở khâu thực hiện thì hơi (bị) khó. Trẻ con ở hải ngoại không thấy đứa nào đeo khăn quàng đỏ nên sợ chúng không dễ dậy, nhất là khi giáo sư lại muốn dậy tụi nhỏ cái thứ tiếng Việt (cộng) "mất thần sắc, sống sượng" được nhập cảng từ "trong lòng cách mạng" Việt Nam.

Đề nghị của giáo sư về việc thiết kế những Phòng Văn Hóa Việt -cultural affairs offices - ở hải ngoại (e) cũng không thực tế. Đám Việt Kiều (nói chung) không ai có thể học thuộc "trơn tru những thông điệp chính trị vô hồn mà mình chẳng bao giờ hiểu được hay cảm được", như Nhà Nước kỳ vọng đâu. Sợ họ cũng không đủ rảnh để tìm để tìm đọc báo Nhân Dân nữa. Ở nước ngoài lại không ai mang giấy báo vào restroom để dùng vào việc khác.

Báo đã thế, đài, xem ra, cũng ế. Theo như lời tâm sự của một Việt Kiều, ở Úc Châu, về chương trình VTV4:

“Mở đầu chương trình bao giờ cũng là tin tức liên quan đến các nhân vật trong bộ chính trị như hình ảnh Chủ tịch nước tiếp Đại sứ các nước trình quốc thư, bộ mặt các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước già nua đến dự lễ kỷ niệm, cắt băng khánh thành, rồi thều thào đọc huấn thị quần chúng nhân dân, không một vị “tai to mặt lớn” nào dám phát biểu tách rời văn bản đã được ban thư ký soạn thảo từ trước. Đến con tôi đang trong tuổi thiếu niên, khi nhìn thấy người đứng đầu nhà nước Trần Đức Lương trên TV, cũng còn thốt lên: nói kém quá. Tất cả các tin tức mà phát thanh viên đọc đều chỉ toàn những tin được tô hồng, không hề có tin về quốc nạn tham nhũng hay đạo đức xã hội suy đồi. Mấy bài ca nhạc đều cũ rích, oang oang nhịp quân hành trong thời buổi hòa bình, nghe cứ như đấm vào tai.”

“Nghe mà tức, nhìn mà thấy bực vì toàn những cảnh dàn dựng sống sượng của ban biên tập thực hiện theo chỉ thị của Bộ Văn hóa thông tin. Xem được ba buổi, chán giọng điệu tuyên truyền một chiều, tôi tắt, cả nhà đồng tình, chả cần đợi đến khi SBS bị cộng đồng phản đối kịch liệt nên không được trình chiếu nữa” (http://danchimviet.com/php/modules.php"name=News&file=article&sid=777).

Những người lăng xăng, năng nổ như giáosư Vượng thì thời nào và ở đâu cũng vậy. Bên Úc (hẳn) cũng có vài vị như thế. Chính họ đã bắc cầu để Nhà Nước bước tới trình diễn "Duyên Dáng Việt Nam", vào tháng 11 năm 2005 vừa qua. Cái cầu này, tiếc thay, bị gẫy. Ngay sau đó, trên bán tuần báo Việt Luận (phát hành từ Sydney, số 2023, ra ngày 11 tháng 11 năm 2005) xuất hiện một lá thư ngỏ, có đoạn như sau:

"Kính thưa quí đồng hương,

"Tôi, Luật Sư Nguyễn Đan Phượng xin có đôi lời trần tình với quí vị như sau. Gần đây, tôi có được biết một số người đã đưa ra những lời đồn là tôi… có liên quan đến chương trình ca nhạc Duyên Dáng Việt Nam. Nay tôi xin xác minh vai trò của tôi trong sự việc này: Tôi không có mặt trong hai chương trình duyên dáng Việt Nam tại Sydney hay Canberra... "

Luật sư Nguyễn Đan Phượng, rõ ràng, muốn tránh xa chỗ xẩy ra tai nạn -nơi những cái cầu vừa gẫy. Tôi hy vọng chuyện này sẽ làm cho giáo sư Vũ Đức Vượng suy nghĩ lại về những cây cầu mà ông tính bắt, cho Nhà Nước bước tới, ở Hoa Kỳ. Sao cứ chọc cho người ta chửi hoài vậy, cha nội"

Tưởng Năng Tiến

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sky River Casino vô cùng vui mừng hào hứng tổ chức chương trình Ăn Tết Nguyên Đán với những giải thưởng thật lớn cho các hội viên Sky River Rewards. Chúng tôi cũng xin kính chúc tất cả Quý Vị được nhiều may mắn và một Năm Giáp Thìn thịnh vượng! Trong dịp đón mừng Năm Mới Âm Lịch năm nay, 'Đội Múa Rồng và Lân Bạch Hạc Leung's White Crane Dragon and Lion Dance Association' đã thực hiện một buổi biểu diễn Múa Lân hào hứng tuyệt vời ở Sky River Casino vào lúc 11:00 AM ngày 11 Tháng Hai. Mọi người tin tưởng rằng những ai tới xem múa lân sẽ được hưởng hạnh vận.
Theo một nghiên cứu mới, có hơn một nửa số hồ lớn trên thế giới đã bị thu hẹp kể từ đầu những năm 1990, chủ yếu là do biến đổi khí hậu, làm gia tăng mối lo ngại về nước cho nông nghiệp, thủy điện và nhu cầu của con người, theo trang Reuters đưa tin vào 8 tháng 5 năm 2023.
(Tin VOA) - Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF) vào ngày 13/9 ra thông cáo lên án Việt Nam tiếp tục lạm dụng hệ thống tư pháp để áp đặt những án tù nặng nề với mục tiêu loại trừ mọi tiếng nói chỉ trích của giới ký giả. Trường hợp nhà báo tự do mới nhất bị kết án là ông Lê Anh Hùng với bản án năm năm tù. RSF bày tỏ nỗi kinh sợ về bản án đưa ra trong một phiên tòa thầm lặng xét xử ông Lê Anh Hùng hồi ngày 30 tháng 8 vừa qua. Ông này bị kết án với cáo buộc ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước’ theo Điều 331 Bộ Luật Hình sự Việt Nam
Từ đầu tuần đến nay, cuộc tấn công thần tốc của Ukraine ở phía đông bắc đã khiến quân Nga phải rút lui trong hỗn loạn và mở rộng chiến trường thêm hàng trăm dặm, lấy lại một phần lãnh thổ khu vực đông bắc Kharkiv, quân đội Ukraine giờ đây đã có được vị thế để thực hiện tấn công vào Donbas, lãnh phổ phía đông gồm các vùng công nghiệp mà tổng thống Nga Putin coi là trọng tâm trong cuộc chiến của mình.
Tuần qua, Nước Mỹ chính thức đưa giới tính thứ ba vào thẻ thông hành. Công dân Hoa Kỳ giờ đây có thể chọn đánh dấu giới tính trên sổ thông hành là M (nam), F (nữ) hay X (giới tính khác).
Sau hành động phản đối quả cảm của cô trên truyền hình Nga, nữ phóng viên (nhà báo) Marina Ovsyannikova đã kêu gọi đồng hương của cô hãy đứng lên chống lại cuộc xâm lược Ukraine. Ovsyannikova cho biết trong một cuộc phỏng vấn với "kênh truyền hình Mỹ ABC" hôm Chủ nhật: “Đây là những thời điểm rất đen tối và rất khó khăn và bất kỳ ai có lập trường công dân và muốn lập trường đó được lắng nghe cần phải nói lên tiếng nói của họ”.
Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam cử hành Ngày Quốc tế Nhân Quyền Lần Thứ 73 và Lễ Trao Giải Nhân Quyền Việt Nam lần thứ 20.
Sau hơn 30 năm Liên bang Xô Viết sụp đổ, nhân dân Nga và khối các nước Đông Âu đã được hưởng những chế độ dân chủ, tự do. Ngược lại, bằng chính sách cai trị độc tài và độc đảng, Đảng CSVN đã dùng bạo lực và súng đạn của Quân đội và Công an để bao vây dân chủ và đàn áp tự do ở Việt Nam. Trích dẫn chính những phát biểu của giới lãnh đạo Việt Nam, tác giả Phạm Trần đưa ra những nhận định rất bi quan về tương lai đất nước, mà hiểm họa lớn nhất có lẽ là càng ngày càng nằm gọn trong tay Trung quốc. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tác giả Bảo Giang ghi nhận: “Giai đoạn trước di cư. Nơi nào có dăm ba cái Cờ Đỏ phất phơ là y như có sự chết rình rập." Tại sao vậy? Để có câu trả lời, mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của nhà văn Tưởng Năng Tiến.
Người cộng sản là những “kịch sĩ” rất “tài”, nhưng những “tài năng kịch nghệ” đó lại vô phúc nhận những “vai kịch” vụng về từ những “đạo diễn chính trị” yếu kém. – Nguyễn Ngọc Già (RFA).. Mời bạn đọc vào đọc bài viết dưới đây của phó thường dân/ nhà văn Tưởng Năng Tiến để nhìn thấy thêm chân diện của người cộng sản.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.