Vũ Linh
...nếu như có tên VC nằm vùng nào hô hào quỳ gối hay ngồi gác chân lên bàn...
TT Trump có cái tài đặc biệt: bất cứ ông đụng vào chuyện gì thì chuyện đó biến thành đề tài tranh cãi nổi đình nổi đám ngay lập tức. Chuyện mới nhất: các cầu thủ bóng bầu dục (football Mỹ) và việc chào quốc ca.
Đi ngược lại dòng thời gian hơn một năm trước, một anh cầu thủ da đen của đội San Francisco 49ers, Colin Kaepernick, bất ngờ quỳ gối, không chịu đứng chào cờ khi quốc ca được hát lên trước một trận đấu như thông lệ, giải thích anh không tôn trọng lá cờ đó vì là biểu tượng cho một nước Mỹ kỳ thị dân da đen khi khối dân này là nạn nhân của quá nhiều vụ cảnh sát bắn người.
Hành động của anh không phải là chuyện lạ chưa từng xẩy ra trong làng thể thao Mỹ. Trước đây, trong thập niên 60, nhiều lực sĩ da đen Mỹ trong các cuộc tranh giải thể thao quốc tế, khi chào quốc kỳ Mỹ, đã cúi đầu, giơ nắm đấm lên cao như biểu tượng của phản kháng vì lý tưởng Black Power -Sức Mạnh Của Dân Da đen. Nhưng những hành động đó không thọ, mau chóng bị dân chúng bác bỏ, và phong trào Black Power chết yểu sau đó.
Hành động của anh Kaepernick lúc đầu cũng không được hậu thuẫn gì. Lác đác có vài anh cầu thủ khác bắt chước theo, thậm chí có vài anh ngồi trên băng ghế, cũng chẳng quỳ gối luôn. Không ai dám đụng đến họ vì TT Obama công khai tuyên bố ông tôn trọng quyền phản kháng, không chào quốc kỳ của họ. Thái độ của TT Obama khi đó đã khiến nhiều người ngạc nhiên: quốc trưởng mà lại đi khuyến khích dân không cần tôn trọng lá cờ quốc gia nhân danh quyền tự do phát biểu quan điểm.
Năm nay phong trào phản kháng không chào quốc kỳ bộc phát mạnh hơn. Không phải vì dân da đen bị bắn chết nhiều hơn. Mà vì phong trào biến thái thành công cụ mới chống... TT Trump của một số cầu thủ da đen, chống cái mà họ cho là tính kỳ thị da đen của TT Trump. Bây giờ, hàng loạt cầu thủ qùy gối hay ngồi trên ghế không đứng lên chào quốc kỳ, hầu hết là cầu thủ da đen để phản đối tính kỳ thị của TT Trump.
TT Trump trong một bài diễn văn tại Alabama đã lên tiếng chỉ trích thái độ bất kính với quốc kỳ và quốc ca, kêu gọi các ông chủ các đội banh sa thải những cầu thủ phản kháng kiểu này, lại còn kêu gọi dân chúng tẩy chay football, là môn thể thao quan trọng nhất trong văn hoá Mỹ.
TT Trump gặp phản ứng dữ dội từ phiá các cầu thủ. Trong ngày chủ nhật mấy ngày sau đó, hơn 200 cầu thủ đã tham gia cuộc phản đối, có vài trường hợp toàn đội không ra chào quốc ca luôn.
Ông “Commissioner của National Football League”, tương đương với chủ tịch hiệp hội football, sau mấy ngày hấp tấp tham khảo ý kiến, đã lên tiếng bênh vực quyền tự do phát biểu quan điểm của các cầu thủ. Một số lớn các đại gia chủ các đội banh –trong đó có vài người trước đây đã hậu thuẫn TT Trump- cũng ủng hộ cầu thủ, xuống sân đấu khoác tay với các cầu thủ để phản ảnh sự đoàn kết với các cầu thủ phản kháng.
Phản ứng của hiệp hội và các ông chủ một phần bị thúc đẩy bởi tinh thần đoàn kết với các cầu thủ dĩ nhiên, nhưng cũng mang âm hưởng… tính toán kinh tế, sợ dân chúng tẩy chay thật như TT Trump kêu gọi thì họ sẽ bị bể nồi cơm, mất bạc triệu như chơi. Họ cũng sợ những cầu thủ giỏi, phần lớn da đen, sẽ tẩy chay thì đội banh của họ sẽ thua to, mất bạc bộn.
Phe DC, TTDC hồ hởi hoan nghênh ngay. Họ bênh vực quyền phát biểu quan điểm của các cầu thủ theo Tu Chính Số Một của Hiến Pháp –First Amendment- dĩ nhiên, nhưng lấy cớ đó để đánh TT Trump mới là mục tiêu chính.
Không ít cụ tỵ nạn chống Trump hưởng ứng, giảng giải “freedom of speech cho dân tỵ nạn ngu dốt” nghe! Thế nếu như có tên VC nằm vùng nào hô hào quỳ gối hay ngồi gác chân lên bàn mỗi lần nghe bài “Này công dân ơi,…” trong các buổi họp mặt của cộng đồng tỵ nạn, hay mang cờ đỏ diễn hành trên đường Bolsa, thì các cụ có vỗ tay hưởng ứng hay bênh vực, nhân danh “freedom of speech” không nhỉ? Xin quý cụ giơ tay lên cho mọi người biết nhé.
Dân Mỹ không hoan nghênh cách phản kháng này. Theo thăm dò của thông tấn Reuter, 61% dân Mỹ không chấp nhận hành động bất kính quốc kỳ của anh Kaepernick và 72% cho đây là hành động không yêu nước.
Tục lệ hát quốc ca trong các trận đấu thể thao Mỹ bắt đầu đâu cuối thế kỷ 19, từ hơn cả trăm năm nay rồi, như một hành động mang ý nghiã suy tôn tinh thần yêu nước, cũng là cách bày tỏ tri ân với các quân nhân đã hy sinh bảo vệ tổ quốc, để cho thiên hạ có dịp vui thú coi thể thao trong an toàn.
Nhìn dưới khiá cạnh đó, không chào quốc kỳ dĩ nhiên mang ý nghiã bất cần tổ quốc, cũng chẳng coi sự hy sinh của các quân nhân ra cái gì hết.
Việc coi nặng tính yêu nước hay kính trọng sự hy sinh của quân nhân đối với mấy anh cầu thủ phản kháng hiển nhiên chẳng có ý nghiã gì hết. Chẳng có anh nào đã đi lính một ngày nào hết, ngoại trừ một vài biệt lệ.
Đã vậy, mấy anh này toàn là thanh niên rất trẻ, vừa xong đại học –hầu hết đều được học bổng để chơi banh bầu dục chứ không phải là thứ siêu học giả Valedictorian gì- đã được trả lương bạc triệu để chơi banh, trong khi hàng triệu thanh niên khác nếu không đi lính đổ máu ngoài chiến trường thì cũng trầy da tróc vẩy cầy sâu cuốc bẩm, làm việc với vài đô một giờ.
Một anh chuyên liệng banh của môn banh bầu dục, gọi là quarterback, lãnh lương trung bình 20 triệu đô (không kể thù lao quảng cáo và tiền linh tinh khác) để chơi 16 trận đấu trong 4 tháng một năm, trung bình liệng banh 30 lần mỗi trận. Nghiã là được trả 40-50 ngàn đô mỗi lần anh vung tay ra liệng trái banh. Nói cách khác, mỗi lần anh liệng trái banh, anh lãnh tiền bằng lương trung bình của một nhân công lao động làm việc cật lực 8 tiếng một ngày, 5 ngày một tuần trong nguyên năm. Đã vậy, đại đa số các cầu thủ đều nổi tiếng phách lối, ngang ngược vì quá nhiều tiền, hay đầu óc có vấn đề.
Anh quarterback nổi tiếng của đội Green Bay Packers, Aaron Rodgers, bênh vực các cầu thủ quỳ gối bằng cách hỏi “chứ mấy anh phó nhòm quỳ gối để quay TV hay chạy lăng xăng chụp hình, sao không ai thắc mắc?”. Một cách lập luận chứng minh cái tài giỏi của anh Rodgers là ở cánh tay liệng banh chứ không phải ở bộ óc.
Dân Mỹ nói chung rất mê thể thao, nhất là môn banh bầu dục này. Họ cũng biết mấy anh cầu thủ được trả lương trên trời, nhưng chẳng quan tâm lắm vì đó không phải là tiền của họ, mà là tiền của mấy ông chủ đội banh. Nhưng dù sao, cũng khó tránh khỏi việc đố kỵ vì mức lương trên trời đó. Có một sự ấm ức âm ỉ đâu đó. Và khi mấy anh triệu phú này dở chứng, tỏ ra bất kính với quốc kỳ và bất trọng sự hy sinh của hàng triệu thanh niên kém may mắn hơn họ, phải đi lính, mang mạng sống của mình ra để bảo vệ những cái lương bạc triệu của mấy anh cầu thủ đá banh, thì sự bất mãn âm ỉ đó khó giữ âm ỉ nữa được.
Không cần phải thăm dò dư luận gì cũng biết TT Trump đã khai thác đúng một điểm có thể tạo hậu thuẫn mạnh cho ông.
Trong cảnh loạn đả này, nạn nhân đầu tiên chính là hiệp hội football và các ông chủ các đội banh, khi số người coi các trận đấu, đã giảm nhiều từ trước vì sự bành trướng quá nhanh của ngành điện ảnh và truyền thông qua TV, iPhone, iPad, laptop,… lại bị giảm mạnh thêm vì khán giả bảo thủ tẩy chay. Thống kê mới nhất của hiệp hội banh bầu dục cho biết số vé bán mùa này đã giảm 11% so với năm ngoái, rồi giảm thêm ngay 18% tuần lễ sau khi TT Trump tố các cầu thủ bất kính quốc ca.
Ngay sau khi câu chuyện nổ bùng ra, hàng loạt tổ chức cựu quân nhân đã lên tiếng đả kích mạnh hành động phản kháng của các cầu thủ. Nhiều chi bộ các hiệp hội cựu quân nhân đã ra lệnh cấm chiếu các trận football trong các hội quán của họ.
Phản ứng chung của dân Mỹ cũng có thể thấy qua hai đội Pittsburg Steelers và New England Patriots. Đây là hai đội được hậu thuẫn nồng nhiệt nhất của dân mê banh bầu dục.
Tiểu bang Pennsylvania nói chung và thành phố Pittsburg là thành đồng của dân gọi là “blue collar” –cổ xanh- tức là dân thợ thuyền lao động (vì thường mặc đồng phục xanh dương đậm). Đây là khối dân cuồng tín mê footballl nhất nước, và họ sẵn sàng sống chết với đội Steelers. Thế nhưng tuần qua, đội Steelers đứng dưới hầm sân vận động không chịu ra chào quốc kỳ, khi họ ra thì bị ngay hàng vạn khán giả la ó phản đối. Lần đầu tiên trong lịch sử Pittsburg đội banh gà nhà bị la ó trên sân nhà.
Tiểu bang Massachusetts và thủ phủ Boston ngược lại, là thành đồng trí thức cấp tiến. Dù vậy, vẫn có mẫu số chung với Pittsburg là mê đội banh của họ điên cuồng luôn vì thành tích là đội banh hay nhất của Mỹ trong hơn một thập niên qua. Nhưng khi các cầu thủ quỳ gối không chào cờ tuần qua, thì cả vận động trường vang dội tiếng la ó phản đối. Cũng là lần đầu tiên đội banh này bị phản đối trên sân nhà. Sau đó, hàng trăm “fans” của Patriots họp lại đốt áo thung.
Dĩ nhiên các đài TV của TTDC chiếu hàng loạt hình các cầu thủ quỳ gối nhưng không một đài nào chiếu hình khán giả la ó, phản đối. Vẫn cái bệnh phe đảng cố hữu, thông tin một chiều.
Nói trắng ra, dân mê football, từ thợ thuyền Pittsburg đến trí thức Boston, ít người ủng hộ việc bất kính quốc kỳ và quốc ca.
Trong mấy ngày sau, báo chí loan tin các “fan” đã xé vé coi football nguyên mùa và đốt áo thung mang số của các cầu thủ. Direct TV đã phải trả lại tiền cho hàng loạt khán giả hủy bỏ việc mua các chương trình football cho nguyên mùa.
Freedom of speech? Cầu thủ có quyền quỳ gối, khán giả có quyền không coi các trận đấu. Cuối cùng ai lỗ? Hỏi thử anh Kaepernick đang chơi banh cho đội nào? (Trả lời: đang thất nghiệp, không đội nào mướn hết).
Phản ứng của các cầu thủ và dân mê thể thao dễ hiểu, chứ phản ứng của hiệp hội football Mỹ thì thật khác lạ. Ngay sau vụ khủng bố Hồi giáo tấn công 9/11, một anh cầu thủ của đội Arizona Cardinals, Pat Tillman, tức giận, hủy bỏ hợp đồng cả triệu đô của anh để bỏ football, gia nhập quân đội đi qua Afghanistan đánh Al Qaeda. Anh bị chết trong một trận đánh (sau đó tên anh được đặt cho một xa lộ tại tiểu bang Arizona đưa đến đập nước nổi tiếng Hoover Dam). Sau khi anh chết trận, một đồng nghiệp cầu thủ của anh, dán con số “40” là số của anh Tillman, trên mũ. Hiệp hội football Mỹ ra lệnh cấm ngay, lấy lý do các cầu thủ không được mang bất cứ chuyện chính trị nào vào môn thể thao này, cho dù chẳng ai hiểu tưởng niệm một đồng đội hy sinh vì tổ quốc là hành động chính trị ở điểm nào.
Năm ngoái hơn một chục cảnh sát bị bắn, 5 người bị chết, bởi hai anh da đen cuồng điên tại Dallas trong một cuộc biểu dương lực lượng của nhóm Black Lives Matter. Đội banh Dallas Cowboys muốn dán một biểu hiệu trên mũ để tưởng niệm những cảnh sát đã mất mạng này. Hiệp hội football mau mắn ra lệnh cấm ngay, vẫn với lý do không cho phép cầu thủ làm bất cứ chuyện gì ngoài khuôn khổ trận đấu thể thao.
Thế nhưng bây giờ, các cầu thủ quỳ gối như một tuyên cáo sặc mùi chính trị thì hiệp hội football Mỹ lại chấp nhận và hưởng ứng.
Nhiều người chỉ trích TT Trump mang chính trị vào thể thao khi ông lên tiếng về vụ các cầu thủ bất kính quốc kỳ và quốc ca. Sự thật là qua hành động của anh Kaepernick và vài cầu thủ khác từ ngày còn TT Obama, và việc hiệp hội chấp nhận những hành động này, thể thao đã biến thành một công cụ chính trị từ trước khi TT Trump được bầu.
TT Trump cũng bị tố tạo chia rẽ trong quần chúng. Thật sự, kẻ này không hiểu việc tổng thống kêu gọi thiên hạ tôn trọng quốc kỳ và quốc ca sao lại có thể là hành động chia rẽ quần chúng.
Bà tổng thống hụt Hillary lớn tiếng tố TT Trump đang tấn công các cầu thủ da đen! Cho dù từ đầu đến cuối, chưa bao giờ TT Trump nói gì đến cầu thủ da đen hay da trắng, mà chỉ kêu gọi tôn trọng quốc kỳ và quốc ca. Chẳng lẽ kêu gọi tôn trọng quốc ca đã trở thành một tuyên cáo chống dân da đen sao?
Bà dân biểu da đen Maxine Waters, như thường lệ từ hơn nửa năm qua, lại la hoảng đây là lý do nữa để đàn hặc TT Trump về tội kỳ thị da đen. Bà này, qua ngôn ngữ lịch sự sở trường của bà, đã ví lời kêu gọi tôn trọng quốc kỳ của TT Trump như “tiếng huýt sáo cho lũ chó cử tri kỳ thị của ông” (dog whistle to his racist constituency).
Anh nhà báo Jon Schwarz viết “bài quốc ca là một bài ca vinh danh tình trạng nô lệ”, cần phải dẹp bỏ. Một tư tưởng mới, biết đâu sẽ được phe cấp tiến khai thác để thành yêu sách thật cho dù bài ca này chẳng nói về nô lệ hay da đen gì hết?
Đi xa hơn nữa, một bà giáo da đen tại Chicago hùng hổ tuyên bố bà coi lá cờ Mỹ như mảnh giấy đi cầu (toilet paper), sao lại phải chào? Một quan điểm tiêu biểu của giáo chức thiên tả trong các trường Mỹ, là nơi con cháu dân tỵ nạn theo học.
Bà dân biểu da đen Sheila Jackson của Texas, mau mắn biểu diễn ngay màn xi-nê-ma rẻ tiền, quỳ gối trong một buổi họp của Hạ Viện. Gọi là để bày tỏ tình đoàn kết với các cầu thủ tuy bà không nói rõ đoàn kết chống cờ Mỹ hay chống Trump. Chắc chống cả hai!
Phe đối lập DC và TTDC dĩ nhiên đã không thể bỏ qua cơ hội ngàn vàng, đã tìm cách mang vấn nạn kỳ thị màu da vào cuộc, bây giờ biến quan điểm của TT Trump trong vụ này thành một bằng chứng, hay chính xác hơn, một “đòn kỳ thị” mới trong cuộc chiến kỳ thị dân da đen của TT Trump?! Tam đoạn luận của họ khá giản dị: 1) anh Kaepernick và hầu hết các cầu thủ quỳ gối không chào quốc ca là da đen, 2) TT Trump đả kích họ, 3) tức là TT Trump kỳ thị da đen. Câu hỏi mà họ không nêu ra là câu chuyện bắt đầu từ đâu? Tại sao mấy anh da đen lại không chào quốc kỳ quốc ca trước? Có phải mấy anh da đen khơi mào cuộc chiến mà họ gọi là “kỳ thị” trước không? Mà tại sao lại lôi quốc kỳ ra? Quốc kỳ và quốc ca trở thành biểu tượng của dân da trắng sao? Từ hồi nào?
Khai thác nạn kỳ thị da đen bằng mọi cách bây giờ đã trở thành lá bài tẩy của đảng DC hy vọng chiếm lại hậu thuẫn cho mùa tranh cử năm tới. Tất cả đều biến thành chuyện kỳ thị da đen, kể cả khẩu hiệu “Làm Cho Nước Mỹ Vĩ Đại Lại”, và chào quốc kỳ và hát quốc ca. Không ai giải thích được cái lý luận này. Mà thật ra, trong chính trị phe đảng, ai cần lý luận?
Nhìn chung, người ta có cảm tưởng phe chống TT Trump dường như mắc bệnh cuồng dại hết rồi thì phải. Nhắm mắt nhắm mũi chống Trump trong bất cứ chuyện gì, bằng bất cứ cách nào.
Kẻ này mạo muội có một câu hỏi để trắc nghiệm quý độc giả cho vui. Giữa TT Obama cho rằng chào cờ là tùy hỷ (ngay chính ông cũng đã từng đứng buông thõng hai tay, mắt nhìn qua liếc lại trong khi chào chào kỳ), và TT Trump kêu gọi dân nghiêm chỉnh đứng chào quốc kỳ, ai là người có tư cách quốc trưởng hơn? Ai đúng ai sai? Dân tỵ nạn ta nên làm gì trong các buổi lễ có chào quốc kỳ, Mỹ và VNCH?
Câu chuyện phản kháng này thật lạ lùng.
Trong chế độ tự do dân chủ tuyệt đối của cái xứ này, dĩ nhiên ai cũng có quyền chống đối, phản kháng bất cứ chuyện gì, bất cứ chính khách nào, kể cả tổng thống. Cũng trong cái xứ thành đồng của tự do dân chủ này, có cả triệu cách để chống đối tổng thống hay bất cứ ai khác. Tại sao lại chống TT Trump bằng cách chống quốc kỳ?
Vô hình chung, những người phản kháng đã biến quốc kỳ Mỹ thành biểu tượng không phải của quốc gia, mà là biểu tượng của... Trump. Chống Trump là phải chống quốc kỳ! Chống quốc kỳ tức là chống Trump! Không được chào quốc kỳ vì vậy có nghiã là… chào Trump!
Quốc kỳ và quốc ca là những định chế trường tồn từ thế hệ này qua thế hệ khác, cả hơn 200 năm, chẳng có liên quan gì đến chế độ hay đảng phái đang cầm quyền, đảng CH hay DC, dân da trắng hay da màu, bảo thủ hay cấp tiến. Càng không dính dáng gì đến TT Trump hay bất cứ tổng thống nào khác. Quốc kỳ và quốc ca Mỹ đã có từ thời ông tổ của Trump chưa di cư qua Mỹ và có thể tồn tại đến cháu chắt mấy đời của Trump.
Nôm na ra, không thiếu gì cách để biểu diễn màn chống Trump, tại sao lại chọn việc chống quốc kỳ như một cách chống Trump?
Mấy anh cầu thủ chơi banh mạnh bạo quá, đầu óc có vấn đề nên bị nhầm lẫn quốc kỳ, quốc ca với chế độ, thậm chí nhầm lẫn luôn quốc kỳ với Trump, còn có thể hiểu được. Nhưng các chính khách đối lập DC và TTDC cũng lẫn lộn giữa quốc kỳ và Trump thì quả là chuyện lạ. Trừ phi là chuyện cố tình moi chuyện để đánh TT Trump.
Thú thật, kẻ này không biết có phải đây là một tuyệt chiêu tính toán của TT Trump hay không, nhưng hành động của các đội banh bầu dục Mỹ đã trực tiếp gắn liền hình ảnh của TT Trump với quốc kỳ, quốc ca và lòng yêu nước.
Kẻ này có cảm tưởng TT Trump đã giăng một cái bẫy khổng lồ cho những người chống đối ông, và cái đám này, vì chống Trump một cách mù quáng, mất hết lý trí suy nghĩ, mau mắn nhẩy nhổm vào cái bẫy này. Để rồi bây giờ, quốc kỳ hay quốc ca hay Trump đều đồng nghiã với nhau. Chắc chắn TT Trump đang rung đùi cười thầm cho quan điểm ngộ nghĩnh này.
Cuộc chiến giữa TT Trump và các cầu thủ chỉ mới bắt đầu. Bài này được viết trước ngày chủ nhật 1 Tháng 10, nên không cập nhật phản ứng của các cầu thủ trong mấy trận đấu ngày chủ nhật đó. Chỉ biết trong trận đấu tối thứ năm 28/9, tất cả cầu thủ cả hai đội Green Bay Packers và Chicago Bears đều đứng nghiêm chỉnh chào quốc ca tuy khoác tay nhau để biểu dương tình đoàn kết đồng đội. Không còn ai quỳ gối nữa. Cả trăm ngàn khán giả đứng lên chào cờ và hô to “USA! USA!”.
Chưa có gì mừng vội, cuộc chiến chỉ mới bắt đầu. (01-10-17)
Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.
Gửi ý kiến của bạn