Khiá Cạnh Pháp Lý Và Môi Trường Của Formosa
Để Vận Dụng Vào Những Cuộc Đấu Tranh Sắp Tới
- Người Tham dự đến từ Canada, Úc Châu, Âu Châu và nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ
- Cựu Đại sứ Tòa Án Hình Sự Quốc Tế ICC: “Đừng bao giờ bỏ cuộc!”
Triều Giang
Phái đoàn từ Canada
(Hình ảnh do Thái Hà Và John Hòa Nguyễn thuộc Nhóm JFFC thực hiện)
Với 6 diễn giả, 5 đề tài, trên 10 thảo luận viên và khoảng 100 người Việt từ Canada, Úc Châu, Âu châu và nhiều tiểu bang tại Hoa Kỳ đã về tham dự buổi Hội thảo ngày 10 tháng 5, 2017 vừa qua tại phòng Kennedy số 325 tại tòa nhà Russel Thượng viện Hoa Kỳ để tìm hiểu về cơ sở pháp lý và luật lệ về môi trường cho việc khởi kiện hình sự hoặc dân sự công ty Formosa trước Tòa án quốc tế để đòi bồi thường thỏa đáng cho các nạn nhân và cải tạo môi trường biển tại miền Trung Việt Nam.
“Chúng tôi đến đây để nói lên sự thật”
Luật sư Trịnh Quốc Toản đến từ Toronto giới thiệu Bác sĩ Nguyễn Thể Bình, chủ tịch tổ chức Vietnam For Progress, đại diện Ban Tổ Chức đọc diễn văn chào đón quan khách và người tham dự. Bà phát biểu:
“ Chúng tôi đến đây để nói lên sự thật, trung tâm điểm của sự thật này là những con người, vùng biển và đất tươi đẹp, vùng sinh thái đã bị tàn phá. Hy vọng rằng buổi Thảo luận mang tính cách giáo dục hôm nay, mọi người chúng ta có thể thu thập được những kiến thức để có thể vận dụng được vào thực tế hầu tránh thảm họa này có thể xảy ra một lần nữa trong tương lai”.
Bs.Bình sau đó đã dùng những hình ảnh trong một “slide show” để trình bày về đời sống của người dân tại các tỉnh ven biển miền Trung trước và sau thảm họa môi trường Formosa xảy ra. Theo bà, người dân trước đây đã có cuộc sống an bình và kỹ nghệ đánh cá rất phát đạt. Nhưng điều này đã không còn nữa sau khi nhà nước Việt Nam cho phép nhiều nhà máy xây dựng khắp nơi mà không quan tâm đến việc ảnh hưởng về môi trường làm đảo lộn đời sống của người dân. Nhà máy gang thép Formosa được thiết lập tại Vũng Áng, thuộc tỉnh Hà Tĩnh là một trường hợp. Khi công ty Formosa đặt chiếc ống khổng lồ để xả thẳng chất thải với nhiều độc chất vào biển thì kết quả đầu tiên là cá đã chết hàng loạt trôi giạt vào bờ biển, kế đến là loài chim đã ăn cá nhiễm độc chết xác phơi dọc theo bờ biển, rồi đến xác của những con cá sống sâu dưới lòng biển như cá voi, cá mập cũng trôi dạt vào bờ, rồi các sinh vật biển khác cũng không còn sống được. Sự tàn phá lan tỏa khắp các tỉnh ven biển miền Trung Quảng Bình, Quảng Trị, Đà Nẵng và Huế. Cả một vùng sinh thái rộng bị phá hủy. Kỹ nghệ đánh cá chết theo và nguồn sống của người dân hoàn toàn bị phá hủy. Người dân miền Trung không còn cách nào hơn là phải đứng dậy biểu tình khắp nơi để đòi hỏi được đề bù xứng đáng và khắc phục biển để trả lại nguồn sống cho họ. Những cuộc biểu tình này nhanh chóng lan ra khắp nơi trong nước rồi trên toàn thế giới với các cuộc biểu tình rầm rộ của các cộng đồng người Việt và người bản xứ tại khắp các tiểu bang Hoa Kỳ, Canada, Úc Châu, Âu Châu…
Nhà cầm quyền Việt Nam đã làm gì trước những đòi hỏi chính đáng này của người dân? Ban đầu họ đã chối bỏ rằng Formosa không có làm gì sai và đổ lỗi cho cá chết là bởi vì triều cường đỏ và họ tổ chức một cuộc vận động ồn ào bao gồm việc thết đãi các quan chức với những bữa tiệc hải sản, và tắm biển Vũng Áng để lừa dối người dân rằng cá và biển miền Trung rất an toàn.
Riêng công ty Formosa ban đầu cũng chối bỏ trách nhiệm và còn xấc xược với câu hỏi: “Các anh muốn cá hay muốn nhà máy gang thép?”. Sau nhiều cuộc biểu tình, một cuộc nghiên cứu bởi các nhà khoa học trong và ngoài nước đi đến kết luận, Formosa chính là thủ phạm, Formosa đành phải cúi đầu xin lỗi và tuyên bố đền 500 triệu Đô la.
Hãy cứu giúp chúng tôi!
Bs. Bình đặt câu hỏi: Nếu Formosa đã nhận lỗi và chịu đề bù thì vì sao còn có vấn đề? Bà giải thích:
“Những cuộc biểu tình bị đàn áp đẫm máu vẫn xảy ra vì người dân không được đề bù thoả đáng, Formosa vẫn tiếp tục hoạt động và xả chất độc vào biển khiến cá và các sinh vật biển trong vùng vẫn tiếp tục chết và trôi vào bờ. Nhà nước Việt Nam tiếp tục tuyên bố rằng cá chết mới đây là do triều cường đỏ dù các nhà khoa học độc lập đã liên tục gạt bỏ lập luận này. Nhà nước Việt Nam ngày càng cứng rắn và mạnh tay hơn với người biểu tình. Họ hăm dọa, bắt bớ, đánh đập và bỏ tù người biểu tình như trường hợp của anh Peter Trần Sáng và còn nhiều người khác. Người dân vùng bị ảnh hưởng còn tố cáo rằng chính quyền địa phương đã dùng tiền đền bù để tư túi riêng cho họ và gia đình của họ.”
Bác sĩ Bình kêu gọi: “Người dân đang kêu cứu tới chúng ta: Hãy cứu giúp chúng tôi!. Chúng ta sẽ phải làm gì để cứu giúp họ? Câu trả lời từ trong mỗi người của chúng ta. Xin chân thành cám ơn quý vị!”
Vai trò của Tòa án Hình sự Quốc tế ICC
Buổi thảo luận sau đó được bắt đầu với sự điều khiển bởi Công tố viên của Tòa án Tối Cao của Canada, Giáo sư Roger Bilodeau đến từ Quebec cho biết buổi Hội thảo gồm 2 phần: phần đầu sẽ bàn về Vấn Đề Pháp lý sẽ được trình bày bởi 3 diễn giả: Đại sứ Steven Rapp và giáo sư Malaika Bacon-Dussauln nói về vai trò của Tòa án Hình Sự Quốc tế ICC (International Criminal Court), Giáo sư Lisa Heinzerling trình bày về Sự an toàn của việc nhập cảng hải sản, và Làm luật, sau cùng là vấn đề tố tụng Dân sự do Giáo sư chuyên ngành Warren Perrin.
Vai trò của Tòa Hình Sự Quốc Tế ICC (International Criminal Court): Theo sự trình bày của cựu Đại sứ Steven Rapp, Đại sứ của Hoa Kỳ tại toà ICC từ năm 2009 tới năm 2015 do Tổng thống Obama bổ nhiệm. ICC có trụ sở tại thành phố Hague, Netherlands là tòa án trọng tài quốc tế của 124 nước thuộc hệ thống Luật La Mã (Rome Statute) là thành viên. Tuy nhiên, tòa án này chỉ thụ lý nếu vụ án có 3 điều kiện căn bản: sự vi phạm mang tính cách diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại hoặc là tội ác chiến tranh dưới hình thức giết người hàng loạt, khủng bố dân tộc, dùng hãm hiếp như vũ khí chiến tranh, dùng Trẻ em làm lính, tra tấn quy mô lớn, trục xuất, hoặc tấn công thường dân.
Được thành lập vào năm 2002, cho đến hôm nay, Văn phòng Công tố viên ICC đã mở 10 cuộc điều tra chính thức và cũng đang tiến hành thêm 9 cuộc kiểm tra sơ bộ, có 39 cá nhân đã bị truy tố tại ICC, bao gồm lãnh đạo phiến quân Uganda Joseph Kony, tổng thống Sudan Omar al-Bashir, Tổng thống Kenya Uhuru Kenyatta, lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi, và Chủ tịch Belarut Laurent Gbagbo.
Vẫn theo Đại sứ Rapp, trường hợp thảm họa môi trường tại miền Trung Việt Nam rất khó để có thể kiện Formosa trước tòa án ICC vì về phương diện địa bàn hoạt động, cả Việt Nam, Đài Loan và Trung cộng đều không phải là thành viên của ICC. Dù có thể đưa ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để nhờ can thiệp nhưng sẽ vướng vào các nước có quyền phủ quyết, trong đó có hai nước có quyền này chắc không thể qua khỏi, đó là Nga và Trung cộng. Tòa cũng chỉ nhận đơn kiện từng cá nhân, chứ không nhận đơn kiện công ty, hoặc tổ chức. Như trường hợp của Cựu Tổng Thống Basha-Al-Assad của Syria hiện nay, một người mà tòa ICC đã có đầy đủ chứng cớ là chính ông ta đã ra lệnh trực tiếp giết khoảng ½ triệu người dân Syria nhưng bị Nga và Trung cộng phủ quyết nên còn nằm tại chỗ.
Điều quan trọng nhất là: “Đừng bao giờ bỏ cuộc!”
Tuy nhiên, về phương diện tính chất của tội phạm, mặc dù tòa ICC chỉ nhận làm trọng tài khi đó là các tội diệt chủng, tội ác chống lại nhân loại hoặc là tội ác chiến tranh, nhưng những năm gần đây ICC cũng có những quan tâm đặc biệt về vấn đề tuyên phạt những cá nhân phạm những tội kể trên và đưa đến kết quả hủy hoại mội trường. Chủ tịch ICC, bà Silvia Fernández de Gurmendi cũng đã chú tâm đến những trường hợp hủy hoại môi trường nhưng người đi kiện phải chứng minh rằng sự vi phạm có tính cách cố ý (intention) , ảnh hưởng rộng lớn (widespread) và có hệ thống.
Đại sứ Rapp kết luận: Nói như vậy có nghĩa là tòa án ICC không có ích lợi gì cho việc kiện Formosa để bắt họ phải nhận trách nhiệm. Tuy rất khó nhưng quý vị là những người quan tâm và muốn đem lại công lý cho các nạn nhân có thể học hỏi về cách hoạt động của tòa, từ sự hiểu biết đó, quý vị đứng lên nói tiếng nói của sự thật, thành lập các tổ chức thiện nguyện NGO chuyên tâm về công việc này, thành lập liên minh, làm việc với các chuyên gia, vận động Quốc Hội để làm luật giúp trong việc tìm giải pháp giúp cho nạn nhân, đưa vấn đề trước dư luận thế giới, tôi tin chắc rằng quý vị sẽ tìm được công lý cho người dân của quý bạn. Điều quan trọng nhất là: “Đừng bao giờ bỏ cuộc!”
Có thể chứng minh Formosa là một tội ác chống nhân loại, nhưng...
Cùng trong đề tài này nữ Luật sư, Giáo sư Malaika Bacon-Dussauln thuộc Đại học Luật Moncton trình bày về thủ tục tố tụng tại tòa án ICC. Theo bà thì điều 7 của đạo luật Rome Statute-bộ luật thiết lập các chức năng, thẩm quyền và cấu trúc của tòa án ICC- đã định nghĩa rõ rằng vi phạm phải là một cuộc tấn công vào môi trường với chủ ý diệt chủng đem đến kết quả là phá hủy đời sống của một nhóm người trong cộng đồng quốc gia. Trong trường hợp Formosa thì rất khó để chứng minh rằng đây là một hành động diệt chủng hay là tội ác chiến tranh có chủ ý với những tính chất vi phạm như trên.
Vấn đề còn lại là Tội ác chống lại nhân loại. Theo Gs. Bacon-Dussauln thì cần phải có 3 yếu tố để đưa vấn đề ra trước tòa ICC với lý do sự vi phạm này có tính cách rộng rãi (wide spread), lập đi, lập lại, thứ hai đây là một chính sách của nhà nước, và cuối cùng là ảnh hưởng rộng rãi đến đời sống kinh tế, sức khỏe, và tinh thần của một số đông người. Trong trường hợp của Formosa thì không khó để chứng minh là Formosa đã mang đầy đủ những yếu tố kể trên vì vi phạm của Formosa đã xảy ra lập đi, lập lại và kéo dài tới hơn một năm nay và còn đang tiếp tục. Hành động này còn có thể coi như là chủ trương của chính phủ cho phép vụ việc xảy ra mặc dầu từ lúc đầu đã không phải là nhà nước Việt Nam cho phép nhưng sau khi biết được nhà nước Việt Nam vẫn để việc xả thải tiếp tục, và sau cùng là sự vi phạm đã ảnh hưởng rộng lớn tới đời sống của người dân về vấn đề kinh tế, sức khỏe, tinh thần và có nhiều dấu hiệu đem tới bệnh tật và tử vong.
Gs. Bacon-Dussauln kết luận mặc dầu vậy nhưng vấn đề đưa những người có trách nhiệm trong vụ Formosa thải chất độc ra tòa án quốc tế ICC vẫn là một điều khó khăn nhưng không phải là hoàn toàn không có thể. Dù cả 3 quốc gia Việt Nam, Trung Cộng và Đài Loan đều không phải là thành viên của ICC nhưng nếu một trong 3 quốc gia này trở thành thành viên, hoặc chấp nhận vai trò trọng tài của ICC thì việc khởi kiện tuy còn rất nhiều những giai đoạn khó khăn phải vượt qua nhưng vẫn có thể thực hiện được. Một con đường khác cũng có thể đem lại những tia hy vọng; đó là với nhu cầu hợp tác với thế giới, Việt Nam đã ký nhiều hiệp ước đa phương trong đó đòi hỏi Việt Nam phải công nhận những điều khoản liên quan đến việc bảo vệ môi trường và những hiệp ước này thường sẽ có điều khoản chế tài của các tòa án quốc tế mà Việt Nam phải chấp nhận.
“Các bạn, hãy làm đi!”
Vấn đề an toàn thực phẩm và Luật lệ do Giáo sư Lisa Heizerling thuộc Đại học Luật Georgetown trình bày. Theo bà thì Hoa Kỳ có những điều luật rất mạnh mẽ về vấn đề nhập cảng các loại thực phẩm phải hội đủ điều kiện an toàn cho người sử dụng, đặc biệt là các hải sản. Kỹ nghệ hải sản của Việt Nam hiện trị giá 7 tỉ Đôla hàng năm, nó đóng một vai trò quan trọng trong nền kinh tế cả nước. Hoa Kỳ nhập cảng 8% tổng sản lượng hải sản của Việt Nam, tức là trên $500 triệu Đô La một năm, tất nhiên Hoa Kỳ phải có tiếng nói và kể cả những quốc gia khác nhập cảng hải sản từ Việt Nam. Những chất độc của Formosa thải ra biển gây ô nhiễm cho hải sản có nằm trong danh sách những chất độc bị cấm đoán như thủy ngân chẳng hạn sẽ là đầu mối để các nhà tranh đấu lên tiếng đòi hỏi việc ngưng nhập cảng hải sản từ Việt Nam. Điều này sẽ khiến cho nhà nước Việt Nam phải chọn lựa, hoặc là bảo vệ Formosa tới cùng hay là bảo vệ kỹ nghệ hải sản? Tuy nhiên, Gs. Heizerling cũng nhấn mạnh tuy Hoa Kỳ có luật lệ nghiêm ngặt nhưng khi áp dụng thì còn lỏng lẻo rất nhiều như chỉ có khoảng 1% hải sản nhập cảng được kiểm tra. Do đó, vai trò của các nhà tranh đấu rất là cần thiết cho việc kiểm soát được rộng rãi và nghiêm minh hầu có thể bảo vệ nguồn thực phẩm nhập cảng nói chung và hải sản nói riêng. Bà kết luận: “Các bạn, hãy làm đi!”
Đừng bán rẻ cơ hội tìm công lý cho các nạn nhân
Vấn đề truy tố Formosa ra tòa Dân sự do Giáo sư, Luật sư chuyên về Luật dân sự Warren Perrin đến từ Đại học Luật Loyola, New Orleans đã nêu ra 5 vụ kiện dân sự mà ông đã đại diện thân chủ để kiện gồm vụ kiện chính phủ Iran để đòi bồi thường vì thân chủ của ông đã bị khủng bố giết khi đến làm việc tại xứ này, chính phủ Iran phải bồi thường nhiều triệu Đô la, vụ kiện Exxon Mobile đã gây ô nhiễm cho thân chủ ông tại Louisiana cũng đã có kết quả là Exxon Mobil phải trả $4 triệu, mới đây nhất là vụ kiện đạo luật của Louisiana quy định nếu đất của tư nhân bị xụp thành sông hoặc biển thì vùng đất đó phải xung công. Ông đã thắng kiện và đòi lại hàng ngàn mẫu đất cho thân chủ của ông. Đặc biệt là vụ kiện lấy lại danh dự cho tổ tiên của người Cajun, tức là người Pháp, gốc Công giáo trong đó có ông và gia đình ông đã bị chính phủ Anh trục xuất và họ phải di cư đến Louisiana. Cuối cùng Nữ Hoàng Anh phải lên tiếng xin lỗi nhóm Cajun trước khi ông phải đưa nội vụ ra tòa vào năm 2003 sau 13 năm tranh đấu và đưa nội vụ ra ánh sáng công luận quốc tế. Hoặc năm 1988, chính phủ Hoa kỳ đã phải xin lỗi người Mỹ gốc Nhật về việc họ đã bị đối xử tồi tệ trong thế chiến thứ hai. Gs. Perrin kết luận dù thấy khó, nhưng nếu các bạn muốn đem công lý cho nạn nhân, có nhiều cách để làm dù là dùng luật pháp và tòa án, hoặc dùng kiến thức, lẽ phải, vận dụng ngoại giao trước công luận thế giới để đòi công lý cho nạn nhân. “Don’t sell it short!” Đừng bán rẻ cơ hội lấy lại công bằng cho họ!
Đề tài phần hai của buổi hội thảo là Ảnh hưởng môi trường :
Cần phải bắt đầu bằng một cuộc nghiên cứu và đánh giá sâu rộng
Nhà Tư vấn nghiên cứu môi trường, Tiến sĩ John Purdy đến từ Canada cho rằng trước khi ra tòa, chúng ta phải làm gì để lập hồ sơ, tìm chứng cứ . Mọi người biết rằng Formosa đã vi phạm 52 điều của luật môi trường nhưng điều đó là gì và có ảnh hưởng ngắn hạn và dài hạn ra sao ra sao đối với môi trường và đối với con người? Cần phải có một cuộc nghiên cứu và đánh giá sâu rộng mang tính cách khoa học mới có thể dùng trước tòa. Ông cho biết có nhiều cơ quan có thể giúp chúng ta thực hiện được công việc này, đặc biệt là World Bank, cơ quan tài chính cho các nước vay vốn để phát triển.
Tiến sĩ Purdy cũng phân tích rằng chính sách kinh tế Toàn cầu hóa dù có tên đẹp nhưng thực chất đã giúp cho những công ty tại các nước phát triển đến các nước đang phát triển để hoạt động vì vật giá và nhân công rẻ và luật lệ còn lỏng lẻo. Formosa của công ty Đài Loan nằm trong trường hợp này. Với số vốn đầu tư là 11 tỷ Đô la, lẽ ra nhà máy Formosa có dư khả năng để xây dựng thành nhà máy sạch nhưng họ đã lợi dụng luật lệ lỏng lẻo tại Việt Nam để kiếm thêm lợi nhuận gây nên thảm họa môi trường như chúng ta đã thấy. Ngược lại một số quốc gia khác đã phát triển như Trung Cộng đã là một cường quốc kinh tế thế giới nhưng vẫn tự nhận là nước đang phát triển để không phải tuân thủ những luật lệ về môi trường để có thể giảm giá thành cho việc cạnh tranh. Theo ông để giải quyết vấn đề môi trường cho tận gốc thì cả những nước phát triển và những nước đang phát triển đều phải tuân thủ luật môi trường. Sự hợp tác gữa các quốc gia là giải pháp duy nhất để đảm bảo vấn đề này.
Luật quốc tế quy định về nước
Giáo sư Luke Wilson của Đại học Luật George Washington cho biết luật quốc tế quy định về nước có hai loại khác nhau; đó là luật lệ (Customnary Law) và Hiệp ước (Treaty). Luật của Liên hiệp quốc bắt buộc các nước thành viên phải bảo vệ nguồn nước trong quốc gia của mình và không được làm điều gì nguy hại đến nguồn nước của các nước láng giềng, nếu không tuân thủ sẽ phải chịu trách nhiệm. Việt Nam là thành viên của Liên Hiệp quốc họ phải tuân thủ. Điều luật này không chỉ áp dụng giữa các quốc gia, mà còn đối với cá nhân hoặc các công ty. Nhìn vào trường hợp của Formosa, nhà nước Việt Nam rõ ràng đã vi phạm Đạo luật quốc tế về nước của Liên Hiệp Quốc khi cho phép Formsa xây nhà máy mà không thực hiện những nghiên cứu và đánh giá về những ảnh hưởng về môi trường, đó là chưa kể đến việc nhà máy này đã được đặt ngay tại khu sinh thái tại Vũng Áng được bảo vệ của Liên Hiệp Quốc.
Việt Nam đã ký nhiều hiệp ước về nước song phương và đa phương với Trung Cộng và các nước khác cũng cần phải nghiên cứu để tìm ra những sai phạm cũng như vận dụng sự hỗ trợ của những quốc gia cùng ký hiệp ước .
Như hiệp ước Nhân quyền của Liên Hiệp Quốc công nhận những quyền căn bản của con người như quyền tự do tín ngưỡng, tự do phát biểu, tự do đi lại, tự do lập hội… còn có quyền hưởng nước sạch, môi trường trong lành của người dân mà nhà nước Việt Nam nếu không đảm bảo được sẽ bị chế tài, tuy những biện pháp chế tài này nhiều khi không thực hiện được đối với những nước có thành tích vi phạm và tiếp tục vi phạm như Việt Nam thì điều tốt nhất là người dân phải tiếp tục tố cáo trước công luận thế giới để được can thiệp.
Thảo luận sôi nổi
Buổi hội thảo đã đã dành cho các tham dự viên 30 phút sau phần đầu và phần thứ hai của phần trình bày của các diễn giả. Tham dự viên đã tham dự sôi nổi. Chúng tôi ghi nhận một số câu hỏi liên quan đến vấn đề công dân Hoa Kỳ có thể kiện chính phủ Liên bang hay không nếu nhân viên của họ đã không làm việc kiểm soát thực phẩm tốt khiến cho những thực phẩm ô nhiễm gây thiệt hại cho người dân? Gs. Heinzerling trả lời là có. Câu hỏi khác đưa vấn đề có thể kiện công ty Formosa trước tòa án Liên bang Hoa Kỳ để đòi thiệt hại không? Gs. Perrin trả lời là có nhưng bị hạn chế rất nhiều và chỉ chấp nhận những trường hợp thật gia trọng và sự thiệt hại trực tiếp tới công dân Hoa Kỳ.
Đấu tranh pháp lý phải đi kèm với đấu tranh chính trị
Câu hỏi về có những luật lệ quốc tế nào đòi hỏi các công ty phải chịu trách nhiệm về những việc làm của họ hay không. Câu trả lời từ thuyết trình đoàn là có như khoảng hơn 20 năm trước đây một tổ chức có tên là “Responsible Care” được thành lập khuyến cáo các công ty có trách nhiệm với môi trường nơi mà họ tới để đầu tư, nhưng đã bị quên lãng dần vì các công ty không có những phần thưởng gì cho việc tôn trọng môi trường của họ. Chưa kể đến việc nếu tham gia thì sẽ bị ràng buộc với nhiều trách nhiệm.
Câu hỏi khác: có luật lệ quốc tế nào đòi hỏi Việt Nam phải mở cửa cho những chuyên gia từ bên ngoài vào để thực hiện những cuộc cuộc nghiên cứu và đánh giá sâu rộng về thảm họa Formosa hay không? Câu trả lời là công ước Nhân quyền có quy định điều này nhưng thực tế thì khó có thể thực hiện đối với những nước không tuân thủ như Việt Nam. Muốn họ tuân thủ thì chúng ta phải lên tiếng đấu tranh đòi hỏi. Như thế vấn đề để giải quyết thuộc lãnh vực chính trị thay vì luật pháp.
Câu hỏi về cuộc nghiên cứu của trên 100 nhà khoa học trong và ngoài nước đã được đưa ra vào đầu tháng 7 nên đã được gọi là “July Report” đã có kết quả là Formosa và nhà nước CSVN phải chấp nhận Formosa là thủ phạm của thảm họa Formosa nay đã không được công bố ra ngoài làm sao để có thể có được bản nhiên cứu này và làm thế nào để có thể đưa những tổ chức NGO quốc tế về môi trường tham gia. Câu trả lời là dù có hay không July Report thì vẫn cần phải có một cuộc nghiên cứu và đánh giá mới. Để thực hiện vấn đề này thì cần sự giúp đỡ từ bên ngoài. Thuyết trình đoàn cũng đã nêu ra một số các cơ quan quốc tế có thể giúp đỡ như quỹ Bill Gate, World Bank và ngay cả chính phủ Đài Loan.
“Where there is a Will, there is a Way”. Nơi đâu có quyết tâm, ở đó có giải pháp
Chúng tôi đã thực hiện một số cuộc phỏng vấn ngắn tới một số người tham dự để tìm hiểu về những suy nghĩ và đánh giá về buổi thảo luận và đã được chia sẻ như sau:
Ông Nguyễn Văn Bổn, Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do Liên bang Úc Châu, cùng đến với Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Phong, phát biểu: “Tôi nghĩ rằng hôm nay mình đã ghi nhận được nhiều tin tức quan trọng. Vấn đề còn nhiều chông gai nhưng không phải vì thế mình phải bó tay, đó là điều CSVN muốn. Mình có 4 tới 5 triệu người Việt hải ngoại nếu cùng đồng lòng, chung sức đoàn kết tranh đấu thì Việt Nam mới sinh tồn”.
LM. Vincent Tòa Phan thuộc Nhóm Công Lý Cho Nạn Nhân Formosa (JFFV) đến từ New Orleans chia sẻ: “Rất vui khi thấy các anh chị từ các nơi xa như Canada, Australia cùng tụ họp về DC cùng với các anh chị từ khắp các tiểu bang trên nước Mỹ mong tìm một giải pháp hữu hiệu nhất có thể, để giúp những đồng bào nạn nhân Formosa tại VN. Cám ơn các anh chị trong nhóm JFFV đã cho tôi một cơ hội tham dự cuộc hội thảo do Bs. Bình tổ chức. Những chuyên viên (experts) trong ngành Luật và Môi trường đã cung cấp cho chúng ta những tin tức cần thiết giúp chúng ta thảo luận cho những bước kế tiếp. Sự hăng say của các anh chị trẻ trong Ban Tổ chức cũng như những hy sinh của các hội đoàn từ phương xa đã nói lên rất nhiều. Họ biết đau niềm đau của đồng bào nạn nhân ở quê nhà và đang chạy tìm một phương thức hữu hiệu. Và tôi tin họ sẽ đạt được thành quả tốt, bởi vì: Nơi đâu có quyết tâm, ở đấy có giải pháp. “Where there is a Will, there is a Way”.
Cô Nguyễn Kim Thoa, Chủ tịch Liên Hội Sinh Viên Vùng Bắc Mỹ uNAVSA hiện có thành viên của trên 240 Đại học tại Hoa Kỳ và Canada phát biểu: “Em nghĩ rằng những Diễn giả đã làm tốt công việc cung cấp thông tin đa diện của họ để người tham dự có thể biết được công việc phải làm là những gì. Riêng với giới trẻ, theo em thì vấn đề tương đối phức tạp và trừu tượng, em mong rằng khi chúng ta tìm được một chương trình làm việc cụ thể hơn thì người trẻ sẽ tham gia đông đảo hơn”.
Ông Đỗ Kỳ Anh, Chủ Tịch VOICE Canada cùng đến với phái đoàn gần 30 người, hướng dẫn bởi Bs. Lê T. Kiên Chủ tịch Liên Hội Người Việt Canada, đến từ Toronto, Ông Kỳ Anh phát biểu: ” Theo tôi thì buổi Hội thảo thành công trong bước đầu. Những cố gắng của Ban Tổ chức đã quy tụ được một số những người quan tâm đến để thảo luận về vấn đề nóng của đất nước. Hy vọng sẽ có những cuộc Hội thảo kế tiếp để có thể tìm ra những giải pháp cho vấn đề một cách thiết thực hơn và sẽ có đông đảo người tham dự hơn.”
Mọi người đã đến đây với tinh thần thiện nguyện
Chúng tôi đã gặp Bs. Nguyễn Thể Bình để hỏi về cảm tưởng của bà sau cuộc hội thảo bà cho biết: “Rất vui khi nhìn thấy mọi người đến từ khắp các tiểu bang Hoa Kỳ và từ Canada, Úc Châu, Âu châu. Điều này chứng tỏ sự quan tâm của cộng đồng người Việt về vấn đề Formosa. Hy vọng người tham dự sẽ tìm được những thông tin cần thiết cho những chương trình làm việc của họ. Điều tôi cảm động và hài lòng nhất là buổi Hội thảo đã quy tụ được những luật gia, những viên chức cao cấp của chính phủ và những chuyên viên với nhiều kinh nghiệm trong ngành môi trường. Tất cả họ đã đến đây trong tinh thần thiện nguyện và không nhận bất cứ khoản thù lao nào. Họ là những người quan tâm và muốn chia sẻ với chúng ta một vấn đề đang làm chúng ta bận tâm rất nhiều”.
Tiếng nói từ Thượng viện Canada
Thượng nghị sĩ Ngô Thanh Hải của Thượng viện Canada đã được mời lên để đọc diễn văn bế mạc. Ông phát biểu Formosa là thảm họa lớn nhất trong lịch sử Việt Nam đã ảnh hưởng sâu rộng đến đời sống của đông đảo người dân. Thay vì tìm phương cách để giúp đỡ người dân được đền bù xứng đáng thì nhà nước cộng sản Việt Nam đã đứng về phía Formosa tìm mọi cách để bịt miệng người dân, đàn áp thô bạo những người biểu tình ôn hòa để đòi hỏi quyền lợi của họ. Điều này đã khiến mọi người phải thất vọng. Mặc dù Formosa đã đền 500 triệu Đô la nhưng cho đến hôm nay, hoặc họ chỉ nhận rất ít, hoặc không có gì cả. Tôi rất vui mừng vì sự tập họp của mọi người trong Hội thảo này từ những Luật gia cho tới các chuyên viên về môi trường và tất cả quý vị đến từ những nơi xa xôi cùng đến đây để tìm một giải pháp. Chúng ta phải tiếp tục để tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam. Là một Thượng Nghị sĩ tại Thượng Viện Canada, tôi sẽ làm tất cả những gì có thể để hỗ trợ cho cuộc tranh đấu của quý vị. Xin chân thành cám ơn tất cả.
Bác sĩ Võ Đình Hữu, Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Liên Bang Hoa Kỳ sau đó đã lên để đưa ý kiến về những mục tiêu tranh đấu trong những ngày sắp tới là đòi hỏi đóng cửa Formosa, làm sạch biển, và đền bù xứng đáng cho các nạn nhân. Và cuối cùng là đấu tranh để giải thể đảng CSVN để có thể đem lại tự do, nhân quyền và dân chủ cho Việt Nam.
Buổi Hội thảo đã được sự đồng tổ chức của đài truyền hình SBTN, một số công ty luật và thiện nguyện viên, đã kết thúc vào khoảng 2 giờ chiều cùng ngày.
TG
05/2017