LÊ VĂN TRUNG
(1876 - 1934)
Lê Văn Trung, quê tổng Phước Điền Trung (Chợ Lớn), học trường Chasseloup Laubat Sài Gòn, năm 1894 tốt nghiệp bằng Thành chung, làm Thư Ký ở Dinh Thống Đốc Nam Kỳ.
Đến năm 1906, ông ứng cử vào Hội Đồng Quản Hạt Nam Kỳ (Conseil Colonial de Cochinchine), đại diện cho các tỉnh: Sài Gòn, Gia Định, Chợ Lớn, Gò Công, Tây Ninh, được 2 khóa tổng cộng 8 năm. Hội đồng Quản hạt Nam kỳ có 10 Hội Viên người Pháp và 6 Hội Viên người Việt. Hội Viên người Việt do đại diện các Hương chức Nam kỳ bầu lên.
Năm 1911, ông với bà Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, vận động thành lập Collège de Jeunes Filles Indigènes, trường nữ Trung Học đầu tiên tại Sài Gòn, thực hiện Nam-Nữ bình quyền. Sau này, trường được đặt tên là Trường Nữ Trung học Gia Long.
Ngày 10-12-1914, ông được Pháp cử làm Nghị viên Hội Đồng Thượng Nghị Viện Đông Dương, gọi chính xác là Hội Đồng Soái Phủ Đông Dương (Conseil du Gouvernement de l’Indochine). Năm 1925, ông xin nghỉ việc rồi dốc lòng việc tu hành và lo xây dựng đạo Cao Đài.
Ngày 7-10-1926, ông Lê Văn Trung cùng các ông Ngô Văn Chiêu, Phạm Công Tắc... gửi thư đến Thống đốc Nam Kỳ là Aristide Eugène Le Fol để thông báo chánh thức thành lập Đại Đạo Tam Kỳ Phổ Độ, nói tắt là Đạo Cao Đài. Năm sau, ông với ban sáng lập và tín đồ lo xây cất toà thánh thất đạo Cao Đài tại tỉnh Tây Ninh. Sau đấy, ông được đề cử giữ chức Quyền Giáo tông Thượng Trung Nhựt.
Đến năm 1930, đạo Cao Đài có khuynh hướng chính trị, chống lại chính quyền đô hộ Pháp nên Pháp bắt đầu theo dõi và khủng bố.
Ông là tác giả nhiều bài thuyết đạo, như: Phương châm hành đạo. Nhiều thơ xướng họa cùng các vị đồng đạo.
Cảm niệm: Lê Văn Trung
Lê Văn Trung, vững chí, kiên tâm!
Trường Nữ đầu tiên, tha thiết cần
Mong mỏi thương đời, lo lắng đạo
Cao Đài khuyến khích giữ gìn nhân!
Nguyễn Lộc Yên
Gửi ý kiến của bạn