Bài thứ hai, viết ngày 12 Tháng Ba, trong loạt bài về Kinh tế Chính trị học Donald Trump lại xin nói về chuyện Mỹ-Đức, vì hai lý do:
Lý do đầu tiên, hai chủ trương căn bản về kinh tế của Tổng thống Donald Trump là kế hoạch cải tổ thuế vụ và xây dựng hạ tầng phải vượt cửa ải và đi sau việc giải tỏa chế độ bảo dưỡng y tế gọi là Obama Care để biểu quyết một đạo luật thay thế. Dự luật do lãnh đạo Cộng Hòa đưa ra tuần trước (American Health Care Act, AHCA, như “anh hát ca”) gặp sự chống đối chẳng bất ngờ từ phe bảo thủ và từ chủ trương tự do tuyệt đối (libertarian) trong đảng khiến Ban tham mưu của Tổng thống mở cuộc vận động tại các tiểu bang then chốt trong cuộc bầu cử năm tới thì mới có hy vọng được Thượng viện thông qua. Lạc quan thì ta mất thêm ba bốn tháng.
Lý do thứ hai, tuần này Thủ tướng Đức Angela Merkel của Đức trực tiếp qua Mỹ gặp Tổng thống Hoa Kỳ vào ngày Thứ Tư 15 nên thượng đỉnh Mỹ-Đức khiến chúng ta phải nhìn vào bài toán kinh tế chính trị của Đức và tương lai của Âu Châu khi Hoa Kỳ có chủ trương kinh tế mới.
Nói cho gọn, và hấp dẫn tới rợn mình, kinh tế chính trị học Donald Trump có thể làm Đức lao đao và Liên Âu lao xuống vực!
***
Từ khi tranh cử và sau khi nhậm chức, ông Trump thường phê phán lãnh đạo Đức về mọi chuyện kinh tế và an ninh, từ ngoại thương đến Minh ước NATO, và được Đức “lại quả” khá nặng nề gay gắt trước sự hả hê của truyền thông cánh tả tại Hoa Kỳ.
Nhưng sự thật kinh tế vượt khỏi sự quan tâm của nhiều người là nước Đức không phải vô can!
Sau khi Liên bang Xô viết tan rã và nước Đức tái thống nhất trong sự hội nhập của các nước Âu Châu thành Liên hiệp Âu châu, lãnh đạo Đức đã vận động sự hình thành của khối tiền tệ thống nhất, là Khối Euro nay có 19 thành viên. Trước thời Euro, đồng Đức Mã (Deutsche Mark hay D-Mark) là ngoại tệ mạnh nhất Âu Châu, do Ngân hàng Liên bang Đức Bundesbank điều tiết. Khi ấy, các nước nghèo hơn như Pháp và Ý thường phá giá đồng bạc để tìm lợi thế xuất cảng. Với sự hình thành của khối Euro, các nước từ đó bị cột vào vòng kim cô tiền tệ chung nên không nhúc nhích được nữa. Cùng lúc đó, qua các chánh sách về lao động và thuế khóa bên trong (đánh thuế rất cao trên đồng lương trung bình để giảm giá thành tới hơn 4% và còn có thể giảm thuế Trị giá Gia tăng VAT trên các mặt hàng xuất cảng), Đức mặc nhiên phá giá đồng bạc và có lợi thế về ngoại thương để thành cột trụ của toàn khối. Kinh tế Đức dẫn đầu cả Âu Châu về xuất cảng, đạt xuất siêu rất cao, tới 6% Tổng sản lượng GDP là điều trái luật, mà thực tế thì ăn trên lưng các nước khác. Trong khi ấy, Đức chiếm thêm lợi thế của đồng Euro mất giá vì các nước nghèo yếu kia kéo hối suất Euro xuống dưới trị giá thật của tiền Đức, và nếu bị phàn nàn thì Đức núp sau Ngân hàng Trung ương  châu ECB là xong.
Thật ra, mâu thuẫn giữa Đức và các thành viên còn lại của khối Euro đã có từ những năm 2010, trước khi thiên hạ nghe nói đến Donald Trump.
Khi ông Trump than phiền về việc đồng Euro quá thấp tạo ưu thế xuất cảng cho Âu Châu và gây thiệt hại cho Hoa Kỳ, báo chí thường chỉ nói tới khía cạnh tiền tệ và hối đoái của cả khối, chớ sự thật nằm sâu hơn trong chánh sách kinh tế quá tinh vi và ác độc của Đức. Nó làm các nước Nam Âu, từ Hy Lạp tới Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Ý và Pháp bị chết kẹt. Một quốc gia khôn ngoan không nhận vòng kim cô Euro và vừa ra khỏi khối Liên Âu là Anh Quốc.
Đấy là bối cảnh kinh tế của trận đấu ngoại thương Mỹ-Đức.
Nhưng vấn đề không chỉ là kinh tế chính trị mà còn liên quan tới cả khái niệm đại thế chính trị hay địa dư chính trị, “geopolitics”, (xin tạm dùng chữ “địa chính” cho gọn, miễn là đừng lầm với các khái niệm như địa tịch, địa trắc hay “cadastre”!)
Nhìn về lịch sự thì trên toàn cõi Âu Châu, hay miền Tây của đại lục Âu-Á, các nước đã gặp “Vấn nạn Đức” từ nhiều thế kỷ rồi. Nằm trên một vùng địa dư trống trải là Bình nguyên phía Bắc Âu Châu, không được thiên nhiên bảo vệ, khi Đức còn phân tán thành nhiều tiểu vương quốc thì bị các Đế quốc lân bang tấn công. Khi nước Đức thống nhất tại vùng trung tâm của Âu Châu thì các nước chung quanh lãnh họa. Một cường quốc như Pháp còn bị Đức bợp tai ba lần, 1871, 1914 và 1939, nói gì đến các nước kia? Vì vậy, sau Thế chiến I và II, rồi từ khi Liên Xô tan rã và Đức tái thống nhất, Vấn nạn Đức đã tạm lui – nhờ Hoa Kỳ.
Các nước Âu Châu hết sợ bị Đức tấn công hay chiếm đóng nữa, họ có giải pháp hợp tác kinh tế. Biết đâu là từ tiềm thức, họ chấp nhận sự khống chế kinh tế của Đức còn hơn tái diễn Vấn nạn Đức với binh đao chinh chiến.
Bây giờ, ta mới nói đến chuyện Hoa Kỳ.
***
Khi Thế chiến II sắp kết thúc, nước Mỹ rút tỉa kinh nghiệm chiến tranh tại Âu Châu mà lập ra kiến trúc tài chánh là hệ thống Bretton Woods - tên một hội nghị năm 1944 tại thành phố Bretton Woods của tiểu bang New Hampshire – và kiến trúc quốc tế là Liên hiệp quốc. Từ đó thế giới Âu Châu và nơi khác đã có thanh bình tương đối, ngay trong thời “Chiến tranh lạnh”.
Cũng do Hoa Kỳ mà thế giới có thêm Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế IMF, Ngân hàng Thế giới World Bank và Minh ước Phòng thủ Bắc Đại Tây Dương NATO. Sau này, kiến trúc Bretton Woods còn có ảnh hưởng sâu xa hơn nữa, là các hiệp ước thương mại tự do như GATT và hậu thân của GATT là Tổ chức Thương mại Thế giới WTO. Khi Liên Xô trên đà tan rã, cũng Hoa Kỳ đã dàn xếp với chế độ Cộng sản của Mikhail Gorbachev để thống nhất nước Đức và giải phóng Đông Âu hầu các nước Âu Châu hoàn thành Liên hiệp Âu châu, là Liên Âu hay EU.
Hoa Kỳ giữ vai chủ chốt trong ngần ấy dàn xếp quốc tế và là nền tảng của trào lưu toàn cầu hóa lẫn hệ thống tự do thương mại, với Đức trở thành trưởng tràng của khối Euro và Liên Âu.
Nhưng từ năm 2010 tình hình đã thay đổi tại Âu Châu và trên đại lục Âu-Á. Và từ năm 2016, tình hình cũng thay đổi tại Hoa Kỳ khi Donald Trump đắc cử Tổng thống.
Ông thấy đời bất công khi nước Mỹ cứ gánh vác thiên hạ sự mà Hoa Kỳ lại bị thiệt và dân Mỹ mất việc trong trật tự thương mại cũ do Hoa Kỳ dựng nền móng! Sau nhiều lần phát biểu, hôm Thứ Tư mùng một vừa rồi, Tòa Bạch Cung chuyển qua Quốc hội phúc trình của Tổng thống về chánh sách ngoại thương mới. Tài liệu dày tới 336 trang vốn là khó nhá cho mọi người (!) nhưng chắc chắn phải làm lãnh đạo nhiều quốc gia khác và Thủ tướng Merkel thấy giật mình.
Như kế hoạch cải cách thuế vụ đang được thai nghén, chánh sách ngoại thương mới của Chính quyền Donald Trump sẽ ảnh hưởng tới mọi người, mọi doanh nghiệp và mọi quốc gia làm ăn với Hoa Kỳ. Thí dụ như Hoa Kỳ có thể đơn phương áp đặt thuế suất nhập nội với các quốc gia (mà Chính quyền Mỹ cho là) có biện pháp mậu dịch bất công (Trung Quốc, Mexico hay Đức không là duy nhất) và sẽ trừng phạt các doanh nghiệp đã chuyển dịch đầu tư ra ngoài để bán ngược về Mỹ. Triệt để hơn vậy, chủ trương mới của Chính quyền Trump không loại bỏ giả thuyết là sẽ bác bỏ nhiều quy định của tổ chức WTO.
Cuối chân trời, có khi là còn đòi ra khỏi WTO!
Thứ nhất, nếu Hoa Kỳ đặt lại vấn đề với nhiều nước và với WTO, các nước có thể trả đũa bằng quan thuế hay trừng phạt doanh nghiệp Mỹ. Khi ấy, thế giới lui về chế độ bảo hộ mậu dịch và toàn cầu hóa sẽ là toàn rầu rĩ. Thứ hai, kịch bản kinh hãi hơn cho Thủ tướng Đức, là Hoa Kỳ có thể khai chiến với một nền móng xuất phát từ 70 năm trước, là tổ chức WTO. Không chỉ có NATO và trách nhiệm tăng chi quân sự của Đức mà trật tự thế giới cũng bị đảo lộn!
Là thành viên của WTO từ năm 1995, Hoa Kỳ đã gặp nhiều mâu thuẫn với tổ chức này nhưng trải ba đời Tổng thống, từ Clinton tới Bush và Obama, thì vẫn chấp nhận nhiều phán quyết bất lợi của WTO. Donald Trump lại hăm dọa là sẽ có phản ứng khác. Trên thị trường ngoại thương như một chiến trường, WTO là ông tòa… tạm được. Nay Hoa Kỳ lại cho là không được và dú có gây hậu quả tai hại cho Âu Châu thì dường như Donald Trump cũng bất cần chẳng vì ác ý với Đức mà vì thiết tha với quyền lợi của Hoa Kỳ.
Bây giờ, ta kết thúc câu chuyện kinh tế bằng tâm tư của Thủ tướng Merkel.
***
Bà Merkel là người điềm đạm, suy tính chậm rãi và không nóng nẩy dữ dằn như ông Trump. Nhưng làm sao bà thuyết phục Tổng thống Mỹ rằng chủ trương của ông sẽ là tai họa cho Đức, cho khối Liên Âu và toàn thế giới còn lại?
Nước Đức đang chết kẹt, ngân hàng lớn nhất là Deutsche Bank bị điêu đứng vừa phải tăng vốn, bà Merkel có thể thất cử vào Tháng Chín với chính trường Đức rơi vào ách tắc với liên minh tả hữu lần này sẽ do cánh tả lãnh đạo, trong khi kinh tế trôi vào suy trầm. Khi đó, khối Euro và cả Liên Âu sẽ bị rung chuyển, có khi rách nát.
Về phần Âu Châu, khi Anh Quốc đòi rút thì các nước đều thấy Liên Âu hết là vòm trời duy nhất. Nếu Anh còn có thể thương thuyết hiệp ước mậu dịch song phương với các nước khác, như Hoa Kỳ, Canada, Ấn, Úc, hay với Hiệp hội Tự do Thương mại Âu châu, các nước còn lại trong Liên Âu cũng có thể nghĩ tới kịch bản xé chiếu ra khỏi Liên Âu.
Đã vậy, nội tình Liên Âu còn đầy mâu thuẫn, như với Ba Lan, Hung Gia Lợi, hay Hòa Lan đang có bầu cử, hoặc nước Pháp với lãnh tụ cực hữu của Mặt trận Quốc gia là Marine Le Pen. Nếu nhân vật này dẫn đầu ở vòng một vào Tháng Tư, Liên Âu sẽ như bị sét đánh vì trào lưu chống Âu Châu lại càng thắng thế ở nơi khác. Một cường quốc kinh tế thứ ba của khối Euro là Ý cũng chông chênh treo mành và có thể lại bầu cử nữa. Sau quyết định táo bạo của Hoa Kỳ, hàng loạt biến cố chính trị sẽ gây thêm phân hóa trong nội tình Liên Âu.
Đúng lúc đó, Liên Âu vừa lãnh thêm cái vạ là khủng hoảng ngoại giao giữa Hòa Lan và Turkey (Thổ Nhĩ Kỳ) làm các thành viên Âu Châu khác càng khó xử. Xứ Thổ muốn tu chỉnh Hiến pháp để từ thể chế Đại nghị chuyển qua Tổng thống chế cho Tổng thống Recep Tayyip Erdogan có thêm quyền hạn. Chính quyền Ankara vận động cả kiều dân của mình tại Âu Châu bỏ phiếu với những lập luận chống Âu Châu. Hòa Lan bèn từ chối cho một Bộ trưởng Thổ qua đó nói chuyện và còn đẩy một Bộ trưởng khác ra khỏi biên giới.
Xứ Turkey là thành viên Hồi giáo duy nhất của Minh ước NATO nay đang mâu thuẫn nặng với Liên Âu vì một chuyện kỳ dị!
Một chuyện khác lại ít được báo chí Mỹ tiết lộ nhưng chắc là không ra khỏi sự chú ý của Thủ tướng Đức: giới tư lệnh quân đội của ba quốc gia đang kín đáo thảo luận và hành động nhằm tấn công tổ chức khủng bố ISIS. Ba nước đó là Liên bang Nga, Turkey và… Hoa Kỳ! (Ít ra ta thấy cỗ xe của quân lực Mỹ không bị rò rỉ như bộ máy hành chánh công quyền trong nỗ lực tấn công Chính quyền Donald Trump qua những tiết lộ dồn dập cho báo chí nhai lại!)
Để tạm tổng kết về kinh tế chính trị học Donald Trump, ta đang chứng kiến hiệu ứng ghê người cho Đức và Âu Châu với những hậu quả vượt ra khuôn khổ kinh tế hay mậu dịch. Đáng ngạc nhiên và đáng ngại là vì thượng đỉnh Mỹ-Đức ảnh hưởng tới lãnh vực địa chính, của EU, NATO hay cuộc chiến chống khủng bố Hồi giáo, vậy mà ban tham mưu của Tổng thống Trump về trận đánh Mỹ-Đức lại thiếu tiếng nói của giới an ninh và quân sự, như Tổng trưởng Quốc phòng Jim Mattis hay Cố vấn An ninh Quốc gia, Trung tướng H.R. McMasters.
Ngày xưa, lãnh tụ Pháp là Georges Clémenceau có câu danh ngôn: “Chiến tranh là chuyện quá hệ trọng để giao cho giới quân sự!” Ôi, kinh tế hay thương mại cũng vậy chăng?
- Từ khóa :
- Donald Trump
- ,
- Hoa Kỳ
- ,
- Angela Merkel
Gửi ý kiến của bạn