Trần Dạ Từ. Ký họa CHÓE,1978 tại trại tù Gia Trung.
Chúng ta đã chia lìa.
Chúng ta bị tước bỏ, bị bôi xoá
Lần cuối, khi quay đi trong xiềng xích
Em nhớ mà. Chúng ta cùng thấy nhau
Hòn đá cổ sơ sần sùi trong mắt nhìn mỗi đứa.
.
. . . Nó ở đâu, hòn đá tai quái em đang giữ
Trong mắt em. Trong ngực em. Trong cổ em
Nó dịu dàng hơn. Với em, phải vậy chớ
Em có từng nhờ nó để hình dung tôi chăng
Chưa bao giờ cái cổ quan trọng vậy
Nó giúp tôi hình dung em dễ dàng
Em đang nín thở. Em nhăn mặt
Tôi nghe hòn đá em ân cần:
“Thở đi. Thở đều đi. Đừng nhăn nhó”
Em đang đăm chiêu. Em buồn rầu
Em bị bóng đen của cùng khốn vây hãm
Tôi nghe hòn đá em thủ thỉ:
“Cười đi. Coi nè. Tui nè. Tui biết làm”
Và em mỉm cười, chờ nó làm ra lửa
Tài thật. Dễ thương thật. Phải vậy chớ
Nụ cười em lấp lánh trong tôi
Hòn đá đúng đấy. Nó biết làm. Nó sẽ làm
Có thể chúng ta sẽ sống sót
Cùng vuốt ve lại trang giấy bị vò nát, ném bỏ
Cùng bắt đầu lại từ chỗ được bôi xóa
Như thơ em từng nói với con cái*
.
. . . Phải làm lại. Phải bắt đầu lại thật
Chúng ta đã cùng ăn. Bao nhiêu cơm ngon
Nói ra. Xấu hổ. Đáng đi tù. Đáng bỏ đói
Đáng bị bôi, bị xoá
Tôi chưa từng biết em chụm lửa cách nào
Chưa từng biết nồi cơm sôi ra sao
Ngọn lửa sẽ tái sinh. Ta sẽ cùng chụm lửa
Được nấu nướng bên nhau, thật hạnh phúc
Chắc sẽ đủ tiêu ớt hành ngò
Cho món xào chua cay mặn ngọt
Chắc sẽ đủ chất men của đời sống
Để cất được chén rượu ấm áp mời bạn bè
Và nồi cơm sôi. Nồi cơm sôi
Tôi sẽ sửng sốt nhìn, bằng con mắt háu đói
Sẽ thật thà mô tả, cho bạn hữu và kẻ thù cùng biết
Những hạt cơm tương lai phải cười như thế nào
Trong con mắt háu đói của nhân loại.*
.
Nhưng chúng ta đang biết cái đói khác
Cái đói tùng xẻo rỉ rả đêm ngày
Được xưng tụng là kinh điển, chính sách
Được trang phục lộng lẫy bằng mỹ từ
“Phát minh vĩ đại của thiên tài
Vũ khí chuyên chế vô địch của giai cấp
Chủ nghĩa bách chiến bách thắng của thế kỷ”[1]
Ở đâu ra cái đói quỉ quái ấy?
Từ quả cân đẫm mồ hôi, lão địa chủ thu tô
Từ đồng xu cắt cổ, bác chà gom nợ lãi
Đâu chỉ giản dị vậy
Cái đói phát minh của thiên tài
Mọc từ luống cầy trên trán hói
“Cầy đi cầy lại cầy tới cầy lui...”[2]
Đã để lại bao nếp nhăn tối tăm
Trên vầng trán đẹp đẽ đáng tiếc,
sớm hói vì hằn học
Cái đói thành vũ khí chuyên chế vô địch
Nó được tính toán, được kết hợp lô gích
Sự co thắt dạ dầy. Nước miếng. Tiếng kẻng [3]
Được tung, được hứng. Được quảng cáo xôm tụ:
“Kiểm kê. Quản lý. Làm chủ”
Và nó vơ. Nó vét. Nó ban phát ơn huệ
Biến chén cơm miếng bánh thành ma tuý
Biến tiếng kẻng cho ăn thành lệnh của ma quỉ
để khuất nhục đồng loại
.
Tôi biết cái vũ-khí-đói này
Em ở đâu. Em coi chừng nó
Kẻng ăn gõ. Nước miếng ứa. Rớt nhãi chẩy
Biến hoá thành muôn hình nghìn vẻ
Nơi em biệt tích, trong giấc ngủ chập chờn
Em có thường mơ được ăn cơm không
Những người lương thiện nấu nướng cách nào
Đêm tối quanh tôi, nấu nướng đang rôm rả
Anh này trổ tài làm cơm cháy vàng rực
Anh kia đang lựa vịt chọn gà
Anh khác nữa, cân đo gia vị
Họp lại thành bữa ăn thịnh soạn
Tha hồ mời bạn tù đánh chén
Không nước, không lửa, không củi
Không nồi, không gạo, không cả muối
Càng khoẻ. Cần gì. Anh em nấu bằng miệng
Thưởng thức. Nhai nuốt. Bằng nước miếng
Tiêu hoá bằng chính xương thịt mình
.
Nước miếng ứa. Rớt nhãi chẩy. Kẻng ăn gõ
Nó đang gõ. Nó còn tiếp tục gõ
Gõ không ngừng. Gõ đây. Gõ đó
Chẳng cần biết làm gì
Cái kẻng thí nghiệm thông thái
Dây treo của nó. Búa gõ của nó
Nó khoa học, nó tài giỏi ra sao
Nó vẻ vang, nó oai vệ dường nào
Em đâu muốn tôi kể chuyện đó
Chúng ta đang nghe kẻng ăn gõ
Chúng ta biết nó
Ngày 28 tháng Giêng, 1992 Nhà văn James Webb (Jim Webb) giới thiệu Trần Dạ Từ đọc thơ tại trụ sở Quốc Hội Hoa Kỳ.
Nó là cái niềng bánh xe cũ phế thải
Có thể là mảnh đạn, là vỏ bom
Có nơi, như ở trại tù Z.30D, nó là cái chuông đồng
Mang về từ ngôi chùa cổ nào đó bị cướp phá
Nó có dàn treo, có mái che
Sơn đỏ sơn xanh. Kẻ hầu người hạ
Nó lủng lẳng khắp nơi
Cổng tù. Cơ quan. Làng mạc. Thành phố
Nó được gõ. Bằng vồ. Bằng búa
Cẩn thận nghe em. Nó đang gõ
Nó gõ sáng. Gõ trưa. Gõ chiều
Rền rĩ những thể xác yếu đuối
Nó gõ tai bắt vểnh. Gõ mắt bắt nhắm
Gõ dạ dầy bắt cồn. Gõ gan ruột bắt cào
Gõ khuỷu tay bắt tung hô. Gõ đầu gối bắt xì xụp
Gõ mồm miệng bắt hát, bắt hò
Bắt gào thét, nguyền rủa, đấu tố
Cẩn thận nghe em. Nó tiếp tục gõ nữa
Không nghe nó boong boong, chớ tưởng nó ngừng
Đừng quên nó tự xưng là vũ khí chuyên chế vô địch
Chủ nghĩa bách chiến bách thắng của thế kỷ
Đâu phải chỉ chuông chùa, mảnh bom, niềng xe cũ
Đâu phải chỉ bằng vồ bằng búa
Vầng trán đẹp đẽ hói sớm, em nhớ không
đang biến thành cánh đồng
Những nếp nhăn tối tăm thành luống cầy hằn học
Nó không trồng lúa. Nó đang trồng người
Một loại người không cười không khóc
Cái kẻng cơm vô hình đang lủng lẳng
trên đỉnh đầu thế giới.
Đang lòn sâu vô ruột vô gan
Đang gõ suốt ngày đêm. Không âm. Không vang
Kẻng cơm gõ.
Nước miếng ứa.
Rớt nhãi chẩy
Cái lệnh ma quỉ ấy muốn vậy
Nó đòi phải cống nạp
tất cả nước miếng của nhân loại
Để ngâm tẩm thứ thuốc quái quỉ gì... Ai biết.
.
Cây sậy chân tay quều quào của chúng ta
Có thể hết bưng nổi cái sọ dừa cứng đầu
Vũ chết hôm kia. Hồ chết hôm qua
Nguyễn. Và Nguyễn. Và Nguyễn nữa sắp chết
Sẽ đến lượt Lưu. Đến lượt Doãn. Đến lượt Lê [4]
Ăn nhằm gì. Có thể sẽ không còn chúng ta
Nhưng nước miếng nhân loại sẽ chẳng bao giờ cạn
Làm thế nào cạn được
Trong miếng cơm nhai dập ngọt ngào
Bao nhiêu thế hệ bà mẹ đã mớm đút con dại
Như tôi, đứa con thơ èo uột nơi quê mùa
từng được mẹ mớm đút
Làm thế nào cạn được. Trong nụ hôn nồng nàn
gắn bó hạnh phúc và khổ đau
dưới chân những thánh đường tương lai
chưa hiện hình
Các đôi lứa sẽ còn hẹn hò nhau
Như chúng ta từng hẹn hò
Suốt mùa hè ngây dại ở Thiên Mụ
Làm thế nào cạn được
Chúng đâu chịu ngừng thì thầm dụ dỗ
Trái chanh, trái cóc, quả khế, quả me
Giữa kẽ răng cô vợ trẻ mang bầu
Lần đầu thèm của chua, như em ngày nào
Làm thế nào cạn được, trong cái miệng háu đói
Anh chồng đi làm về ngó vợ cạnh nồi cơm bốc khói
Như chúng ta vẫn tin sẽ cùng nhau thấy lại
Làm thế nào cạn. Chẳng bao giờ cạn nổi
Nước miếng. Tình yêu. Sự sống
Dòng sữa nuôi đích thực những câu hò
đối đáp ví von
Nhiên liệu bất tận cho tiếng cười tiếng nói
Nguồn khởi đầu của dòng suối sinh nở
Sẽ còn sinh nở mãi.
.
Yên tâm nhé em. Em lo lắng gì nữa
Quả thật đằng sau khúc tụng ca bi tráng của Bach
có nỗi khiếp sợ dịch đậu mùa la hét [5]
Nhưng, cái mặt rỗ chằng chịt của tôi em từng ôm
Nó chẳng nhắc em sao
Rằng việc chủng ngừa đậu mùa đã công hiệu.
Hãy tin sự khôn ngoan của nhân loại
Tôi chia xẻ với em khúc tụng ca bi tráng
của quê hương và thời đại chúng ta
Cái đói tùng xẻo. Kẻng ăn. Rớt nhãi.
Sự khuất nhục
Những vết xẹo chằng chịt một thời
Tất cả. Rõ ràng có công dụng của nó
Nước miếng nhân loại sẽ chẳng bao giờ cạn
Một loại vắc xim mới sẽ xuất hiện
Nụ cười những hạt cơm tương lai
sẽ được chích ngừa
Mưu ma chước quỉ không đụng được đến nó
Chữ đói, vĩnh viễn được trả về đúng nghĩa:
Nốt nhạc chung tươi tắn
trong ngôn ngữ loài người
Cái đói, vĩnh viễn được trả về đúng chỗ:
Trong con mắt háu đói, cái miệng háu đói
Trước nồi cơm đầy đặn, tươi cười
Cái đói sinh động, Cái đói tuyệt vời
Tia nhìn của hạnh phúc rạng rỡ
Ngọn đèn xanh bật sáng cho nụ cười
Chìa khoá mở tung mọi cánh cửa
Món quà đằm thắm,
anh chồng đi làm về tặng vợ.
. . .
Trần Dạ Từ
(Trích Hòn Đá Làm Ra Lửa)
[1] Khẩu hiệâu cộng sản ca tụng “chính sách lương thực”.
[2] Vladimir Ilyich Lenin (1870-1924) nói về chính sách kinh tế mới: “Phải cầy đi cầy lại, cầy tới cầy lui, sao cho trên luống cầy của chúng ta, không còn một hạt giống tư sản nào có thể mọc lên được.”
[3] Ivan Petrovich Pavlov (1949-1939) nhà sinh học Nga, Nobel y khoa 1904 nhờ phân tích "phản xạ có điều kiện" của loài chó khi nghe kẻng cho ăn. Lenin dùng định luật này để khống chế loài người trong chính sách lương thực.
[4] Các nhà thơ, nhà văn VN trong trại tù cộng sản.
[5] Johann Sebastian Bach (1685-1750) nhạc sĩ người Đức thời Baroque, cha đẻ nghệ thuật hòa âm, được coi là “Người viết thành kinh bằng âm nhạc”. Hai năm cuối đời, Bach hoàn tất “Mass in B Minor”, tổng phổ gồm 37 ca khúc soạn cho hợp xướng, đối xướng và lĩnh xướng, được coi là “Khúc Tụng Ca Bi Tráng lớn nhất trong mọi thời đại.” Nhiều bài trong tổng phổ này được nhạc sĩ viết trong những đêm thị dân Đức đang đốt lửa la hét để xua đuổi dịch đậu mùa (Smallpox). Từ 1740, đại dịch đậu mùa bùng nổ tại Đức rồi lan khắp Âu Châu. Mãi tới thế kỷ 20, vẫn còn từ 300 tới 500 triệu người chết vì đậu mùa.