SAIGON -- Nên nghe nhạc Xuân hay không? Sẽ trầm cảm thêm, hay sẽ chữa được bệnh?
Bản tin từ trang Alô Bác Sĩ/Phụ Nữ TP ghi lời BS Trần Duy Tâm, BV Tâm thần TPSG cho biết, âm nhạc được ví như một loại thần dược, là liệu pháp chữa bệnh, vì âm nhạc giúp giảm nhẹ bệnh trầm cảm, cải thiện giấc ngủ, giảm lo âu và hạ huyết áp. Nó làm cơ thể thư giãn thật sự thông qua việc làm cơ thể xao lãng, phân tán tư tưởng của người bệnh để quên đi cơn đau hoặc tâm trạng khó chịu.
Nhưng nhạc nào?
Bản tin ghi lời BS Tâm rằng với người bệnh rối loạn tâm thần như: lo âu, stress, trầm cảm thì chúng ta nên mở nhạc có giai điệu du dương, trữ tình phù hợp với sóng não của cơ thể. Điều này càng giúp bệnh nhân cải thiện sức khỏe cho những ngày Tết.
Nhưng với riêng từng bệnh nhân cụ thể, người nhà không nên mở những thể loại nhạc có nội dung “phù hợp” với tâm trạng, gây tổn thương cho bệnh nhân.
Ví dụ, một bệnh nhân trước đây từng vui vẻ, hạnh phúc với chồng con, nhưng sau đó vì một vụ tai nạn, khiến bệnh nhân mất đi người thân, rồi rơi vào trầm cảm thì không nghe bài có tâm trạng như: “Đón Xuân này, tôi nhớ Xuân xưa”…
Mặt khác, khi nghe nhạc, chỉ cho bệnh nhân nghe ở cường độ âm thanh 60decibel - 70 decibel (thương đương âm thanh giọng nói bình thường).
Hiện nay, nhạc Xuân đang phối lại, khiến nhạc xập xình, hoặc nhạc Xuân dạng nhạc Dance, nhạc Xuân êm dịu nhưn g mở cường độ âm thanh quá lớn, thường trên 90decibel như giọng hét. .. cũng không phù hợp. Với cường độ này, người bình thường cũng khó chịu, còn người bệnh dễ “nổi loạn” sau 15 - 20 phút nghe.
Trong khi đó, báo Lao Động cho biết rằng theo nghiên cứu, gần 15% dân số Việt Nam (tương đương gần 14 triệu người) mắc các bệnh về rối loạn tâm thần, trong đó khoảng 3 triệu người mắc rối loạn tâm thần nặng như tâm thần phân liệt, sa sút trí tuệ, chậm phát triển. Con số này vẫn không ngừng tăng.
Tâm thần là một trong những bệnh không lây nhiễm phổ biến nhất hiện nay, là nguyên nhân hàng đầu của gánh nặng bệnh tật. Không những thế, tâm thần và những rối loạn tâm thần cũng là nguyên nhân của nhiều tệ nạn, thậm chí còn tiềm ẩn nguy cơ gây bạo lực trong xã hội hiện nay. Thực tế cho thấy, trong nhiều vụ giết người thời gian qua thì tỉ lệ thủ phạm có biểu hiện rối loạn về tâm lí, tâm thần chiếm tỉ lệ không nhỏ.
Bản tin LĐ nói, nguyên nhân chủ yếu do làm việc suốt ngày đêm, áp lực công việc lớn, căng thẳng, tiêu thụ rượu bia nhiều, cách biệt giàu - nghèo, ly hôn, thất nghiệp...Tuy nhiên số lượng người bệnh rối loạn tâm thần được chữa trị còn cực kỳ thấp, cứ 10 người chỉ có 2-3 người được điều trị, trong đó điều trị bằng thuốc vẫn là chủ yếu, điều trị tâm lý rất hạn chế. Chưa kể số lượng bác sĩ chuyên khoa tâm thần còn rất ít, cả nước có 850 bác sĩ nhưng chỉ tập trung tại tuyến trung ương và các thành phố lớn.
Bản tin cũng ghi rằng:
“... để giải quyết những vấn đề, những trục trặc, áp lực…của mỗi người trong cuộc sống, xu hướng sắp tới của xã hội Việt Nam phải là hình thành thói quen tìm gặp bác sĩ tâm lí.
Để làm được điều này cần sự nỗ lực trước hết là nâng cao chất lượng đời sống của người dân mà chủ yếu là cải thiện điều kiện kinh tế. Khi cuộc sống còn khó khăn, phải chật vật với cuộc sống mưu sinh chạy ăn từng bữa thì việc đi chữa những bênh đau đớn thông thường còn khó thì chuyện gặp bác sĩ tâm lí chỉ có trong giấc mơ mà thôi. Sau nữa là cần thay đổi cả một thói quen, nếp nghĩ đã bám rất sâu vào mỗi người đó là niềm tin, sĩ diện và định kiến...”