Hôm nay,  

Giao Chỉ San Jose, tản mạn cuối năm

31/12/201600:10:00(Xem: 6835)

Giao Chỉ San Jose, tản mạn cuối năm
 

Thân gửi bằng hữu và ân nhân 2016.
blank 1975, Ta biết làm gì cho hết nửa đời sau.
Photo by Vu Anh Thu Dec.2016

  

(1)  Ra sông... 
Biết mặt trùng dương, biết trời mênh mông 
Biết đời viển vông, biết ta hãi hùng...

                                                   (Thuyền Viễn xứ, Phạm Duy)

  

Chúng tôi thuộc về nhóm di tản 75, trên con tàu của quân vận mà Mỹ gọi là Army Boat, chạy theo đoàn tàu hải quân VNCH vào đêm 29 tháng tư. Tàu đi nửa đêm, bỏ lại phía chân trời lửa cháy bên kho đạn Thành Tuy Hạ. Hình ảnh cuối cùng của Sài Gòn xa dần. Giang đoàn gồm 3 chiếc quân vận hạm từ miền Trung chở binh sĩ lực lượng đặc biệt của đại tá Nghị (Bừu) chạy về đậu bến Khánh Hội. Anh Nghị khoe với tôi là ông có lệnh đi tiếp Phú Quốc. Tôi đưa máy cho đại tá Nghị nói chuyện với chánh văn phòng trung tướng Khuyên để ông phối hợp với tôi về chuyến hải hành tiếp theo. Đoàn tàu hải quân cuối cùng đã ra khơi. Tàu quân vận của bộ binh còn loay hoay ngoài bờ biển Vũng Tàu sáng 30 tháng tư. Nghe radio có lệnh ông Minh kêu buông súng. Thân thể anh em chiến binh gãy súng chợt thấy rã rời. Sỹ quan quân vận lái tầu nói rằng tầu mình chỉ chạy cận duyên, không theo hải quân ra Côn Sơn được, bây giờ ông thầy muốn đi đâu. Tôi nói. Cố chạy ra hải phận quốc tế rồi ta về Gò Công. Nhưng sau cùng chẳng bao giờ chúng tôi về xứ Gò Công. Trải qua bao nhiều sóng gió ba chìm bẩy nổi, chúng tôi được tàu Mỹ vớt và trở thành người di tản buồn của các ông văn nghệ sĩ. 

  

(2) Ta biết làm gì cho hết nửa đời sau.  (Thơ Cao Tần.)

Câu thơ đầu tiên nghe chừng đứt ruột là của thi sĩ Cao Tần: Ta biết làm gì cho hết nửa đời sau.  Sau 42 năm lưu lạc và làm ăn trên đất Mỹ, chúng tôi kết duyên với cơ quan định cư IRCC một thời gian hết sức lâu dài. IRCC chính thức thành lập 1976 đến 2016 là 40 năm. Cá nhân chúng tôi gia nhập tổ chức 1978 và nhận trách nhiệm tái tổ chức năm 1980. Trải qua trên 3 thập niên vui buồn với cộng đồng San Jose, biết bao nhiêu là nước chảy rì rào dưới lòng con suối cạn Coyote Creek. Nhân dịp cuối năm 2016 xin nhắc lại những dấu ấn với tràn đầy kỷ niệm để tự trả lời cho câu hỏi năm 75. Ta biết làm gì cho hết nửa đời sau.

  

(3)Kết đoàn, vận động đấu tranh: 
 
Năm 1978 khi chúng tôi tham dự vào tổ chức IRCC, công việc đầu tiên là dành ngay hội trường sinh hoạt cộng đồng. Vận động các đoàn thể ngồi lại với nhau. Hội giáo chức, hội cao niên không quân, hải quân, nhẩy dù va cựu chiến sĩ. Tiếp theo là các hội đoàn khác tổng hợp trên 40 danh hiệu làm thành Liên hội Bắc CA với một tổng thư ký là sĩ quan võ bị Lại Đức Hùng. Các cuộc biểu tình chống Cộng, tổ chức vận động đấu tranh chính trị, văn hóa, nghệ thuật liên tiếp 25 năm dài. Luôn luôn cơ quan IRCC hãnh diện được coi là cái nôi của tổ chức. Là phương tiện sinh hoạt và hội họp. Là nhà kho tiếp vận phương tiện và đồng thời cũng là nơi bàn luận để đề xuất hướng đấu tranh. Tổ chức ngày 30 tháng tư, các ngày tưởng niệm anh hùng dân tộc, giỗ tổ Hùng Vương, Trưng Vương, ngày quân lực, Trung thu. Tổ chức yểm trợ cho kháng chiến Hoàng cơ Minh, Trần Văn Bá, Võ Đại Tôn, Lý Tống, Trần Mạnh Quỳnh ...Tất cả đều tự nơi đây phát xuất và sau cùng đồng quy về một chỗ IRCC. IRCC cũng là cơ quan thành lập hội cao niên và hoàn tất nghĩa trang Việt Nam đầu tiên trên thế giới. Xin ghi nhận một số quý vị trong hội đồng quản trị từ thủa xa xưa như ông Nguyễn Xuân Phác, Lê Văn Phụng, Nguyễn Quang Vĩnh,  Vũ thượng Đôn.Nguyễn Đình Tạo....và rất nhiều thành viên của IRCC không còn nữa...
 

(4) 20 năm thuyền nhân tỵ nạn:

Khi giặc từ miền Bắc vào Nam, tuyên bố Sài Gòn là Thành Hồ. Người di tản miền Nam đã ra đi. Hạm đội Hoa kỳ vớt người cũng đã rời khỏi biển Đông. Đến lượt những người chạy muộn ra khơi trở thành những thuyền nhân vượt biển đầu tiên. Lúc đó là hạ tuần tháng 5 -1975. Suốt 20 năm dài từ 1975 đến 1995 là câu chuyện về thiên anh hùng ca của thuyền nhân vượt biển. Cá nhân chúng tôi đã theo dõi và cơ quan chúng tôi làm việc đã trực tiếp đóng góp vào công tác đón tiếp, định cư người di dân ty nạn từ cả 3 nước Đông Dương. Vì vậy tổ chức đầu tiên có tên là Indochinese Resettlement and Cutural Center. IRCC. Đại diện cơ quan chúng tôi đã đi thăm các trại tỵ nạn Đông Nam Á và đồng thời tham dự các cuộc vận động để hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ đón nhận thuyền nhân. Tất cả các tài liệu thu góp lại để làm sử liệu cho tương lai tại Viện Bảo tàng Thuyền Nhân và Việt Nam Cộng Hoà. Trong số các vị tổng thống Hoa Kỳ, ông Carter đã ra lệnh đệ thất hạm đội vớt người, đã cách chức và truy tố hạm trưởng bỏ rơi thuyền nhân. Ông trở thành vị tổng thống của thuyền nhân Việt Nam và đã gửi thông điệp truyền hình chúc mừng 35 năm hoạt động của IRCC.

  

(5)10 năm vớt người vượt biển.    
Kể từ 1980 thảm cảnh của người vượt biển bắt đầu làm rung động thế giới. Hoa Kỳ luôn luôn là quốc gia đón nhận thuyền nhân ty nạn nhiều nhất nên đã ngần ngại trong công việc trực tiếp khích lệ người Việt ra đi. Trước những tin tức kinh hoàng về thuyền nhân chết vì bão tố và hải tặc, các quốc gia Âu Châu đặc biệt là Pháp và Đức đã phát động phong trào đưa những con tàu nhân đạo ra khơi. Người Việt hải ngoại phát động phong trào từ San Diego và riêng San Jose đã trở thành thủ phủ của tình thương. Báo Mõ San Jose đã nỗ lực phát động liên tiếp các chiến dịch Tình Thương dưới ánh mặt trời. Liên Hội bắc CA tích cực tham dự. Bác sĩ Nguyễn Thượng Vũ và các bác sĩ thay phiên lên các con tàu ra khơi cứu người. Và một người tại San Jose đã hết mình với chiến dịch là không quân Nguyễn Hữu Lục. Từ sáu năm trước, anh biết mình sẽ ra đi nên đã đem hết tất cả các di sản quý giá của Thuyền nhân đến cho Việt Museum. Những tác phẩm vô giá hiện trưng bày tại Viện bảo tàng thuyền nhân và VNCH là di tích kỷ niệm muôn đời của Nguyễn Hữu Lục. Năm 2016 chúng tôi có dịp tuyển chọn  hồi ký của Dương Phục và Vũ Thanh Thủy là tác phẩm của Việt Museum. Năm 2017 sẽ là sách của Phan Lạc Tiếp, một tác phẩm tổng hợp 10 năm Cứu người vượt biển của tác giả hải quân. Sẽ được ra mắt tại San Jose để trở thành một di sản vô giá đầy thương yêu và nước mắt của người Việt dành cho người Việt đã sống chết trên biển Đông. Cơ quan IRCC của chúng tôi hết sức hãnh diện đã góp phần trực tiếp vào chiến dịch Người đã cứu người như Trầm tử Thiêng đã viết lời cho bài ca hết sức bi thảm từ trại ty nạn.

  

(6) Hội Tết hàng năm.
Bắt đầu tổ chức quy mô từ năm 1982, liên tiếp trên 25 năm dài. Luôn luôn nêu cao khẩu hiệu Xây dựng cộng đồng và Giải phóng quê hương. Những năm đầu lần lượt do các hội đoàn tổ chức. Những năm sau này thành lập ủy ban công tác với ông tổng thư ký Lại Đức Hùng phối hợp. Cơ quan IRCC và chúng tôi luôn luôn nhận vai trò tích cực trong hội Tết hằng năm. Vẫn còn nhớ kỷ niệm vui mừng khi chúng tôi đảm trách trực tiếp hội Tết San Jose đã may mắn đạt kỷ lục 68 ngàn lượt người vào dự. Nhắc đến hội Tết là phải ghi danh các vị tiền bối Đào Đăng Vỹ, Trần Hữu Phúc, Trần Công Thiện, Lê văn Cao... và các thành viên xây dựng bước đầu Nguyễn Bá Trạc, Đỗ Văn Hội, Lê Văn Thặng, Trần Trúc Việt, Ngô Đức Diễm...cùng các tổ chức Kháng Chiến, Phục Hưng, Thanh niên thiên chí, Võ đường Hùng Vương, Hoa hậu áo dài ....

  

(7) Thể Thao và Văn Hóa:    
Nhân chuyện 40 năm qua xin ghi nhận các thành quả bên lề hiện nay không còn nữa nhưng vẫn là những tin tức rất đáng ghi nhớ. Cơ quan IRCC đã thành lập đội ban túc cầu Thăng Long một thời vô địch. Lập trường Việt Ngữ Tuổi Xanh và cũng bảo trợ thành lập Vietnamese  Running Club tức câu lạc bộ việt dã tại San Jose.

(8) HO, kể chuyện từ đầu

Sau ngày 30 tháng tư, hàng ngàn chiến sĩ quốc gia quân cán chính phải đi tù tập trung. Công tác hướng về quê hương đầu tiên là chiến dịch mà IRCC tham dự là gửi quà về các trại tù qua hội Hồng thập tự Hoa kỳ. Tiếp theo là các kỳ lên họp trên thủ đô cùng hội gia đình tù chính trị của bà Khúc Minh Thơ vận động với hành pháp và lập pháp. Cuộc tranh đấu khởi sự từ những bước đi vô vọng dần dần có hy vọng. Người thiếu phụ xứ Sa Đéc trở thành một nữ lưu không chịu đứng thành tượng đá chờ chồng. Bà đã đấu tranh cho tất cả các gia đình tù chính trị. Cũng cần ghi thêm là ngay từ cuối thập niên 80 IRCC đã có ông phó giám đốc Nguyễn Đức Lâm cùng phái đoàn lập pháp CA về Sài Gòn thảo luận mở đường cho chương trình đón tù chính trị.

 Kết quả tại phi trường San Fancisco đầu thập niên 90 đã đón chuyến phi cơ HO đầu tiên đến Mỹ. Những người tù từ cõi chết trở về đã khóc khi thấy ngọn cờ vàng. Những người đi đón cũng đầm đìa nước mắt.

 

(9) Dựng lại ngọn cờ.

Thừa thắng xông lên, năm 1991 San Jose dựng ngọn cờ vàng. Bằng hữu và chiến hữu tại Bắc CA hẳn còn nhớ tháng 6 năm 1991 San Jose chúng ta đã làm lễ khánh thành kỳ đài với ba lá cờ cao 65 feet trên đường Capitol Expw. Vào thời gian kể trên đây là cột cờ VNCH đầu tiên dựng trên đất công của Hoa Kỳ. Với sự chấp nhận chính thức của bộ ngoại giao MỸ. Trên 4 ngàn người tham dự lễ thượng kỳ. Chín năm sau, thành phố San Jose muốn lấy lại khu đất Capitol làm sân Golf nên dành cho dự án công viên Việt Nam khu đất mới hiện nay, khu vực Story. Năm 1999 thành phố cho phương tiện đến hạ ba ngọn cờ cũ trên đường Capitol. Chỉ có một mình chúng tôi hiện diện chính thức để nhìn thiên hạ cắt bỏ ba cột cờ vĩ đại. Vì cột cờ quá dài nên phải cưa làm nhiều đoạn. Tôi chứng kiến mà muốn rơi nước mắt. Tự hứa với chính mình và trời đất là sẽ có ngày dựng lại. Những cột cờ hạ xuống được chúng tôi đưa về địa chỉ của cơ quan IRCC trên đường San Carlos. Rồi lại dọn cơ quan về đường Park. Sau cùng đem để dưới hầm của Việt Museum trong San Jose History Park. Khi mở hồ sơ kiến trúc sửa chữa toàn diện viện Bảo tàng Việt nam đã có dự trù và hoàn tất hai cột cờ hạng trung. Cuối tuần qua, chúng tôi sửa chữa các cột cờ lịch sử ngày xưa và đã chính thức dựng lại ngay tại Việt Museum. Tính lại từ khi cột cờ bị hạ xuống cất đi và nay dựng lại, thời gian từ 1999 đến 2017 là 18 năm. Chúng tôi đã nỗ lực làm đúng lời hứa với chính mình. Đây là một thành quả nhỏ bé nhưng rất có ý nghĩa với một kiếp người. Xin báo tin vui đầu năm để các bạn xa gần cùng chia. Qua năm mới 2017 xin gửi lời mời các bạn đã từng biết chuyện, đã từng đứng dưới ngọn cờ đường Capitol, đã từng thông cảm nỗi đau thương suốt 18 năm quá vui lòng đến với chúng tôi tại Việt Museum. Thắp một nén hương cho thuyền nhân tử nạn.  Cùng tưởng niệm các chiến sĩ VNCH tử trận. Chụp hình dưới ngọn cờ vàng. Xin ghi nhớ các chiến hữu cờ Vàng Hồ Quang Nhựt, Nguyễn Đức Lâm, Lại Đức Hùng, Nguyễn Quang Vĩnh... và rất nhiều....

 

(10)Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. 

Dù không trực tiếp làm báo, ở tuổi ngoài 80 vẫn còn cố viết hàng tuần những bài tạp ghi, bạn Văn Quang Sài Gòn nói rằng trong ngoài xem ra chỉ có chúng ta. Phần tôi đã cố gắng viết đều đặn từ 40 năm qua, tính ra bài ngắn bài dài, bài hay bài dở đã có đến hàng ngàn tiểu luận. Trung bình mỗi năm 50 bài, 10 năm là 500 bài và 40 năm là 2 ngàn bài. Soạn lại đủ để in trên 20 tác phẩm, nhưng các độc giả của tôi e rằng không còn lại bao nhiêu để mà thưởng thức. Đành ghi lại để gọi là báo cáo thành tích. Đúng là chuyện Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Câu thơ này của ai các bạn có biết không. Nguyễn Du đấy. Tôi đọc được các tác phẩm bất hủ của nhà văn nữ danh tiếng Hoa Kỳ gốc Trung Hoa. Bà Anchee Min. Cuốn Mao Phu Nhân do nữ dịch giả Việt Nam rất xuất sắc thực hiện. Bà Bích Đào là giáo sư Anh ngữ từ Việt Nam hiện định cư tại Hoa Kỳ. Sách viết về cuộc đời của Giang Thanh, một trong tứ nhân bang thủ phạm cái chết của hàng triệu người Tàu trong cách mạng văn hóa. Tác phẩm thứ hai của Anchee Min tôi đọc được bản dịch Việt Ngữ là cuốn Last Empress, (Nữ hoàng Cuối Cùng) viết về cuộc đời của Từ Hy Thái hậu. Lại một tuyệt phẩm về một người nữ trong lịch sử. Đoạn văn cuối cùng viết về buổi gặp gỡ của Thái Hậu đau bệnh gần chết gặp nhà cố vấn Anh quốc vốn tinh thông văn tự Trung quốc. Khi hai người nhắc đến mối tình thầm lặng của Thái Hậu với một tướng công trong triều đình, Từ Hy đọc câu thơ cổ: Xuân tâm đào tứ ty phương tận.  Ông cố vấn Robert Hart liền đọc tiếp: Lạp trúc thành khôi lệ thủy can. Các bạn có hiểu nghĩa các câu thơ này trong cổ thi Trung quốc không. Tôi thì chịu. Bèn tra cứu nên thấy rằng vế thứ nhất cụ Nguyễn Du đã dịch thành: Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ. Vế thứ hai có nghĩa là   Khi nến tan thành khói, giọt nến cũng khô. Xin bằng hữu chuyển thành thơ tiếp lời với thi sĩ Tiên Điền. Cũng giới thiệu để bằng hữu có thì giờ tìm đọc các tác phẩm của Anchee Min đã được dịch ra Việt Ngữ. Tác giả này xứng đáng được giải Nobel văn chương. Nhưng rất tiếc....
 

(11) 24 năm trả nợ Hoa Kỳ. Dọn cơm Homeless.

Đã kể chút thành tích mà chúng tôi đóng góp vào nỗ lực chung của cả cộng đồng Việt hải ngoại. Phần lớn là công việc của người Việt làm cho người Việt. Đầu năm 1992 chúng tôi có dịp họp mặt với đại hội các sắc dân tại quận hạt Santa Clara. Sau khi bàn chuyện xã hội dân sinh, đại diện Việt Nam cảm khái nói rằng người di dân chúng tôi chịu ơn dân Mỹ quá nhiều, xin hỏi rằng người Mỹ muốn chúng tôi đền đáp ra sao. Nói cảm ơn mãi cũng rất thường. Ai chẳng biết là nên làm công dân tốt, đi làm và đóng thuế. Nhưng chúng tôi muốn làm điều gì hơn thế nữa, lẽ dĩ nhiên trong phạm vi khả năng. Ông chủ tịch bộ phận giao tế của quận hạt với nhiều năm kinh nghiêm nói rằng: Nước Mỹ đã từ lâu trở thành quốc gia công nghiệp với rất nhiều đô thị. Vì vậy nên có dân homeless. Một vấn nạn xã hội không bao giờ giải quyết được. Xin hãy nghiên cứu và tuỳ nghi tham dự vào việc này. Từ đó cơ quan IRCC mở ra chương trình Bữa cơm thân ái với thực đơn Việt Nam. Mỗi tháng một lần hay hai lần. Khởi sự từ 1992 đến nay đã trải qua 24 năm trả nợ Hoa kỳ dưới hình thức khiêm tốn nhất. Chúng tôi chỉ tổ chức các bữa cơm trong nhà. An toàn hơn và đơn giản. Những khách giang hồ đủ các sắc dân chưa từng tưởng thức cơm Việt Nam mỗi tháng một lần sẽ có cơ hội. Đã từ lâu chúng tôi tưởng là sáng kiến độc đáo và lâu dài chỉ có mình độc quyền. Những sự thực không phải vậy. Cuối tuần qua chúng tôi đến tham dự bữa cơm homeless ngoài trời do các nhà thờ tổ chức ngay tại đường Tully bên thư viện. Rất ngạc nhiên là đa số người Việt phân phát thực phẩm và trong số 200 khách hành có đến 20% là Việt Nam.

Cũng không phải tất cả đều là homeless. Nhiều gia đình lái xe đến để thưởng thức bữa ăn. Nhiều người xuất hiện từ con suối cạn Coyote dưới hầm cầu.  Từ nhiều ngày tháng qua, gần như ngày nào cũng có người hảo tâm đem đến thực phẩm và cũng có những người khách giang hồ đến nhận quà. Đặc biệt vào những dịp lễ hội mùa Đông. Tại địa điểm này, chúng tôi tiếp súc với anh Peter Vũ là liên lạc viên. Peter là con trai trưởng của ông Vũ Thượng Đôn cho biết đã theo đuổi công tác tình nguyện từ 6 năm qua. City đuổi đám homeless chạy từ Story qua Tully. Đám người làm từ thiện cũng chạy theo homeless và luôn luôn cả hai đều tiếp tục bị xua đuổi. Qua ngày hôm sau chúng tôi đến họp bên City để bàn về các biện pháp làm sao cho việc dọn ăn homeless ngoài trời được vệ sinh sạch sẽ và không bị hàng xóm khiếu nại. Chúng tôi mong được tiếp tục ít nhất qua khỏi mùa đông đói rét đầu năm 2017. Ngày chủ nhật, tôi đến thăm gia hàng từ thiện của người Việt tại góc đường Santa Clara và số 10. Tổ chức chu đáo, có cả khu phát quần áo tự do lựa chọn. Gia đình các thiện nguyện viên vui vẻ đóng vai hầu bàn. Các khách giang hồ xếp hàng hết sức trật tự. Những lời thưa gửi lịch sự trao đổi. Thank you, Welcome rôm rả. Cà phê nóng làm nóng ấm tình người. Đặc biệt là những tấm lòng nhân đạo cũ mới gặp nhau qua câu chuyện bên lề. Chúng tôi hết sức vui mừng ghi nhận việc trả nợ Hoa Kỳ dù hết sức nhỏ bé nhưng đã được nhiều người thông cảm và chia xẻ. Thương người như thế thương thân.
 

(12)10 năm bảo tàng.   
Việt Museum thành lập tại San Jose History vào năm 2006 đến nay đã được 10 năm. Bản báo cáo cuối năm của San Jose Histoty cho biết dự trù trong một năm có từ 20 đến 25 ngàn khách viếng thăm. Trong đó đa số là học sinh của các học khu đi dã ngoại. Vườn này yên tĩnh và rất an toàn. Con số chưa chính thức ghi nhận năm 2016 vừa qua có khoảng 19 ngàn người vào thăm San Jose History Park. Ít nhất là 50% đã ghé đến Việt Museum. Ngoài ra chúng tôi có rất nhiều quan khách Việt Nam từ các nơi rất xa về thăm. Có thể nói là từ khắp nơi trên thế giới. Đặc biệt là các vị từ Việt nam. Trong đó có các cựu quân nhân VNCH, các thân nhân cựu chiến sĩ miền Nam và có cả các cán bộ Hà Nội được thân nhân dẫn vào thăm. Một người ghi vào sổ lưu niệm như sau: Xứng đáng là bảo tàng lịch sử. Ký tên huyện ủy Tây Ninh. Một buổi chiều chúng tôi vô cùng ngạc nhiên khi thấy ngồi kín sân trước của viện bảo tàng là các em học sinh chùm khăn kín trên đầu. Hỏi ra là các em thuộc cộng đồng Hồi giáo trong vùng Cựu kim sơn. Viện bảo tàng Thuyền nhân và VNCH hiện trở thành hội viên hiệp hội bảo tàng Hoa Kỳ và là bảo tàng duy nhất của người Việt trên thế giới. Niềm hãnh diện của cơ quan IRCC để lại cho ngàn đời sau. Đem quá khứ huy hoàng . Gửi tương lai vĩnh cữu.

  

(13) Chuyện sau cùng. Nghĩa trang quân đội Biên Hòa.

Cách đây 23 năm, 1993 bạn Nghiêm Kể về Việt Nam thăm mộ người em tại Nghĩa trang Biên Hòa đem cho tôi mấy tấm hình. Nhiều ngôi mộ bị tàn phá nhưng toàn bộ nghĩa trang tuy hoang phế nhưng vẫn còn đủ hình thức. Chiến dịch bảo toàn tảo mộ của IRCC phát động từ ngày đó. Tổng số năm 1975 có 16 ngàn ngôi mộ đã được chôn cất. Ngày nay còn lại trên 10 ngàn. Trong số đó chỉ có hơn 1 ngàn có tấm ciment.

Số còn lại đắp đất. Có nhiều chỗ đất lở mất luôn dấu vết. Hiện trạng ngày nay với nhiều nỗ lực và hình thức tham dự của các cá nhân, tổ chức gồm cả chính quyền Hoa Kỳ, hơn 5000 ngôi mộ đã được trùng tu. Trong một vài năm nữa sẽ hoàn tất 100%. Giai đoạn tới là công việc chặt hết các gốc cây làm hư hại mộ phần và sau cũng là việc hoàn đất hệ thống thoát nước. Vượt qua các khác biệt về quan niệm đối với Nghĩa Trang Quân đội Biên Hòa, chúng tôi hãnh diện góp phần vào việc lên tiếng đầu tiên và theo dõi bền bỉ các nghĩa cử tử sinh của người Việt và chiến hữu đối với tử sĩ VNCH. Tất cả tài liệu về nghĩa trang này đều được sưu tầm và lưu giữ đầy đủ tại Việt Museum. Xin đặc biệt ghi thêm ngay tại San Jose, liên hội cựu quân nhân với quý vị Trần Thanh Điền, Đỗ hữu Nhơn, Lê Đình Thọ đang trực tiếp góp phần đáng kể vào việc bảo toàn Nghĩa trang. Câu chuyện về nghĩa trang là báo cáo cuối cùng cho bài tản mạn cuối năm 2016. Cũng là phần tổng kết của 40 năm IRCC.

Xin chúc mừng bằng hữu. Chúng ta cũng mạnh khỏe bước qua năm 2017. Giao Chỉ, San Jose.

  

(14)Vài hàng về tác giả Giao Chỉ, Vũ văn Lộc. 

Sinh năm 1933, tại Nam Định. Học sinh Nguyễn Khuyến, động viên 1954 khóa Cương Quyết 2 Võ bị Đà Lạt. Ra trường thời gian cấp úy ở các tiểu đoàn bộ binh miền Tây và miền Đông Nam Phần. Lên cấp tá làm việc trong ngành tiếp vận từ quân khu miền Đông lên bộ Tổng tham mưu. Cấp bậc và chức vụ sau cùng đại tá chánh sở kế hoạch, chủ tịch ủy ban binh thư kiêm giám đốc tổ chức Path Finder về cải tổ tiếp vận QLVNCH. Đã tốt nghiệp các khóa học Chỉ Huy và tham mưu cao cấp tại Việt Nam. Khóa chiến tranh Sinh Hóa và khóa Điều khiển Tiếp Vận cao cấp tại Hoa Kỳ. Định cư tại Hoa Kỳ làm giám đốc cơ quan bất vụ lợi IRCC định cư di dân ty nạn từ 1980 đến 2000. Sau 20 năm công vụ tiếp tục chức vụ giám đốc danh dự cơ quan IRCC không lãnh lương và trực tiếp xây dựng viện bảo tàng. Viết văn, viết báo với bút hiệu Giao Chỉ San Jose.  Đã có 6 tác phẩm xuất bản và góp phần với Dân Sinh Media sản xuất các DVD tài liệu về chiến tranh Việt Nam. Lập gia đình từ Việt Nam hiện có các con cháu định cư tại Vịnh Cựu kim Sơn, Hoa Kỳ.

 
  


  
 

Related image
Ly rượu mừng Xuân 2017
                            Giao Chỉ, San Jose
Happy-new-year-2017-8.jpg
Chúng tôi có tin mừng, xin loan báo và thư mời riêng các thân hữu. Xin kể đầu đuôi như sau. 
Bằng hữu và chiến hữu tại Bắc CA hẳn còn nhớ:  Hồi tháng 6 năm 1991, San Jose chúng ta đã làm lễ khánh thành kỳ đài với ba lá cờ cao 65 feet trên đường Capitol Expw. Vào thời gian kể trên đây là cột cờ VNCH đầu tiên dựng trên mảnh đất công, với sự chấp nhận chính thức của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Trong dịp này, đã có trên 4 ngàn người tham dự lễ thượng kỳ.
Chín năm sau, thành phố San Jose muốn lấy lại khu đất này để làm sân Gold nên dành cho dự án công viên Việt Nam khu đất mới hiện nay, nằm trên con đường từ Story đi lên phía Bắc.
Năm 1999, thành phố cho phương tiện đến hạ ba ngọn cờ cũ trên đường Capitol. Chỉ có một mình chúng tôi hiện diện chính thức để nhìn thiên hạ cắt bỏ ba cột cờ vĩ đại. Vì cột cờ quá dài nên phải cưa làm nhiều đoạn. Tôi chứng kiến mà muốn rơi nước mắt. Tự hứa với chính mình và trời đất là sẽ có ngày dựng lại.
viet-museum-1.jpg
Những cột cờ hạ xuống được chúng tôi đưa về địa chỉ của cơ quan IRCC trên đường San Carlos. Rồi lại dọn cơ quan về đường Park. Sau cùng đem để dưới hầm của Viet Museum trong San Jose History Park. Khi mở hồ sơ kiến trúc sửa chữa toàn diện viện Bảo tàng Việt nam đã có dự trù và hoàn tất hai cột cờ hạng trung. Cuối tuần qua, chúng tôi sửa chữa các cột cờ lịch sử ngày xưa và đã chính thức dựng lại ngay tại Viet Museum.
Tính lại từ khi cột cờ bị hạ xuống cất đi và nay dựng lại, thời gian từ 1999 đến 2017 là 18 năm. Chúng tôi đã nỗ lực làm đúng lời hứa với chính mình. Đây là một thành quả nhỏ bé nhưng rất có ý nghĩa với một kiếp người. Xin báo tin vui đầu năm để các bạn xa gần cùng chia xẻ.
Tiếp theo là Thư Mời Quý vị và các thân hữu San Jose mà ân tình đã mang nặng từ đầu thập niên 90 đến nay.
20487.42075.jpg
Xin gửi lời mời các bạn đã từng biết chuyện, đã từng đứng dưới ngọn cờ đường Capitol, đã từng thông cảm nỗi đau thương suốt 18 năm qua vui lòng đến với chúng tôi tại Viet Museum. Thắp một nén hương cho thuyền nhân tử nạn.  Cùng tưởng niệm các chiến sĩ VNCH tử trận. Chụp hình dưới ngọn cờ vàng. Và uống với nhau ly rượu mừng Xuân trong một tiệc trà đơn giản.
maxresdefault.jpg
Vào 11 giờ trưa Chủ nhật ngày 1 tháng 1-2017 tại Việt Museum. Xin đi vào cổng Pheland trên đường Senter. Đậu xe ngay phía trước. Quý vị cao niên có bảng xanh xin chạy thẳng vào Museum.
Chúc mừng năm mới 2017.
Trân trọng kính mời.
Vũ văn Lộc
-~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~~
Giao Chi San Jose - giaochi12@gmail.com -  (408) 316 8393
 blank blank blank blank blank blank blank
Giao Chỉ, SanJose City, VietMuseum, Book 1, 2 đã phổ biến, sẽ in 3, 4, 5 đến 12.
Một cuốn $10 Mua sách ghi IRCC 3017 Oakbridge Dr. San Jose CA 95121
Lịch sử ngàn người viết, tác giả ghi chép lại, giữ sách là giữ lửa cho mai sau.



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
Cộng sản Việt Nam khoe có tự do tôn giáo ở Việt Nam, nhưng Hoa Kỳ và Thế giới nói “rất hạn chế”, tùy nơi và từng trường hợp. Tình trạng này đã giữ nguyên như thế trong những báo cáo trước đây của cả đôi bên. Nhưng tại sao Hoa Kỳ vẫn liệt Việt Nam vào danh sách phải “theo dõi đặc biệt”...
Đến giữa tháng 3 năm nay, hầu hết chúng ta đều thấy rõ, Donald Trump sẽ là ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa và Joe Biden là ứng cử viên tổng thống của Democrat. Ngoại trừ vấn đề đột ngột về sức khỏe hoặc tử vong, có lẽ sẽ không có thay đổi ngôi vị của hai ứng cử viên này. Hai lão ông suýt soát tuổi đời, cả hai bộ não đang đà thối hóa, cả hai khả năng quyết định đều đáng nghi ngờ. Hoa Kỳ nổi tiếng là đất nước của những người trẻ, đang phải chọn lựa một trong hai lão ông làm người lãnh đạo, chẳng phải là điều thiếu phù hợp hay sao? Trong lẽ bình thường để bù đắp sức nặng của tuổi tác, con đường đua tranh vào Tòa Bạch Ốc, cần phải có hai vị ứng cử viên phó tổng thống trẻ tuổi, được đa số ủng hộ, vì cơ hội khá lớn phải thay thế tổng thống trong nhiệm kỳ có thể xảy ra. Hơn nữa, sẽ là ứng cử viên tổng thống sau khi lão ông hết thời hạn bốn năm. Vị trí và vai trò của nhân vật phó này sẽ vô cùng quan trọng trong lần tranh cử 2024.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.