Chúng tôi nghĩ đến bạo chúa vì trong bài diễn văn tựu chức nhiệm kỳ II tuần trước Tổng Thống George W. Bush nói nước Mỹ phải bành trướng tự do và chấm dứt chế độ bạo chúa ở khắp nơi trên thế giới bởi vì “sự sống còn của tự do trên đất nước chúng ta càng ngày càng tùy thuộc sự thành công của tự do ở các nước khác”. Trong bài diễn văn này Bush nhắc đến 49 lần chữ “tự do”. Ông nói với thế giới: “Tất cả những người sống dưới chế độ bạo chúa và tuyệt vọng có thể biết rằng nước Mỹ không làm ngơ trước nạn đàn áp quý vị phải chịu và cũng không dung túng cho những kẻ đàn áp quý vị. Khi quý vị đứng lên tranh đấu cho tự do, chúng tôi sẽ đứng bên quý vị”.
Một nhà phân tích hỏi “đứng bên như thế nào, bao giờ và ở đâu"” Người ta cho rằng Bush chỉ đưa ra những lý tưởng chớ không nói đến chi tiết cụ thể để thực hiện những lý tưởng đó. Nhưng cũng nên ghi nhận các vị Tổng Thống Mỹ khi tựu chức thường chỉ nêu ra những đường hướng hay chủ thuyết, còn về sách lược đều được nói đến trong các diễn văn Tình trạng Liên bang hàng năm trước Quốc hội. Sự thật, nêu ra những lý tưởng là chuyện dễ, thực hiện mới khó. Lời tuyên bố của ông Bush nói “mục tiêu tối hậu là chấm dứt nạn bạo chúa trên thế giới” khiến người ta liên tưởng đến lời lẽ tương tự của các vị tiền nhiệm trong quá khứ, từ Woodrow Wilson (1913-1921) đến Ronald Reagan (1981-1989), nhất là John F. Kennedy (1961-1963) giữa lúc cuộc chiến tranh lạnh chống Cộng sản trở nên rất gay go, đã cam kết “trả bất cứ giá nào, chịu đựng bất cứ gánh nặng nào, chấp nhận mọi sự gian khổ, hậu thuẫn bất cứ người bạn nào, chống đối mọi kẻ thù, để bảo đảm cho sự tồn tại và thành công của tự do”.
Trong thế kỷ 20, Mỹ đã tham gia hai cuộc Thế chiến. Đến thời chiến tranh lạnh với Liên Xô, nước Mỹ đã phải liên can đến một số các cuộc chiến tranh cục bộ. Ngày nay TT George W. Bush có một sứ mạng cam go và phức tạp hơn các vị Tổng Thống tiền nhiệm, vì ông tuyên chiến với một loại kẻ thù quái gở chưa từng có trong lịch sử. Đó là bọn khủng bố cuồng tín, nằm trong bóng tối chớ không ra mặt, chúng không có nước nhưng lại ẩn núp ở nhiều nước. Trong bài diễn văn tựu chức, Tổng Thống Bush đã khôn khéo dùng cuộc chiến chống khủng bố như một tiên đề dẫn nhập vào việc thực hiện những mục tiêu lý tưởng của ông. Ông đã đưa ra một sách lược tiềm ẩn trong câu nói “Chúng tôi sẽ đứng bên quý vị” để tranh đấu cho tự do. Hỏi đứng bên như thế nào, bao giờ và ở đâu chăng" Hỏi cũng bằng thừa, vì Bush đã nói Mỹ không muốn áp đặt bằng sức mạnh quân sự. Dân tộc nào muốn giải trừ nạn bạo chúa và có dân chủ, hãy đứng lên, Mỹ sẽ yểm trợ. Câu nói này không phải chỉ dành cho tương lai, mà còn nhằm vào một thực tế trước mắt. Iraq sắp có bầu cử, quân Mỹ đã có mặt để yểm trợ tiến trình dân chủ, người Iraq nuốn có tự do dân chủ phải có can đảm đứng lên tranh đấu chống bọn khủng bố phá hoại. Nếu không, nước Mỹ sẽ không còn cách nào khác để giúp họ. Ẩn ý đó là một sự cảnh cáo. Lời nói nhẹ nhàng nhưng có hàm ý sâu đậm là nghệ thuật ăn nói khôn khéo, để khen hay chê rất thấm thía của thời nay.
Thế giới còn có nhiều bạo chúa ở Đông cũng như Tây và việc diệt trừ những kẻ ác đó không phải chuyện giản dị. Tần Thủy Hoàng là bạo chúa đầu tiên lừng danh trong lịch sử. Các sử gia Trung Quốc thường kể tội Bạo Tần như “đốt sách chôn học trò” và chuyện tráng sĩ Kinh Kha đi hành thích Tần Thủy Hoàng bất thành. Năm vừa qua, một công ty Điện ảnh Trung Quốc đã bán sang Mỹ DVD cuốn phim Hero (Anh Hùng) do Trương Nghệ Mưu đạo diễn về điển tích hành thích vua Tần, nhưng không phải chuyện Kinh Kha cổ điển mà là dã sử tân thời, trong đó có đến 4 hiệp sĩ võ công cái thế kiểu Kim Dung đã hy sinh cả cuộc đời kể cả tình cảm cá nhân để tìm cách giết vua Tần, nhưng rút cuộc vẫn không giết nổi. Báo chí đã nói nhiều đến cuốn phim này, tôi khỏi phải thuật lại chuyện phim. Ở đây tôi chỉ muốn nêu lên một nét đặc biệt có dụng ý: hai thích khách đã đến sát bên vua Tần, chỉ còn chém một nhát là thành công nhưng vào phút chót họ đã thay đổi ý định, vì họ thấy để vua Tần sống và thống nhất thiên hạ, xây dựng hòa bình còn hơn là giết ông ta khiến thời Chiến quốc loạn li kéo dài làm sinh linh đồ thán. Cuốn phim cũng vẽ ra một Tần Thủy Hoàng khác hẳn: đây là một ông vua anh hùng, có mộng ước âm thầm đem lại hòa bình cho thiên hạ nên phải ra tay tàn bạo diệt trừ nước khác. Thích khách sau chót, hiệp sĩ Vô Danh, có khả năng đến gần vua nhất, nhưng cũng không hạ thủ khi đã hiểu rõ con người của Tần Thủy Hoàng. Dù vậy vào cuối phim Tần Thủy Hoàng vẫn phải ngậm ngùi chuẩn y lời tấu của quần thần đòi xử tử Vô Danh, vì phép nước không thể dung tha kẻ định ám sát vua.
Cuốn phim của Công ty Nhà nước Bắc Kinh muốn biện hộ cho ai đây" Cho Tần Thủy Hoàng hơn 2,000 năm trước hay Mao Trạch Đông của thế kỷ 20" Bất luận dụng ý thật sự như thế nào, tôi thiết nghĩ nghệ thuật tuyên truyền ngày nay thật vi diệu, nó đã khác hẳn lối phường chèo hát bội của mấy ông cán ngố 50 năm trước chuyên nghề nhai lại những từ ngữ đao to búa lớn đã đúc sẵn để tung hô, đả đảo hay chụp mũ. Các tay quán quân tâm lý chiến thời nay cũng nên nhìn lại vấn đề.