Bản tin VOA ghi rằng theo trang web của bộ, báo Thanh Niên, một trong số vài báo in lớn nhất Việt Nam, bị phạt 200 triệu đồng (gần 9.000 đôla), mức phạt tiền cao nhất đối với vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí. Hơn 40 cơ quan báo chí khác chịu các mức phạt nhẹ hơn.
Vụ việc bắt đầu xảy ra từ ngày 12/10 khi Thanh Niên đăng một bài cảnh báo về mức độ arsen - còn gọi là thạch tín - trong nước mắm.
Sau đó ít ngày, Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố kết quả chương trình khảo sát chất lượng 150 mẫu nước mắm đóng chai, với kết luận là đến 2/3 trong số các mẫu “không đạt quy định theo quy chuẩn của Bộ Y tế”.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ ra rằng những thông tin do Vinastas công bố, báo Thanh Niên đăng tải là “mập mờ, không giải thích giữa hai loại arsen hữu cơ và arsen vô cơ loại nào là độc hại, loại nào là không độc hại”.
Bộ Y tế Việt Nam chỉ quy định giới hạn đối với arsen vô cơ, còn arsen hữu cơ không quy định giới hạn. Loại arsen có trong nước mắm truyền thống là arsen hữu cơ.
VOA nhắc rằng từ ngày 12 đến 23/10, thông tin mập mờ về nước mắm truyền thống có thể không tốt cho sức khỏe đã lan truyền trên hàng chục tờ báo khác cũng như trên mạng xã hội.
Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng các bài viết không rõ ràng, thậm chí có bài sai sự thật đã dẫn đến hậu quả là “làm dư luận xã hội hết sức hoang mang, các sản phẩm nước mắm truyền thống bị người dùng tẩy chay; các vùng, miền sản xuất nước mắm truyền thống càng khó khăn hơn, nhất là vừa mới chịu hậu quả của sự cố môi trường biển tại các tỉnh miền Trung; ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến người tiêu dùng và việc sản xuất nước mắm truyền thống bao đời nay của người Việt Nam cũng như thương hiệu hàng hóa của Việt Nam nói chung trên thị trường quốc tế”.
Bộ cho hay báo Thanh Niên bị phạt mức cao nhất vì đã đăng “thông tin sai sự thật gây phương hại đến lợi ích quốc gia”. Các cơ quan báo chí khác bị xử phạt các mức thấp hơn vì đã đăng thông tin sai sự thật “gây hậu quả rất nghiêm trọng” hoặc “gây hậu quả nghiêm trọng”.
Cục phó Cục Báo chí của bộ, ông Nguyễn Thái Thiên nói thêm với VOA về sự cần thiết phải phạt các báo. Ông cũng giải thích vì sao bộ phải mất một vài ngày mới có phản ứng về vụ việc:
“Về mặt nghiệp vụ, các báo chí thông tin về những chuyện đấy là không trung thực, thông tin sai sự thật. Đấy là sai phạm cả về nghiệp vụ, sai phạm cả về đạo đức của nghề báo. Chúng tôi xem xét rất thận trọng những thông tin như thế này, làm thế nào để xử lý đúng, không gây oan sai. Cho nên đó là khoảng thời gian cần thiết để xác minh thông tin của báo chí đúng sự thật hay không. Tôi cho rằng rất khó để tìm lý do nào đấy để cảm thông và chia sẻ với báo chí trong trường hợp này, bởi vì báo chí đưa thông tin mà không thẩm định thông tin, không biết cái nguồn thông tin đấy là đúng hay sai, và không lường trước được hệ quả xấu của việc thông tin sai sự thật”.
Sau khi bộ ra quyết định phạt này, nhiều nhà báo và người dân đã bày tỏ trên mạng xã hội rằng họ ủng hộ bộ.
Ông Thiên cũng cho VOA biết rằng “các cơ quan chức năng sẽ điều tra thêm” đối với những cáo buộc là có những cơ quan báo chí đăng tin sai, gây bất lợi cho ngành sản xuất nước mắm truyền thống, vì các cơ quan báo chí đó có liên quan đến lợi ích nhóm.
Đặc biệt BBC ghi nhận về dư luận rằng báo Thanh Niên trở thành công cụ đánh phá, trích:
“Dư luận ở Việt Nam trong tháng 10 thực sự xôn xao từ sau ngày 17/10 khi Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ Người tiêu dùng (Vinastas) tuyên bố khảo sát của họ cho thấy 67% nước mắm họ khảo sát có hàm lượng arsen tổng vượt ngưỡng cho phép.
Thông tin này được một loạt tờ báo, không chỉ có Thanh Niên, đăng tải, gây lo lắng, mặc dù sau đó chính quyền và giới chuyên gia đính chính rằng arsen trong nước mắm là arsen hữu cơ, không ảnh hưởng xấu cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nhưng "sự cố" tại báo Thanh Niên là tâm điểm bị chỉ trích, vì báo này có các bài bị cho là "đánh" nước mắm truyền thống, trước cả công bố của Vinastas.”
Trong khi đó, thông tấn Vietnamplus ghi nhận:
“Cụ thể, với báo Thanh niên được xác định là cơ quan báo chí có bằng chứng nhận hỗ trợ quảng cáo, chuẩn bị tuyến bài, nội dung thông tin để thông tin có chủ đích; đã tự lấy mẫu gửi đi xét nghiệm và công bố kết quả không chính xác, tổ chức thông tin trên báo chí gồm 6 bài có nội dung thông tin sai sự thật đặc biệt nghiêm trọng. Báo Thanh niên đã chủ động gỡ bỏ các bài viết trên báo điện tử và thực hiện cải chính, xin lỗi.
Do đó, tờ báo này bị phạt 200 triệu đồng. Đây cũng là mức phạt tiền cao nhất đối với vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí.”
Một số dư luận trong nước cho biết những thiệt hại kinh tế đối với các doanh nghiệp nước mắm truyền thống đã xảy ra, vậy rồi ai sẽ bồi thường?
Nếu có nhà báo nào nhận tiền để đánh phá nước mắm truyền thông, hành vi này có phải là tội hình sự hay không?