(Lời tâm tình: Bài viết về “Sử Việt” chỉ khái quát, không đi sâu từng chi tiết của mỗi nhân vật. Cuối mỗi bài viết, phần “Thiết nghĩ” nếu có chỉ là góp ý của tác giả, không ngoài mục đích làm sáng tỏ thêm về nội dung đã biên soạn. Trang Sử Việt luôn mong mỏi nhúm nhen tình tự dân tộc, niềm yêu thương quê hương và giữ gìn Việt ngữ cùng văn hóa Việt. Trang Sử Việt đăng trên Vietbao Online thứ Ba và thứ Sáu hằng tuần).
________________
TÔN THẤT THUYẾT
(1835 - 1913)
Tôn Thất Thuyết quê Thuận Hoá (Huế), phụ thân là Đề đốc Tôn Thất Đính. Nhạc phụ là ông Nguyễn Thiện Thuật.
Năm 1869, Tôn Thất Thuyết giữ chức Án sát Hải Dương. Năm 1870, làm Biện lý Bộ hộ, rồi chuyển sang chức Tán tương giúp Hoàng Kế Viêm "dẹp loạn" ở các tỉnh phía Bắc Việt. Sau đấy, được phong chức "Quang lộc tự khanh".
Năm 1872, ông cùng Trương Văn Để đánh tan quân Tàu Ô ở Hải Dương, giết chết Hoàng Tề. Năm 1873, ông cùng Hoàng Kế Viêm phục binh tại Cầu Giấy, Hà Nội giết chết đại úy Pháp là Francis Garnier. Năm 1875, bức hàng nhóm Dương Đình Tín và bắt sống Hoàng Sùng Anh là tướng Cờ Vàng ở Thái Nguyên... Do lập được nhiều chiến công, nên ông được vua Tự Đức thăng chức rất nhanh. Tháng 10-1875, bổ làm Hiệp đốc quân vụ Đại thần. Năm 1883, ông giữ chức Thượng thư Bộ binh. Tháng 6-1883, cử vào Cơ Mật Viện.
Ngày 19-7-1883, vua Tự Đức triệu tập một số đại thần, để viết di chúc truyền ngôi cho Hoàng tử Ưng Chân, rồi chỉ định ông làm Đệ tam Phụ chính đại thần, sau Trần Tiễn Thành và Nguyễn Văn Tường, sẽ giúp cho Ưng Chân lên ngôi vua vào tháng 7 năm 1883. Với chức vụ Phụ chính đại thần, ông cùng Nguyễn Văn Tường đã nhiều lần làm việc phế lập, đầu tiên là việc phế bỏ Dục Đức, đưa Hiệp Hòa lên ngôi.
Ông phản đối Hiệp ước Harmand ký ngày 25-8-1883, nên vua Hiệp Hoà đổi sang làm Thượng thư Bộ Lễ rồi Thượng thư Bộ Lại. Ông không chấp nhận chủ trương đầu hàng Pháp, nên phế bỏ vua Hiệp Hòa đưa Kiến Phúc lên ngôi, giữ lại chức Thượng thư Bộ Binh. Trong triều đình Huế, những vị quan từng có quan hệ mật thiết với Pháp đều bị ông tìm cách trừ khử.
Thời vua Hàm Nghi, Tôn Thất Thuyết là cái gai của Pháp. Đầu tháng 1-1884, ông lập đội quân Phấn nghĩa giao cho Trần Xuân Soạn trực tiếp chỉ huy để sẵn sàng ứng phó khi có biến. Vào đêm 4-7-1885, ông đem quân đánh úp trại lính Tòa Khâm sứ Pháp, nhưng bị thất bại. Pháp treo giải 2000 lạng bạc, nếu ai nộp đầu Tôn Thất Thuyết và ai bắt được vua Hàm Nghi là 500 lạng bạc (ít hơn).
Bà Thái hậu và nhiều quan lại muốn quay về triều đình, Ông tuyên bố: “Về Huế là tự mình đưa chân vào ngục, vì người cầm chìa khóa là Pháp. Ai thừa nhận hiệp ước 1884 là dâng nước Nam cho kẻ địch. Đành rằng hòa bình là quí, nhưng không lo phục quốc sẽ mang tiếng là đã bỏ giang sơn của tiền triều, đã dày công gây dựng mà còn có lỗi với hậu thế”.
Sau đó, Nguyễn Văn Tường đưa bà Từ Dụ Thái hậu, các hoàng thân già yếu và đàn bà con gái trở lại Huế đầu hàng Pháp. Ông rước vua Hàm Nghi ra Tân Sở là nơi chiến khu đã chuẩn bị sẵn, vua ban chiếu Cần vương; từ đấy sĩ phu các nơi đồng loạt nổi lên chống Pháp. Ông để hai con là Tôn Thất Đạm, Tôn Thất Thiệp, đề đốc Lê Trực, Nguyễn Phạm Tuân bảo vệ vua và chia nhau phòng thủ ngăn ngừa quân Pháp.
Ông vượt núi rừng qua Tàu cầu viện nhưng nước Tàu đang bị Tây phương xâu xé nên việc cầu viện không thành. Ông liên lạc với một số quan lại Mãn Thanh chống Pháp và các lực lượng chống Pháp ở nước Tàu để mua vũ khí đưa về cho Nghĩa quân, việc tiếp tế vũ khí đến năm 1894 thì ngưng, vì biên giới Việt Trung bị đóng. Tống Duy Tân sau khi thất bại ở Thanh Hóa sang Quảng Đông gặp ông. Năm 1888, ông cử Tống Duy Tân về xây dựng căn cứ Hùng Lĩnh. Hầu hết các tướng lãnh chống Pháp ở Bắc Kỳ đều có liên lạc với ông.
Ông đã tổ chức lực lượng chống Pháp ở Đông Triều năm 1891-1892. Những năm 1892-1895, ông đã xây dựng nhiều toán quân có vũ trang, chủ yếu là người Hoa và dân tộc thiểu số. Đầu năm 1893, ông cử Vũ Thái Hà tiến quân đến Móng Cái tấn công Pháp, lấy danh nghĩa Cần Vương. Tháng 3-1895, ông cho một đạo quân tiến đánh Cao Bằng, chiếm vùng Lục Khu nhưng bị Pháp đẩy lui. Từ năm 1895, chiến tranh Trung-Nhật bùng nổ, biên giới Việt-Trung bị kiểm soát. Pháp yêu cầu nhà Thanh quản thúc Tôn Thất Thuyết và Lưu Vĩnh Phúc nên các hoạt động của ông gặp phải khó khăn.
Sau khi, vua Hàm Nghi bị bắt và lưu đày, người trong gia đình ông lần lượt hy sinh vì nước nên ông phẫn uất, thường vung gươm chém đá trên một ngọn đồi ở Long Châu (Tàu), dân chúng địa phương gọi ông là “Đả Thạch lão” (ông già chém đá), ông mất ở đó ngày 22-9-1913, hưởng thọ 78 tuổi. Gia đình ông đều son sắt chống Pháp và hy sinh vì tổ quốc.
*- Thiết nghĩ: Tôn Thất Thuyết đã có nhiều người đánh giá khác nhau. “Việt Nam Sử Lược” trang 710 ghi: “...ông Thuyết là quan văn làm tướng võ... Đến khi phải theo lễ bang giao mà đối với người tướng ngoại quốc như ông De Courcy thì trong bụng khiếp sợ không biết thế nào?!”. Ông có khiếp sợ thật không? Tôi nghĩ nếu ông đã khiếp sợ giặc Pháp thì ông không dám chống Pháp cho đến hơi thở cuối cùng?!.
Muốn phản ánh một nhân vật lịch sử, hay tìm hiểu một biến cố lịch sử, phải tìm tòi tỉ mỉ về nhân vật ấy trong bối cảnh lịch sử lúc đấy, thứ đến quan sát sự quan hệ giữa con người với con người trong cùng thời đại, có như vậy may ra mới mong có sự phê phán công bình và chính xác. Giả thuyết rằng nếu Tôn Thất Thuyết cầu hoà với Pháp, có lẽ công danh phú quí của ông và Nguyễn Văn Tường chỉ sau Hoàng đế. Nhưng cha ông là Tôn Thất Đính bị Pháp bắt lưu đày đến đảo Tahiti.. Em ruột là Tôn Thất Lệ đã hộ giá vua Hàm Nghi và hy sinh tại trận ở Quảng Trị. Người em khác là Tôn Thất Hàm đã tham gia phong trào Cần Vương, khi giặc bắt đã tuyệt thực chết. Con thứ là Tôn Thất Thiệp tận tụy bảo vệ vua Hàm Nghi cho đến hy sinh. Con trưởng là Tôn Thất Đạm đã tuẫn tiết khi biết tin vua bị bắt... Do đấy, lòng yêu nước của ông và gia đình ông đáng được trân trọng vậy?!.
Tuy nhiên trước đấy, ông đã cho quân diệt cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn và Đặng Như Mai vào năm 1874 là đáng trách. Ông cầu viện nhà Thanh để chống Pháp là sự sai lầm vì nước Tàu cũng đang bị Tây phương xâu xé tan tành và họ (Tàu) luôn rình rập để xâm lược Việt Nam, nếu Kiều Công Tiễn cầu Nam Hán, không có Ngô Quyền đánh tan tác, nếu Lê Chiêu Thống cầu quân Thanh không có Quang Trung đáng đuổi ra khỏi bờ cõi thì Việt Nam sẽ ra sao?!.
Cảm mộ: Tôn Thất Thuyết
Tôn thất Thuyết, buồn nước tóc tang!
Chống Tây, phục quốc cớ sao hàng?!
Nấu nung nhiệt huyết, luôn mài miệt
Chém đá Long Châu, hận chứa chan!
Nguyễn Lộc Yên
oOo
Xin trả lời hai bạn: Quang Phan và Cực Đoan Nguyen
1- Quang Phan hỏi: “Không rõ tác giả dựa vào nguồn tài liệu nào để viết về chiến công hạ sát đại úy Francis Garnier?!”
Xin thưa: Tôi viết khoảng 350 Nhân vật lịch sử Việt Nam đã/đang đăng ở Vietbao Online đã 2 năm qua đến nay. Khi viết mỗi Nhân vật lịch sử phải tham khảo ít nhất 3 cuốn sách về lịch sử, vì cần sự trung thật nhất nếu được.
- Việt Nam Sử Lược của Trần Trọng Kim, trang 666 có đoạn: “Khi ông Trần Đình Túc ... thương thuyết với đại úy Francis Garnier, thì quân Cờ Đen về đánh Hà Nội. Đại úy đem quân đuổi đánh, lên đến Cầu Giấy thì bị phục binh giết chết”.
- Việt Sử Toàn Thư của Phạm Văn Sơn, trang 651 có đoạn: “Đôi bên Việt-Pháp đang thảo luận thì Francis Garnier được tin quân Cờ Đen đánh ào ạt vào thành Hà Nội do lối ô Cầu Giấy... Francis Garnier với 18 binh sĩ xông lên bị quân Cờ Đen giết chết tại trận”
- Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử của Nguyễn Quang Thắng, trang 843 viết về “Tôn Thất Thuyết” có đoạn: “Danh tướng, nhà yêu nước, con thứ hai của Đề đốc Tôn Thất Đính... năm 1873, ông giúp Hoàng Kế Viêm và Lưu Vĩnh Phúc đánh thắng trận Cầu Giấy giết tướng Pháp Francis Garnier (Francis Garnier là đại úy chứ không phải tướng, tác giả NQT viết hay người đánh máy lộn)”.
Tôi cũng mong các bạn xem nhiều sách thì so sánh hy vọng chính xác hơn, ví dụ phản hồi của bạn Cực Đoan Nguyen: “Bài viết này không đúng sự thật 100%. Vì Tôn Thất Đính là Trung tướng thời ông Diệm”, mời bạn xem tham chiếu “Từ Điển Nhân Vật Lịch Sử”.
Ngoài ra, có nhiều nhân vật trùng tên, như: Nguyễn Hữu Tiến thứ I (1602-1665) là danh tướng Chúa Nguyễn. Nguyễn Hữu Tiến thứ II (1875-1941) là nhà nghiên cứu văn học, bút hiệu Đông Châu. Nguyễn Hữu Tiến thứ III (1901-1941) gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương, Pháp xử bắn tại Hóc Môn ngày 28-8-1941. Thế nên không thể Nguyễn Hữu Tiến của Cộng sản lại là Nguyễn Hữu Tiến là danh tướng Chúa Nguyễn. Dù sao cũng rất cảm ơn các bạn đã góp ý.
Cảm ơn - NLY
_
.
.
"...Hoàng Kế Viêm lãnh chức Tiết Chế Quân Vụ để đối phó về mặt quân sự. Viêm được chủ tướng Cờ Đen là Lưu Vĩnh Phúc giúp đỡ trong việc chống Pháp. Đôi bên Việt Pháp đang thỏa luận thì Francis Garnier được tin quân Cờ Đen đánh ào ạt vào thành Hà Nội do lối ô Cầu Giấy, Francis Garnier đem quân lên ứng chiến. Đại bác của Pháp bắn ra, quân Cờ Đen bị đẩy lui, Francis Garnier với 18 binh sĩ xông lên bị quân phục kích giết chết tại trận...".