(Lời Tòa Soạn: Trịnh Hội sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn. Anh sang định cư ở Úc năm 14 tuổi. Hiện tại anh đang làm luật sư thiện nguyện tại Phi Luật Tân giúp đỡ những thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam đã bị kẹt lại tại đó từ những năm 1989, 1990)
Đã gần 3 giờ sáng. Lẽ ra tôi cần đi ngủ ngay vì ngày mai tôi còn phải ra phi trường để đi ăn đám cưới một người bạn đã từng giúp tôi khá nhiều trong công việc giúp những người tỵ nạn còn kẹt lại tại Phi Luật Tân. Nhưng có lẽ vì tôi đã chần chờ mãi nhưng vẫn chưa buộc được chính mình phải ngồi xuống để viết về một vấn đề mà tôi nghỉ tất cả mọi người Việt Nam yêu lịch sử cần biết. Cũng có lẽ vì tôi vừa viết thư cho một người phóng viên Mỹ tôi quen về vấn đề này nên cả tâm lẫn trí đều không thể gạt bỏ vấn đề sang một bên như những lần khác được nữa. Tôi thật sự có quan tâm. Nhưng có lẽ sự quan tâm chưa đúng mức. Đó là vấn đề, câu chuyện về cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ngôi mộ của ông hiện ở ngoại ô Sài Gòn.
Tôi có dịp may viếng thăm mộ ông cách đây khoảng một năm nhân dịp tôi đi thăm mộ của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Mộ của người nhạc sĩ tài hoa này nằm không cách xa mộ của vị cố Tổng Thống họ Ngô là bao. Nơi an nghỉ cuối cùng của họ đều nằm ở ven ngoại ô Sài Gòn gần Thủ Đức nơi vẫn được cho là khá xa thị tứ và những nhiễu nhương của thành phố Sài Gòn. Âu đấy cũng là phưóc -> phước đức của hai người còn để lại. Nhưng hình như đó là tất cả những gì mà tôi thấy có thể so sánh được giữa hai nhân vật nổi tiếng trong lịch sử cận đại Việt Nam.
Mộ của nhạc sĩ họ Trịnh nằm trong khu mộ của những người theo Phật Giáo. Mộ nhỏ, nhỏ gấp trăm ngìn lần mộ của ông Hồ Chí Minh ở quảng trường Ba Đình. Rất đơn sơ nhưng có lẽ nhờ vậy nên cũng rất trang nghiêm. Có hồ non bộ nước chảy tí tách. Có những cây trúc non xào xạc nghe như tiếng nhạc thở buồn của ông. Đặc biệt hơn nữa là chung quanh mộ và bia đá khắc tên ông phủ đầy những làn cỏ xanh làm cho tôi chợt nhớ lại lần tôi đi thăm mộ cố Tổng Thống Kennedy lẫy lừng của một thời. Nó cũng đơn sơ và trang nghiêm như thế. Khác chăng là mộ của Kennedy được nằm ở nghĩa trang quốc gia Arlington nhìn sang thấy bao cả thủ đô Hoa Thịnh Đốn và luôn có một tia lửa nhỏ sưởi ấm không bao giờ tắt kể từ khi ông nằm xuống đúng 20 ngày sau khi cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị giết vào ngày 2 tháng 11 năm 1963.
Chết cùng năm, cùng tháng và cùng làm việc với nhau trong vai trò là nguyên thủ quốc gia khi còn sinh tiền nhưng tiếc là sau khi chết, nơi hai ông yên nghỉ không để lại một chút gì cho tôi so sánh. Nếu khi tôi đi thăm mộ Kennedy tôi buồn chắc một thì khi tôi tìm được mộ cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm tôi đã buồn mười. Buồn cho số phận của ông. Buồn cho đất nước. Và buồn cho cả dân tộc Việt Nam, trong đó có tôi. Tôi buồn là chính mình cũng đã không biết mộ của ông cỏ mọc hoang tàn không một người chăm sóc. Không nhang, không khói và ngay cả lối đi cũng không. Khi thấy tôi đi tìm mua một bó nhang thắp cho ấm lòng người quá cố, một chị bán đồ dạo nhanh nhẩu theo tôi trở lại mộ, miệng nói liên hồi: 'Đúng rồi đó anh. Mộ của ông Diệm đó. Mộ kế bên là mộ của mẹ ổng và ông Nhu. Ở đằng kia là mộ của ông Cẩn. À mà bộ anh là người trong dòng họ hả"'.
Tôi lắc đầu bảo không. Tôi chỉ là một người muốn đi tìm thăm mộ của ông. Thế thôi. Miệng nói tay nhổ những cọng cỏ cao đã lấn chiếm vào thành mộ, chị ngắt lời tôi nói tiếp: 'Thỉnh thoảng cũng thấy có người tới mua nhang nhưng họ biết rõ mộ của ổng nằm ở đâu. Chỉ có anh là hình như không biết gì hết.'
Quả thật là vậy. Mộ không khắc tên làm sao tôi biết.
Viết đến đây lòng tôi bỗng chùn xuống như hôm nào. Thật khó tưởng tượng nhưng trên mộ bia rõ không có khắc tên ông. Không họ, không tên lót, không cả tên được gọi từ lúc lọt lòng. Sự nghiệp không kể chi nhưng hình chụp cũng không và ngày sinh cũng không. Chỉ vỏn vẹn trên bia đá rêu mòn cũ kỹ:
GIOAN BAOTIXITA
HUYNH
Mất ngày 2.11.1963
Hàng chữ khắc đỏ nay đã nhạt thật chỉ vỏn vẹn có thế. Ngoài một tượng thánh giá được sắp nằm ngay trên thân mộ, cạnh mộ ông chỉ đầy cỏ dại và những ngôi mộ của những người theo đạo Thiên Chúa như ông. Tuy đã từng là nguyên thủ của một quốc gia, nhưng là nguyên thủ của một quốc gia đã không còn hiện hữu nên việc mộ ông không được nhà nước Việt Nam để ý đến, thật sự cũng không phải là một vấn đề quá khó hiểu. Nó không được trang nghiêm, chăm sóc như ngôi mộ họ Trịnh đã đành. Nhưng điều mà làm cho tôi thẫn thờ nhất, nếu không muốn nói là bị dằn vặt mỗi khi nghỉ đến là: đã 41 năm trôi qua kể từ ngày dòng họ Ngô Đình chịu cảnh gia tang. Công hay tội, đáng bị giết hay không đáng, thật khó có ai, nhất là những thế hệ sau như tôi, dám chắc chắn phán quyết. Thế nhưng sao cho đến bây giờ dân tộc Việt Nam, đất nước Việt Nam, vẫn không thể làm được một nghĩa cử nhân ái của một dân tộc luôn kiêu hãnh là đã có trên một ngàn năm văn hiến: cho phép lập mộ bia có khắc tên ông.
Tôi nhớ ngày xưa khi còn đi học ở Việt Nam, trong những giờ học sử tôi đã được cho biết là khi vua Gia Long của nhà Nguyễn lên ngôi, ông đã cho người đi đào mộ vua Quang Trung Nguyễn Huệ đem thiêu trước khi trộn cùng với thuốc súng bắn ra cửa biển để trả thù những lần Nguyễn Huệ rượt bắt cố tình giết ông.
Xét cho cùng, những gì đã và đang xảy ra đối với cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm có khác gì với 200 năm về trước khi Nguyễn Ánh lên ngôi"
Sự buồn bực nếu không được giải tỏa thỏa đáng sẽ dẫn đến nóng giận và những lời tuyên bố vô ý thức. Có thể nói, tôi ngồi viết bài viết này để giải tỏa sự buồn bực cho chính bản thân tôi. Đó là tuy tôi có nhận thức nhưng tôi đã không làm gì khác hơn được. Hy vọng những ai đọc được bài viết này sẽ có những hành động thực tiễn hơn cho ngôi mộ điêu tàn của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Nếu không, có lẽ người hiện nằm cạnh ông cũng sẽ tiếp tục mang một nỗi buồn như ông. Bởi lẽ đơn giản mộ bia đá đã phai nét chữ đỏ cũng vỏn vẹn ba hàng:
GIACOBE
ĐỆ
Mất ngày 2.11.1963
Tôi viết đến đây thì hình như lòng đã hết thiết để viết tiếp.
TRỊNH HỘI