54 tổ chức quốc tế đã ký thư ngỏ yêu cầu VN sửa Luật Tôn giáo...
Bản tin RFA ghi rằng có hơn 50 tổ chức quốc tế về tôn giáo và xã hội dân sự tại Hoa Kỳ, Châu Âu, Châu Á và Việt Nam cùng ký tên vào Thư Ngỏ gửi chủ tịch quốc hội Việt Nam là bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị sửa đổi dự thảo Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng.
Một trong hơn 50 tổ chức vừa nêu là Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm người Việt Nam hôm nay ra thông cáo báo chí nói rõ các tổ chức cùng tham gia ký tên nêu ra năm điểm mà họ cho là sai sót của dự thảo luật này. Những sai sót như thế vi phạm điều 18 trong Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị của Liên hiệp quốc mà Việt Nam đã tham gia ký kết.
Bên cạnh đó, nội dung của Thư Ngỏ còn chỉ rõ nếu dự thảo Luật Tôn giáo và Tín ngưỡng được Quốc hội Việt Nam thông qua, thì chính quyền Hà Nội sẽ có thêm quyền lực để xâm phạm vào mọi hình thái của đời sống tôn giáo. Và các tôn giáo hiện tại ở Việt Nam sẽ khó tiếp tục tồn tại.
RFA ghi rằng, theo kế hoạch, dự thảo Luật Tôn giáo - Tín ngưỡng sẽ được Quốc hội Việt Nam thông qua trong kỳ họp từ ngày 20 tháng 10 sang đến ngày 18 tháng 11 tới đây.
Trong khi đó, bản tin BBC cho biết các nhà lập pháp trong khu vực hôm thứ Năm (10/6) đã kêu gọi chính phủ Việt Nam từ chối một dự thảo luật liên quan quyền tự do tôn giáo cho đến khi luật được tuân theo các tiêu chuẩn nhân quyền quốc tế.
Tổ chức các nghị sĩ Đông Nam Á về nhân quyền (APHR) bày tỏ quan ngại.
BBC ghi rằng Dự thảo Luật Tín ngưỡng Tôn giáo được nói là đã duy trì việc yêu cầu các nhóm tôn giáo phải đăng ký với nhà nước và kiềm chế tự do lập hội, đặc biệt ở các khu vực nông thôn.
"Trên khắp Đông Nam Á, chúng ta đang thấy việc thông qua của các đạo luật áp bức, tìm cách áp đặt những hạn chế vào trong pháp luật về các quyền con người và các quyền tự do của công dân," Charles Santiago, một nghị sĩ của Malaysia và là chủ tịch của APHR, cho hay trong tuyên bố.
APHR và các nhóm nhân quyền dân sự khác, trong đó có Tổ chức Human Rights Watch, hợp tác trong một bức thư ngỏ gửi tới Chủ tịch Quốc hội Việt Nam bà Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị cải thiện những thay đổi pháp luật mới được đề xuất.
BBC ghi về một lý luận tư trang mạng của Tổ chức các nghị sỹ Asean:
“...Đăng ký với chính phủ không nên được thực hiện như một điều kiện tiên quyết cho việc thực thi quyền tự do tôn giáo, tín ngưỡng; luật pháp không được cho phép các quan chức tự ý can thiệp vào công việc nội bộ của các tổ chức tôn giáo...”