HANOI/SAIGON -- Hễ mưa lớn, cả Việt Nam đều thê thảm...
Trong khi báo Infonet kể về tỉnh Nghệ An kiệt quệ sau mưa lũ, các báo khác kể chuyện Sài Gòn ngập mưa tới mức sân bay Tân Sơn Nhất thành biển.
Bản tin Infonet ghi rằng mưa lũ kéo dài trong nhiều ngày đã khiến huyện Quỳ Châu (Nghệ An) kiệt quệ, gây thiệt hại hàng chục tỷ đồng.
Những trận mưa lớn, kéo dài trong hai ngày 13 và 14/9 đã khiến một số huyện vùng núi Nghệ An xảy ra đợt lũ quét mạnh đã làm ngập đường, nhà và các trường học trên địa bàn.
Infonet ghi theo tin chính quyền tỉnh Nghệ An, tính đến ngày 15/9, mưa lũ đã làm 2 người mất tích ở huyện Quế Phong và huyện Quỳ Châu. Có 5 người bị chết sau trận lũ gồm huyện Nghi Lộc (1 người), huyện Quế Phong (1 người) và huyện Quỳ Châu (3 người). Mưa lũ đã làm sập 52 nhà, cuốn trôi 10 nhà, di dời 114 nhà, ngập 539 nhà và làm tốc mái 371 nhà. Ngoài ra có 1 trạm xăng bị cuốn trôi, 31 máy công trình và máy phát điện bị cuốn trôi.
Trận lũ cũng làm hơn 11.000 ha lúa và hoa màu của người dân cũng bị ngập, đổ. Hơn 569 ha diện tích cây công nghiệp và cây ăn quả bị hư hỏng. Có hơn 9.500 con gia súc, gia cầm bị chết sau mưa bão. Ngoài ra, có gần 1.400 ha ao hồ bị ngập, 6 lồng cá nuôi bị cuốn trôi với tổng số 868kg cá. Mưa lũ cũng đã cuốn hỏng 10km đường, làm 9 cầu tạm bị trôi, hư hỏng 400m kênh mương. Có 4 cột điện cao thế và 30 cột điện hạ thế bị đổ sau mưa lũ.
Trong khi đó, bản tin VOA ghi rằng sân bay quốc tế lớn nhất của Việt Nam, Tân Sơn Nhất, đang đứng trước nguy cơ bị đóng cửa vì tình trạng thường xuyên ngập nước trong thời gian gần đây.
Theo báo VnExpress, trong 2 năm qua, sân bay Tân Sơn Nhất đã liên tục bị ngập sau các cơn mưa. Đỉnh điểm là các trận mưa hồi cuối tháng 8 vào đầu tháng 9 đã biến phi trường quốc tế của Việt Nam thành “con sông”.
Cũng theo VnExpress, chỉ riêng trận mưa hôm 26/8 đã khiến cho các bãi đậu của Tân Sơn Nhất bị ngập sâu hơn 30cm, làm ảnh hưởng đến 70 chuyến bay, 4 chuyến bay quốc tế đã không thể hạ cánh và phải đáp xuống sân bay của Campuchia và Thái Lan.
Nguyên nhân gây ngập được UBND TP.SG cho biết là do mương thoát nước bị “lấn chiếm” ở một số khu vực, gây ách tắc dòng chảy.
Trong khi đó, Giáo sư-Tiến sĩ khoa học Lê Huy Bá được VnExpress trích lời nói khu vực sân bay Tân Sơn Nhất là khu đất phù sa cổ, có nền cao và độ dốc nên trước đây không bị ngập nước. GS. Bá cho rằng tình trạng “biến thành sông” sau mỗi cơn mưa ở Tân Sơn Nhất là do việc xây dựng sân goft gây ảnh hưởng đến diện tích thoát nước của sân bay. Diện tích của sân bay này trước năm 1975 gấp 4 – 5 lần hiện nay nên nước mưa dễ dàng thoát đi.
Hiện Việt Nam đang bàn thảo về các giải pháp chống ngập và giải quyết tình trạng kẹt xe ở khu vực sân bay Tân Sơn Nhất với ước tính chi phí lên đến 1.800 tỷ đồng.
Bản tin VOA ghi thêm:
“Cục Hàng không Việt Nam cho biết chỉ trong 6 tháng đầu năm 2016, sân bay Tân Sơn Nhất đã đón lượng khách lên đến 15,7 triệu người, đạt mức tăng trưởng 23%. Dự kiến, lượng khách đến Tân Sơn Nhất trong năm nay sẽ vượt mức 31 triệu, gây ra tình trạng quá tải đối với công suất chỉ 25 triệu hành khách của sân bay này.”