Hạ tuần tháng 08/2016, một lần nữa các công nhân Trung Quốc tiếp tục trở thành nạn nhân của vòng xoáy sản xuất và tiêu thụ điên cuồng các sản phẩm công nghệ.
Trang The Wall Street Journal đã đưa tin về cái chết của 2 công nhân Foxconn ngay trong khu lắp ráp hầu hết iPhone và iPad trên thế giới. Một trong số hai nạn nhân, tương tự như nhiều người trước đó, đã tự kết liễu ngay sau ca làm việc.
Hiện vẫn chưa biết nguyên nhân chính xác về việc tự tử vẫn chưa được làm rõ. Nhưng không thể phủ nhận rằng cường độ làm việc căng thẳng tại Foxconn luôn khét tiếng, và rất có thể là nguyên nhân. Theo những nguồn tin ghi nhận được, vụ việc xảy ra đúng vào thời điểm cao độ sản xuất iPhone 7 cho kịp đơn đặt hàng.
The Wall Street Journal cũng đưa tin về vụ việc còn lại, cô công nhân đã bị một đoàn tàu đâm phải khi đang trên đường đến nhà máy vào ngày 19/08/2016. Nguyên nhân ban đầu được cho là do hôm đó, các công nhân của Foxconn phải băng qua đường ray để đi làm giữa cơn lũ, lúc này các lối đi bộ đều đã bị ngập. Foxconn đã quy định sẽ cắt giảm mức tiền thưởng nếu công nhân không có mặt tại nhà máy, ngay cả trong tình hình thời tiết xấu.
Những cái chết thương tâm một lần nữa dấy lên hồi chuông cảnh báo về điều kiện làm việc khắc nghiệt của Foxconn với những công nhân nghèo phải làm việc quá giờ, thậm chí có khi lên đến 14 giờ/ngày, mà chỉ nhận về đồng lương ít ỏi, trong khi những sản phẩm họ lắp ráp luôn được bán với giá rất cao so với các hãng khác.
Nguồn tin cho biết thêm, Foxconn gần đây đã tuyển thêm hàng chục ngàn công nhân mới để phục vụ cho việc lắp ráp iPhone 7. Phía Apple từng nói rằng hãng đã khống chế lượng cung ứng sản phẩm từ khi những cái chết đầu tiên tại Foxconn xuất hiện hồi năm 2010. Kể từ đó, Foxconn đã nới lỏng các ca làm thêm giờ linh hoạt hơn. Dù vậy, đến khoảng năm 2016, khi dư luận ý thức được công việc ở Foxconn khắc nghiệt và không tương xứng với thu nhập, nhà máy lại thay đổi chiến lược – chỉ cho phép những công nhân tuyển được thêm công nhân khác vào làm được phép làm thêm giờ. Chính sách này đã tạo sức ép vô cùng lớn cho những ai không tìm thêm được người quen vào làm, vì nếu không làm thêm giờ thì họ khó mà trang trải cho cuộc sống.
Apple không phải hãng công nghệ duy nhất vướng mắc vào một dây chuyền sản xuất có vấn đề. Dù Foxconn còn sản xuất nhiều sản phẩm cho các bên khác, nhưng những cái chết lại thường xuất phát từ các công nhân sản xuất trong dây chuyền của Apple. Đây cũng chính là lý do hãng điện thoại Nhật Freetels lên kế hoạch di dời dây chuyền của mình về Nhật, cho dù động thái có thể đẩy mức giá bán sản phẩm lên cao.
Cuối cùng, không thể phủ nhận rằng các vụ việc thương tâm cũng là hậu quả của các điều luật lao động Trung Quốc. Trang Wired từng đưa tin hồi năm 2015, những nỗ lực cải thiện điều kiện làm việc trong các nhà máy ở Trung Quốc hầu như không phát huy tác dụng, vì các chủ nhà máy liên tục phản đối các điều luật thắt chặt; trong khi đa phần quan chức cũng ngoảnh mặt làm ngơ.
Cả Foxconn và Apple đều đã bày tỏ lời chia buồn đến gia đình hai nạn nhân, nhưng vẫn chưa đưa ra bất cứ bình luận nào về vụ việc.
Theo: Nguoivietphone.com
- Từ khóa :
- Foxconn
- ,
- Apple
- ,
- Trung Quốc
Gửi ý kiến của bạn