Hỡi ơi,
Đất khách thân lưu.
Quê nhà hồn mộng.
Vua một nước lưu đày vì nước, khổ ấy là vinh,
Người hai quê khoắc khoải nhớ quê, chết mà như sống.
Việc bôn tẩu mưu đồ diệt tặc, dân còn ghi cốt khắc tâm minh,
Chuyện bại hư hữu chí vô thời, sử đã chép công bình chính thống.
Thế mới hay,
Đạo nghĩa1 vốn trường tồn,
Giang sơn là chí trọng.
Suốt muôn đời, gương ái quốc treo cao,
Khắp mọi chốn, tiếng ưu dân truyền rộng.
Nhớ linh xưa.
Bẩm tính thông minh
Giống dòng vương tộc.
Đến cái lúc hoàng triều suy nhược, Nam kỳ mất rồi Bắc kỳ2 cũng mất, nhường sông cắt đất đã hung.
Gặp phải thời bạch quỉ xâm lăng, chiến phí nhiều thêm bồi phí quá nhiều, đòi nợ réo tiền quá thúc.
Bóng triều ca tà xế tựa chiều, tứ nguyệt những tam vương3
Mối xa thư vùi rối như tơ, nhất giang mà lưỡng quốc.
Giang sơn binh cách4, tang tóc thương vong tràn ngập, quân dân xương máu tơi bời,
Điện miếu đảo khuynh, đổi thay phế truất liên hồi, quan tướng kế mưu hiểm hóc5.
Lên ngôi báu tuổi vừa mới lớn6, thấy cổn bào mà sợ, từ mẫu ngóng theo,
Cầm quyền uy tóc vẫn măng tơ, lên bảo điện còn run, thị thần dẫn bước.
Điện Thái Hoà rộn gót giày săng đá7, nghĩ tới thêm đau,
Cửa Ngọ Môn vang giọng nói lang sa8, nghe mà nổ óc.
Nghi lễ quàng xiên,
Thánh uy meo mốc.
Than ôi,
Trong đã không yên,
Ngoài thì quá bức.
Đờ Cuốc-Xy9 ngông nghênh doạ nạt, lâu la đông đảo, ta cũng nao lòng,
Hoàng thái hậu10 mềm dẻo nhún nhường, lễ vật đàng hoàng, chúng càng cậy sức.
Quan Quận cam tâm sang ra mắt, giặc lại làm kiêu,
Quan Tướng phẫn chí thác nằm nhà, mình lo lựa lúc.
Chốn Tân Sở, sơn phòng đã lập, gạo tiền đồn luỹ sẵn sàng
Nơi Kinh Thành, cai đội đang chờ, gươm giáo đao khiên túc trực.
Nhìn dân lành dầu sôi lửa bỏng, lòng xót miên man.
Thấy bọn ác cổ cỡi đầu đè, máu hờn sôi sục.
Chết vì đất nước cũng đành.
Sống với địch thù quá cực.
Đêm Hăm hai, quân ta xuất trận, Toà Khâm Mang Cá lửa cháy pháo vang,
Rạng Hai ba, bọn chúng phản công, Thượng Tứ Lương Y đạn vèo lê thúc.
Dân hoảng hốt đổ xô chạy loạn, lớp chết lớp thương
Lính kiên gan ào ạt diệt thù, đứa rơi đứa gục.
Thương ôi! Gậy gộc chống ngăn đạn sắt, kẻ lủng bụng lòi gan,
Giận thật! Ghe thuyền đánh với tàu đồng, người tan thây vỡ ngực.
Thôi thôi,
Hoàng thành bái biệt, trí thơ ngây nào hiểu được quân cơ11,
Hiểm địa tị thân, lòng khôn lớn dần nhìn ra thế cuộc.
Cần vương ban chiếu12, kêu muôn dân góp sức diệt sài lang,
Cứu quốc truyền văn, gọi trăm xứ vùng lên tru xâm lược.
Sơn lam chướng khí, Quảng Trị rồi Quảng Bình Hà Tĩnh, lao đao thân ngọc hao mòn,
Duyên hải viễn biên, Bình Định đến Thanh Hoá Hưng Yên, chốn chốn lòng son sáng rực.
Ngược Bắc có Đình Phùng, Thiện Thuật, … máu thằng Tây đẫm giáo dân lành,
Xuôi Nam thì Xuân Thưởng, Trung Đình13 gươm quân Việt bêu đầu bọn ác
Khi Ấu Sơn khi Tuyên Hoá, chân ngày đi quen ghềnh thác rú rừng,
Lúc Tân Sở lúc Hương Khê14, thân đêm ngủ bạn muỗi mòng sên vắt.
Dân vì nước, gà trâu heo lúa, bán sạch mà mua súng đánh Tây
Vua vì dân, đèo ải buôn mường, len khắp cả giương cờ phá tặc.
Sốt run cầm cập, chí đâu sờn bởi chính nghĩa nấu nung,
Rét lạnh căm căm, lòng vẫn ấm vì nhân dân đùm bọc.
Thương ơi,
Lương cùng đạn kiệt, quan Tướng đành cầu viện lân bang15,
Thế lẻ thân cô, nhà vua bị gian thần phản trắc16.
Sa vào tay bạch quỉ vẫn bình tâm thanh thản17, long uy xui lũ cướp kính vì,
Chết dưới kiếm phản đồ mà bất khuất hiên ngang, hộ giá18 để đời sau ngưỡng phục.
Mẹ đau cũng mặc19, nhà tan nước đổ, tâm ý nào thăm viếng dưới trên;
Thầy đến phải chào20, giấy rách lề nguyên, lễ nghĩa vẫn giữ gìn sau trước.
Cờ quân địch tựa như muối xát, mỉa mai chi người đã thất cơ.
Còi tàu binh nào khác ớt hun, dày vò mãi kẻ đà bại cuộc.
Tủi thân đón cuộc lưu đày,
Xa xót đi về đảo giặc.
Thảm ơi,
Nghìn trùng thương đất mẹ, từ nay côi cút xứ người,
Vạn lý nhớ quê nhà, e trọn sầu bi cõi tục.
Ngàn Thông21 đó lầu cao gió thổi, vui chi đâu lòng nghẹn mối căm hờn,
“Chiều tà”22 đây góc tạm đời thừa, xót biết mấy dân còn nơi cũi ngục.
Giữ trang phục, luôn dài đen luôn búi tó23, nào có quên thân kiếp sa chân.
Giết thời gian, khi khắc tượng khi vẽ tranh, cố tìm nguôi nỗi buồn mất nước.
May mắn thật, nên chồng nên vợ, trai gái nối dõi giòng24.
Hiếu nghĩa sao, cũng bánh cũng hương, cháu con thờ họ tộc25.
Năm mươi sáu năm lưu đày vong quốc, tha phương nặng trĩu gánh sầu,
Bảy mươi tư tuổi thọ mãn phước phần26, tiên cảnh nhẹ nương cánh hạc
Đất lạ mồ xa gởi xác, lênh đênh An Rế27 lại Lang Sa.
Làng yêu quê mến du hồn, phiêu bạt Cấm Thành28 qua Thương Bạc.
Nay,
Bùi ngùi bao, tưởng nhớ bậc minh vương.
Cay đắng lắm, xót thương người chính trực
Trời xa mộ lạnh, Tho-nac29 ơi, xin ấp ôm tàn cốt anh hùng
Đất mẹ quê xưa, Huế đô này, tưởng nhớ mãi uy linh thống khốc.
Hoa hương bày biện, truy niệm thâm ân,
Bánh trái cúng dâng, tụng xưng thạnh đức.
Hồn hỡi linh thiêng,
Xin về thụ lộc.
Huế, 01.6.2014
Chú thích:
-
Đạo làm vua phải lo cho dân, nghĩa làm dân phải lo bảo vệ đất nước (Quốc gia hưng vong, thất phu hữu trách).
-
Theo hiệp ước Patenôtre (Giáp Thân, 1884), triều đình Huế công nhận sự bảo hộ của Pháp ở cả Bắc kỳ và Trung kỳ. Nam kỳ thì đã cắt cho Pháp, triều đình Huế chỉ là một hư vị.
-
Trong vòng bốn tháng, ba vị vua (Dục Đức, Hiệp Hoà, Kiến Phúc) đã liên tiếp bị phế truất trước khi vua Hàm Nghi lên ngôi. Pháp đặt Toà Khâm sứ ở hữu ngạn sông Hương chính thức bảo hộ Nam triều theo hiệp ước Giáp Thân. Hồi ấy truyền tụng câu đối “Nhất giang lưỡng quốc nan phân Thuyết/ Tứ nguyệt tam vương triệu bất Tường.
-
Ở Nam kỳ cũng như Bắc kỳ các phong trào kháng Pháp nổ ra khắp nơi gây nhiều tổn thất cho giặc Pháp.
-
Hai phụ chánh đại thần Nguyễn Văn Tường (Quan Quận) và Tôn Thất Thuyết (Quan Tướng) đã ám hại nhiều người như vua Dục Đức, vua Hiệp Hoà, vua Kiến Phúc, Phụ chánh Trần Tiễn Thành, Hồng Sâm, Hồng Phì,.. vì họ không theo chủ trương đánh Pháp của hai ông này.
-
Vua Hàm Nghi (1871 - 1944) lên ngôi mới 13 tuổi. Khi có người đưa áo mão đến ngài không dám nhận, và khi bước lên ngai vàng phải có thị thần dìu đi.
-
Đại tá Guerrier và Khâm sứ Rheinart vào điện Thái Hoà làm lễ phong vương cho vua Hàm Nghi ngày 27.6 năm Giáp Thân (1884).
-
Tháng 4 năm Ất Dậu, Thống tướng De Courcy sang Bắc Kỳ. Tháng 5 y mang 1024 quân đi tàu đến Huế, đòi hai quan phụ chánh Tường và Thuyết sang Toà Khâm trình diện. Giày da của lính Pháp thường được gọi là giày săng đá (soldat: người lính)
-
France (nước Pháp) được âm ra tiếng Việt là Phú-lang-sa, hay còn gọi tắt là Lang-sa.
-
Hoàng thái hậu Từ Dũ lệnh mang lễ sang tặng Thống tướng De Courcy để mua chuộc lòng y, nhưng y không nhận.
-
Theo Nguyễn Quang Trung Tiến trong bài “Vị thiếu niên trưởng thành từ niên thiếu” đăng ở Tạp chí Thông tin Khoa học và Công nghệ số 01 (7), 1995 thì khi hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết tâu vua lánh đi tị nạn, vua Hàm Nghi bảo “Ta có đánh nhau với ai mô mà phải chạy.”
-
Ra Tân Sở, ông Thuyết xin lệnh vua ra Hịch Cần Vương, rồi sau đó ban Dụ Cần Vương kêu gọi sĩ phu và dân chúng nổi lên đánh Pháp, giành độc lập Tổ quốc.
-
Phong trào Cần Vương sôi sục nổ ra khắp nước, tiêu biểu như Nguyễn Thiện Thuật ở Hưng Yên, Phan đình Phùng ở Hà Tĩnh, Mai Xuân Thưởng ở Bình Định, Lê Trung Đình ở Quảng Ngãi,...
-
Tân Sở (Quảng Trị), Ấu Sơn, Hương Khê (Hà Tĩnh), Tuyên Hoá (Quảng Bình) là những nơi vua Hàm Nghi đã ở lại trước khi bị bắt.
-
Phụ chánh Tôn Thất Thuyết đã để vua ở lại Hà Tĩnh, còn mình đi Quảng Châu cùng Đề đốc Lê Trực, Phạm Tuân cầu viện Trung Hoa.
-
Suất đội Nguyễn Đình Tín dụ được Trương Quang Ngọc đầu thú, rồi dẫn Pháp đến vây bắt vua Hàm Nghi khuya 26 tháng 9 Mậu Tý (1888).
-
Khi bị bắt, nhà vua bình thản chỉ mặt Ngọc quát “Thà mi giết ta đi còn hơn mang ta ra nộp cho Tây.”
-
Con trai của ông Thuyết, Tôn Thất Thiệp, lúc ấy đang hộ vệ nhà vua bị đâm chết. Tôn Thất Đạm nghe tin cũng treo cổ tự ải.
-
Khâm sứ Rheinart báo cho vua biết là Thái hậu đang ốm nặng, nếu nhà vua muốn thăm hỏi thì sẽ cho rước về gặp mặt. Vua Hàm Nghi đáp, “Tôi thân đã tù, nước đã mất, còn dám nghĩ gì đến cha mẹ anh em nữa.”
-
Dù vua Hàm Nghi làm ngơ, giả như là không phải là vua khiến giặc Pháp hoài nghi không biết có phải bắt nhầm người hay không. Tuy vậy, khi thấy thầy giáo cũ là Nguyễn Nhuận đến xem, Ngài đứng dậy vái chào khiến đã lộ ra chân tướng.
-
Pháp bố trí nhà vua ở tại biệt thự Ngàn Thông (Villa des Pins) trong thủ đô Alger, sau nhà vua cải tên thành biệt thự Gia Long.
-
“Chiều tà” là một bức tranh nổi tiếng của vua Hàm Nghi. Ngài có thiên khiếu về mỹ thuật, điêu khắc và đã vẽ nhiều bức tranh rất đẹp theo trường phái Gauguin. Hàm ý của bức tranh “Chiều tà” có lẽ là cuộc đời êm ả về chiều của một kiếp người bất hạnh chăng?
-
Ở Algérie, nhà vua luôn mặc y phục Việt (áo dài đen, khăn bịt đầu), tóc búi tó, ăn cơm Việt. Dân bản xứ gọi Ngài là ông Hoàng An Nam (Prince d’Annam). Ngài luôn luôn giữ tư cách một nhà vua yêu nước và bất khuất nên chính quyền thực dân Pháp tại Alger tỏ ra rất kính trọng Ngài.
-
Nhà vua lấy vợ người Pháp là bà Marcelle Aimée Léonie Laloe và có 3 người con: 02 gái và 01 trai. Đó là công chúa Như Mai, công chúa Như Lý và hoàng tử Minh Đức.
-
Nhà vua cho xây Gia Long các 2 tầng, có bộ mái tựa như Phu Văn lâu để thờ vua Gia Long và liệt tổ liệt tông. Ngài tổ chức cúng bái tổ tiên hàng năm tại đây.
-
Trên mộ Ngài có ghi 1871 – 1944, tức nhà vua thọ 74 tuổi ta, và đã ở Algérie tổng cộng 56 năm (1888 - 1944)
-
Ghi âm từ Alger, thủ đô của Algérie.
-
Tử Cấm thành.
-
Nghĩa trang ở làng Thonac, Dordogne thuộc Pháp nơi hiện nay có mộ vua Hàm Nghi, được cải táng từ thủ đô Alger sang. Vợ con Ngài (ngoại trừ công chúa Như Lý) cũng chôn cất tại đây.
.
.