Nếu một ngày lễ cuối tuần nào, tôi xuống phố và tình cờ vào phòng triển lãm nghệ thuật xem được bức hình này, tôi cũng sẽ ngồi thẳng người trên chiếc bục gỗ để thưởng ngoạn... y như Nguyễn Văn Cấp đã đạo diễn và tạo nên tác phẩm “Memorial Day” vì giữa phòng trưng bầy, để giản dị hóa và tập trung, họ thường đặt những chiếc ghế dài không lưng tựa cho khách nghỉ chân như hình chụp.
Sáng chủ nhật hôm nay, trước Memorial Day ở Mỹ một ngày, nhìn qua khung cửa sổ, tôi thấy bầu trời cũng mờ sương như cảnh vật trong tấm hình... Bất ngờ khác với thông lệ, vợ tôi cũng dạy sớm ra ngồi bên cạnh. Rót mời nàng ly cà phê sữa nóng, còn tôi thì vẫn uống cà phê đen không đường. Chúng tôi cùng để mắt vào tấm ảnh "Memorial Day". Nàng không lên tiếng, tự động đứng lên đi tìm cái kiếng lão rồi đăm chiêu ngắm nhìn. Tôi ôm bờ vai nàng và thỏ thẻ bắt chuyện “làm quen” trình bày vài chi tiết giới thiệu:
- Đây là tác phẩm của một bạn trẻ cùng trường trung học Nguyễn Trãi năm xưa mà anh rất quý mến từ tư tưởng đến hành động. Anh ấy có cách sống và lối cư xử với Thầy Cô, các bạn đồng môn luống tuổi hay cùng trang lứa rất ư đúng đắn làm anh nhiều lần cảm phục... Trước công việc chung, ảnh không âm thầm trốn tránh bằng sự im lặng mà ngược lại, sẵn lòng góp ý rất chí tình rồi chẳng may gặp "conflicts" về tư tưởng thì mười lần như một, luôn luôn trả lời với "compassion". Nhưng thôi, đấy là con người, tác giả của tấm ảnh này... Nẫy giờ anh nói về ảnh hơi nhiều nhưng có lẽ cũng không thừa đâu! Người ta thường bảo "Văn tức là Người" nên muốn hiểu tác phẩm thì phải hiểu người trước đã phải không em? Thế riêng em nghĩ sao về bức hình này...
Nàng xoay qua xoay lại, nhìn nghiêng nhìn thẳng hai ba lần rồi buông độc một câu ngắn gọn như tiếng than ôi tích cực.
- Đẹp!
- Thế thôi à! Hay là em vẫn còn ngái ngủ?
- Không! Sao anh lại nói vậy? Tấm ảnh rất ý nghĩa cho ngày Memorial. Anh không thấy à? Phía dưới có hàng chữ “Memorial Day”...
- Anh thấy chứ! Ngoài ra, em còn thấy cái gì khác nữa không?
- Bức hình rất đẹp và đầy ý nghĩa! Tác giả chụp đen trắng cũng có mục đích, ngay cả người đàn ông ngồi trước cảnh vật mờ ảo cũng tạo nên bao nhiêu cảm nghĩ xót xa cho ngày lễ. Thế còn CVN là tên tác giả phải không anh?
- Ừ... CVN là chữ viết tắt của Nguyễn Văn Cấp. Anh ấy là nhiếp ảnh gia đã có lần lọt vào “top” ảnh nghệ thuật được giải thưởng của một hội báo tên tuổi. Ảnh có người vợ tên Nhung, đẹp khả ái và cũng yêu nghệ thuật như chồng vì Nhung hát rất hay. Ố ồ... Xin lỗi lạc đề rồi! Thôi chúng mình thử quay lại, nói về bức ảnh em nhé!
Tôi lên tiếng phê bình thẳng thắn:
- Em chỉ thấy thế thôi à? Đẹp và có ý nghĩa... Ừ! Anh cũng đồng ý với em nhưng để anh thêm vài chi tiết cá nhân như thế này: Tấm hình ấy không nên để hàng chữ "Memorial Day" đi kèm phía dưới vì nó không được cấu tạo ra trong ngày Memorial. Bố cục của mọi tác phẩm nghệ thuật cần trung thực cho dù trừu tượng, siêu thực hay “photo-realistic” tạm dịch là “ảnh hiện thực”... Vợ chồng chúng mình sống ở Mỹ lâu năm, em có bao giờ thấy Memorial Day mà quang cảnh lại lạnh lùng, đơn sơ, vắng vẻ như chùa Bà Đanh thế đâu? Dù ở vào một sáng tinh mơ 6am, 7am... mặt trời còn ngái ngủ thì người người, cờ quạt và hoa lá cũng đã bắt đầu tràn ngập đám cỏ xanh kia rồi, đúng không? Họ thăm viếng nghĩa trang có khi một hai ngày trước nữa kìa! Theo anh, đây chính là bức hình tượng trưng cho “an English idiom”: "A picture is worth a thousand words" chẳng cần đề tựa mà ai cũng hiểu ý nghĩ của tác giả trước khi bấm máy để trở thành tác phẩm. Nó có thể là "Memorial" ngắn gọn cho bất cứ ngày nào trong 360 ngày trừ 5 ngày lễ cuối tuần cuối tháng 5.
Ngập ngừng vài giây rồi tôi nói tiếp:
- Còn nếu cho phép anh đặt tên cho bức hình này thì anh sẽ chọn chung cái tựa đề có sẵn của bức tượng Rodin “Le Penseur". Tuy Nguyễn Văn Cấp biểu lộ tư tưởng rõ nét hơn Rodin qua “Memorial Day” nhưng cả hai đều mang ít nhiều ý nghĩa trừu tượng... Một người đàn ông ngồi chống tay vào cầm có thể suy tư bất cứ điều gì ông ta muốn và một người trẻ Nguyễn Văn Cấp dừng chân trên chiếc ghế trước nghĩa trang trùng điệp nghìn cây thánh giá thì hẳn phải là nơi chôn cất hàng loạt tử sĩ chết trên chiến trường chẳng hạn như thế chiến thứ I và thứ II.
- Anh quả tình rất sensitive...
- Điều này còn mang thêm cái nghĩa đau buồn mang bộ mặt thật của chiến tranh là sự chết chóc... Đau buồn vì người chết nằm xuống để bảo vệ người sống nhưng mặt trái tấm mề đay cũng để lại bao nhiêu u sầu tiếc thương cho người ở lại! Chẳng một người sống nào hưởng trọn vẹn hạnh phúc của sự hy sinh ấy... Vậy thì tốt nhất là nhân loại không có ngày tử sĩ hoặc nếu có cũng không bạt ngàn một cõi mù sương như bức hình “Memorial Day”. Đã từ lâu, con người "thấy quan tài thì mới đổ lệ" để vừa tiễn người đi vừa học được cái chân lý muộn màng: “Hãy thương yêu nhau khi còn sống bên nhau, đợi đến khi tử biệt thì tình yêu đã biến thành tiếc thương...”
- Anh muốn nói là người sống phải cảm ơn người chết?
- Không phải anh nói mà đó là ý nghĩa của ngày Memorial... Người ta không chỉ cảm ơn sự hy sinh thân xác mà còn học được cái triết lý về hai tư tưởng Hòa Bình và Thương Yêu mà hồn tử sĩ đã lưu lại cho hậu thế như khuôn vàng thước ngọc.
Nói chuyện đến đây thì trời vừa rọi ánh nắng đầu ngày xuống mái nhà hàng xóm. Vợ tôi uống hết ly cà phê sữa, vội đứng lên sửa soạn nồi phở gà điểm tâm cho gia đình, còn lại tôi bơ vơ với tấm ảnh “Memorial Day” cùng bao ý nghĩ tích cực trong đầu về Nguyễn Văn Cấp, một người trẻ tài ba mà tôi thực tình yêu mến nên cố tìm hiểu thêm về chàng qua bức hình như một trò chơi “Puzzle”...
Sở trường của Nguyễn Văn Cấp là ảnh mầu trừu tượng mang nhiều tính sáng tạo đột phá vô cùng ngoạn mục. Mỗi tác phẩm đều khởi đi từ một tư tưởng sẵn có trong đầu trước khi chàng “hình dung” cảnh tượng trên sự vật “thấy” ở đâu đó rồi bấm máy... Chúng ta không ngạc nhiên nếu tên tuổi CVN sau này sẽ nổi bật trong hàng ngũ nhiếp ảnh gia tiếng tăm của thế giới khi tài năng và may mắn tựu chung vào một thời điểm.
Nhìn bức ảnh này, nếu là CVN tôi sẽ để máy cùng kỹ thuật để tạo chiều sâu giống như anh đã thực hiện nhưng ngay trong cõi mù sương mờ ảo của người chết sẽ rải rác vài bóng người hoài niệm trên những ngôi mộ thấp thoáng lá cờ hoa. Bên cạnh người ngồi thêm một cậu hoặc cô bé tượng trưng cho thế hệ tương lai thì sự hy sinh này vô vàn ý nghĩa và bố cục tấm hình sẽ bớt “thiền” hơn thực tại. Viết đến đây, tôi cũng nhận xét về cái lưng của người đàn ông trong hình mà tôi đoán chính là tác giả. Cái lưng cong vừa đủ cho sự suy ngẫm không thẳng đứng của người tập thiền nên dáng dấp rất đẹp mắt và thích hợp với ý nghĩa “tưởng niệm”.
Nó cũng làm tôi nhớ đến cuốn phim của Steven Spielberg “Saving Private Ryan”. Sau thế chiến thứ II, chàng binh nhất Ryan trở lại Normandy American Cemetery and Memorial cùng với gia đình để tưởng niệm đội quân anh dũng vì chàng mà phải bỏ mình trên trận địa. Ở cuối phim, Ryan dạo một vòng quanh nghĩa trang ngút ngàn thập tự giá, bỗng quỳ xuống, nước mắt tạ ơn tràn dâng niềm thương xót khi vừa nhìn thấy ngôi mộ của Captain John H. Miller chỉ huy 2nd Ranger Battalion đã gục ngã anh hùng ở mặt trận vùng Bắc Âu khi đến đón chàng về.
Cảm ơn anh Nguyễn Văn Cấp về bức ảnh “Memorial Day” đã làm tôi trầm tư mặc tưởng về sự sống và sự chết, về hận thù và thương yêu, về thực tại và tương lai, về hững hờ với mặn nồng... để người sống nhìn lại “Ngày Chiến Sĩ Trận Vong” hôm nay rồi yêu thương nhau hơn!
Tô phở gà nóng hổi vừa đặt trên bàn, xin hẹn anh và Nhung ngày thứ Hai mùng 6 tháng 6 khi anh chị ghé Orange County từ Houston Texas. Mến chúc mọi người một Memorial Day tràn đầy ý nghĩa hy sinh cao đẹp.
5/29/2016
.
.