NGUYỄN HỮU HUÂN
(1830 - 1875)
.
Nguyễn Hữu Huân quê huyện Kiến Hưng, Định Tường. Năm 1852, ông đỗ thủ khoa kỳ thi hương nên thường gọi là Thủ khoa Huân. Khi giặc Pháp chiếm 3 tỉnh miền Đông, ông khởi nghĩa chống Pháp, triều đình phong Phó Quản đạo.
.
Năm 1862, ông đem nghĩa quân gia nhập lực lượng Trương Định. Năm 1863, quân Pháp tấn công vào căn cứ Tân Hòa, căn cứ thất thủ, Trương Định đem quân về vùng Lý Nhơn. Còn Nguyễn Hữu Huân đưa quân về Tân An, rồi rút về Thuộc Nhiêu (Tiền Giang), Tháng 6-1863, quân Pháp càn quét căn cứ Thuộc Nhiêu. Lực lượng của ông còn yếu nên rút quân về An Giang phối hợp với Võ Duy Dương chiêu mộ nghĩa binh để khởi nghĩa lần thứ hai. Sau đấy, Nguyễn Hữu Huân đem quân về vùng Thất Sơn (An Giang) tiếp tục chiến đấu.
.
Pháp rất lo ngại, buộc Tổng đốc An Giang là Phan Khắc Thân phải tìm cách bắt Thủ Khoa Huân. Tổng đốc An Giang không thuận. Đô đốc Nam kỳ là De la Grandière lệnh cho Doudart de Lagrée đem 500 quân, cùng đại bác từ Oudong (Campuchia) xuống huy hiếp thành An Giang. Trước áp lực đó, Tổng đốc An Giang đành nhượng bộ, nên ông bị bắt.
Ngày 22-8-1864, ông bị kết án 10 năm tù khổ sai và bị đày đến đảo Réunion, đến năm 1869 được thả về.
.
Pháp quản thúc ông tại nhà Tổng đốc Đỗ Hữu Phương, đồng thời cử ông làm giáo thọ chỉ dạy cho các sinh đồ ở Chợ Lớn, với hy vọng lôi kéo ông về phía họ. Lợi dụng điều kiện đi dạy học, Nguyễn Hữu Huân liên lạc với các sĩ phu yêu nước và hội kín Hoa kiều Trường Phát, nhờ mua vũ khí để chuẩn bị khởi nghĩa tiếp. Trong khi đang chuẩn bị gấp rút, thì Pháp bắt được thuyền chở vũ khí. Trước tình hình bất lợi đó, ông ra lệnh giải tán, bí mật trốn khỏi nhà Tổng đốc Phương, tìm đường về lại Mỹ Tho họp cùng Dương Văn Lân, để tiến hành khởi nghĩa tiếp.
Năm 1872, ông khởi nghĩa lần thứ ba, dân chúng hưởng ứng rất đông đảo, trong số đó có cả một số hương chức, hội tề, địa chủ... địa bàn hoạt động của kháng chiến của ông kéo dài từ Mỹ Tho đến Cai Lậy.
.
Cuối năm 1874, quân Pháp cử Trần Bá Lộc, Đỗ Hữu Phương đánh vào căn cứ ở Bình Cách. Nghĩa quân chống trả không lại. Nguyễn Hữu Huân thoát được về Chợ Gạo, đến khoảng tháng 3 năm sau, ông trở lại vùng Tân An để tập hợp lại lực lượng thì bị Việt gian chỉ điểm nên bị bắt.
Thực dân Pháp giam ông ở Mỹ Tho. Sau khi chiêu hàng không thành, chúng kết án tử hình. Trước khi thụ hình, ông nhắn vợ con tế sống mình và gửi vải cho ông, để đề thơ bằng 2 câu đối tuyệt mệnh, 2 câu đối ấy sau này thành 2 câu liễn tại đền thờ ông ở xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo:
.
“Hữu chí nan thân, không uổng bách niên chiêu vật nghị
Duy công bất tựu, diệc tương nhất tử báo quân ân”.
(Có trí mạng cùng, đâu sá trăm năm lời dị nghị
Tuy công chưa lập, cũng đành một thác báo ơn vua).
.
Ngày 15 tháng 4 Tân Hợi (19-5-1875), Pháp cho tàu chở Nguyễn Hữu Huân xuôi dòng về Mỹ Tịnh An và hành quyết ông lúc 12 giờ trưa.
Mặc dù, ông làm thơ không nhiều nhưng các cảm tác của ông đều ở trong thời gian chống Pháp, tâm tư ông yêu nước nồng nàn, như: Tặng vợ, Tự Thuật, Bửa củi, Cảm hoài...
.
.
Đời ông đã 3 lần cương quyết khởi nghĩa, bất khuất chống ngoại xâm nhưng đáng tiếc đều bị thất bại.
Mộ và đền Thủ Khoa Huân được xây dựng ngay tại quê nhà của ông. Trong đền thờ có nhiều hoành phi và câu đối ca ngợi chí khí kiên cường của Thủ Khoa Huân.
.
Cảm kích: Thủ Khoa Huân
.
Nguyễn Hữu Huân, son sắt núi sông!
Nước nhà Tây chiếm, đớn đau trông!
Nấu nung quyết chiến, lòng mong mỏi
Vùng vẫy xông pha, giặc phập phồng!
Ngoài đảo lo dân, nghiền ngẫm dạ?!
Trong tù nghĩ nước, nhớ nhung lòng!
Ba lần chống Pháp, lừng danh tiếng
Khí khái, trung trinh rạng Lạc Hồng!
.
Nguyễn Lộc Yên
.
.
Gửi ý kiến của bạn