San Jose vô cùng thương tiếc
Nguyễn Ngọc Bích, Trần Văn Sơn, Phan Lạc Phúc.
Giao Chỉ, San Jose.(Tâm sự xem đoạn cuối)
Hai giờ chiều ngày thứ bẩy 14 tháng 5, 2016 các thân hữu của chúng tôi tại Bắc CA đã có mặt tại Việt Museum trong San Jose History Park để tưởng nhớ những bạn phương xa ra đi trong tháng tư 2016.
Đầu tiên ban tổ chức dự trù chuẩn bị lễ giỗ 49 ngày ông Nguyễn Ngọc Bích cùng một lượt với tang gia trên thủ đô Hoa Kỳ, các bạn tại Paris bên Pháp và quận Cam miền Nam CA. Nhưng trong thời gian qua, cộng đồng Việt hải ngoại đã mất thêm hai vị cao niên trong giới cầm bút. Hải quân trung tá Trần văn Sơn qua đời tại San Diego và trung tá Phan Lạc Phúc mất tại Úc Châu. Sau khi tổ chức riêng buổi tuyên dương giáo sư Nguyễn Ngọc Bích tại quận hạt Santa Clara ngày thứ ba 10 tháng 5-2016 thì ngày thứ bẩy 14 San Jose chúng tôi tổ chức tưởng niệm chung cho ba vị cao niên tại Việt Museum. Nhân khí hậu thuận tiện, việc tổ chức làm ngay ngoài trời trước sân viện bảo tàng. Dưới 2 lều trắng xếp cạnh nhau, gần 100 quan khách phần lớn là thân hữu quen biết đã đến đông đủ. Phía trước là bức tường tưởng niệm ghi dấu hình ảnh của 7 vị anh hùng VNCH tuẫn tiết 30 tháng tư. Một bàn thờ tổ quốc được thiết dựng trang nghiêm với đầy đủ vật dụng nghi lễ và khói hương nghi ngút. Phía tay trái là tấm bảng rất lớn với hình ảnh 3 vị cao niên gần như suốt cuộc đời cống hiến cho đất nước và cộng đồng. Phía trên có hàng chữ "San Jose Vô cùng Thương tiếc." Hình chính giữa là giáo sư Nguyễn Ngọc Bích hưởng thọ 79 tuổi cư ngụ tại DC. Hình bên trái là nhà văn Phan Lạc Phúc hưởng thọ 87 tuổi ra đi tại Úc châu. Hình bên phải là bình luận gia Trần Bình Nam 82 tuổi ra đi tại Nam CA. Lúc còn sinh tiền, cả ba vị đều có giao tình thân hữu, mỗi người sống ở một phương trời, cùng hướng về quê hương và cùng phục vụ cộng đồng hải ngoại bằng những phương cách khác nhau. Nay cùng ra đi trước khi người Việt kỷ niệm ngày quốc hận 30 tháng tư lần thứ 41. Tuy mỗi người ở một phương trời nhưng hương hồn quý vị đã cùng về xum họp qua hình ảnh để các thân hữu San Jose ghi lại tấm chân tình dành cho chiến hữu. Anh Phạm Phú Nam, giám đốc Dân Sinh Media lên nói về ý nghĩa buổi họp mặt, điều hợp nghi lễ khai mạc và giới thiệu chúng tôi đại diện ban tổ chức. Phần tôi, Vũ văn Lộc cảm ơn quan khách và ghi nhận sự hiện diện của anh ruột ông Bích, bác Nguyễn Ngọc Nhạ cùng các con cháu thân quyến của ông tại Bắc CA. Tôi nhắc đến sự hiện diện của các bạn thời học trò cùng ông Bích là ông bà tổng trưởng kinh tế Nguyễn Đức Cường. Đồng thời cũng có sự hiện diện của luật sư Nguyễn Tâm, ngày xưa học trò ông Bích và ngày nay là nghị viên thành phố San Jose. Các vị đã từng sát cánh với ông Trần Bình Nam và đã dự đám tang tại San Diege có giáo sư Ngô Đức Diễm và nhà báo Huỳnh Lương Thiện. Trong tình thân hữu và cũng là bạn trong lao tù cộng sản với bác Phan Lạc Phúc có đại tá Lê Kim Ngô, trung tá Nguyễn Mộng Hùng, nhà báo Nguyễn Thanh Hoàng. Ngoài ra cũng còn nhiều thân hữu khác hiện diện. Chúng tôi nói thêm rằng các vị mà chúng ta tiếc thương hôm nay đã ra đi. Quý vị này thường vẫn theo dõi hiện tình cộng đồng và đất nước mỗi ngày. Thật tiếc thay trong những ngày tới có biết bao nhiêu biến chuyển mà không còn sống để chia xẻ niềm hy vọng vào tương lai dân tộc. Tiếp theo đến phần chính của buổi lễ lần lượt quý vị quan khách lên nói về tiểu sử, chuyện vui buồn cùng những người quá cố.
Bác Nguyễn Ngọc Nhạ là anh ruột của ông Bích hiện diện cùng nhiều con cháu đứng lên gửi lời cảm ơn của gia quyến Nguyễn Ngọc. Chị Trương Vân Lan trước đây đã từng hoạt động chung với giáo sư Bích ở miền Đông đã đọc bài diễn từ đầy đủ về tiểu sử và cuộc đời của ông. Chị Vân Lan cũng là người góp sức rất nhiều trong việc tổ chức tưởng niệm giáo sư Bích tại San Jose. Ông Bích được ông Dave Cortese chủ tịch hội đồng giám sát chính thức đọc lời tuyên dương tại hội trường County. Riêng hôm nay bà chánh văn phòng của ông chủ tịch đến tại Việt Museum để trao tặng tấm bảng tuyên dương cho bác Nguyễn Ngọc Nhạ. Những vị quan khách lên nói về giáo sư Nguyễn Ngọc Bích gồm có giáo sư Phạm Thư Đăng, giáo sư Trương Bổn Tài, Nghị Viên Nguyễn Tâm, ông Nguyễn Đức Lâm, ông Lại Đức Hùng, bác sĩ Phạm Đức Vượng và bà Ngọc Bích. Bà là nữ thi sĩ trùng tên ngụ tại San Jose. Vì trùng tên nên đã có câu chuyện người khách hiểu lầm trong một lần họp mặt. Phần đặc biệt do cô Vĩnh Thanh Thảo lên hát bài ca mà giáo sư Bích rất thích đã yêu cầu cô hát vào dịp sinh hoạt trước đây. Tựa đề "Có Có, Không Không" pha màu triết lý của cuộc sống vô thường làm cho buổi tưởng niệm thêm nhiều ý nghĩa. Giáo sư Ngô Đức Diễm lên nói về tiểu sử và cuộc đời ông Trần Văn Sơn tức bình luận gia Trần Bình Nam, đồng thời cũng là một lãnh tụ của tổ chức Phục Hưng Việt Nam vốn là chiến hữu trong nhiều năm. Nhà báo Huỳnh Lương Thiện kể thêm giai thoại hơn 30 năm trước ông đón 3 vị dân biểu Việt Nam vượt biên đến Nhật Bản trong đó có dân biểu Trần Văn Sơn. Thực là một câu chuyện đặc biệt nói lên tinh thần đấu tranh bất khuất của nhà tranh đấu mà chúng ta cùng tưởng nhớ. Một chiến hữu hải quân của trung tá Sơn đã bầy tỏ tấm lòng trong tình chiến hữu thật cảm động. Trung tá Nguyễn Mộng Hùng, tức Hùng Xùi nói về mối chân tình quân ngũ và cũng là bạn tù với nhà báo, nhà văn trung tá Phan Lạc Phúc tức ký giả Lô Răng. Có sự hiện diên của cụ Trương Đình Sửu hội trưởng hội cao niên Bay Area trong tấm hình kỷ niệm. Đầu thập niên 50 thiếu úy Sửu cùng thiếu úy Lê trung Hiền hơn 60 năm trước đã về trình diện làm trung đội trưởng cho trung úy Phúc trên chiến trường Bắc Việt..Buổi họp mặt không phải là bữa tiệc linh đình hay chương trình văn nghệ hấp dẫn. Chúng tôi đến với nhau không vì những tình tiết đó. Trong khung cảnh thân mật, mọi người đều quen biết đến với nhau vì cùng chân thành tiếc thương các vị ra đi. Ban tổ chức cũng tế nhị tránh việc bán sách ồn ào mời chào ủng hộ tác phẩm.
Phần cuối cùng quan khách dùng tiệc trà thân mật do Việt Museum khoản đãi, chụp hình lưu niệm và giới thiệu vắn tắt về tuyển tập đặc biệt Nguyễn Ngọc Bích. Tác phẩm này đã được tóm lược như sau. .
Tựa đề "Nguyễn Ngọc Bích,Tấm lòng cho quê hương" đã được gửi đến San Jose. Sách dày 470 trang, khổ lớn. Tác phẩm chia làm 5 phần như sau. Phần 1: Mở đầu và tiểu sử. Phần 2: Tạ ơn và phân ưu. Phần 3: Một số những bài viết của giáo sư Nguyễn Ngọc Bích.. Phần 4: 64 tác giả viết về ông Bích. Phần 5: Hình ảnh trên chuyến bay và tại Manila. Phần 6: Hình ảnh tang lễ tại DC. Sau cũng là Mục Lục..
.
Sau đây là nguyên văn phần nói chuyện của ông Nguyễn Đức Cường, nguyên tổng trưởng kinh tế VNCH. Ông Cường mở đầu gọi là:
.Vài câu nói nhân dịp lễ giỗ 49 ngày của bạn Nguyễn Ngọc Bích tổ chức tại Việt Museum 5/14/2016
Kính thưa quý vị quan khách,
Tôi xin cảm ơn ban tổ chức cho tôi lên đây nói đôi lời về người bạn quá cố của chúng ta.
Ai cũng biết anh Bích xuất sắc về Ngôn ngữ học. Tôi gi anh cũng là thần đồng về Văn học vì anh giỏi từ nhỏ. Tôi không thể nào có đủ chữ, và lời lẽ văn hoa, để nói về anh Bích được. Tôi được biết anh Bích là nhà Sản xuất Việt Nam Film Club đã thực hiện được những cuốn phim tài liệu thu hút nhiều người xem, đặc biệt các bạn trẻ trong nước chiếm trên 80 số lượng người xem trên toàn thế giới. Vì vậy tôi xin trích mấy lời của Chu Lynh, Editor của Vietnam Film Club nói về anh Bích để quý vị cùng nghe: Sự ra đi của Producer Nguyễn Ngọc Bích là một mất mát lớn lao cho Vietnam Film Club. Dù vậy, các thành viên của Vietnam Film Club vẫn tiếp tục thực hiện các dự án phim tài liệu quan trọng như đã dự tính. Vietnam Film Club trân trọng biết ơn Quý Vị về mọi đóng góp ý kiến, cung cấp tài liệu hay nhân chứng đáng tin cậy, và hỗ trợ vật chất nhằm giúp cho Vietnam Film Club có điều kiện thực hiện các phim tài liệu giá trị, hầu đóng góp cho nhu cầu làm sáng tỏ những sự thật lịch sử trong chiến tranh Việt Nam ”. Tôi coi những lời này là ý nguyện của anh Bích.
Anh Bích thật ra là nhân tài Việt Nam trong các lãnh vực Ngôn ngữ, Văn hóa, Điện ảnh, và Truyền thông. Vậy hôm nay tôi còn gì để nói về anh Bích mà ít người biết đến? Chỉ là chuyện riêng tư. Thưa quý vị, tôi quen anh Bích từ năm 1960, tức 56 năm rồi. Lúc đó tôi là sinh viên mới sang Mỹ du học được một năm, và anh Bích đã sang Mỹ được 3 năm, đã học xong bằng Cử Nhân Chính Trị Học tại Princeton. Sau này tôi mới biết là anh Bích cùng học cùng trường Trung Học với tôi, nhưng trước tới 2 năm. Nhà tôi cũng quen anh Bích trong những năm 1960. Ai là sinh viên du học bên Mỹ lúc đó cũng biết anh Bích. Nhân dịp lễ giáng sinh năm 1960, tôi được nghe anh Bích hát. Tôi còn nhớ anh hát một cách say sưa bài “Tom Dooley”, lúc đó rất nổi tiếng. Rồi sau anh hát bài Đèn Cù, cũng rất say sưa, coi như không có ai ở chung quanh. Nếu theo ngành trình diễn văn nghệ, chắc anh Bích cũng trở thành tài tử. Như đã nói ở trên, tôi không có đủ chữ để viết, và lời để nói về bạn tôi.
Tất cả chúng ta đều thương tiếc sự ra đi của Nguyễn Ngọc Bích, một nhân tài của Việt Nam. Tôi là Nguyễn Đức Cường, hãnh diện được là một người bạn già lâu đời của Nguyễn Ngọc Bích. Xin cảm ơn quý vị.
***********************
Kết từ của Giao Chỉ: Tôi nhận lời tổ chức việc tưởng niệm ông Bích vì mối giao tình công việc. Và rất cảm mến về thành quả ông đã thực hiện. Nhưng rồi không thể quên bác Phan Lạc Phúc. Những lần từ bên Úc, điện thoại viên liên bác Phúc nói toàn lời tri kỷ. Mình là độc giả của nhau. Chuyện xưa Bá Nha và Tử Kỳ, người đánh đàn, người nghe nhạc. Anh thưởng thức qua đời, nhạc sĩ bèn đập vỡ cây đàn mà bỏ cuộc chơi. Bác đi rồi, ai người khích lệ. Lại thêm nhà tranh đấu Trần Bình Nam. Năm trước Giao Chỉ xuống quận Cam ra mắt sách. Có anh chị Nhã Ca Trần Dạ Từ tham dự. Cô Kiều Chinh nói đôi lối khích lệ. Rất cảm ơn thấy bà Chi Ray từ DC xuống ngồi cạnh ông Sơn từ San Diego lên. Cảm thông văn tài, ông viết bài nồng hậu giới thiệu chúng tôi. Một hôm có hai nàng độc giả của chàng nghe lời kêu gọi bèn gửi mỗi người mười đồng xin đọc văn Giao Chỉ. Anh Sơn ơi, văn chương thời nay nhờ anh, mình thu về được 2 chục, tình nghĩa biết chừng nào. Anh Trần văn Sơn, một đời đấu tranh không mệt mỏi mà ra đi sao hành trang nhẹ tênh. Các bạn cao niên của chúng tôi, anh Bích, anh Sơn và bác Phúc vừa tài giỏi vừa tử tế, nhưng xem ra có đức có tài, thiên hạ cũng có nhiều người. Quý vị đáng quý hơn người là có sản xuất. Các bạn suốt một đời phục vụ tha nhân. Thương cảm cho quý vị mà cũng thương cho chính mình. Ca dao có câu tuyệt vời. Thương người như thể thương thân. Mình là bạn văn nghệ, nhắc lại cho các ông nghe những câu thơ đặc sắc về thời gian. Bài thơ cỗ bài tam cúc của Hoàng Cầm. Cô em gái buồn khóc khi thấy chị bỏ nhà đi lấy chồng. Em đã ước mong rằng chị em mãi mãi còn lại tuổi thơ. Thơ rằng " Em đừng lớn nữa, chị đừng đi". Ta mong rằng mình đừng già thêm nữa, bạn đừng đi.
Năm 75 ở Đà Lạt cô Bích Tiên học trò đã làm bài thơ tuyệt vời về tuổi hoa niên và thời gian qua mau khi chị học lớp trên nói với em bé lớp dưới trên đường cùng đi học về. Bài thơ mà cụ Võ Phiến đã tìm ra để gọi thiệu với làng văn hải ngoại. Bài thơ nói với em lớp tám. Thơ rằng"...Sách trên tay chị nghe chừng nặng. Sao cặp em đầy vẫn nhẹ tênh. Thôi nhé em về con phố dưới. Giữ hoài cho chị tuổi hoa niên. Giữ mãi tuổi hoa niên. Ai mà chẳng muốn như vậy. Tôi nói chuyện với niên trưởng Nguyễn Khánh, ông nói thời kỳ tuổi đôi mươi "moi" ra lấy vợ Hà nội là đẹp nhất. Hỏi ông Cao văn Viên, ổng nói rằng lúc 20 tuổi tốt nghiệp trường huấn luyện viên thể thao là đời đẹp nhất. Ngay như mới hỏi niên trưởng Trần Thiện Khiêm, ông cũng nói rằng phải chi trở lại thời thiếu úy mới ra trường lúc chưa lấy vợ. Tựa đề một tác phẩm hay nhất có cả đầu sách Việt Ngữ, Anh ngữ và Pháp văn, các cụ có biết là gì không. Mãi mãi tuổi hai mươi. Vào cái tháng tư đau thương này, cả ba ông bạn tôi rủ nhau đi một lượt, làm sao tôi tổ chức tưởng niệm mỗi tuần một lần. Thôi đành gộp lại. Có xá gì bao nhiêu tri kỷ đến với nhau. Mãi mãi tuổi hai mươi, bây giờ thêm vào đó sáu mươi năm cuộc đời.Mãi mãi tuổi tám mươi. Các anh đi trước vui vẻ. Tôi ở lại vài năm quét dọn viện bảo tàng và giữ mãi tuổi hoa niên.Anh Bích, anh Sơn và bác Phúc. Thượng lộ bình an. Thôi nhé bạn về nơi chín suối, ta còn ôm mãi tuổi cao niên.
Giao Chỉ, San Jose.
--
Giao Chi San Jose. giaochi12@gmail.com (408) 316 8393
Giao Chỉ, SanJose City, VietMuseum, Book 1, 2 đã phổ biến, sẽ in 3, 4, 5 đến 12.
Một cuốn $10 Mua sách ghi IRCC 3017 Oakbridge Dr. San Jose CA 95121
Lịch sử ngàn người viết, tác giả ghi chép lại, giữ sách là giữ lửa cho mai sau.
.
.