BẢO LÃNH Ý TRUNG NHÂN TỪ VIỆT NAM SANG HOA KỲ.
NÊN BẢO LÃNH THEO DIỆN VỢ CHỒNG HAY DIỆN VỊ HÔN THÊ"
Hiện nay số thanh niên (và cả trung niên) về Việt Nam tìm ý trung nhân và bảo lãnh ý trung nhân sang Hoa Kỳ càng ngày càng nhiều. Việc bảo lãnh ý trung nhân sang Hoa Kỳ có thể tiến hành bằng hai cách: hoặc theo diện vợ chồng hoặc theo diện vị hôn thê (fiancée). Do đó nhiều người đã hỏi chúng tôi là thủ tục bảo lãnh diện vợ chồng và bảo lãnh vị hôn thê khác nhau thế nào và nên làm theo thủ tục nào thuận lợi hơn"
Để giải đáp chung cho quí vị về vấn đề nói trên, trong số báo hôm nay, chúng tôi xin trình bày về thủ tục bảo lãnh vợ chồng và bảo vị hôn thê khác nhau thế nào và những cái thuận tiện và bất tiện của hai diện bảo lãnh này.
1-Bảo lãnh theo diện vị hôn thê (fiancée):
Điều kiện căn bản để bảo lãnh ý trung nhân sang Hoa Kỳ theo diện vị hôn thê (fiancée) là người đứng bảo lãnh phải có quốc tịch Hoa Kỳ và đích thân phải gặp mặt người vị hôn thê trong khoảng thời gian hai năm trước khi nộp đơn bảo lãnh. Sự gặp mặt có thể thực hiện tại Hoa Kỳ, như trong trường hợp người vị hôn thê đang du lịch ở Hoa Kỳ, hoặc thực hiện ở Việt Nam trong trường hợp người đứng bảo lãnh về thăm Việt Nam.
Văn kiện căn bản để bảo lãnh vị hôn thê là đơn xin chiếu khán (visa) mẫu I-129F. Lệ phí nộp đơn là $95.00 đóng cho Sở Di Trú tại Hoa Kỳ.
2-Bảo lãnh theo diện vợ chồng :
Bảo lãnh theo diện vợ chồng không bắt buộc người đứng bảo lãnh phải có quốc tịch Hoa Kỳ mà chỉ có thẻ xanh cũng bảo lãnh được. Tuy nhiên đối với người có quốc tịch thì thời gian bảo lãnh sẽ nhanh hơn, tức khoảng một năm, còn đối với người chỉ có thẻ xanh thì phải chờ đợi khoảng bốn năm.
Văn kiện căn bản để bảo lãnh diện vợ chồng là phải có giấy hôn thú và nộp đơn xin chiếu khán di dân mẫu I-130. Lệ phí nộp đơn là $110.00 đóng cho Sở Di Trú Hoa Kỳ.
3-So sánh những thuận lợi và bất thuận lợi giữa hai diện bảo lãnh vợ chồng và vị hôn thê:
Thuận lợi của thủ tục bảo lãnh theo diện vị hôn thê (fiancée) là đương sự không phải lập hôn thú ở Việt Nam.
Xin lưu ý là việc lập hôn thú ở Việt Nam không phải giản dị, vì muốn về Việt Nam lập hôn thú, đương sự phải có công hàm và chứng chỉ độc thân, phải tổ chức đám cưới và tiến hành thủ tục đăng ký kết hôn và lập hôn thú tại đây. Làm các công việc này cũng phải tốn nhiều tiền bạc và thời giờ.
Do đó thời gian từ lúc gặp mặt ý trung nhân đến lúc đưa được ý trung nhân đến Hoa Kỳ theo diện vị hôn thê có thể nhanh hơn diện vợ chồng một phần nào.
Về lệ phí cho thủ tục cấp chiếu khán (visa) đóng cho Tòa Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ ở Việt Nam thì diện vị hôn thê phải đóng $45.00, còn diện vợ chồng đóng $395.00
Người vị hôn thê có thể xin chính phủ Việt Nam cấp giấy xuất cảnh (hoặc hộ chiếu) loại vị hôn thê hay loại du lịch đều được Hoa Kỳ chấp nhận, vì chiếu khán mà Hoa Kỳ cấp cho diện vị hôn thê (fiancée visa) và cho diện du lịch (tourist visa) đều thuộc loại chiếu khán phi di dân (non-immigrant visa). Người vị hôn thê được cho phép vào Hoa Kỳ trong thời hạn 90 ngày với mục đích rỏ rệt là để kết hôn với người đứng bảo lãnh mình.
Do đó, sau khi đến Hoa Kỳ người vị hôn thê phải kết hôn và lập hôn thú với người bảo lãnh và đến Sở Di Trú để xin điều chỉnh quy chế thành thường trú. Sau khi nộp đơn xin quy chế thường trú, người vị hôn thê (lúc này đã trở thành vợ chồng với người bảo lãnh) sẽ được cấp giấy phép làm việc và có thể xin thẻ an sinh xã hội và bằng lái xe.
Nếu bảo lãnh theo diện vợ chồng thì tuy lúc đầu phải mất thời gian làm đám cưới, lập hôn thú ở Việt Nam, nhưng sau khi đến Hoa Kỳ thì người vợ không cần phải đến Sở Di Trú để xin điều chỉnh quy chế, không cần phải xin giấy phép làm việc và có thể xin ngay thẻ an sinh xã hội và bằng lái xe, vì chiếu khán cấp cho diện vợ chồng là chiếu khán di dân (immigrant visa).
Tóm lại thì bảo lãnh theo diện vị hôn thê hay diện vợ chồng thì đều phải qua thủ tục kết hôn, chỉ khác nhau ở chổ kết hôn trước khi đến Hoa Kỳ hay kết hôn sau khi đến Hoa Kỳ mà thôi.
Diện vợ chồng thì phải kết hôn trước nên phải mất một thời gian để làm thủ tục này, do đó tính thời gian từ lúc hai người gặp nhau đến lúc đến Hoa Kỳ thì có thể chậm hơn diện vị hôn thê đôi chút, nhưng khi đến Hoa Kỳ thì đở vất vả hơn, vì có thể đi làm ngay, không phải lo kết hôn, không phải lo xin thẻ xanh và giấy phép làm việc như trường hợp diện vị hôn thê.
Trên đây là sự khác biệt về thủ tục giửa hai diện bảo lãnh. Nhưng đối với hoàn cảnh cá nhân và ảnh hưởng của đời sống ở Hoa Kỳ đối với người đến Hoa Kỳ theo diện vợ chồng và người đến Hoa Kỳ theo diện vị hôn thê có gì khác biệt quan trọng không " Chúng tôi sẽ trình bày với quý độc giả khía cạnh này trong kỳ báo kế tiếp.
PHẦN GIẢI ĐÁP CÁC CÂU HỎI :
Câu hỏi 1: Xin cho biết là những đứa con của người vị hôn thê của tôi có được cùng đi với mẹ chúng nó sang Hoa Kỳ không"
Đáp : Những đứa con độc thân dưới 21 tuổi của người vị hôn thê có thể cùng đi với mẹ chúng nó sang Hoa Kỳ. Sau khi đến Hoa Kỳ, mổi đứa con sẽ làm riêng một hồ sơ xin điều chỉnh quy chế di trú. Nếu người mẹ được bảo lãnh sang Hoa Kỳ theo diện vợ chồng, thì người đứng bảo lãnh phải thiết lập hồ sơ riêng biệt cho vợ và cho mỗi đứa con.
Câu hỏi 2 : Xin hỏi là các con riêng của vợ tôi khi được tôi bảo lãnh để cùng đi Hoa Kỳ thì chúng nó có bị giới hạn về số tuổi không "
Đáp : Có, trong trường hợp ông bảo lãnh chúng nó theo diện trực hệ (IR) thì chúng nó phải dưới 18 tuổi khi ông lập hôn thú với mẹ chúng nó.
Quý độc giả quan tâm đến việc bảo lãnh thân nhân muốn có thêm tin tức cập nhật, xin theo dõi qua báo chí hay đón nghe chương trình phát thanh của chúng tôi vào mỗi tối thứ Tư từ 7PM, thứ Sáu từ 5PM, sáng thứ Bảy từ 0 giờ 30AM và mỗi trưa Chủ Nhật từ 11:30AM, trên các làn sóng 1430AM, 1500AM và 106.3FM. Hoặc quý vị liên lạc với một trong những văn phòng Robert Mullins International gần nhất: Westminster: (714) 890-9933 , San Jose (408) 294-3888, Oakland-San Francisco: (510) 238-8830 , Sacramento (916) 257-6550 hay qua Email: info@rmiodp.com