(Lời tâm tình: Bài viết về “Sử Việt” chỉ khái quát, không đi sâu từng chi tiết của mỗi nhân vật. Cuối mỗi bài viết, phần “Thiết nghĩ” nếu có chỉ là góp ý của tác giả, không ngoài mục đích làm sáng tỏ thêm về nội dung đã biên soạn. Trang Sử Việt luôn mong mỏi nhúm nhen tình tự dân tộc, niềm yêu thương quê hương và giữ gìn Việt ngữ cùng văn hóa Việt. Trang Sử Việt đăng trên Vietbao Online thứ Ba và thứ Năm).
________________
.
CHÚA NGUYỄN: NGUYỄN PHÚC CHU
.
(1675 - 1725)
.
Nguyễn Phúc Chu là con chúa Nguyễn Phúc Trăn, tài kiêm văn võ. Nối ngôi chúa năm 1691 (17 tuổi), ông sùng đạo Phật, xưng chúa hiệu là “Thiên Túng đạo nhân”, gọi là Quốc Chúa hay Chúa Minh là chúa thứ 6 ở Đàng Trong.
Quốc Chúa quan tâm chiêu hiền đãi sĩ, cho xây dựng hàng loạt chùa miếu, Quốc Chúa cho thương thuyền Tây phương ra vào buôn bán, trao đổi hàng hóa bán buôn nhộn nhịp.
.
Về võ bị, chúa chủ trương theo kỹ thuật và huấn luyện binh sĩ như người Tây phương, nhờ tiếp thu về khoa học kỹ thuật tân tiến nên quân đội hùng mạnh.
Về văn hoá, xã hội, chúa Nguyễn Phúc Chu đã đặt ra kỳ thi Văn chức và thi Tam ty để kiểm tra khả năng của các quan lại đang tại chức, nhằm mục đích trọng người hiền tài giúp dân, giúp nước. Chúa đã cho tham khảo văn hóa Bắc Hà rồi biến cải, sửa sai để người dân rời Bắc Hà nay lại được sử dụng với cái mới vững chãi đầy hứa hẹn ở vùng đất phía Nam trù phú và nhân hoà.
.
Mở mang bờ cõi: Năm 1692, vua Chiêm là Bà Tranh gây hấn ở phủ Diên Ninh, chúa cử Cai Cơ Nguyễn Hữu Cảnh đánh dẹp, nhân đấy đổi nước Chiêm làm trấn Thuận Thành, đến năm 1697, đặt phủ Bình Thuận (Phan Rang, Phan Rí).
Năm 1698, Chúa cử Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam, lấy xứ Lộc Dã (Đồng Nai) làm huyện Phước Long, lập dinh Trấn Biên (Biên Hòa), lấy xứ Sài Côn làm huyện Tân Bình, lập dinh Phiên Trấn (Gia Định). Mỗi dinh đều đặt quan cai trị và định thuế khóa. Năm 1702, công ty Ấn Độ của Anh do Allen Catchpole đem 200 quân và 8 chiếc thuyền đến chiếm đảo Côn Lôn. Chúa cử Trấn Phủ dinh Trấn Biên là Trương Phúc Phan đánh tan quân Anh, lấy lại Côn Đảo.
Năm 1701, Chúa cử Hoàng Thần qua nhà Thanh (Tàu) cầu phong, muốn tách riêng miền Nam thành một nước độc lập nhưng không thành.
Năm 1708, Mạc Cửu người Quảng Đông không phục nhà Thanh, di cư sang Chân Lạp, được vua Chân Lạp cho dung thân. Mạc Cửu khai hoang lập được 7 xã ở Hà Tiên. Sau đó, bị quân Xiêm sang quấy phá, Mạc Cửu đem đất đó xin quy thuận Quốc Chúa. Chúa phong Mạc Cửu chức Tổng Binh, trấn giữ Hà Tiên.
.
Năm Kỷ Sửu (1709), Chúa cho đúc Quốc bảo, là ngọc ấn khắc chữ: “Đại Việt Nguyễn Chúa Vĩnh Trấn Chi Bảo”.
.
Quốc Chúa mất năm 1725, hưởng thọ 50 tuổi. Tâm tư của chúa như bài “minh” mà chúa đã viết trên chuông đồng tại chùa Thiên Mụ đúc vào năm 1710: “Duy nguyện phong điều vũ thuận, quốc thái dân an, pháp giới chúng sinh đồng viên chủng trí” (Nguyện cầu gió hòa mưa thuận, nước thịnh dân an, chúng sinh trong pháp giới đều được vẹn toàn trí tuệ).
.
*- Thiết nghĩ: Chúa Nguyễn Phúc Chu là người có tầm nhìn xa hiểu rộng, trong công cuộc xây dựng và phát triển xứ Đàng Trong, Quốc Chúa mong muốn thoát khỏi lối cai trị cổ hũ của Tàu không còn phù hợp với thời đại nữa, mà thời Lê sơ lại sử dụng, vì nó đã kìm hãm sự phát triển kinh tế và xã hội của nước nhà. Quốc Chúa không phải cát cứ miền Nam đơn thuần vì lợi ích của mình, mà còn mong mỏi muốn thực thi những chính sách mở rộng đất đai cho bờ cõi bền vững, với hy vọng gần là Đàng Trong không bị Lê-Trịnh khống chế. Và xa hơn, là nước Việt thoát khỏi nguy vong, bởi quân xâm lược Đại Hán luôn rình rập cương thổ của ta.
.
Về văn hóa, xã hội và chính trị, chúa đã hài hoà uyển chuyển dung nhập từ Bắc Hà, đem biến cải, sửa sai để thích ứng với đời sống Đàng Trong. Rồi cho áp dụng thực tiễn vào đời sống nhân dân mà họ đang hoài tưởng, nuối tiếc, vì tổ tiên của họ đã sống lâu đời ở Bắc Hà. Nay được an ủi với những điều mới mẻ, vững chắc đầy hứa hẹn ở vùng đất phương Nam trù phú và ấm áp, trong một cơ chế nhân trị ổn định. Về quân sự, Chúa không muốn theo binh pháp cổ điển của Tàu, mà lại dùng binh chế tân tiến của Tây phương để huấn luyện binh sĩ, nhờ vậy mà quân đội đã được tổ chức thành một lực lượng hùng mạnh. Nhìn chung, Quốc Chúa có công đức sâu dày, rất xứng đáng để đời sau noi gương.
.
Cảm phục: Quốc Chúa
.
Tạc ghi Quốc Chúa, ở Đàng Trong
Nhân trị, muôn dân cảm kích lòng!
Trong nước thanh bình, yên ổn sống
Lân bang giao ước, thuận hoà trông!
.
Nguyễn Lộc Yên
.
.
Gửi ý kiến của bạn