Tuy nhiên, “Bây giờ chúng tôi chưa thể nói được gì. Bởi vì còn quá nhiều việc chưa được giải quyết hoặc chờ ý kiến của bề trên” - linh mục Hồ Văn Xuân, trưởng ban trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn, nói.
Theo lời linh mục Hồ Văn Xuân, cho đến nay công việc kiểm định các hạng mục do Công ty cổ phần Kiểm định xây dựng Sài Gòn thực hiện vẫn chưa dứt điểm. Bên cạnh đó, đơn vị quản lý dự án là Công ty Artelia, trụ sở chính tại Pháp, sau khi khảo sát nhà thờ, đã đề nghị trùng tu đồng bộ công trình:, mái ngói, tháp chuông tường, điện nước, âm thanh ánh sáng, hệ thống phòng cháy chữa cháy và thông gió.
TTO dẫn ý kiến các chuyên gia, cho biết nóc nhà thờ là bộ phận bị hư hỏng nặng nhất và cần phải trùng tu toàn bộ tháp, mái và khung. Tháp đã quá rệu rã, âm thanh khi đánh chuông cũng đủ gây chấn động, thậm chí khi gió, mưa lớn có thể xảy ra rớt những tấm tôn từ mái chuông xuống đường…
Hiện nay các vùng mái ngói bị bể nhiều, gây dột nặng khi trời mưa ảnh hưởng rất lớn đến nhà thờ. Không chỉ vậy, việc bị mưa dột khiến tường nứt, gạch mục bể, các đà bằng thép gỉ sét và la-phông nhà thờ cũng bị ảnh hưởng nặng. Thậm chí có nơi nhà thờ phải tạm dùng tôn nhựa thay thế mái ngói vì bị bể quá nhiều.
Trong suốt lịch sử tồn tại, mái nhà thờ đã được sửa chữa, chống dột nhiều lần. Hiện nay vùng mái ngói chính của nhà thờ có khoảng 6 loại ngói khác nhau, mà nhiều nhất là ngói Phú Hữu (ở quận 9 Sài Gòn hiện nay). Số lượng ít hơn là ngói Đồng Nai và ngói Wang Tai-Saigon. Và riêng số ngói nhập từ Pháp về khi cất nhà thờ (do hãng Marseille St. André France sản xuất) thì chuẩn mực cao hơn nhưng hiện còn lại chỉ có 4,900 viên.
TTO nhấn mạnh là hầu hết các loại ngói nói trên hiện nay không còn sản xuất nữa. Đặc biệt là phần ngói âm dương, loại ngói Việt Nam 100% từ xa xưa, nay không còn nơi nào sản xuất. Để có ngói thay thế, chắc chắn người ta phải đặt một số nhà máy sản xuất và tất nhiên như vậy giá cả không rẻ lắm.
Ngoài phần nóc nhà thờ cần được trùng tu cấp bách - nếu để chậm mái nhà thờ có thể bị... sập, còn vài hạng mục đáng chú ý khác rất cần được trùng tu dù không cấp bách nhưng cũng không thể để chậm nữa. Như về tường nhà thờ, các chuyên gia đã đề nghị trám trét lại những phần gạch bị bong tróc bằng cách dùng gạch cũ xay ra làm hồ trét, đồng thời cần làm sạch những chỗ bị viết, vẽ lem luốc.
Theo TTO, công trình trùng tu nhà thờ kéo dài trong bao lâu, đơn vị nào thi công và tốn chi phí bao nhiêu vẫn là câu hỏi chưa có lời đáp từ phía ban trùng tu nhà thờ Đức Bà Sài Gòn.
Riêng về việc vận động quyên góp cho quỹ trùng tu nhà thờ, linh mục Hồ Văn Xuân cho biết hiện nay Tòa tổng giám mục giáo phận Sài Gòn chỉ có chủ trương quyên góp trong nội bộ tu sĩ và giáo dân chứ chưa có chủ trương mở rộng ra các tầng lớp khác. Việc quyên góp “nội bộ” đợt 1 này kéo dài từ đầu tháng 9 tới ngày 31-12-2015.
TTO nhận định xưa nay nhà thờ Đức Bà Sài Gòn không chỉ là “tài sản” của giáo hội mà còn là tài sản chung của mọi người Việt, đặc biệt là người Sài Gòn. Bởi nhà thờ không chỉ là nơi người Công giáo đến làm lễ, cầu nguyện mà nơi đây còn là một biểu tượng của Sài Gòn, một địa chỉ du lịch cho cả người dân trong nước lẫn khách nước ngoài khi đến thăm Sài Gòn. Do đó, việc đóng góp “mỗi người một chút” để bảo vệ di tích này đứng vững thêm một hai trăm năm nữa là điều cần và nên làm.
- Từ khóa :
- Sài Gòn
- ,
- Pháp
- ,
- Nhà Thờ Đức Bà
Gửi ý kiến của bạn