Hôm nay,  

Tình Bậu Muốn Thôi

08/10/201500:00:00(Xem: 13989)

Tác giả: Mimosa Phương Vinh
Bài số 3639-18--30129vb4100715

Tác giả từng nhận giải Vinh Danh Tác Giả Viết Về Nước Mỹ 2013. Cô định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O. đầu thập niên 90, cư dân Berryhill, Tennessee, làm việc trong Artist room của một công ty Mỹ. Sau đây là bài viết mới nhất.

* * *

Cô ngoài ba mươi tuổi. Đến Hoa Kỳ năm mới lên hai nên chẳng gặp khó khăn gì trong vấn đề giao tiếp ở xã hội Mỹ. Ở nhà cha mẹ nói tiếng Việt, ăn cơm bữa nào cũng có nước mắm cho nên khi có dịp gặp người Việt Nam cô không có gì phải e ngại về ngôn ngữ. Cô là một người phụ nữ đầy tự tin vì được sinh ra trong một gia đình đàng hoàng, cha mẹ tuy không phải là đại trí thức nhưng cũng là người có học.

Cha cô trước kia là Giáo Sư dạy toán ở những trường Trung Học Sài Gòn, ông từng nhập ngũ và được biệt phái về dạy tại một trung tâm quân sự. Ông dân Bắc Kỳ di cư thuộc dạng đẹp trai, ăn nói nhỏ nhẹ, ngọt ngào (con kiến trong tổ nghe ông nói cũng vội bò ra). Mẹ là cô giáo Tiểu Học người miền Nam, tính tình ngay thẳng. Bà tuy không đẹp như các nàng hoa hậu chân dài ngày nay nhưng nghe đâu cũng là hoa khôi từng làm điêu đứng lắm chàng trồng cây si thuở nọ.

Ông bà kết hôn với nhau cha mẹ hai bên không có chi phải than phiền, mà họ hàng làng nước không phải mất công vì lời ra tiếng vào, ong ve này nọ. Nói tóm lại đó là một cuộc hôn nhân hoàn chỉnh. Ông bà có với nhau ba người con, chị cô sinh trước 75 và cô cùng thằng Út sinh sau này.

Số là khi người ta từ miền Bắc vào giải phóng cho miền Nam thoát khỏi sự phồn vinh giả tạo của Mỹ Ngụy để trở thành người cùng đinh, phá sản thì cha cô cũng được nhà nước khoan hồng cho đi tù mất năm năm. Thuở đó hầu hết những tinh hoa của Miền Nam đều được chiếu cố một cách tận tình dưới mái trường cải tạo của xã hội mới. Cải tạo cái gì thì thượng đế nhìn xuống phải vội nhìn lên che mặt lắc đầu (!) May nhờ anh em bên ngoại có người đi di tản qua Mỹ trước Ba Mươi Tháng Tư gởi quà cáp, tiền bạc về tiếp tế nên mẹ cô cũng tránh được cảnh đầu đường xó chợ và cha cũng có cái ăn trong khám.

Khi cha đi tù về, cô được sinh ra vì cha muốn có một đứa con trai để nối dõi tông đường, tự thâm tâm ông vẫn tự hào mình là người đàn ông vốn hào hoa, phong nhã mà không có con trai để truyền lại những tinh túy của mình thì thật là một điều thiếu sót lớn lao. Tuy mơ ước chưa thành nhưng chẳng vì thế mà ông không thương yêu đứa con gái không chờ đợi là cô. Trái lại ông rất mực cưng chiều cô. Đã nói cha cô là người đàn ông rất tốt với vợ con, ông chưa bao giờ phản bội mẹ dù đôi khi cái bề ngoài bắt mắt và lối ăn nói dịu dàng, hấp dẫn của ông làm cho nhiều phụ nữ ưa thích. Mẹ cô ghen tuông mệt nghỉ, nhưng nói nào ngay đó cũng chỉ là lối ghen tuông bóng gió không bằng, không cớ.

Mẹ hay nói:

- Tính em ngay thẳng lắm! Khi nào anh thương yêu cô nào cứ nói thật một tiếng là em cho đi ngay.

Cha đùa:

- Dại gì mà nói thật cho tan nhà nát cửa.

- Nếu anh gian dối mà em bắt được thì em cũng bỏ anh ngay lập tức. Đến với nhau bằng sự thành thật thì khi muốn ra đi cũng phải thành thật chứ!

Chỉ mới nói đùa mà mẹ đỏ mặt tía tai như cha đã thật sự có cô nào rồi! Cha nhìn con cái le lưỡi và chị em cô được một phen cười đau bụng nhất là thằng Út.

Thằng Út nhỏ hơn cô năm tuổi nó được sinh ra khi gia đình cô được bên ngoại bảo lãnh qua Mỹ. Như vậy mẹ đã tròn bổn phận làm vợ vì con gái, con trai đều có. Người mình hay nói có nếp, có tẻ cả nhà mới vui.

Nhà cô thật vui tươi hạnh phúc. Cha đi diện bảo lãnh nên qua Mỹ tương đối sớm hơn các bạn tù khác. Cha được đi học lại chút đỉnh nên sau vài năm đã kiếm được việc làm lương kha khá lương mà lại nhẹ nhàng nữa. Mẹ cũng may mắn được các dì đưa vào một hãng làm mỹ phẩm. Chỉ trong vòng hơn mười năm cha mẹ đã có ngôi nhà nho nhỏ xinh xắn và gả chồng cho chị cô. Nhưng mẹ cô không ngừng ở đó.

Khi chị cô có con hay đưa chúng về nhà chơi thì mẹ muốn mua ngôi nhà to hơn cho các cháu tha hồ chạy nhảy. Không ai cản mẹ làm chi vì trong thâm tâm ai cũng muốn có nhà to, nhà đẹp. Hơn nữa, mẹ làm ăn rất chăm chỉ và sử dụng tiền bạc hợp lý, hợp tình. Ai ai cùng đều khen cha có phước mới được một người vợ như mẹ. Riêng cô thì thấy rằng mẹ có phước mới có ông chồng như cha. Ông hiền lành, yêu vợ thương con và chịu khó lo việc trong nhà sau khi ở sở về. Khi con cái còn nhỏ ông hay đưa con đi chơi đây đó, ông là người có kiến thức rộng nên ít khi lúng túng trong đời sống khá phức tạp trên xứ người. Còn mẹ cô thì chỉ lo làm ra tiền, nấu nướng và trang trí nhà cửa. Mẹ sạch sẽ, gọn gàng nên dù đã quá sáu mươi mà trông còn trẻ chán.

Người người đều khen cha mẹ quá đẹp đôi, đi đâu cũng có nhau như hình với bóng và chị em cô rất hãnh diện vì điều đó. Chị cô có người chồng khá tốt nhưng chị hay phàn nàn chồng mình không chăm chỉ như cha, đi làm về là ngồi xem Tivi chẳng thèm giúp vợ con chi cả. Tiền bạc thì tốt nhưng việc nhà thì không. Cô lại nghĩ chị cô không bằng mẹ, nhà cửa không ngăn nắp có hai đứa con mà luôn miệng than thở, luôn kêu gọi mẹ đến giúp đỡ này nọ. Một tay mẹ quán xuyến đủ thứ trong gia đình cô mà có phàn nàn chi đâu.

Chị cô nói:

- Mẹ không than là vì có cha tiếp tay. Em lấy chồng đi rồi biết, con đau con ốm chỉ một mình chị, ảnh ngủ ngáy khò khò vô tư như con nít.

Cô cười:

- Hồi nhỏ em đau khóc giữa đêm, mẹ nói đừng khóc to quá để cha ngủ vì ngày mai ổng còn đi làm con à!

Chị cô chì chiết:

- Sao mầy không đi lấy chồng đi mà nói giọng thầy khôn. Ai có ở trong chăn mới biết chăn có rận em ạ!

Ừ, thì cho là vậy!

Cô chưa lấy chồng dù đã quá ba mươi, không phải chẳng ai cần cô mà bởi vì cô chưa thích. Cô thuộc loại phụ nữ sống thiên về tinh thần đôi chút dù bên ngoài cô cũng giống mọi người con gái khác về lối ăn mặc hay hành xử. Cô có bạn trai, có nhiều người theo đuổi hay đề nghị hôn nhân, tuy nhiên với ai ai cô cũng giữ một giới hạn vừa phải nghĩa là không vồn vã cũng không lạnh lùng dù họ có ra sao đi nữa. Cao lùn, giàu nghèo, học thức cao hay tệ, đấu hót cả ngày hay im lìm, trầm lặng. Tất cả là bạn cô không hơn, không kém. Cô như thế từ lâu lắm rồi cho nên có nhiều anh đã bỏ cuộc để đi lấy vợ hay lao vào một mối tình say đắm nào khác. Tuy nhiên thiên hạ có câu “Con cá trong lờ đỏ lơ con mắt/ Con cá ngoài lờ ngúc ngoắc muốn vô!”

Bởi vì tất cả mọi người đều có quyền nghĩ rằng mình cao tay ấn hơn kẻ khác, thế nên cô vẫn tiếp tục có nhiều người theo đuổi xung quanh.

Dĩ nhiên cha mẹ cô cũng nóng ruột vì cô, dù gì cũng ngoài ba mươi rồi. Ngày xưa ông bà hay nói: trai ba mươi tuổi còn son, gái ba mươi tuổi đã toan về già. Ngày nay thì dù sáu mươi đàn bà cũng còn trẻ chán. Cha mẹ cô cũng biết thế nhưng lo lắng cho con thì cũng đúng mà thôi. Nói xa nói gần sợ con mình thật thà không hiểu nên một ngày kia sau khi cha mẹ bàn cãi, phàn nàn gần cả một buổi sáng (lúc cô không có ở nhà) và khi cô vừa bước về là mẹ vội lên tiếng:

- Con đi đâu từ sáng giờ?

Cô hơi ngạc nhiên trả lời:

- Con đã xin mẹ đi chạy Marathon với Andrew mà, chạy để giúp trẻ con bị cancer ở Saint Jude Hospital đó!

- Ờ há, mẹ quên mất. Mà mẹ thấy thằng Andrew cũng được đó. Quen nhau đã lâu sao con không tính chuyện lâu dài đi, mẹ với cha cũng vừa nói về con, cũng hơn ba mươi rồi còn sanh đẻ nữa con ạ! Bằng tuổi con …

Cô tiếp lời:

- Mẹ đã tay bồng tay mang, đầu tắt mặt tối chứ đâu phải như con bây giờ phải không? Mà mẹ ơi, ai bắt mẹ khổ như vậy?

- Thì đó là kiếp con người mà, con gái lớn lên phải lấy chồng có con chứ. Sống như con thiên hạ cười cho, họ nói vô duyên không ai rước.

- Mẹ lúc nào cũng sợ thiên hạ cười, không ai thèm rước thì con ở với mẹ có sao đâu.

Mẹ rưng rưng nước mắt, cha vội nói:

- Mẹ nói không vô lý đâu con ạ! Dù gì con cũng nghĩ đến tương lai một chút. Con người sinh ra lớn lên phải lập gia đình có con cái đời sống mới thăng bằng được. Còn nếu ai chọn đời sống tu hành thì đó là một việc khác con ạ!

Cô trả lời thật dịu dàng nhưng không kém phần cương quyết:

- Xin cha mẹ cho con được lựa chọn lối sống cho mình. Con cảm thấy vui vẻ với cuộc sống hôm nay, con chưa muốn lập gia đình vì chưa thấy một tiếng gọi thiêng liêng nào cả. Xin cha mẹ hiểu cho.

Cha cô nhìn cô với một thoáng ngạc nhiên và ông hiểu là không nên nói thêm gì nữa cả. Nhưng mẹ cô thì không thể im lặng, bà cười khẩy:

- Tiếng gọi thiêng liêng à! Các cô bây giờ sao lắm chuyện quá. Ngày xưa chúng tôi không rắc rối như vậy. Thấy đám nào được là chúng tôi bằng lòng chứ cứ đứng núi này trông núi nọ thì làm sao chịu thấu với các cụ nhà.

Cô cười:

- Nhưng tại sao mẹ chịu lấy cha mà không chịu người khác, nghe nói mẹ cũng có nhiều người theo đuổi lắm mà!

- Ừ, thì tại mẹ thấy cha con được hơn mấy người kia thì mẹ bằng lòng.

- Được là được làm sao? Chẳng qua mẹ có thích, có cảm giác với cha thì mẹ mới chịu chứ! Không thích làm sao mà ưng thuận được chứ.

- Ngó bộ con không bao giờ thích ai trong mười mấy năm qua sao? Kén quá thì chỉ có nước ở giá thôi con ạ!

- Thì có sao đâu, đời này đâu phải ai cũng có chồng đâu.

Mẹ cô giẫy nảy như đỉa phải vôi:

- Thôi đừng có nói xui nghe!

Cha cười rồi nói qua chuyện khác:

- Tối nay mình đi đám cưới con anh chị Hoàng đó, em có nhớ không?

- Chết rồi! Em quên mất nên đã hứa lên trông con Wendy cho vợ chồng con Huyền đi nghe nhạc.

Cha cau mặt lại:

- Wendy, quen điếc gì. Chúng nó có con phải giữ chứ, Thứ bảy tuần trước đã nhờ em giữ cả ngày rồi.

Mẹ nhỏ giọng:

- Anh sao lạ vậy, con cháu mình chứ phải ai đâu. Với lại chúng nó cũng biết điều, tiền bạc biếu xén hẳn hoi mà anh. Anh sao bây giờ đổi tính như vậy.

Cha bỗng to tiếng làm cô vô cùng ngạc nhiên:

- Tôi thay đổi hay em thay đổi nghĩ lại đi. Con có phần con, cháu có phần cháu, muốn đi chơi thì gọi babysitter. Dễ quá mà vì tụi nó có tiền, tôi đi đám cưới một mình bao nhiêu lần rồi mình có nhớ hay không?

Mẹ cũng lớn tiếng:

- Đi một mình thì chết ai, đi với nhau mấy chục năm chưa đủ sao, tiền của con là tiền của mình. Bắt chước người Mỹ, mỗi chút mỗi gọi babysitter thì có nước ra ngoài đường mà ở. Với lại có bao giờ tụi nó cướp công mẹ đâu mà anh la lên như vậy! Tụi nó trả tiền mà.

Cha lắc đầu chán ngán:

- Thôi đủ rồi, mẹ mầy đừng nói chuyện tiền bạc ở đây. Đến bây giờ chuyện tiền bạc cho qua một bên đi. Anh còn đi làm nghĩa là còn tiền, em còn đi làm – mà còn làm overtime nữa - nghĩa là còn tiền. Con Kim (chính là cô) thằng Út ở trong nhà cũng đi làm nghĩa là có phụ giúp cha mẹ tiền bạc. Em còn muốn gì hơn, thôi đủ rồi, lo mà hưởng hạnh phúc gia đình đi. Tiền có Bank giữ, cháu có cha mẹ nó giữ. Con cái có đời sống của nó, chúng ta có đời sống của nhau.

Mẹ phân trần với cô:

- Bây giờ cha làm sao ấy, so bì như vậy vợ chồng chị con nghe được buồn chết đi được. Mẹ chỉ muốn giúp chị con thôi, hà tiện cho nó đồng nào mẹ mừng đồng ấy. Mẹ đi làm overtime thì cũng để giúp thêm gia đình mà cha con cũng khó chịu, gặp người vợ ăn chơi bài bạc ông phàn nàn cũng cho cam. Mà hồi xưa giờ ổng đâu có chướng ách như vậy chớ.

Cô nói với mẹ mà như nói với chính mình:

- Ai cũng có thay đổi cả, tại mẹ không biết đó thôi.

Cô nói xong thì bỏ lên lầu, mẹ cô nói vói theo:

- Con nói gì mẹ không hiểu?

- Nếu mẹ hiểu thì đã không có sự cãi cọ này.

Nếu mẹ cô hiểu.

Một ngày nào đó mẹ kêu cô lại và nói:

- Mấy chục đôi giầy của mẹ đó con thích đôi nào thì lấy đi không thôi mẹ cho hội từ thiện Vietnam Veterans hết.

Cô ngạc nhiên:

- Tại sao vậy, mẹ còn đi tiệc tùng mà.

Mẹ giải thích:

- Già rồi tiệc tùng gì, mẹ chỉ giữ vài đôi thấp thôi để đi chợ còn giầy cao không dùng nữa. Tại cha con cao nên mẹ phải mang chúng cho dễ coi, chứ đi một mình mang giầy cao làm chi cho mỏi chân.

- Nghĩa là mẹ không muốn đi với cha ra đường nữa sao?

- Không phải vậy, nhưng bây giờ không đi với nhau thường xuyên như trước thì giữ nhiều làm chi cho chật nhà. Mà sao con hỏi rắc rối vậy, không cần thì thôi.

Mà cô không cần thật, cô giống cha nên cao kều. Cô quan niệm mình cao quá rồi, con gái Việt Nam một mét bảy thì con ức hiếp chi mà mang giầy cao gót cả tất. Mẹ cô thấp, mang giày cao là đúng còn cô có đi thi hoa hậu đâu mà làm khổ tấm thân, cô kỵ nhất là cao chồng ngồng giữa những người nam có chiều cao trung bình hay hơi thấp. Đó quan niệm của riêng cô mà thôi, thật ra có người còn lấy sự cao lùn của con người làm đề tài giểu cợt. Đó là quyền của họ dù là cái quyền không đáng khen chút nào. Cô nhớ hoài lời của cô giáo thời còn tiểu học:

- Đừng giểu cợt người khác vì những điều mà họ không thể tự thay đổi được như lùn cao, đui què sức mẻ hay tật nguyền. Vì họ đã đến cuộc đời này như thế và phải đi cho hết cuộc đời này với những gì họ đang có.

Thế là mẹ cô cho hết giầy cao gót của mình.

Có hôm mẹ đang lúi húi nấu nướng cha từ đâu bước ra mon men bên mẹ:

- Em nấu gì mà thơm thế?

Cha vừa nói vừa đặt tay lên vai mẹ và hôn lên mái tóc người. Những hành động âu yếm vợ chồng đó cô đã chứng kiến hàng ngàn, hàng trăm lần từ khi cô làm con cha mẹ. Chuyện đó rất thường. Phản ứng của mẹ là mỉm cười, phản ứng của cô là vô tư với công việc của mình như chẳng có gì quan trọng. Tuy nhiên lần này sự việc xảy ra hơi bất ngờ một chút, mẹ hất tay cha ra:

- Em đang nấu phở. Anh coi ra sau hái cho em một ít rau quế.

Cha ôm vòng thân thể bé nhỏ của mẹ vừa cười, vừa nói:

- Thưa em vâng ạ!

Mẹ vội quay lại nhìn cha nghiêm giọng:

- Con Kim nó cười cho, con cái lớn rồi mà anh làm gì kỳ vậy chứ.

Thấy cha hơi quê ngó mình nên cô xen vào:

- Con không cười đâu, chuyện nhỏ mà.

Cha cô nhún vai rồi bỏ ra sau vườn.

Rồi việc đó tiếp diễn hàng ngày. Mẹ đang ngồi xem Tivi thấy cha xà tới là mẹ tìm cách đi chỗ khác. Cha vừa có hành động nào âu yếm là mẹ vội lảng tránh khi thì dịu dàng, khi thì cương quyết còn cha thì chỉ cười trừ hay bẽn lẽn bỏ đi. Mẹ không còn hào hứng đi ra ngoài đường với cha nữa.

Cha đề nghị lâu lâu đi ăn ngoài một bữa thì mẹ viện cớ rằng tốn tiền và nhà hàng bỏ nhiều bột ngọt sẽ có hại cho sức khỏe. Cha mời đi xem phim thì mẹ nói ở nhà xem phim nào chẳng có đi làm chi cho mất công trang điểm, thay áo quần. Cha mời mẹ đi đến nhà bạn để gặp bạn bè xưa từ tiểu bang khác đến thì mẹ nói cha cứ đi một mình, mẹ phải ở nhà chờ Wendy, Henry đến vì chị Huyền phải đi thăm người bạn bị bệnh… vân vân và vân vân. Nghĩa là mẹ nêu nhiều lý do để từ chối cha, những lý do mẹ chưa từng đưa ra trong những ngày tháng trước thuở tình còn nồng.

thuở tình còn nồng. Cô bắt chước theo ngôn ngữ một bài hát Việt mà cô hay nghêu ngao từ lâu. Thật ra cô không nghĩ là tình cha mẹ cô hết nồng nàn mà đang có sự thay đổi nào đó. Mẹ không thể có người yêu mới vì mẹ quá bận rộn với công việc nhà, sở, cháu ngoại và nhất là chạy theo đồng tiền. Chạy theo đồng tiền cùng chẳng có gì xấu nhưng chạy gắt quá thì làm mình mệt và bỏ đi mọi thứ. Mẹ chạy theo thời gian mệt nghỉ. Đi làm overtime, đón cháu, đi chợ, nấu nướng và mang giầy nike cho dễ chạy, bỏ trang điểm cho khỏi mất thì giờ và nhất là bỏ mặc cha. Bỏ mặc ông chồng ưa mơ mộng vẽ vời, ưa lăng xăng ve vãn, nịnh đầm. Những cá tính của cha mà trước kia từng làm mẹ ngất ngây mê mệt, mẹ hay tự hào tâm sự, kể lể cùng bạn bè đến nổi họ không thèm nghe vì chán quá. Mẹ bèn về nhà nói với cha:

- Bạn em ganh tị, đố kỵ khi nghe em nói về anh.

Cha cười hì hì:

- Em không biết mấy bà chỉ thích nghe chuyện xấu về chồng của nhau sao?

Vậy là mẹ không cần bạn nữa vì mẹ đã có cha rồi. Vậy đó, thuở tình còn nồng như vậy đó mà bây giờ thì như thế này.

Cha lủi thủi làm vườn, dọn hồ bơi, xem tivi, đi làm rồi đi chơi một mình. Cô tin chắc cha cô đơn dữ lắm nhưng trong giới hạn một người con, nhất là con gái cô chẳng thể làm gì hơn cho cha vui ngoài lòng ái ngại và thương hại. Cô nghĩ có lẽ cha cũng sẽ quen đi với đời sống đó. Bao nhiêu người đói khổ nghèo nàn cũng phải quen đi với đời sống khốn cùng của mình huống chi cha là một người đàn ông khá thành công trong sự nghiệp cũng như gia đình.

Và cha đã quen với cuộc sống theo chiều hướng thay đổi của mẹ. Cha chấp nhận đời sống của một người chồng hiền lành và luôn luôn yêu vợ, thương con. Ông chăm chỉ đi làm, về nhà thu dọn vườn tược, xem sách, xem phim, không còn to tiếng hay rề rà làm phiền mẹ nữa. Ông dịu dàng giúp đỡ mẹ nhưng không dám tình tứ với mẹ nữa. Mẹ muốn đi làm Overtime bao nhiêu cũng được, đi giữ cháu cả Thứ bảy đến Chủ nhật cũng xong. Gia đình cô trở lại với đời sống hạnh phúc xưa rồi, được tự do làm theo ý mình mẹ cười hạnh phúc. Cha không còn càu nhàu, than phiền, ông đi chơi, đi đám cưới một mình. Thỉnh thoảng còn hát ca vui vẻ. Cô và thằng Út cũng đỡ đau đầu vì cha mẹ trở nên thuận thảo, lịch sự với nhau hơn.

*

Henson nói muốn ăn phở, anh ta thật sự thích món ăn Việt Nam hay chỉ vì muốn lấy lòng bạn thật sự cô không biết nhưng với bản tánh xởi lởi cô liền mời anh ta đi ăn trưa với mình. Cô lúc nào cũng ghiền, cũng hãnh diện về món phở của người Việt mình. Henson là xếp của cô, anh ta khá tử tế và rất thích Kim. Cô không dám nói đến chữ yêu vì anh ta lúc nào cũng nghiêm trang, đứng đắn làm việc có nguyên tắc và khá lớn tuổi. Henson khoảng 45, 47 gì đó và chưa từng lập gia đình, cô không tò mò về sự muộn màng trong hôn phối của anh vì chính cô cũng không thích ai thắc mắc về mình.

Tiệm ăn ngày thứ sáu khá đông người dường như chẳng có bàn nào trống. Thôi thì Mỹ Việt đề huề, nước mắm tương ớt xen lẫn mùi mắm ruốc sả của món bún bò từ nhà bếp xông lên nồng nàn. Mọi người vui vẻ ăn uống từ mấy ông Mỹ trắng thắt cà vạt áo bỏ thùng của các cơ quan, đến mấy chàng Mỹ Đen tóc dài thắt bím áo quần lụng thụng từ các warehouse hay các cô cậu choai choai áo ngắn cũn cỡn quần jeans xệ tới rốn. Và trong bầu không khí ồn ào, chộn rộn cô bỗng giật nảy mình khi nhìn thấy cha cô. Cô nhìn về phía cuối tiệm nhiều lần để tin chắc là mình không lầm lẫn. Mà lầm lẫn sao được cơ chứ, từ mái tóc vành tai cho đến chiếc áo chemise quen thuộc thân thương. Ông đang ngồi với một người đàn bà xa lạ. Ông vui vẻ nói cười và bận rộn với những động tác săn đón lịch sự cố hữu. Ông không nhìn thấy cô. Người đàn bà xa lạ độ ngoài năm mươi tuổi, da trắng, khuôn mặt thanh tú và trông khá đẹp. Dĩ nhiên là trẻ hơn mẹ nhưng cũng không chênh lệch lắm bên cha. Người đàn bà xem chừng như hân hoan, vui tươi lắm. Bây giờ thì cô đã hiểu vì sao bấy lâu nay cha trở nên im lặng, cam chịu. Thật ra không phải cam chịu mà đang đắm mình trong niềm hạnh phúc thầm lặng nào đó. Cha đã có người đàn bà khác. Cô bỗng thấy giận cha, người đàn ông quá sáu mươi mà còn trẻ trung quá, rồi cô lại cảm thương cho người mẹ chưa đến nổi già nua đang mãi mê chạy theo đồng tiền, chạy theo thời gian không biết mệt mỏi. Rồi cô nghĩ đến đôi giày Nike của mẹ, cô muốn khóc to lên nhưng đồng thời lại muốn cười lên thật lớn cho vỡ tung những bực dọc trong người.

Trời ơi, đôi giày Nike và lời tuyên bố chắc nịch của mẹ:

- Mang giầy này để đi cho nhanh con ạ!

Cha đưa người đàn bà xa lạ đến quầy trả tiền rồi đi ra cửa, bàn tay ông ân cần đặt nhẹ trên lưng cô ta như ông đã từng ân cần với mẹ con cô. Gương mặt ông rạng rỡ niềm vui nào đó chứ không ủ dột như ngày nào. Cô giận ông nhưng đồng thời lại thấy thương ông vô cùng, một cơn đau đớn lạ lùng xâu xé trái tim cô. Ông đang là kẻ phản bội nhưng dù sao ông cũng xứng đáng để hưởng hạnh phúc như mọi người đàn ông khác.

Cô nghe tiếng Henson như từ một nơi nào vọng đến:

- Kim sao vậy, việc gì đã xảy. Trông cô nhợt nhạt quá đi!

Cô lắc đầu:

- Không có chi quan trọng đâu, rồi tất cả cũng đâu vào đó.

Henson nhún vai:

- Dĩ nhiên rồi!

Từ sau hôm đó cô bắt đầu để ý đến cha nhiều hơn và cô tin chắc rằng ông đang ở trên đỉnh cao tuyệt vời của hạnh phúc. Ông chải chuốt bề ngoài của mình kỹ càng, mắt long lanh và hay ca hát vu vơ, đúng là người đang yêu. Ông dịu dàng một cách lạ lùng làm cô khó chịu, ông là kẻ dối trá đang cố tình che dấu tất cả dưới lớp vỏ hiền lành, vô tội. Còn mẹ cô thì vẫn như quả lắc của chiếc đồng hồ đong đưa không ngừng nghỉ, bà vô tư nói cười một cách tự tin vì đã chế ngự được ông chồng già vớ va vớ vẩn. Nhìn mẹ cô thấy khó chịu lẫn thương hại, người đã bị lừa dối mà tưởng mình đang chiến thắng.

Sau vài ngày trăn trở, suy nghĩ cô quyết định nói ra với cha rằng cô đã biết sự bí mật của ông. Cô ngạc nhiên khi thấy ông không hề sợ sệt hay bối rối gì cả. Ông nói người đàn bà kia từ Việt Nam mới qua, cô ta chưa bao giờ có chồng dù đã gần 50 tuổi. Ông gặp cô ta khi đi dự đám cưới một mình, cô ta từng là nhà giáo nên rất đàng hoàng. Cô cần giúp đỡ nhiều vì chưa thích nghi với đời sống bên này và cha đã đưa cô đi lấy bằng lái xe như ngày xưa người khác đã giúp cha. Thế thôi, ông không đi xa hơn và người ta cũng chưa bao giờ có ý định vượt qua giới hạn cần phải có giữa người đàn ông đã có gia đình với một người phụ nữ độc thân.

Cha cô nói thế nhưng cô biết tất cả không giản dị như thế. Cô nói:

- Cha đang vui vẻ, yêu đời bên người đàn bà đó mà. Tình cảm không bao giờ đứng yên một chỗ đâu.

Cha cô giọng chắc nịch:

- Con cấm cha không được vui vẻ hay sao. Ai cũng cần hạnh phúc cả, cha cũng như mọi người trên cuộc đời này thôi!

- Còn mẹ thì sao?

- Mẹ con đã bỏ mặc cha, bà không cần cha. Con lớn rồi và con đã hiểu, cha cũng là một người đàn ông tầm thường thôi nếu không tầm thường cha đã chọn đời sống trong nhà dòng hay trở thành tu sĩ. Mẹ con chỉ biết Wendy, Henry, tiền và sưu tầm coupons, hàng sale giá rẻ và không cần biết cha đã cô đơn thế nào khi một mình đi tiệc tùng, cưới hỏi. Mẹ tránh cha như tránh tà, mẹ xua đuổi cha ra góc vườn, hàng rào, hồ bơi, chuồng chó. Mẹ muốn cha chỉ và phải hưởng hạnh phúc vì nhà cao, cửa đẹp thôi. Cha chán lắm rồi.

Cô lắc đầu:

- Cha nói quá, mẹ cũng không rảnh rỗi gì đâu!

- Mẹ con muốn thế mà, chính con còn hiểu rõ hơn cha, con đã là một người lớn rồi, con phải thông cảm cho cha. Cha chấp nhận những gì sẽ xảy ra sau này.

Và chuyện gì đang đến đã đến.

Một ngày vừa về trước sân cô thấy thằng Út chạy ra hơ hãi nói:

- Nhà cháy!

Cô hoảng hốt la lên:

- Cháy nhà sao không kêu 911?

Út lắc đầu:

- 911 không chữa được đâu, ghê gớm lắm!

Cô nóng nảy la to:

- Có gì cứ nói, đừng vòng vo mệt quá!

- Ông bà già cãi nhau. Mẹ chửi cái con …slut nào đó, còn đòi ly dị lung tung. Trời ơi, ghê quá.

Vừa bước vào nhà mẹ đã ôm chầm lấy cô rồi khóc kể om sòm:

- Cả thành phố này đều biết chuyện ổng ngoại tình chỉ có mẹ con mình lo làm ăn nên mù tịt tất cả. Còn bênh con đ…đó chằm chằm nữa.

Cô nhăn mặt:

- Chuyện đâu còn đó, mẹ đừng gọi người ta như vậy nghe kỳ lắm, từ từ rồi chúng ta sẽ giải quyết vấn đề này mẹ ạ.

Mắt mẹ long lên sòng sọc:

- A, bây giờ đến mầy bênh con đó nữa hả, nếu cha mầy muốn ly dị để đem nó về mẹ sẽ ký giấy ngay lập tức. Nhà cửa chia đôi, con cái đã đủ lông đủ cánh, đứa nào lo phận đó.

Rồi mẹ khóc lóc bù lu, bù loa. Thương thân mình thức khuya dậy sớm lo cho gia đình, lo cho con cái cháu chắt. Với mẹ, cha bây giờ là người ăn hại, ích kỷ và già rồi mà không nên nết. Cha không nói nhiều nhưng không phải hoàn toàn im lặng mà lâu lâu lại nện một câu nghe nhức đầu, đau óc:

- Đúng rồi, tôi là người ích kỷ chỉ biết có tôi thôi, mỗi năm tôi làm bốn năm chục ngàn rồi đem ra giòng Mississippi mà đổ, tôi để cho vợ đói, con ngu. Tôi làm vườn, dọn hồ bơi cho mình tôi hưởng thụ, tôi không care đến ai, tôi chỉ biết tiền và tiền. Mai tôi chết con Kim nhớ đem cha chôn chung với tiền con nhé.

Cô rên rỉ:

- Thôi mà cha, nói chi những lời cay đắng đó, mẹ lo làm ra tiền thì cũng cho con, cho chồng chứ có phải cho riêng mẹ đâu.

Mẹ khóc rống lên:

- Ngoáy tai mà nghe con gái ông nói. Kim ơi là Kim, con không lấy chồng là phải đó, mẹ xin lỗi con, mẹ xin lỗi đã hối con lấy chồng, không có gì hạnh phúc đâu vì tất cả chỉ là ảo ảnh, chỉ là sự giả tạo. Trời ơi sao đến bây giờ tôi mới hiểu ra cái câu bảy mươi chưa thật chồng mình.

Thằng Út đứng lớ xớ trong phòng, mặt mày nhăn nhó đến buồn cười. Mỗi lần nghe cha mẹ dùng những đòn độc chữ nghĩa để hạ nhau nó lại xuýt xoa kêu trời.

Đột nhiên Út bỗng quay lại nói với cô:

- Hồi trước mẹ nói nếu cha có người yêu khác là mẹ cho đi liền sao bây giờ lại rắc rối vậy hả chị?

Kim không kịp ra hiệu cho Út ngừng nói cái câu kém thông minh như vậy nhưng muộn rồi vì mẹ đã nghe. Thế là Út trở thành đối tượng để mẹ chì chiết và nói móc, nói mát cha và bà kết luận:

- Kim, hãy giảng cho thằng Út nghe cái câu này, chứ nó ngu quá không hiểu được như con gái mẹ đâu.

- Câu gì hả mẹ?

Mẹ cười khẩy:

- Câu mà hồi nhỏ bà ngoại hay hát ru mẹ và thỉnh thoảng ru con đó mà.

- Có nhiều câu quá làm sao con nhớ hết.

- Mẹ nhắc là con nhớ liền, nó như thế này nè: ví dầu tình bậu muốn thôi bậu gieo tiếng dữ cho rồi bậu ra. Bậu ra cho khỏi tay ta cái xương bậu nát cái da bậu mòn.

Ghê thật, không phải cháy nhà mà là động đất, là hố tử thần. Sau đó là chiến tranh lạnh diễn ra giữa cha mẹ. Chị em cô xúm nhau bàn luận và góp ý về sụ xung đột của cha mẹ, ý kiến sau cùng là hãy để hai người tự tìm giải pháp với nhau chứ không ai có thể giải quyết được dù là con cái.

Mấy tuần sau Henson cầu hôn cô. Anh ta đứng đắn, có địa vị trong sở, có nhà riêng và khá rộng rải đối với cô nhưng mẹ hay chê anh ta già không xứng đôi vừa lứa với cô:

- Thằng Andrew thì được nó xứng đôi với con hơn thằng Henson. Henson lớn hơn con nhiều, nó già khằn mẹ thấy không được đâu.

Cô bắt đầu tính toán, khi Henson bằng tuổi cha thì cô cũng suýt soát năm mươi cở người bạn gái của cha như vậy chẳng có chi chênh lệch. Mọi người luôn luôn khen cha mẹ cô đẹp đôi, đẹp dáng và dĩ nhiên bây giờ họ cũng đang đứng bên ngoài mà nhìn vào cảnh gia đình hạnh phúc này. Nhà to, chồng tốt, vợ đẹp, con ngoan họ đâu ngờ là nhà cô đang cháy, nói theo kiểu ngây ngô của thằng Út hay là động đất, sụp hố tử thần theo cách nghĩ của cô.

Cô chợt hiểu trên đời này chẳng có gì hoàn thiện cả, chẳng có một qui tắc nào hoàn hảo cho đời sống của con người. Đẹp rồi cũng có lúc xấu, tốt rồi cũng có khi trở thành tồi tệ. Khôn ngoan rồi cũng có khi ngu dốt. Tất cả chỉ có thể là tương đối và có giá trị trong một giai đoạn nào đó. Đạo Phật quan niệm có thân, có khổ và người Kitô giáo hay nói lỗi tại tôi mọi đàng. Cô đón nhận những điều mà ai ai cũng cho là xưa cũ đó bằng cái trí óc dường như vừa được khai phá của chính mình dù bản thân cô rất lười đi chùa hay nhà thờ hơn bất cứ ai ai trên cõi đời này.

Mẹ bây giờ đang trong cuộn chiến tranh lạnh với cha, mẹ trở nên gần gủi với cô bao giờ hết:

- Mẹ xin lỗi đã hối con lập gia đình, con ơi hạnh phúc không bao giờ vĩnh cửu như mẹ đã nghĩ. Mẹ khổ lắm con ơi, mẹ già rồi …

Một lần thu hết can đảm cô nói vói mẹ:

- Con đã nhận lời cầu hôn của Henson dù anh ta hơn tuổi con hơi nhiều như mẹ từng chê. Nhưng dù sao như thế vẫn hơn là …

Cô bỏ lững câu nói. Cô không muốn làm đau lòng mẹ. Cô lập gia đình mà chưa nghe tiếng gọi thiêng liêng như mình thường trông ngóng.

Mẹ cô tròn mắt nhìn cô sững sờ rồi bà lại khóc to lên. Mẹ khóc vì vui mừng hay tủi thân cô nào biết được. Cuối cùng cô cũng phải lấy chồng như mọi người phụ nữ khác nếu cô không chọn con đường vào tu viện. Cô tin rằng cha và mẹ không ai còn can đảm để nói đến sự xứng đôi hay vừa lứa trong quãng đời còn lại của hai người nữa./

Mimosa Phương Vinh

Ý kiến bạn đọc
16/10/201519:26:15
Khách
Nick Tran van Điền nói đúng ý tôi lắm. Nếu thăng bằng sao nhiều người ly dị vậy.Phật tử đâu có ru rú trong chùa. Thống kê nước mỹ Phật tử đâu có giết vợ giết chồng lấy tiền bảo hiểm nhân thọ. Mình phải có không gian, sự riêng tư cá nhân chứ kè kè bên nhau mấy chục năm ai mà chịu nổi.
10/10/201502:44:59
Khách
Cứ đọc cho hết câu chuyện thì thấy rằng vấn đề hôn nhân của người Việt Nam chúng ta rất khó tìm ra một khuôn mẫu hoàn hảo và hành sử như thế nào mới gọi là phải đạo và làm vừa lòng tất cả mọi người . Không lấy chồng thì dư luận tiếng bấc tiếng chì , gái ba mươi tuổi đã toan về già , lấy chồng thì làm dâu mệt nghỉ , được tiếng khen ho hen chẳng còn , gặp ông chồng gia trưởng không phụ giúp gì hết thì vừa đi làm full time , vừa cơm nước chợ búa , vừa hầu chồng hầu con thì còn gì là tuổi xuân , tự nhủ thầm lòng mình như thế là công dung ngôn hạnh, hết hầu con xong hầu cháu , cả đời chỉ biết hy sinh , cuối đời chồng có vợ bé thì không hiếu nhà cao cửa rộng , tiền rừng bạc biển để làm gì . Đàn bà Âu Mỹ họ có tư tưởng độc lập , có ý chí tiến thủ , có óc cầu tiến , còn xã hội Việt Nam khống chế và giam hãm người đàn bà trong cái gọi là tam tòng tứ đức , không cho đi học nhiều , thực chất chỉ là một con sen không công hầu hạ tất cả mọi người mà vẫn không được yên thân , cuối cùng chỉ được cái danh hão là dâu hiền .
10/10/201501:13:15
Khách
Cha mẹ muốn con lập gia đình để cân bằng cuộc sống nhưng nhìn lại cuộc sống vợ chồng họ thì thấy rõ đã thiếu cân bằng.
10/10/201500:08:13
Khách
Toi đi làm hãng xưởng bị tên cai là dân miền Nam dùng đàn em làm hư hàng rồi đổ tội cho tôi mất việc . Mới đây đụng hắn trong Disneyland , hắn cùng vợ con trốn chạy thật nhanh. Tội nghiệp chưa, lưới trời khó thoát nha, hỡi tên gian ác.
08/10/201523:42:16
Khách
Ở giá thì có gì xấu mà phải sợ quá xá như ông bà già trong chuyện ? Ông già càng bá láp hơn khi bảo rằng phải có gia đình mới có thăng bằng . Thăng bằng như ông già đi lấy mèo sau lung bà vợ :-) Thăng bằng nên khi già trở thành biến thái ghiền bài bạc, ghiền rượu , thường xuyên về Việt Nam chơi gái hay chơi trai và cho đó là "ăn bánh trả tiền " . Có 3 bà Mỹ đen trong sở tôi đều ở giá , ngoài giờ làm việc là giúp gia đình anh, chị, em, cháu, họ hang, bạn bè, và làm từ thiện . Họ nói chuyện thẳng thắn, rất tốt bụng , không hề khoe khoang, không hề nói xấu xách mé xỉa xói nói móc hay dèm pha ai . Còn mấy ông mấy bà Việt Nam trong sở toàn là thăng bằng nên rất nhiều chuyện , khoe khoang , nói xấu chê bai dè bỉu nguời khác màu da và vài người đồng hương khác . Có 1 ông bắc kỳ kiểu như ông trong chuyện ở trên, ăn nói rất nhỏ nhẹ lễ độ , và cũng đâm sau lung đồng nghiệp rất tài tình . Cực kỳ thăng bang . LMAO .
08/10/201520:58:02
Khách
Nên lấy chồng hay lấy vợ sàn sàn tuổi nhau. Nếu tuổi chênh lệch quá thì người trẻ phải hầu hạ người già khổ lắm. Nhất là khi ông chồng bị bệnh nặng thì bà trẻ tha hồ chăm sóc dù y tế Mỹ tân tiến nhưng vẫn phải cáng đáng những nhu cấu cần thiết hằng ngày bể hơi tai!
08/10/201520:17:21
Khách
Bà trong chuyện này ham tiền quá nên mất hạnh phúc gia đình. Chính bà ta là người đã xua đuổi ông chồng thì bây giờ ráng mà chịu.
08/10/201518:24:19
Khách
Đây là problem cua Vietnamese women. Lo cho chồng con ma quên di bản thân mình. American women never do that. They take care family and theirs self too. Hope the next Vietnames women generations would understand those
08/10/201517:48:43
Khách
Cuoc đời không là bể khổ nếu ta sống lương thiện . Tu là cõi phúc nếu biết chăm lo cho mọi người chứ không phải là ru rú trong chùa . Tình không là dây oan nếu không lăng nhăng .
Dức Lạt lai lạt ma đã nói : hãy học theo người Công Giáo ra khỏi chùa làm việc giúp ích cho mọi người...:
08/10/201513:23:43
Khách
Có người so sánh “lấy chồng, lấy vợ như đánh bạc” quả không ngoa. Nhiều khi sống với nhau ba, bốn chục năm tưởng sẽ sống với nhau suốt đời nhưng rồi tan hàng vì lý do tâm lý và có khi vì lý do cơ thể thay đổi.
Tôi có người bạn kể khi vợ qua tuổi “hồi xuân”, ~55, thay đổi hoàn toàn. Nhiều lúc ra đường, hay đi dự đám cưới, y nắm tay, cô vợ cũng hất ra như mẹ cô Kim. Tôi biết có bà qua tuổi hồi xuân lại trở nên hung hang, cặp lung tứ tung. Có bà lại chán chường tối ngày vào casino nướng tiền. Ông muốn vợ bé, nàng hầu thì cứ tự do đi tìm lấy, xin để tôi yên với năm lá bài. Có bà còn cho ông chồng tự do về VN đều chi để tối tối khỏi phải nghe ông…ngáy.
Cơ thể người đàn ông lại khác. Khi qua 60, người đàn ông vẫn còn “phong độ”, có kinh nghiệm nên nhiều khi ăn nói lại có duyên hơn. Phải tới gần 80, chàng mới chịu xuống ngựa, thu gươm đao. Có anh không thích dê chỉ thích nhậu. Có chàng không thích uống chỉ thích hít tô phe. Người không thích đi làm chỉ thích đi vào sòng bạc.
Lấy chồng hơn 15 tuổi như cô Kim nhiều khi cũng là cái hay, nhưng nhiều khi tránh được chuyện này nó lại có chuyện khác xảy ra. Thí dụ như mười lăm năm sau đi với chàng ra đường người người cứ chào mình là cô và gọi chàng là cụ.
Phật có dạy “Cuộc đời là bể khổ” hay như trong Kiều “Tu là cõi phúc tình là dây oan”. Dân Tây Ba Trợn thì lại lè nhè: “Tình là l’amour, đời là…la ve”, chính là vậy!
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,073,168
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.