Tin thời sự mới đây cho biết một anh nhà báo da đen tên là Vester Lee Flanagan bất ngờ mang súng bắn chết hai đồng nghiệp da trắng khi họ đang thu hình phỏng vấn cho một đài truyền hình địa phương tại Roanoke, tiểu bang Virginia.
Tin này làm nhiều người nhớ lại tin cách đây ít lâu: một anh da trắng tên là Dylan Roof bất ngờ vác súng bắn chết 9 người da đen trong một nhà thờ tại Charleston, tiểu bang South Carolina.
Hai mẫu tin này khác nhau ở điểm thủ phạm và nạn nhân, một bên là da trắng bắn chết da đen, và bên kia là da đen bắn chết da trắng. Ngoài ra, hai vụ giống nhau rất nhiều điểm còn lại: hai tên khùng, vô cớ bắn chết người khác màu da, trên căn bản vì cả hai đều là dân kỳ thị màu da thôi.
Thế nhưng, trong cái xứ của “phải đạo chính trị” này, phản ứng của chính quyền cũng như của truyền thông lại hoàn toàn khác biệt.
Hành động của anh da trắng... bắn chết dân đa đen đã được chính quyền của TT Obama và cả truyền thông phe ta làm rùm beng như một hành động cực kỳ tội lỗi, phản ánh tính kỳ thị màu da đáng phỉ nhổ của một tên quá khích da trắng, mù quáng ghét người khác màu da, đi xa hơn nữa, phản ánh một tình trạng kỳ thị da đen chung không thể chấp nhận được của tất cả dân da trắng. Cả TT Obama lẫn truyền thông xé chuyện ra thật to. TT Obama mau mắn lên tiếng, cực lực lên án, rồi đích thân xuống đến tận Charleston tham dự lễ an táng những nạn nhân. Đọc bài điếu văn, sỉ vả nạn kỳ thị da đen của dân da trắng.
Câu chuyện lan rộng ra, đi đến cả một phong trào trên toàn quốc, đòi hỏi phải hủy diệt tất cả mọi dấu vết của chế độ kỳ thị da đen còn sót lại từ ngày xưa, nhất là lá cờ của khối các tiểu bang miền Nam trong cuộc nội chiến Nam-Bắc Mỹ cách đây cả trăm năm. Lá cờ đó bị tố là biểu tượng cho kỳ thị, nuôi dưỡng tinh thần kỳ thị khiến cho dân da đen vẫn là nạn nhân đáng tội của kỳ thị, vẫn không ngóc đầu lên được. Cho dù trong cả trăm năm qua, lá cờ đó đã chẳng ngăn cản được TT Johnson ký luật bình quyền cho dân da đen, cũng chẳng cản được một chính khách da đen được bầu làm tổng thống, và ngay tại South Carolina, cũng chẳng cấm được một ông da đen được bầu làm thượng nghị sĩ liên bang. Kết quả là đúng theo cái lý “phải đạo chính trị”, các chính khách tiểu bang South Carolina run rẩy hấp tấp biểu quyết hạ cái cờ đó, không cho treo tại các công thự nữa.
Tuyệt đối không ai đề cập đến chuyện cái anh Roof này chỉ là một tên bị bệnh tâm thần. Cá nhân anh ta bị quên lãng, và người ta chỉ nhìn thấy tệ nạn da trắng kỳ thị da đen nói chung.
Ngược lại, trong câu chuyện anh da đen Flanagan bắn chết ký giả da trắng, thì phản ứng của Nhà Nước Obama và truyền thông phe ta hoàn toàn khác hẳn. Cho đến nay, cả tuần sau, vẫn không có một phản ứng nào của TT Obama, không một lời lên án thủ phạm. Khoan nói tới chuyện TT Obama đi dự đám tang hai ký giả.
Phản ứng của truyền thông dòng chính cũng khác biệt. Dĩ nhiên báo chí và TV cũng rầm rộ loan tin, nhưng cách loan tin không giống như trường hợp anh Roof chút nào. Bây giờ thì tất cả chú tâm vào cá nhân anh Flanagan, lôi những chuyện cá nhân của anh, từ việc anh tối ngày gây gỗ với đồng nghiệp đến độ bị xếp khuyến cáo nên đi coi bác sĩ tâm thần, cho đến việc anh bị đuổi việc vì khả năng kém.
Ở đây, mấu chốt của vấn đề là một cá nhân bị thất bại, bị bệnh tâm thần, nên nổi cơn điên đi giết người bừa bãi. Tuyệt đối không phải là người bình thường. Càng không phải là một người bị ám ảnh bởi kỳ thị da trắng. Và càng không phản ánh tính kỳ thị da trắng của dân da đen nói chung. Đó là cách nhìn của truyền thông dòng chính. Chưa đầy một tuần sau, không báo nào nhắc đến nữa.
Ở đây, ta nhìn thấy gì? Hai cuộc thảm sát tương tự, đều là chuyện của hai tên kỳ thị nặng, nổi khùng vác súng đi bắn người khác chỉ vì cái tội khác màu da. Nhưng hai phản ứng hoàn toàn khác biệt. Da trắng giết da đen, việc đó phản ánh vấn nạn kỳ thị màu da từ cả khối da trắng, một căn bệnh của xã hội. Da đen giết da trắng, đó chỉ là bệnh tâm thần của một cá nhân, không phải là một quốc nạn, một chứng bệnh của cả xã hội. Cho dù anh Flanagan đã công khai để lại một bức thư giải thích hành động của anh, sỉ vả dân da trắng và tỏ ý muốn giết dân da trắng để tạo ra một cuộc chiến tranh vì màu da (nguyên văn: “race war”). Làm như thể kỳ thị màu da chỉ có thể là hiện tượng của khối da trắng, chứ khối da đen thì không bao giờ có chuyện kỳ thị da trắng.
Dẫn đến câu chuyện khẩu hiệu “Black Lives Matter”, tức là “mạng sống của người da đen đáng kể”. Một khẩu hiệu bình thường, chẳng có gì đặc biệt. Dĩ nhiên là mạng sống người da đen đáng kể, không thua gì mạng sống của một người da trắng hay da nâu, hay da vàng. Có gì đặc biệt?
Khẩu hiệu “Black Lives Matter” xuất phát từ chuyện anh đen Brown bị cảnh sát da trắng bắn chết tại Ferguson, lớn mạnh lên qua vụ anh Eric Garner bị cảnh sát siết cổ chết tại Nữu Ước, rồi anh Freddie Gray bị cảnh sát Baltimore bắt, cho lên xe cây chở về bót, nhưng bị chết dọc đường. Dân da đen dĩ nhiên là bất mãn, nổi lên phản đối. Phong trào “Black Lives Matter” có chủ đích rõ rệt là đỏi cải tổ hệ thống tư pháp ở Mỹ để kềm chế cảnh sát.
Trên căn bản, đây là chuyện đáng hoan nghênh. Ai cũng biết xứ Mỹ là xứ cao bồi và cảnh sát Mỹ, qua những ông sheriff trong những phim cao bồi phản ánh đời sống ở Mỹ cách đây cả trăm năm, rõ ràng là những người bắn quá nhanh, giết người quá dễ. Dù vậy, phong trào này cũng đã “quên” nhiều yếu tố quan trọng:
- Họ đã quên việc cảnh sát cũng đã bị dân da đen bắn chết; từ đầu năm nay đến giờ, đã có 28 cảnh sát bị chết. Tin mới nhất, một cảnh sát đang đứng đổ xăng tại Houston, bị một anh đen đến sát sau lưng bắn 1 phát vào sau gáy. Sau khi viên cảnh sát té xuống, anh ta đứng ngang trên xác, bắn thêm 14 phát đến hết đạn luôn, rồi bỏ đi. Hai ngày hôm sau, một cảnh sát khác bị bắn tại Atlanta. Đúng một ngày sau nữa, một cảnh sát khác bị bắn tại Chicago. Bốn ngày, ba cảnh sát bị bắn chết.
- Họ cũng quên luôn chuyện tuyệt đại đa số dân da đen bị giết mỗi năm đều do chính những người da đen khác giết chết. Năm 2013, năm có thống kê mới nhất, hơn 6.000 dân da đen bị giết chết, 97% do chính người da đen khác giết; 2% bị dân da trắng giết, và chưa tới 1% bị cảnh sát bắn chết.
Nhìn vào những dữ kiện trên, ta thấy là cái nhóm ồn ào Black Lives Matter chỉ nhìn thấy con số 1% cuối cùng thôi.
Một phong trào bài cảnh sát da trắng đã được khuấy động lên. Tại Florida, tiệm hăm-bơ-ghơ Arbys từ chối bán cho một nữ cảnh sát trắng vào tiệm ăn. Hãy thử tưởng tượng nếu một anh da đen vào đó và bị từ chối thì truyền thông và TT Obama sẽ phản ứng như thế nào. Rồi hãy thử tưởng tượng mai này tiệm Arbys lỡ bị cướp, sẽ cầu cứu ai? Cầu cứu nhóm Black Lives Matter?
Kết quả trước mắt của những phong trào tố giác, sỉ vả cảnh sát thật ra đã khiến cho cảnh sát hoặc bất mãn không muốn có hành động, hoặc nhát tay không dám hành động.
Tại Baltimore, sau vụ anh Gray bị chết, sáu cảnh sát bị truy tố ra tòa. Cảnh sát Baltimore âm thầm phản đối bằng cách giảm các vụ đi tuần trong các khu da đen, và cố tình lơ là không bắt –hay không dám bắt?- những tên tội phạm da đen. Kết quả, tỷ lệ phạm pháp, nhất là giết người, tăng vọt lên hơn 56% so với năm ngoái.
Tại thủ đô Washington, tính cho đến cuối tháng Bẩy, số người bị giết đã hơn tổng số bị giết cho nguyên năm 2014, tăng tới xấp xỉ 30%. Các vụ phạm pháp nói chung tăng 48%.
Cái khẩu hiệu vớ vẫn này đã trở thành điểm tập hợp của khối dân da đen, đến độ cả một phong trào tự phát đã nổi lên tại nhiều nơi trên đất Mỹ, cũng tương tự như các phong trào Occupy Wall Street hay Tea Party trước đây.
Dù sao, bà Hillary, rất thính mũi và đang cố lấy cảm tình dân da đen, cũng đã mau mắn tiếp một số đại diện của phong trào này, cho dù chẳng ai biết mấy người bà Hillary gặp đại diện cho ai, được ai bầu,... Không cần biết, bà Hillary chỉ cần lấy tiếng là đã gặp những người đang tranh đấu cho black lives, mạng sống của dân da đen, là được rồi.
Ở đây, ta phải nhìn rõ ý định của bà Hillary. Dân da đen là khối cử tri cột trụ của đảng Dân Chủ. Đối với một tổng thống da đen như Obama, hậu thuẫn của họ là tuyệt đối, cỡ 95%, không có gì phải thắc mắc. Mà cũng chẳng ai dám nói tỷ lệ đó phản ánh một thái độ kỳ thị, phe đảng lộ liễu của dân da đen. Nhưng đối với bà Hillary và các chính khách khác của đảng Dân Chủ, thì họ phải luôn luôn tìm cách vuốt ve, ủng hộ khối dân da đen để củng cố vị thế của họ. Mất khối dân da đen, hay bị khối này bất mãn, ngồi nhà không đi bầu thì đảng Dân Chủ sẽ đóng cửa tiệm ngay, không thể thắng được bất cứ cuộc bầu bán nào nữa.
Trở lại câu chuyện “Black Lives Matter”, thôi thì cũng được, dù sao một phong trào nổi dậy để bảo vệ mạng sống người da đen tích cực hơn cũng tốt thôi, giúp mấy anh cảnh sát cao bồi trước khi bóp cò suy nghĩ lại vài giây, đỡ tốn một mạng người, bất kể mạng người đó đen hay trắng, nâu hay vàng. Nhưng cái khổ vẫn là chuyện “phải đạo chính trị” đi đến mức lố bịch.
Ông Martin OMalley, cựu thống đốc tiểu bang Maryland, ứng viên tổng thống của đảng Dân Chủ, trong lúc đi vận động tranh cử, đã xác định lại việc ông ủng hộ phong trào “Black Lives Matter”, dĩ nhiên để lấy điểm với cử tri da đen. Nhưng để cho có vẻ công bằng với cử tri da trắng, ông nhấn mạnh thêm “White lives matter, all lives matter”, tức là “Mạng da trắng đáng kể, tất cả mạng sống đều đáng kể”. Nghe thì cũng hoàn toàn hợp tình, hợp lý. Có mạng sống nào không đáng kể?
Hợp tình hợp lý thật, nhưng không hợp nhĩ với dân da đen. Họ ùn ùn phản đối, chỉ trích câu nói của ông OMalley làm mất ý nghiã cuộc tranh đấu sống còn của họ. Dân da trắng không bao giờ bị giết oan, nên không cần quan tâm bằng dân da đen bị cảnh sát da trắng, giết ào ào. Thế là nhà chính khách OMalley lạnh cẳng ngay lập tức, vội vàng xin lỗi dân da đen, tuyên bố rút lại lời nói “White lives matter, all lives matter”, để chỉ còn lại “Black lives matter”. Thế nghiã là gì? Chỉ có mạng sống dân da đen đáng kể, còn mạng sống dân da trắng, da nâu, da vàng là đồ bỏ hết sao?
Ai muốn bầu cho ông OMalley thì bầu, chắc chắn không có tôi. Mạng sống của tôi cũng khá đáng kể lắm!
Cái chuyện “phải đạo chính trị” cũng như cái nhát gan của ông OMalley chính là lý do tại sao con gà khùng Donald Trump đang được khối cực đoan hoan hô hết mình. Ông Trump là người không bao giờ e lệ với những chuyện phải đạo chính trị đó. Trái lại, đã lớn tiếng chỉ trích thẳng tay, tới đâu thì tới.
Một chuyện mà cột báo này đã đề cập quá nhiều lần, nhưng vẫn cần nhắc lại. Ứng viên tổng thống Barack Obama đã ra tranh cử tổng thống dựa trên khẩu hiệu đại đoàn kết dân tộc, không còn Mỹ trắng, Mỹ đen, Mỹ xanh, Mỹ đỏ gì nữa, chỉ có Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Cả khối dân Mỹ ngây ngô tin ngay cái khẩu hiệu rỗng tếch đó, vội vã bầu ngay cho ông làm tổng thống, với hy vọng bầu một ông da đen làm tổng thống sẽ chấm dứt được nạn phân hoá trắng đen trên xứ Mỹ này.
Kẻ viết này ngay khi đó đã xác nhận tuyệt đối không tin chuyện này. Một người được bầu chỉ vì màu da làm sao có thể chấm dứt phân hoá màu da. Cái lý luận đó, tự nó đã là một mâu thuẫn vĩ đại rồi. Thực tế, nếu bầu một người vì màu da thì mâu thuẫn màu da chỉ có thể trầm trọng hơn thôi. Và thực vậy, quan hệ trắng đen tại Mỹ chưa bao giờ tệ hại như dưới thời ông tổng thống của “đại đoàn kết”.
Ông tổng thống của đại đoàn kết dân tộc này đã chứng minh ngay mình là tổng thống tạo phân hoá nhiều nhất lịch sử cận đại Mỹ. Đây không phải là nhận định của kẻ viết này, mà là lời bình của báo phe ta Washington Post.
Đối với vấn đề trắng đen, vài tuần sau khi TT Obama nhậm chức, một ông giáo sư da đen bị cảnh sát hỏi giấy tờ, ông ta phách lối hỏi cảnh sát “có biết tôi là ai không?”, ý muốn khoe ông quen biết với TT Obama. Cảnh sát Mỹ dĩ nhiên không cần biết ai quen với ai, túm cổ mang về bót. Khi biết được câu chuyện này, phản ứng đầu tiên của TT Obama là chửi “cảnh sát ngu xuẩn”. Bị cả nước phản đối, ông biết là đã nói hớ, bèn tổ chức một buổi “nhậu”, bốn người ngồi uống bia tại Tòa Bạch Ốc làm huề, gồm có ông giáo sư, anh cảnh sát, ông Phó Biden và TT Obama.
Cho dù uống bia xí xóa, quan điểm của TT Obama đối với cảnh sát nói riêng và chuyện kỳ thị đen trắng nói chung đã hiện rõ hơn ban ngày. Quan điểm này về sau đã được củng cố mạnh hơn nữa. Trong khi đen bắn cảnh sát thì TT Obama không có phản ứng, hay cùng lắm thì điện thoại cho gia đình chia buồn cho có. Trắng bắn đen, TT Obama rầm rộ lên án, cử đại diện đặc biệt đi dự đám ma (Ferguson) hay đích thân tham dự (Charleston). Với thái độ như vậy, làm sao tránh được mâu thuẫn trắng đen ngày một nặng nề hơn?
Chưa hết. Trong tình trạng căng thẳng hiện nay giữa cảnh sát và dân da màu, TT Obama quyết định đi thăm... một nhà tù! Tổng thống đầu tiên trong lịch sử đi thăm nhà tù. Không phải đi thăm một sở cảnh sát, mà đi thăm một nhà tù, là nơi giam giữ những tội phạm do cảnh sát bắt được, một số lớn là dân da màu. Thông điệp của TT Obama không thể nào rõ ràng hơn. Ông đứng về phiá nào, mọi người đều nhìn rõ.
Ở đây ta cũng phải nói ngay, những cuộc bạo động lớn của khối dân da đen chỉ xẩy ra dưới thời các tổng thống Dân Chủ, từ Kennedy tới Johnson, rồi Carter, Clinton, và bây giờ, Obama, khi dân da đen biết họ đang nắm dao đàng chuôi, có thể yêu sách các tổng thống Dân Chủ, là những người lệ thuộc lá phiếu đen. Không xẩy ra dưới các tổng thống Cộng Hoà. Dưới thời các tổng thống Eisenhower, Nixon, Reagan, Bush cha và con, đã không có vụ bạo động nào đáng kể của khối dân da đen.
Anh cầu thủ bóng rổ da đen nổi tiếng Charles Barkley nói thẳng thừng cá nhân anh cũng như hầu hết dân da đen nhắm mắt bỏ phiếu cho đảng Dân Chủ cả đời, rốt cuộc chẳng khá hơn gì, nghèo vẫn nghèo, bất công vẫn bất công. Lần này anh quyết định sẽ bầu cho thống đốc Ohio, ông Cộng Hoà John Kasich, không bầu cho Dân Chủ nữa.
Dù sao, trong cái nhìn của khối cấp tiến cũng như truyền thông phe ta, tất cả vẫn là lỗi của Cộng Hoà và của... Bush (dĩ nhiên không thể thiếu “tên tội đồ” Bush, thủ phạm của tất cả mọi tai hoạ!). Kẻ viết này không nói ngoa đâu. Anh nhà báo da đen Jamelle Bouie đã viết trên diễn đàn thiên tả Mother Jones, giải thích phong trào Black Lives Matter thật ra đã được “thai nghén từ thời TT Bush, với cơn bão Katrina tàn phá New Orleans, khi mà TT Bush cố tình không thèm cứu, để cho gần 2.000 dân da đen bị chết”.
Anh này cố tình quên khá nhiều chuyện, chẳng hạn như hầu hết số người chết là do bão phá vỡ đê, khiến cả thành phố bị ngập lụt không ai có thể chống đỡ gì, TT Bush hay bất cứ ai khác, có muốn “cứu” cũng chẳng làm gì được. Anh ta cũng cố tình quên sau cơn bão, thống đốc Louisiana và thị trưởng New Orleans, cả hai đều là đảng Dân Chủ, đều không cho phép TT Bush mang Vệ Binh Quốc Gia vào cứu ngay lập tức vì muốn bảo vệ quyền hành của mình. Một khi Vệ Binh Quốc Gia nhẩy vào cuộc là họ nắm toàn quyền quyết định mọi chuyện theo luật hiện hành, và đây là điều cả thống đốc lẫn thị trưởng đều không muốn. Dù vậy, cả đảng Dân Chủ và truyền thông phe ta vẫn nhất định là lỗi Bush đã không vào cứu sớm. Anh ta cũng chẳng nhắc đến chuyện tiểu bang Texas của Cộng Hoà bị TT Bush áp lực nhận nhiều dân đen tỵ nạn từ New Orleans qua nhất.
Giấc mơ “hoà hợp hòa giải” trắng đen tại Mỹ vẫn chỉ là giấc mơ, cho dù một ông da đen đã được bầu làm tổng thống. (06-09-2015)
Vũ Linh
Quý độc giả có thể liên lạc với tác giả để góp ý qua email: Vulinh11@gmail.com. Bài của tác giả được đăng trên Việt Báo mỗi thứ Ba.
- Từ khóa :
- Mỹ
- ,
- Texas
- ,
- Barack Obama
Chờ xem?(wait and see)
San Diego, Hoa Kỳ
Tiến Nguyễn