Theo tin tổng hợp từ nhiều nguồn trong nước, chỉ trong 9 tháng đầu năm 2000, Hải quan CSVN tại sân bay Tân Sơn Nhất đã bắt 58 vụ xuất lậu ngoại tệ, thu giữ gần 500.000 USD. Riêng trong tháng 9/2000, Hải quan sân bay đã phát hiện 20 vụ xuất ngoại tệ trái phép, thu giữ gần 200.000 USD.
Đầu tháng 10/2000, Đội hải quan giám quản hành lý xuất cảnh thuộc Hải quan sân bay Tân Sơn Nhất đã phối hợp với lực lượng an ninh hàng không kiểm tra và phát hiện vụ xuất lậu ngoại tệ lớn nhất từ đầu năm đến nay. Bà Baquet Tuyết, quốc tịch Pháp, đi chuyến bay Pháp mang theo 70.000 USD không khai báo. Bà Baquet Tuyết đã giấu kín số ngoại tệ trên trong người nhưng vẫn bị phát hiện. Trước khi máy bay khởi hành, hải quan sân bay đã tạm giữ số ngoại tệ trên để xử lý.
Tình trạng xuất lậu ngoại tệ qua cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đang gia tăng mạnh trong hai tháng qua.
Cũng trong những ngày đầu tháng 10/2000, đã xảy ra 2 vụ. Đó là trường hợp ông Reza Saghae Sarshori Taghi, quốc tịch Iran, xuất cảnh đi Thái Lan trên chuyến bay VN 851 đã giấu 13.000 USD không khai báo, hải quan tạm giữ 10.000 USD chờ xử lý. Vụ thứ hai, ông Nguyễn Văn Dung, Việt kiều Mỹ, đi chuyến bay VN 928 đến Đài Bắc, không khai báo 6.000 USD.
Ngày 22/9, nhân viên hải quan Đội giám quản hành lý xuất cảnh cũng đã lập biên bản 2 vụ xuất lậu ngoại tệ không khai báo đối với ông Tsu Tsui Ryosaku và ông Masahiko Abe (quốc tịch Nhật), tạm giữ hơn 10.000 USD. Trước đó, ngày 20/9, trên chuyến bay CX 766 đi Hồng Kông, khi vào làm thủ tục xuất cảnh, Việt kiều Nguyễn Helen Lan Hương, chỉ khai vào tờ khai hành lý 1.500USD. Tuy nhiên qua kiểm tra, nhân viên phát hiện trong các túi quần bà Hương cất giấu đến 30.000 USD. Bà Hương khai nhận số tiền trên là do bà mượn lại của một người chị ở bên Mỹ sang VN lấy chồng. Vì công việc chưa xong nên bà vẫn giữ để về Mỹ trả lại, chứ không hề biết rằng xuất cảnh phải khai báo đầy đủ ngoại tệ.
Một nhân viên hải quan sân bay nhận xét, đa số các trường hợp vi phạm đều do hành khách có chủ định. Tuy nhiên, khi hỏi vì sao không khai báo thì tất cả đều có chung một câu trả lời là không biết. Những số liệu ở trên có lẽ mới chỉ là “bề nổi của tảng băng”. Bởi vì ngoại tệ xuất lậu qua biên giới đường bộ và đường biển chưa thể phát hiện chính xác là bao nhiêu và đặc biệt chưa bắt được những vụ rửa tiền quy mô xuyên quốc gia ở VN.
Trong tháng 9 và tháng 10 vừa qua, giá USD của các ngân hàng thương mại và thị trường trao đổi tiền mặt tư nhân liên tục tăng với tốc độ khá nhanh so với các tháng đầu năm. Nhiều nhà kinh tế cho rằng những nguyên nhân chính là do nhu cầu nhập khẩu những tháng cuối năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ năm ngoái do Chính phủ CSVN cho phép nhập khẩu thêm gần nửa triệu tấn xăng dầu và nửa triệu tấn clinker trong tháng 3 cuối năm. Trong khi đó, giá xăng dầu, gas, phân bón thế giới lại tăng cao, càng làm cho nhu cầu ngoại tệ để nhập khẩu tăng nhiều hơn.
Một số doanh nghiệp trong nước đã phải thu gom ngoại tệ để thanh toán hàng nhập khẩu trong những tháng cuối năm. Tỷ lệ mất giá của đồng VN so với USD thấp hơn so với các nước trong khu vực cũng tác động đáng kể làm tăng trị giá nhập khẩu từ các nước này vào VN và tác động làm giảm lượng xuất khẩu từ VN sang các nước này.
Nhưng một nguyên nhân khác khiến giá USD tăng cao là do tình trạng xuất lậu ngoại tệ qua biên giới trên bộ, đường biển và đường hàng không liên tục gia tăng. Một khi mua USD ở VN rẻ hơn ở các nước trong khu vực thì sẽ xảy ra hiện tượng bình thường là “nước chảy chỗ trũng”. Những người xuất cảnh khỏi Việt Nam sẽ buôn USD nhằm kiếm lời qua chênh lệch tỷ giá giữa các nước trong khu vực, do đó VN sẽ bị “chảy máu ngoại tệ”.