Hôm nay,  

Hướng Đạo Việt Nam Qua Dòng Lịch Sử Của Dân Tộc

11/06/201500:00:00(Xem: 11780)

Mỗi khi nghe đến bốn chữ “Hướng Đạo Việt Nam”, nhiều người Việt vẫn thường nghĩ ngay đến một tổ chức đoàn thể thanh thiếu niên đã có mặt trong nước từ rất lâu và luôn được sự quý mến của mọi tầng lớp xã hội Việt Nam, mà đặc biệt là tại các tỉnh thành miền Nam trong suốt hơn hai thập niên trước ngày 30 tháng Tư 1975.

Hướng Đạo là phong trào áp dụng một phương pháp giáo dục bổ túc cho gia đình và học đường, nhằm đào tạo thanh thiếu niên trở thành hữu ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Phong trào Hướng Đạo do một Huân Tước của nước Anh là Robert Baden Powell (1857-1941), thường được các hướng đạo sinh khắp thế giới gọi là BiPi, sáng lập vào năm 1907 tại Anh Quốc. Phong trào hướng đạo lúc ban đầu chủ yếu là dành cho các nam sinh, nhưng sau đó vì nhận thấy các nữ sinh cũng cần có tổ chức riêng, Baden Powell đã cùng với người em gái Agnes, thành lập phong trào Nữ Hướng Đạo vào năm 1910. Khi phong trào Hướng Đạo bắt đầu lan rộng một cách nhanh chóng đến nhiều quốc gia trên thế giới, hai cơ cấu trung ương của nam và nữ hướng đạo trên toàn thế giới là Tổ Chức Phong Trào Hướng Đạo Thế Giới (World Organization of the Scout Movement/WOSM) và Hội Nữ Hướng Đạo Thế Giới (World Association of Girl Guides and Girl Scouts/WAGGGS) được lần lượt thành hình vào năm 1922 và 1928. WOSM và WAGGGS là hai tổ chức phi chính phủ, và hoàn toàn phi chính trị.

Theo dữ liệu của sử gia phong trào Hướng Đạo Thế Giới là Trưởng Piet J. Kroonenberg và tổ chức WOSM, phong trào Hướng Đạo đã bắt đầu có mặt tại Việt Nam vào thập niên 1920 dưới thời Pháp thuộc, lúc bấy giờ gồm các đơn vị thuộc “Éclaireurs de France” hoặc “Scouts de France” của hướng đạo nước Pháp, và chỉ dành cho con em người Pháp. Đến năm 1930, hai đoàn của người Việt lần đầu tiên được lần lượt thành lập tại Hà Nội bởi các Trưởng Trần Văn Khắc (1902-1990), và Hoàng Đạo Thúy (1897-1994). Tiếp theo đó, thêm một số đoàn của người Việt được tiếp tục thành hình tại một vài nơi ở miền Bắc trước khi lan rộng vào miền Nam và miền Trung, khởi đầu cho phong trào Hướng Đạo của người Việt Nam. Và bốn chữ “Hướng Đạo Việt Nam” có lẽ cũng đã ra đời từ thời đó.

Ý nghĩa danh xưng “Hướng Đạo Việt Nam”

Thông thường thì cụm từ “Hướng Đạo” đứng trước tên gọi của một quốc gia, sẽ được hiểu là tượng trưng cho tất cả những gì liên quan đến phong trào Hướng Đạo của người dân thuộc quốc gia đó. Điều này vẫn được thể hiện lâu nay khi người ta nói “Hướng Đạo Hoa Kỳ”, “Hướng Đạo Úc Đại Lợi”, “Hướng Đạo Anh Quốc”, “Hướng Đạo Thái Lan”, “Hướng Đạo Phi Luật Tân”, “Hướng Đạo Nhật Bản”, “Hướng Đạo Nam Dương”, “Hướng Đạo Singapore,” v.v…

Ngoài ra, theo hiến chương của cả hai tổ chức Hướng Đạo Thế Giới là WOSM và WAGGGS thì tại mỗi nước có chủ quyền, chỉ duy nhất một tổ chức hướng đạo quốc gia (National Scout Organization) được trở thành hội viên chính thức của WOSM/WAGGGS nếu hội đủ các điều kiện quy định (ngoại trừ Canada là quốc gia có 2 tổ chức hướng đạo được WOSM công nhận, và vài quốc gia có hệ thống liên hội). Vì vậy cụm từ “Hướng Đạo” với tên của một quốc gia đi liền theo sau, còn được hiểu như là danh xưng của tổ chức hướng đạo quốc gia của nước đó đã được trở thành hội viên chính thức của WOSM/WAGGGS.

Riêng phong trào Hướng Đạo Việt Nam có điểm khá đặc biệt khác với phong trào Hướng Đạo tại các quốc gia trên thế giới, là đã trải qua một khúc ngoặc quan trọng theo vận mệnh đất nước sau biến cố tháng Tư 1975 với sự giải thể của cả hai Hội Nam và Nữ Hướng Đạo Việt Nam, cùng với sự ra đời của những đoàn hướng đạo gốc Việt tại nhiều nơi ở hải ngoại. Và vì vậy mà danh xưng “Hướng Đạo Việt Nam” cũng đã có định nghĩa khác nhau theo không gian và thời gian qua dòng lịch sử của dân tộc.

Danh xưng “Hướng Đạo Việt Nam” trước ngày 30 tháng Tư 1975

Không bao lâu sau khi thành hình dưới thời Pháp thuộc vào đầu thập nhiên 1930, bốn chữ “Hướng Đạo Việt Nam” đã được dùng khi đề cập về những gì liên quan đến phong trào Hướng Đạo của người Việt Nam. Thời gian sau đó, bốn chữ “Hướng Đạo Việt Nam” cũng được xem là danh xưng chính thức của Hội Hướng Đạo Việt Nam, là cơ cấu trung ương của đại gia đình Hướng Đạo Việt Nam thành hình từ giữa thập niên 1940 do sự thống nhất các hội hướng đạo của 3 miền Nam, Trung, Bắc, và đến năm 1957 là tổ chức hướng đạo quốc gia của nước Việt Nam Cộng Hòa được nhận làm hội viên chính thức của WOSM. Hội Nữ Hướng Đạo Việt Nam cũng được thành hình vào năm 1957 tại miền Nam Việt Nam, và trở thành hội viên chính thức của WAGGGS vào năm 1966.

Sau biến cố 30 tháng Tư 1975, cả hai Hội Nam và Nữ Hướng Đạo Việt Nam của nước Việt Nam Cộng Hòa đều bị giải thể và không còn là hội viên của WOSM/WAGGGS, và phong trào Hướng Đạo Việt Nam đã ngưng mọi sinh hoạt công khai tại Việt Nam cho đến ít nhất là đầu thập niên 1990. Trong khoảng thời gian đó, người trong quốc nội ít ai còn nghe đến bốn chữ “Hướng Đạo Việt Nam”.

Danh xưng “Hướng Đạo Việt Nam” tại hải ngoại

Cùng với làn sóng người Việt đi lánh nạn cộng sản và phân tán khắp nhiều quốc gia trên thế giới tự do từ cuối tháng Tư 1975, những đoàn hướng đạo gốc Việt ghi danh trong hội hướng đạo của một vài quốc gia ở hải ngoại cũng đã lần lượt ra đời, mà đông đảo nhất là tại Hoa Kỳ. Và những đoàn này cũng thường dùng danh xưng “Hướng Đạo Việt Nam”.

Tuy nhiên, dựa trên hiến chương của WOSM/WAGGGS chỉ chính thức công nhận một tổ chức hướng đạo quốc gia tại mỗi nước có chủ quyền, những đoàn hướng đạo của người gốc Việt tại hải ngoại nếu muốn sinh hoạt trong đại gia đình hướng đạo thế giới, đều buộc phải trực thuộc tổ chức hướng đạo quốc gia tại nước cư trú đã được công nhận là hội viên của WOSM/WAGGGS, chứ không thể hình thành riêng lẻ. Và đó là chưa nói đến vấn đề trách nhiệm dân sự theo luật pháp tại các nước tân tiến. Do đó, việc sử dụng danh xưng “Hướng Đạo Việt Nam” của các đoàn hướng đạo gốc Việt ở hải ngoại chỉ nhằm xác định nguồn gốc chủng tộc, và đồng thời để bảo tồn các đặc tính và văn hóa Việt Nam. Các đoàn hướng đạo vừa kể trên hoàn toàn không thể là “Hướng Đạo Việt Nam” thuần túy với đủ tư cách pháp nhân và sự chính danh, và cũng không phải là hậu thân của Hội Hướng Đạo Việt Nam tại quốc gia Việt Nam Cộng Hòa trước đây, đã hoàn toàn giải thể và không còn là hội viên của WSOM từ sau tháng Tư 1975. Kể cả tại nước Pháp là một trong số vài quốc gia có những tổ chức hướng đạo thuộc WOSM hoạt động theo hệ thống liên hội, các đoàn hướng đạo gốc Việt tại Pháp mặc dầu được thành lập dưới hình thức một tổ chức riêng biệt có danh xưng hiện nay là Association des Scouts Vietnamiens de France (Hội Những Hướng Đạo Sinh Người Việt tại Pháp), nhưng cũng không phải là hội viên của WOSM và vẫn tham dự trong tổng hội Fédération du Scoutisme Français, là tổ chức hướng đạo quốc gia của nước Pháp đã được WOSM chính thức công nhận là hội viên từ năm 1922.

Nói cách cụ thể, một đơn vị hay tập thể mang danh xưng “Hướng Đạo Việt Nam” chỉ có thể được xem là có đủ tánh chính danh khi được thành hình trên lãnh thổ nước Việt Nam mà thôi. Một dẫn chứng điển hình để dễ dàng thấy được cái thực tế vừa nói trên là trong trại họp bạn hướng đạo thế giới lần thứ 23 do WOSM tổ chức tại Nhật Bản vào mùa Hè năm nay (2015), chỉ có toán hướng đạo sinh đến từ Việt Nam theo lời mời của WOSM mới có đủ chính danh để dùng danh xưng “Hướng Đạo Việt Nam” khi xuất hiện trong kỳ trại này, dầu rằng nước Việt Nam sau 30 tháng Tư 1975 đến nay vẫn chưa có một tổ chức hướng đạo quốc gia được công nhận là hội viên của WOSM.

Khi danh xưng “Hướng Đạo Việt Nam” được sử dụng trong bối cảnh sinh hoạt dưới đồng phục và tư cách hội viên của một hội hướng đạo ở ngoài nước Việt Nam, ví dụ như Hội Nam Hướng Đạo Hoa Kỳ (Boy Scouts of America/BSA), thì ý nghĩa đích thực của danh xưng “Hướng Đạo Việt Nam” trong hoàn cảnh đó phải được hiểu là “Hướng Đạo Hoa Kỳ gốc Việt Nam”. Và sự thể này cũng có nhiều phần rất tương tự với trường hợp các đoàn của Đạo Kỳ Hòa trong Hội Hướng Đạo Việt Nam vào thời kỳ trước 30 tháng Tư 1975, thường sinh hoạt trong khuôn viên trường Bác Ái (Collège Fraternité) ở Chợ Lớn: Hướng đạo sinh của Đạo Kỳ Hòa là con em người gốc Đài Loan, vì vậy nhiều người lúc bấy giờ vẫn gọi các đơn vị của Đạo Kỳ Hòa là “Hướng Đạo Trung Hoa”. Nhưng danh từ “Hướng Đạo Trung Hoa” dùng để gọi Đạo Kỳ Hòa ở Chợ Lớn trong thời đó mặc nhiên có ý nghĩa là “Hướng Đạo Việt Nam gốc Trung Hoa”. Lý do đơn giản là bởi các hướng đạo sinh Đạo Kỳ Hòa tuy là người gốc Hoa và sinh hoạt ca hát bằng tiếng Tàu, nhưng là hội viên và mặc đồng phục của Hội Hướng Đạo Việt Nam, lúc bấy giờ là tổ chức hướng đạo quốc gia của nước Việt Nam Cộng Hòa được công nhận là hội viên chính thức của WOSM từ 1957, dầu rằng Hội Hướng Đạo Trung Hoa (the General Association of the Scouts of China) tại Đài Loan cũng đã là hội viên chính thức của WOSM từ 1937. Và đó chẳng qua cũng là nguyên tắc quy định lâu nay nơi Chương III, Điều V.3, trong hiến chương của WOSM (Constitution of the World Organization of the Scout Movement - Chapter III, Article V.3) mà nhiều người đã hoặc đang tham gia sinh hoạt trong phong trào Hướng Đạo đều hiểu rất rõ.


Những khía cạnh pháp lý khi sử dụng chữ “Scouts” (Hướng Đạo) tại Hoa Kỳ

Phong trào Hướng Đạo đã có mặt tại Hoa Kỳ từ năm 1910. Sau đó, hội nam Hướng Đạo Hoa Kỳ (BSA) và hội nữ Hướng Đạo Hoa Kỳ (Girl Scouts of the United States of America/GSUSA) lần lượt được thành hình, và cả hai hội này đều là những thành viên kỳ cựu của hai tổ chức Hướng Đạo Thế Giới WOSM/WAGGGS.

Điểm rất đặc biệt là khác với những hội đoàn thông thường vẫn đăng ký thành lập theo luật của tiểu bang để được phép hoạt động tại Hoa Kỳ, BSA và GSUSA nằm trong số rất hiếm hoi các hội đoàn/tổ chức tại Hoa Kỳ được chính thức bảo trợ thành lập bởi quốc hội liên bang qua một đạo luật riêng biệt (36 U.S.C. Chapter 309 vào năm 1916 cho BSA, và U.S.C. Chapter 803 vào năm 1950 cho GSUSA). Và trong cả hai đạo luật bảo trợ thành lập BSA và GSUSA, quốc hội liên bang Hoa Kỳ cũng đã đặc biệt dành cho hai hội này độc quyền sở hữu và sử dụng mọi biểu tượng, huy hiệu, danh hiệu, khẩu hiệu, dấu hiệu, danh xưng, v.v… do BSA/GSUSA lựa chọn, hoặc có liên hệ đến sinh hoạt của BSA/GSUSA tại Hoa Kỳ (36 U.S.C. § 30905 & 36 U.S.C. § 80305). Vì lẽ trên đây, mọi thứ danh xưng hay nhãn hiệu có liên quan đến chữ “Scouts” hoặc “Scouting” đều được xem là độc quyền sử dụng của BSA và GSUSA trên lãnh thổ Hoa Kỳ.

Trong quá trình từ ngày được bảo trợ thành lập bởi quốc hội liên bang đến nay, BSA và GSUSA đã nhiều lần nhờ đến sự can thiệp của tòa án để ngăn chận một số cá nhân và hội đoàn không thuộc BSA/GSUSA mà tự ý đăng ký cầu chứng hoặc sử dụng chữ “Scouts/Scouting” tại Hoa Kỳ, gây sự ngộ nhận của công chúng. Và trong các trường hợp tranh tụng liên quan đến vấn đề này mà điển hình là vụ kiện “Girl Scouts of United States of America v. Hollingsworth” tại án liên bang khu vực New York vào năm 1960 (188 F.Supp. 707 (E.D.N.Y. 1960)), các tòa án tại Hoa Kỳ thường căn cứ vào đạo luật bảo trợ và thành lập BSA và GSUSA của quốc hội liên bang để khẳng định độc quyền sử dụng chữ “Scouts/Scouting” của BSA/GSUSA. Và từ nhiều thập niên qua, “Girl Scouts of United States of America v. Hollingsworth” đã trở thành một án lệ quan trọng trong nhiều vụ tranh tụng liên quan đến quyền sử dụng chữ “Scouts/Scouting” của BSA/GSUSA. Ngoài ra, trong vụ kiện “Wrenn v. Boy Scouts of America” tại tòa án liên bang khu vực Bắc California kéo dài khá lâu và kết thúc vào năm 2008 (U.S. District Court for the Northern District of California, case No. C03-04057), cùng với sự khẳng định việc sử dụng chữ “Scouts/Scouting” của một tổ chức ngoài BSA là vi phạm độc quyền của BSA, tòa án còn đồng ý rằng BSA không cần phải chứng minh có sự ngộ nhận vì đã được bảo vệ đặc biệt bởi đạo luật của quốc hội liên bang.

Như đã trình bày tóm lược trên đây, việc sử dụng những chữ “Scouts” hoặc “Scouting” là độc quyền của BSA/GSUSA được quốc hội liên bang Hoa Kỳ công nhận. Và hai chữ “Hướng Đạo” (tiếng Việt) cũng đồng nghĩa với chữ “Scouts” hoặc “Scouting” trong Anh ngữ. Vì vậy, một tổ chức hay hội đoàn nào đó nếu không trực thuộc BSA/GSUSA, hoặc không có sự đồng ý của BSA/GSUSA, mà tự ý công khai sử dụng hai chữ “Hướng Đạo” (tiếng Việt) một cách không rõ ràng tại Hoa Kỳ cũng có thể được xem là vi phạm độc quyền của BSA/GSUSA, bất kể điều đó có tạo ra sự ngộ nhận trong công chúng hay không.

Thêm vào đó, những ai có theo dõi tin tức pháp lý ở Hoa Kỳ đều biết là BSA trong những năm gần đây đã phải đối diện với nhiều vụ kiện đòi chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại tinh thần hay thể chất của các hướng đạo sinh, xảy ra trong lúc tham dự sinh hoạt của BSA. Vào tháng Tư 2010, một tòa án tại Portland, Oregon đã buộc BSA phải bồi thường $18.5 triệu Mỹ kim cho một cựu hướng đạo sinh trong một vụ kiện liên quan đến vấn đề trách nhiệm dân sự. Tại tòa án quận New Haven, Connecticut, bồi thẩm đoàn cũng đã buộc BSA phải bồi thường $5 triệu Mỹ kim trong một vụ kiện tương tự hồi tháng 12 năm 2014. Và tòa án tại nhiều nơi ở Hoa Kỳ hiện cũng đang thụ lý một số vụ kiện liên quan đến vấn đề trách nhiệm dân sự của BSA.

Từ những vụ kiện như kể trên, một tổ chức tại Hoa Kỳ nếu dùng danh xưng “Hướng Đạo Việt Nam”, và có những sinh hoạt trực tiếp hay gián tiếp tạo cho người bình thường tin rằng đó là một cơ cấu trung ương của các đoàn hướng đạo gốc Việt vẫn thường được gọi là “Hướng Đạo Việt Nam” (ví dụ như ghi danh, tổ chức huấn luyện, cấp huy chương, v.v…), thì tổ chức này vô tình đã tự đặt mình vào một thế không hay trong vấn đề trách nhiệm dân sự theo luật pháp Mỹ. Nói cách cụ thể, tổ chức đó có thể trở thành đồng bị cáo (co-defendant) trong những vụ kiện nhắm vào BSA từ hướng đạo sinh của những đoàn gọi là “Hướng Đạo Việt Nam” bị những thiệt hại tinh thần hay thể chất trong lúc sinh hoạt. Và đây là trường hợp vẫn thường thấy xảy ra trong những vụ kiện liên quan đến trách nhiệm dân sự tại Mỹ, dựa theo học thuyết “ostensible/apparent agency” của luật pháp Hoa Kỳ.

Nhìn về tương lai của phong trào Hướng Đạo Việt Nam

Từ khoảng trên dưới hai chục năm nay, mặc dầu không có phép hoạt động chính thức của chính quyền, sinh hoạt của phong trào Hướng Đạo đã lần hồi được tái hiện và liên tục phát triển tại Việt Nam, đặc biệt là các thành phố lớn thuộc miền Nam.

Điểm đặc biệt là trong hoàn cảnh sinh hoạt không chính thức và dầu chưa hình thành được một cơ cấu trung ương hợp nhất, các nhóm hướng đạo tại Việt Nam cũng đã tạo được mối liên hệ khá gắn bó với WOSM. Theo tin tức của Văn Phòng Hướng Đạo Thế Giới vùng Á Châu - Thái Bình Dương (World Scout Bureau, Asia-Pacific Region/WSB-APR), Hội Hướng Đạo Phi Luật Tân vào năm 2010 và 2011 với sự hợp tác của WSB-APR, đã tổ chức thành công ba (3) khóa huấn luyện Bằng Rừng (Wood Badge Courses) tại trại trường trên núi Mt. Makiling, Los Bađos, Laguna (Phi Luật Tân) cho các huynh trưởng hướng đạo đến từ Việt Nam, và có tổng cộng 116 Trưởng đã hoàn tất chương trình huấn luyện trong các khóa vừa kể trên. Sau đó, từ ngày 27 tháng 11 đến 3 tháng 12 năm 2013 cũng tại trại trường nói trên, Hội Hướng Đạo Phi Luật Tân và WSB-APR cũng đã đồng tổ chức một khóa đào tạo Phụ Tá Trại Trưởng Huấn Luyện cho Huynh Trưởng Hướng Đạo Người Việt Nam (Course for Assistant Leader Trainers for Vietnamese Scout Leaders). Ngoài ra, WOSM từ nhiều năm qua đã liệt kê tên của Việt Nam vào danh sách các quốc gia có tiềm năng sẽ được công nhận là thành viên chính thức (potential member country). Và theo lời mời của WOSM, một nhóm hướng đạo sinh đại diện tập thể Hướng Đạo Việt Nam đã sẵn sàng để tham dự trại họp bạn hướng đạo thế giới lần thứ 23, tổ chức tại Yamaguchi, Nhật Bản vào giữa mùa Hè năm 2015. Gần đây nhất là vào đầu năm 2015, đại diện WSB-APR cũng đã đến Việt Nam để vận động cho sự kết hợp các nhóm hướng đạo trong nước, hầu sớm tiến đến việc thành hình một tổ chức hướng đạo quốc gia.

Những diễn biến vừa tóm lược trên đây phải được xem là rất đáng vui mừng với anh em trong đại gia đình Hướng Đạo Việt Nam khắp nơi. Và đó cũng là phần thưởng tinh thần vô giá dành cho những huynh trưởng kỳ cựu đã kiên trì góp công sức để vận động cho việc tái lập Hướng Đạo Việt Nam tại quê nhà từ thập niên 1990, mà hầu hết nay đều già yếu hoặc đã không còn nữa. Trong thời gian tới đây, vì đã là hướng đạo sinh thì ai cũng biết BiPi lập ra phong trào Hướng Đạo cho trẻ em, chứ không phải cho người lớn, vậy phải chăng đã đến lúc quý Trưởng thuộc các nhóm hướng đạo trong nước cần ý thức được quyền lợi chung để mạnh dạn bắt tay nhau xây dựng lại ngôi nhà “Hướng Đạo Việt Nam” theo gợi ý từ gần mười năm qua của WSB-APR? Được vậy thì Hướng Đạo Việt Nam dầu chưa đủ điều kiện để làm hội viên chính thức của WOSM trong thời điểm này, nhưng vẫn có cơ hội được góp mặt trong đại gia đình Hướng Đạo Thế Giới qua việc trở thành một Tổ Chức Hướng Đạo Quốc Gia Được Công Nhận (Accredited National Scout Organization) bởi WOSM, chiếu theo quy định nơi Chương III, Điều V.7 trong bản hiến chương của WOSM.

Sau cùng, có một điều quan trọng nhưng hết sức tế nhị cần được hiểu rõ là nếu một tổ chức hướng đạo quốc gia trong nước Việt Nam dưới chính quyền hiện nay được công nhận bởi WOSM trong tương lai với danh xưng “Hội Hướng Đạo Việt Nam”, thì đó sẽ không phải là sự phục hồi tư cách hội viên WOSM của Hội Hướng Đạo Việt Nam từng đuợc WOSM công nhận trước đây vào năm 1957, nhưng đã giải thể từ sau tháng Tư 1975. Bởi dầu rằng trong tình tự hướng đạo thì một tổ chức hướng đạo quốc gia tại Việt Nam được WOSM công nhận sau này sẽ là sự tiếp nối của phong trào Hướng Đạo Việt Nam, nhưng trên phương diện pháp lý và thực tế thì tổ chức đó và Hội Hướng Đạo Việt Nam đã giải thể năm 1975 là hai tổ chức hướng đạo quốc gia của hai nước với quốc kỳ và quốc ca hoàn toàn khác nhau. Và điều khác biệt rõ ràng nhất chính là yếu tố chủ quyền quốc gia mà WOSM đã hoặc sẽ căn cứ vào đó khi công nhận tư cách hội viên của mỗi tổ chức vừa kể trên.

Miền Nam California, Hoa Kỳ - Đầu mùa Hè 2015

Tom Huỳnh, J.D.

T.Huynh@1stcounsel.com

Ý kiến bạn đọc
11/06/201515:15:23
Khách
Trước ngày 30 tháng Tư năm 1975.Hướng đạo VN đã có niềm hãnh diện lớn là đã tổ chức thành công Trại họp bạn Hướng đạo toàn thế giới tại Suối Tiên-Thủ Đức(nay là khu du lịch Suối Tiên).Tôi còn nhớ Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu là người cắt băng khai mạc trại.Cám ơn tác giả TOM HUỲNH J.D. đã cung cấp một bài viết rất hay./.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cựu Tổng Thống Donald Trump đã trình bầy kế hoạch kinh tế của ông tại Economic Club of New York trước đám đông các kinh tế gia, lãnh đạo doanh nghiệp và nhà báo vào 5-9-2024 vừa qua. Buổi nói chuyện này nằm trong chiến dịch tranh cử. Kế hoạch kinh tế trong nhiệm kỳ 2 nếu ông thắng cử bao gồm nhiều chính sách mà ông đã thi hành trong bốn năm đầu cầm quyền. Ông tuyên bố sẽ loại bỏ nhiều chương trình của chính quyền Biden. Ứng cử viên tổng thống của Cộng Hòa quảng cáo chương trình của ông với thuế nội địa thấp, thuế nhập cảng cao chưa từng thấy, giảm bớt luật lệ, và kinh tế phát triển mạnh. Nhưng nhiều chuyên viên đã nghi ngờ giá trị của chương trình kinh tế này. Nhiều người đã lên tiếng chỉ trích đề xuất kinh tế của Trump như chúng ta sẽ thấy trong những phần dưới đây của bài báo này.
Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 sắp tới không chỉ định hình tương lai chính trị của quốc gia trong vài năm tới mà còn đặt ra những câu hỏi căn bản về bản sắc và tương lai của chính nước Mỹ. Trong khi kết quả bầu cử sẽ quyết định nhiều vấn đề quan trọng, những xung đột sâu sắc về bản chất của nước Mỹ đã được phản ảnh rõ nét qua đường lối, chính sách nêu ra tại hai đại hội Đảng Cộng Hòa và Dân Chủ vừa qua.
Tôi đã xem qua cả trăm bài viết với với nội dung và ngôn từ (“đầu đường xó chợ”) tương tự nhưng chưa bao giờ bận tâm hay phiền hà gì sất. Phần lớn, nếu không muốn nói là tất cả, các bạn DLV đều không quen cầm bút nên viết lách hơi bị khó khăn, và vô cùng khó đọc. Họ hoàn toàn không có khái niệm chi về câu cú và văn phạm cả nên hành văn lủng củng, vụng về, dài dòng, lan man trích dẫn đủ thứ nghị quyết (vớ vẩn) để chứng minh là đường lối chính sách của Đảng và Nhà Nước luôn luôn đúng đắn. Họ cũng sẵn sàng thóa mạ bất cứ ai không “nhận thức được sự đúng đắn” này, chứ không thể lập luận hay phản bác bất cứ một cáo buộc nào ráo trọi.
Ngày 20/7/1969, hai phi hành gia Neil Armstrong và Edwin Aldrin đi vào lịch sử như là hai người đầu tiên đặt chân lên Mặt Trăng thế nhưng sự kiện này bị một số nhà “lý thuyết âm mưu” lên tiếng phủ nhận. Căn cứ vào những điểm “khả nghi” trong tấm hình chụp Armstrong đứng cạnh lá cờ cắm trên Mặt Trăng, họ quả quyết rằng tất cả chỉ là chuyện dàn dựng và bức hình này chỉ được chụp tại một sa mạc ở Nevada. Nhưng bằng chứng của vụ đổ bộ ấy đâu chỉ duy nhất một tấm hình? Tàu Appollo 11 phóng từ mũi Kennedy trước con mắt hàng chục ngàn người và hàng trăm triệu người qua ống kính truyền hình. Hàng trăm ngàn thước phim quay được và chụp được khi tàu Appollo vờn trên quỹ đạo quanh mặt trăng, cảnh tàu con rời tàu mẹ để đổ bộ, cảnh các phi hành gia đi bộ và cả những túi đất đá mang về từ Mặt Trăng v.v. Chúng ta thấy gì ở đây? Những bằng chứng xác thực thì nặng như núi nhưng, khi đã cố tình không tin, đã cố vạch ra những âm mưu thì chỉ cần mấy điểm khả nghi nhẹ tựa lông hồng.
Một bài bình luận của báo Chính phủ CSVN hôm 2/9/2024 viết: “Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, đến nay chúng ta ngày càng có cơ sở vững chắc để khẳng định sự thật chúng ta đã trở thành nước tự do độc lập, người dân ngày càng ấm no hạnh phúc…” Những lời tự khoe nhân dịp kỷ niệm 79 năm (1945-2024) được gọi là “Tuyên ngôn độc lập” của ông Hồ Chí Minh chỉ nói được một phần sự thật, đó là Việt Nam đã có độc lập. Nhưng “tự do” và “ấm no hạnh phúc” vẫn còn xa vời. Bằng chứng là mọi thứ ở Việt Nam đều do đảng kiểm soát và chỉ đạo nên chính sách “xin cho” là nhất quán trong mọi lĩnh vực...
Năm 2012 Tập Cận Bình được bầu làm Tổng Bí Thư Trung Ương Đảng; năm 2013 trở thành Chủ Tịch Nước; đến năm 2018 tư tưởng Tập Cận Bình được chính thức mang vào Hiến Pháp với tên gọi “Tư tưởng Tập Cận Bình về chủ nghĩa xã hội với đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới”. Tập Cận Bình đem lại nhiều thay đổi sâu sắc trong xã hội Trung Quốc, mối bang giao Mỹ-Trung và nền trật tự thế giới...
Xem ra thì người Mỹ, không ít, đang chán tự do và nước Mỹ đang mấp mé bên bờ vực của tấn thảm kịch mà nước Đức đã sa chân cách đây một thế kỷ khi, trong cuộc bầu cử năm 1933, trao hết quyền tự do cho Adolf Hitler, để mặc nhà dân túy có đầu óc phân chủng, độc tài và máu điên này tùy nghi định đoạt số phận dân tộc. Mà nếu tình thế nghiêm trọng của nước Đức đã thể hiện từ trước, trong cương lĩnh đảng phát xít cả khi chưa nắm được chính quyền thì, bây giờ, với nước Mỹ, đó là Project 2025.
Từ 20 năm qua (2004-2024), vấn đề hợp tác giữa người Việt Nam ở nước ngoài và đảng CSVN không ngừng được thảo luận, nhưng “đoàn kết dân tộc” vẫn là chuyện xa vời. Nguyên nhân còn ngăn cách cơ bản và quan trọng nhất vì đảng Cộng sản không muốn từ bỏ độc quyền cai trị, và tiếp tục áp đặt Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh “làm nền tảng xây dựng đất nước”...
Cái ông Andropov (“nào đó”) nghe tên cũng có vẻ quen quen nhưng nhất thời thì tôi không thể nhớ ra được là ai. Cả ủy ban nhân dân Rạch Gốc và nhà văn Nguyên Ngọc cũng vậy, cũng bù trất, không ai biết thằng chả ở đâu ra nữa. Tuy vậy, cả nước, ai cũng biết rằng trong cái thế giới “bốn phương vô sản đều là anh em” thì bất cứ đồng chí lãnh đạo (cấp cao) nào mà chuyển qua từ trần thì đều “thuộc diện quốc tang” ráo trọi – bất kể Tây/Tầu.
Việt Nam và Trung Quốc đã ký 14 Văn kiện hợp tác an ninh Chính trị, Kinh tế-Thương mại và Văn hóa-Báo chí trong chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của Tổng Bí thư Tô Lâm từ ngày 18 đến 20/08/2024. Trong số này, Văn kiện kết nối và thiết lập 3 Tuyến đường sắt giữa hai nước được gọi là “anh em” đã giúp Trung Quốc liên thông ra Biển Đông và bành trướng thế lực kinh tế...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.