Ông Trương Kim Phong, giám đốc kinh doanh và tiếp thị Ford Việt Nam, cho biết đề xuất về cách tính thuế TTĐB mới của Bộ Tài chính dự kiến có hiệu lực từ đầu năm 2016. Giá tính thuế ô tô sẽ là giá bán ra của nhà nhập khẩu (giá bán buôn) thay vì giá CIF (giá của bên bán hàng đã bao gồm giá thành của sản phẩm, cước phí vận chuyển và phí bảo hiểm) nhập về đã có thuế nhập khẩu như trước đây. Với phương án mới này, giá thuế TTĐB phải cộng thêm một phần lợi nhuận, phí hải quan, đăng kiểm, phí lưu kho, lưu bãi và cước vận chuyển, rồi chi phí marketing quảng cáo… từ nhà nhập khẩu tới tay đại lý phân phối.
“Nếu thay đổi giá tính thuế sẽ tạo ra sự phức tạp trong cách tính thuế, gây nhiều phiền hà cho doanh nghiệp trong việc báo cáo thuế cũng như xây dựng chính sách bán hàng của các doanh nghiệp. Việc tính thuế theo cách mới giúp tăng thu thuế nhưng sẽ đẩy giá bán xe ô tô lên cao. Người tiêu dùng không được lợi vì giá xe quá cao” - ông Phong lo ngại.
Theo Tin 24h., các nhà nhập khẩu và phân phối ô tô chính hãng cho rằng cách tính thuế TTĐB chưa công bằng và cũng chưa chính xác. Lý do là các nhà nhập khẩu ô tô hiện nay cũng là nhà phân phối, họ buôn đứt bán đoạn đối với nhà sản xuất chính hãng. Điều này chứng minh giá CIF đã bao gồm đầy đủ các yếu tố giá vốn và chi phí marketing, bán hàng của nhà sản xuất chính hãng, nghĩa là có sự tương đồng với giá bán buôn của nhà sản xuất lắp ráp trong nước.
Đại diện một doanh nghiệp nhập khẩu tính toán, mức thuế TTĐB theo cách tính mới sẽ tăng và chắc chắn giá ô tô bán ra tăng, mức tăng có thể 20%-30% tùy loại xe. Ví dụ chiếc Toyota Camry 2.0 giá khoảng 1 tỉ đồng, với cách tính thuế mới giá xe có thể tăng lên mức 1.2 tỉ đồng. Không chỉ giá bán tăng mà phí trước bạ cũng sẽ tăng theo.
Với cách tính thuế TTĐB mới, các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước về cơ bản sẽ có lợi, có ưu thế trước các ô tô nhập khẩu. Tuy nhiên, hiện nay các đơn vị lắp ráp, sản xuất ô tô trong nước đều nhập khẩu ô tô nguyên chiếc về bán nên vẫn bị ảnh hưởng ít nhiều.
Một chuyên gia lĩnh vực ô tô nhận định rằng điều cần thiết là cần có chế tài buộc các nhà lắp ráp ô tô phải cam kết thực hiện bằng được tỉ lệ nội địa hóa theo lộ trình hơn là dùng biện pháp tăng thuế. Nếu cách tính thuế TTĐB mới đẩy giá xe nhập khẩu lên cao, xe lắp ráp trong nước sẽ không có động lực để giảm giá. Khi đó, người tiêu dùng là đối tượng thiệt thòi nhiều nhất.
Theo vị chuyên gia này, ở Thái Lan vẫn đang có cách tính thuế TTĐB như Việt Nam hiện nay, đó là tính trên giá CIF cộng thuế nhập khẩu. Còn Malaysia tính thuế TTĐB trên giá bán buôn (tương đồng cách tính thuế mới được đề xuất của Việt Nam) nhưng trừ đi phần nội địa hóa. Thế nhưng tỉ lệ nội địa hóa của các nước trong khu vực cao hơn nhiều so với Việt Nam.
Tin 24h. nêy ý kiến của ông Vũ Trường Giang, trưởng bộ phận phát triển và kinh doanh hãng xe Infinity tại Việt Nam, đề nghị cách tính thuế TTĐB nên theo cách tính cũ. “Từ việc tăng thuế TTĐB, Nhà nước sẽ tăng nguồn thu theo cách tính mới, các doanh nghiệp thì tuy khó khăn hơn chút ít nhưng vẫn đảm bảo được lợi nhuận, chỉ có người tiêu dùng chịu thiệt bởi mua giá xe đắt hơn” - ông Giang phân tích.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước lượng cả nước nhập về khoảng 10,000 ô tô nguyên chiếc trong tháng 5-2015, tương đương kim ngạch 337 triệu USD của tháng trước,. Việc ô tô nhập khẩu liên tiếp ở mức cao trong những tháng gần đây, đưa tổng lượng xe nhập về trong nước năm tháng đầu năm lên 45,000 chiếc, giá trị hơn 1.2 tỉ USD, tăng 125% về lượng và 185% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Việt Nam đang nhập nhiều xe từ Trung Quốc, Ấn Độ, Thái Lan, Nhật, Hàn Quốc…
Gửi ý kiến của bạn