Khi Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ New York phát biểu hôm Thứ Hai mùng sáu vừa qua, cả thế giới lắng nghe.
Ông Bill Dudley này chỉ là một trong 12 người ngồi trong một ủy ban của hệ thống Ngân hàng Trung ương có thẩm quyền quyết định về chánh sách tiền tệ và tín dụng của Hoa Kỳ, dưới sự chủ tọa của bà Thống đốc Janet Yellen.
Ủy ban này có tên tắt là FOMC – xin miễn dịch vì cũng chẳng rõ nghĩa hơn. Thế giới lắng nghe một người có thẩm quyền vì muốn dự đoán về tình hình kinh tế và đặc biệt là lãi suất tại Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Đến cuối tháng này thì người ta mới biết được đà tăng trưởng kinh tế của Mỹ trong Quý I, nhưng ông Dudley dự đoán là có thể chỉ bằng 1%, thấp hơn ước tính, nhưng rồi sẽ khá hơn sau khi các yếu tố bất lợi nhất thời sẽ giảm dần. Một trở ngại được coi là nhất thời là số việc làm được tạo thêm trong Tháng Ba, vừa do Bộ Lao Đông Mỹ loan báo hôm Thứ Sáu mùng hai: chỉ bằng phân nửa những ước tính ban đầu - và thấp nhất kể từ Tháng 12 năm 2013.
Vì sao thế giới lại theo dõi những chi tiết chuyên môn rắc rối ấy của Hoa Kỳ?
* * *
Tính tròn cho dễ nhớ, sản lượng kinh tế của nước Mỹ là gần 18 ngàn tỷ đô la một năm, bằng 22% sản lượng thế giới. Đến 70% của sản lượng này là tiêu thụ, tương đương với khoảng 12 ngàn tỷ 500 triệu. Trong số tiêu thụ đến hơn 12 ngàn tỷ ấy, chỉ có chừng 12% là nhập cảng, phần còn lại là do thị trường nội địa sản xuất lấy. Phần nhập cảng đó, trị giá khoảng một ngàn năm trăm tỷ đô la, là nguồn sống của nhiều quốc gia muốn bán hàng cho Mỹ.
Đứng đầu trong số này là Tầu, Nhật và Đức, ba nền kinh tế lệ thuộc mạnh vào xuất cảng. Hoa Kỳ tiêu thụ khoảng 19% số xuất cảng của Trung Quốc, gần 18% xuất cảng của Nhật và 9% của nước Đức, một đầu máy của nền kinh tế èo uột tại Âu Châu.
Trong hoàn cảnh thiếu sáng sủa vì kinh tế Trung Quốc tăng trưởng thấp hơn, chưa chắc đã đạt chỉ tiêu 7% trong năm nay, Nhật Bản thì chưa ra khỏi những khó khăn triền miên và Liên Âu còn đang vất vả với vụ khủng hoảng của khối Euro, ngần ấy quốc gia đều cần lực đẩy của xuất cảng và trông đợi vào khả năng tiêu thụ của thị trường Hoa Kỳ. Khả năng đó tùy vào triển vọng kinh tế của nước Mỹ, và có lên lên hay xuống thì cũng do trị giá của đồng đô la. Mỹ kim mà lên giá thì các nước xuất cảng vào Mỹ sẽ có lợi.
Từ vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 rồi nạn suy trầm kinh tế 2008-2009 và sự hồi phục quá yếu ớt sau đó dù Chính quyền Barack Obama đã tăng chi và mắc nợ đến tối đa, Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ mới cắt lãi suất tới sàn. Thực tế là áp dụng "Chính sách ZIRP" - là “zero interest rate policy” lãi suất bằng số không. Tiếp theo là ba đợt bơm tiền qua một thuật lạ chỉ thấy áp dụng tại Nhật Bản, là "quantitative easing" (nâng mức lưu hoạt tiền tệ có định lượng) vào Tháng 11 năm 2008, rồi Tháng 11 năm 2010 và Tháng Chín năm 2012. Quyết định lần thứ ba (QE3) có kích thước rất lớn là mỗi tháng bơm ra 85 tỷ đô la. Tổng cộng là đã bơm ra hơn bốn ngàn tỷ đô la.
Thế rồi, giữa khung cảnh trì trệ của toàn cầu, kinh tế Hoa Kỳ lại hồi phục tương đối khá hơn cả - dù vẫn còn bết bát nếu nhìn từ giác độ của dân thất nghiệp toàn thời hay bán thời, của những người lãnh lương quá thấp hay của giới tiết kiệm với lãi suất quá rẻ - cho nên từ Tháng Năm năm 2013, Ngân hàng Trung ương Mỹ, thời Thống đốc Ben Bernanke, báo trước là sẽ “vuốt nhọn chính sách tiền tệ”, tappering. Cụ thể là từng bước giảm dần lượng tiền bơm ra, khi ấy là 85 tỷ mỗi tháng, cho đến khi hết bơm tiền, rồi có thể nâng lãi suất khỏi mặt sàn.
Khi ấy, lời thông báo làm chấn động các thị trường vì trực tiếp ảnh hưởng đến hối suất hay trị giá đồng đô la. Dân trong nghề, và các tay giao dịch mua bán ngoại tệ thì đã thấy Mỹ kim nhúc nhích, lên giá dần và tăng vọt từ năm ngoái. Nếu lãi suất tại Mỹ được nâng khỏi số không, Mỹ kim sẽ còn lên gía nữa.
Quả nhiên là cuối Tháng 10 năm ngoái, ủy ban tiền tệ FOMC chính thức thông báo là chấm dứt việc bơm tiền đợt thứ ba (gọi là QE3). Tình trạng bất thường kéo dài sáu năm đã kết thúc, và tình trạng bình thường sẽ trở lại khi lãi suất được tăng. Khi ấy rồi, các thị trường dự đoán rằng lãi suất sẽ tăng trong năm nay và đấy là tin vui cho những người có tiền tiết kiệm vì sẽ được hưởng phân lời cao hơn. Nhưng lại là tin buồn cho thị trường cổ phiếu vì các doanh nghiệp phải trả phí tốn tài chánh cao hơn.
Còn lại là câu hỏi “bao giờ Ngân hàng Trung ương sẽ tăng lãi suất?”
* * *
Người ta dự báo thời điểm có thể là vào Tháng Sáu hay Tháng Chín và cường độ có thể là mỗi đợt tăng 25 điểm căn bản (0,25%). Tất cả tùy thuộc vào tình hình kinh tế, đã đủ khả quan chưa. Và cũng tùy vào sự lượng định của Ngân hàng Trung ương về tình hình kinh tế đó, cụ thể là lạm phát có trở lại mức 2% và thất nghiệp xuống tới 5% hay chưa.
Vì vậy, người ta theo dõi và suy diễn từng lời phát biểu của giới chức lãnh đạo định chế này, đứng đầu là Thống đốc Janet Yellen, một phụ nữ phúc hậu có mái tóc như của búp bê.
Tháng Ba vừa qua, khi Ngân hàng Trung ương không còn dùng chữ “kiên nhẫn” trong biên bản chính thức (kiên nhẫn là không hấp tấp hay nóng vội với biện pháp tăng lãi suất), thị trường bèn suy đoán là “sắp rồi!” Cũng vậy, vào Thứ Sáu đầu tiên của Tháng Ba, khi bộ Lao động Mỹ công bố thống kê về nhân dụng của tháng trước, với số việc làm mới tăng thêm được hơn 290 ngàn, thị trường cổ phiếu Hoa Kỳ tuột giá đến chóng mặt: tin vui về kinh tế có nghĩa là Ngân hàng Trung ương sẽ tăng lãi suất nên mới là một tin buồn về doanh lợi trong tương lai.
Bây giờ, cả thế giới đang nín thở theo dõi loại tin tức và phát biểu ấy, với dự đoán là tin xấu về kinh tế sẽ đẩy lui thời điểm có thể nâng lãi suất từ Tháng Sáu qua Tháng Chín hay chậm hơn nữa. Nhận xét của Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ New York về triển vọng kinh tế sau một Quý I kém vui mới làm các thị trường thế giới chấn động.
Một khía cạnh nữa cũng cần được chú ý là hồ sơ hối đoái.
* * *
Khi ta nói rằng tiền Mỹ lên giá thì điều ấy có nghĩa là lên giá so với các ngoại tệ khác.
Trong sáu năm bất thường tại Hoa Kỳ, của tình trạng lãi suất ở số không và tiền bơm ra ào ạt, các nước đã than là Mỹ thực tế phá giá đồng bạc vì tiền rẻ hơn sẽ kích thích xuất cảng của Hoa Kỳ - nhờ bán hàng rẻ hơn. Khi ấy, các nước cũng ráo riết bơm tiền làm trị giá đồng bạc của mình cũng giảm để dễ xuất cảng. Đấy là tình trạng gọi là “chiến tranh ngoại tệ”, xứ nào cũng muốn dìm đồng bạc của mình xuống đáy.
Ngày nay, khi Mỹ kim lên giá, các nước đều hể hả vì dễ cạnh tranh hơn. Nếu Hoa Kỳ lại nâng lãi suất thì hối suất đồng Mỹ kim càng tăng và hàng họ bán vào Mỹ càng rẻ.
Nói cách khác, vì các nước không thể xuất cảng lên cung trăng để vực dậy nền kinh tế èo uột của mình, họ đều trông cậy vào thị trường Hoa Kỳ. Sau nhiều năm kết luận, nhảm, là chủ nghĩa tư bản Hoa Kỳ đã tới kỳ mạt vận, nhà nhà đều mong thị trường Mỹ sẽ kéo mình ra khỏi vực.
Chuyện áo le ở đây là khi Hoa Kỳ bơm tiền và đồng Mỹ kim sụt giá thì nhiều nước đã khôn ngoan vay tiền Mỹ rất rẻ để đầu tư ở nơi khác có lời hơn. Vì vậy mà nhiều quốc gia bị khiếm hụt cán cân chi phó và ôm một khối nợ được yết giá bằng đô la. Ngày nay, tiền Mỹ lên giá, hàng loạt quốc gia khôn ngoan ấy bị đẩy tới mé bờ khủng hoảng, đó là trường hợp của Turkey, Chile, Brazil, Nam Mỹ và cả Mã Lai Á.
Khi ấy, lại có người lầu bầu là tư bản Mỹ quá đểu. Và mong rằng kinh tế Mỹ bị trì trệ nên sẽ hoãn ngày tăng lãi suất. Nghĩa là trong những năm xoay vần vừa qua, Hoa Kỳ vẫn là một trung tâm của thế giới và mọi quyết định của một định chế độc lập là Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ đều làm thiên hạ chóng mặt.
Đã vậy, Hoa Kỳ còn đang ở trong tiến trình thương thảo hai hiệp định thương mại quan trọng vì có lợi cho các nước tham gia. Đó là Hiệp ước Đối tác Chiến lược Xuyên Thái bình dương TPP với các quốc gia chủ yếu nằm tại Châu Á, trước nhất là Nhật Bản. Hiệp ước kia là Đối tác Thương mại và Đầu tư Xuyên Đại tây dương với các nước Âu Châu. Các nước Âu Á đều mong rằng tình hình kinh tế sáng sủa tại Hoa Kỳ sẽ giảm bớt trở ngại trong nội tình nước Mỹ để hoàn thành hai văn kiện này. Ngược lại, nếu kinh tế Hoa Kỳ gặp khó khăn thì hai văn kiện trên sẽ lại bị đình hoãn.
Kết luận ở đây là ngọn đèn Hoa Kỳ dù có tù mù thì vẫn là ngọn hải đăng cho nhiều xứ khác. Đây là chưa nói đến kỹ thuật fracking để gạn cát ra dầu!
Hoa Kỳ mỹ miều như nàng kiều nằm trang giữa tờ Play Boy. Ai cũng chê là hở hang - mà vẫn muốn ngó…
Gửi ý kiến của bạn