Từ sáng đến khuya, tại địa điểm được mệnh danh là “tiểu Tokyo” tức khu vực đầu đường Lê Thánh Tôn kéo dài từ đườngTôn Đức Thắng đến các đường Thi Sách, Thái Văn Lung, luôn nhộn nhịp bởi lượng người Nhật đổ về. Chỉ cần lướt nhanh qua đoạn đường này, người đi đường không khỏi bị thu hút bởi một loạt quán xá san sát nhau với bảng hiệu chữ Nhật, hoặc pha trộn chữ Nhật/chữ Việt cùng những hình ảnh đặc trưng của xứ hoa anh đào, từ các khách sạn, nhà hàng shusi cho đến cửa hàng chuyên bán thực phẩm Nhật, quán karooke...
Theo PNO, ở “tiểu Tokyo” ngoài những siêu thị, cửa hàng chuyên cung cấp mọi sản phẩm từ quê nhà để phục vụ người Nhật sinh sống tại Sài Gòn còn có những hội quán đặc trưng văn hóa xứ sở mặt trời mọc. Không chỉ là nơi tập trung quán xá, “tiểu Tokyo” còn là nơi định cư lâu dài của nhiều người Nhật vì điểm thuận lợi là ở ngay trung tâm Sài Gòn, nơi có hàng loạt dịch vụ chuyên phục vụ người Nhật chỉ cách nhau vài bước chân. Đây chính là nơi khởi đầu của hầu hết người Nhật khi quyết định gắn kết, chọn thành phố này để sinh sống và làm việc lâu dài. Sau một thời gian, khi đã quen với sự khác biệt giữa Nhật Bản và Việt Nam, họ mới bắt đầu chuyển vào những khu dân cư nhiều người bản địa hơn, như khu Phú Mỹ Hưng, hẻm 18A Nguyễn Thị Minh Khai, đường Nguyễn Đình Chiểu (gần khu Vườn Chuối)...
Tuy là một nơi tập trung nhiều người nước ngoài nhưng “tiểu Tokyo” lại rất khác với không khí của phố Tây, phố Hàn. Đông đúc đó, nhộn nhịp đó, nhưng không ồn ào, không gây khó chịu. Đó chính là tính cách của người Nhật, năng động nhưng không phô trương.
Mọi thứ ở khu phố Nhật thu nhỏ này cứ nhẹ nhàng, “chất” Nhật cứ như khép nép, lặng lẽ hòa vào “chất” Sài Gòn. Quán Nhật không có nhu cầu sử dụng vỉa hè hay lòng hẻm để kê thêm bàn, kéo thêm khách. Đây chính là văn hóa kinh doanh của người Nhật, không muốn gây phiền hà và muốn mọi thứ xung quanh cũng được đẹp như quán của mình. Chính nhờ triết lý kinh doanh ấy, lòng hẻm của đường Lê Thánh Tôn cứ rộng rãi và sạch sẽ dù nhu cầu kinh doanh, mua bán nơi đây vẫn tăng lên không ngừng. Tuy nổi tiếng là khu tập trung “ăn chơi” của người Nhật nhưng nơi đây lại khá “lành tính” như cách ví von của người dân lâu năm.
Có ồn ào chăng là dòng xe hối hả chạy suốt đêm ngày trên con đường mạch sống nối cửa ngõ vào khu trung tâm. Rẽ vào những con hẻm, vẫn là hàng quán đủ kiểu dày đặc, từng tốp người ra vô đông đúc nhưng mọi thứ luôn chừng mực, lặng lẽ. Những cánh cửa kéo ngang đặc trưng, không gian kín đáo tách biệt với bên ngoài. Từ trong hẻm, những phụ nữ Nhật đẩy xe nôi chậm rãi đi quanh các cửa hàng mua sắm.
PNO nhắc đến hình ảnh thú vị là ở trên phố “tiểu Tokyo” thỉnh thoảng có những phụ nữ Nhật rạng ngời trong tà áo dài, thật duyên. Mà phụ nữ Nhật yêu áo dài Việt đáo để, sống ở Sài Gòn, họ “sắm” một - hai bộ áo dài để… khoe mình mặc đẹp không kém gì người bản địa. Một cách để hòa nhập khéo léo.
Bên cạnh đó, dân Sài Gòn dần hồi cũng tụ tập về phố “tiểu Tokyo” để khám phá nét đẹp văn hóa mà người Nhật. Muốn khám phá ẩm thực Nhật là thường phải xếp hàng dài thượt hay đặt bàn từ nhiều ngày trước nhưng cũng nhiều người cũng sẵn sàng bỏ công ráng sức, để thưởng thức cho được những tô mì ramen đúng chất hay loại pizza độc đáo mang hương vị Nhật Bản cùng những món lạ mắt, lạ miệng khác có tên sashimi, sushi, tempura, ramen, mochi....
Gửi ý kiến của bạn