Nguyên tác Anh ngữ: Olga Dror
Bản dịch Việt ngữ: Huỳnh Kim Quang
Như toàn văn lịch sinh hoạt tại Berleley đã phổ biến, Thứ Tư 25 tháng Hai 2015, nhằm ngày mùng bảy Tết Ất Mùi, sách “Mourning Headband for Huế” --từ nguyên tác tiếng Việt “Giải Khăn Sô Cho Huế” của Nhã Ca -- chính thức thành đề tài thảo luận tại Đại Học Berkeley, với hai diễn giả chính là Nhã Ca, người viết, và Olga Dror, người dịch.
February 2015
Mourning Headband for Hue
Reading - Literary | February 25 | 4-6 p.m. | 180 Doe Library
Featured Speaker: Nha Ca, writer
Speaker: Olga Dror, Associate Professor of History, Texas A & M University
Sponsor: Center for Southeast Asia Studies
This book event will highlight the new English-language translation of prominent Vietnamese writer Nha Ca's memoir Giai khan so co Hue, which was first published in 1969 as an eyewitness chronicle of the suffering of Vietnamese civilians caught in the city of Hue during the 1968 Tet offensive.
This event will include remarks on the translation by Prof. Olga Dror, the book's translator [in English], and commentary about the book itself by Nha Ca [in Vietnamese, with English language translation provided]
Nha Ca was born in Hue, Vietnam in 1939, but moved to Saigon after her marriage where she established a literary career. After the fall of South Vietnam in 1975, Nha Ca was incarcerated by the new national government. She was allowed to emigrate to the West with her family in 1989 and now lives in southern California.
Olga Dror was born in the Soviet Union and received an M.A. in Oriental Studies from Leningrad State University in 1987. She emigrated to Israel in 1989, and later moved to the U.S. to study Vietnamese history at Cornell University. She received her Ph.D. from Cornell in 2003, and has been a member of Texas A&M's faculty since 2004. Event Contact: cseas@berkeley.edu, 510-642-3609; 322 Wheeler Hall. Berkeley CA 94720 :: 510.642.3467 UC Berkeley.
Tuy giỏi nhiều ngôn ngữ và từng trực tiếp dịch bút ký truyền giáo ở Việt Nam của Linh Mục Adriano di Santa Thecla từ tiếng La Tinh, hay bút ký chạy loạn Huế Mậu Thân của Nhã Ca từ Việt ngữ sang Anh ngữ, công việc chính của Olga Dror là nghiên cứu và giảng dạy về lịch sử Việt Nam tại Texas A&M University. Đó là lý do trong ấn bản Mourning Headband for Hue, ngoài phần dịch thuật, Olga Dror còn có thêm “Translator’s Introduction”, (Giới Thiệu của Dịch Giả) bổ cứu công phu, phân tích tỉ mỉ các quan điểm về Chiến Tranh Việt Nam và trận chiến Huế. Sau đây là bản dịch bài viết công phu của bà về “Giải Khăn Sô cho Huế” và tác giả Nhã Ca.
Hỡi chàng, người yêu dấu, chàng đẹp quá!
Ôi, đẹp làm sao!
Cặp mắt chàng đen huyền như mắt chim bồ câu.
Tóc chàng bồng bềnh như lông đàn dê
đang đi xuống từ đồi Gilead…
Hỡi nàng, người con gái Jerusalem, ta van nài nàng
– Nếu nàng tìm ra người ta yêu,
nàng sẽ nói gì với chàng?
Hãy nói với chàng rằng ta chết lịm trong tình yêu.
(Song of Solomon 4:1, 5:8 (NIV)
Những câu thơ được trích từ Bài Ca của Solomon ở trên có liên quan gì đến tác phẩm mà bạn đang đọc? Có mối liên hệ nào giữa ngọn đồi Gilead, dãy núi gần Sông Jordan River và Jerusalem, và những ngọn đồi bao quanh dòng Sông Hương và thành phố Huế? Như bạn sẽ thấy trong phần dưới đây, mối liên hệ là với tác giả của Giải Khăn Sô Cho Huế (Mourning Headband for Hue) là nhà văn Nhã Ca.
Nhã Ca, trong tiếng Việt có nghĩa là “bài ca thanh lịch tao nhã”, là bút hiệu của một trong những nhà văn Việt Nam nổi tiếng nhất của hậu bán thế kỷ hai mươi.(1) Tên thật của bà là Trần Thị Thu Vân. Bà sinh ngày 20 tháng 10 năm 1939 tại Huế và trải qua thời thơ ấu ở đó. Thân phụ của bà, Ông Trần Vĩnh Phú, làm việc cho Ty Công Chánh Tỉnh Thừa Thiên-Huế và là một khuôn mặt lãnh đạo của một trong những cộng đồng Phật Giáo Huế. Là người con giữa của gia đình sùng mộ đạo Phật, bà trưởng thành trong gia đình và trong nhiều ngôi chùa, thân cận với nhiều vị cao tăng giáo phẩm của Phật Giáo Việt Nam.(2) Bà học Trường Đồng Khánh, bà có kể trong tác phẩm, và lúc học ở đó bà bắt đầu cho đăng thơ và truyện ngắn dưới tên thật trong một số tạp chí văn học tại Sài Gòn, đáng kể nhất là trong báo Văn Nghệ Học Sinh. Tờ báo này được thành lập bởi một nhóm học sinh từ Miền Bắc di cư vào Nam sau khi chia đôi đất nước vào năm 1954. Trong số những người thành lập tờ báo ấy sau này trở thành các nhà văn và nhà thơ nổi tiếng như Dương Nghiễm Mậu, Lê Tất Điều, Lê Đình Điểu, Nguyễn Thụy Long, Đỗ Qúy Toàn, Viên Linh, (3) vị hôn phu tương lai của Nhã Ca là Trần Dạ Từ (sinh 1940), và một số vị khác. Vào năm 1956, Nhã Ca nhìn thấy tờ báo này trong một tiệm sách ở Huế và đã liên hệ với tòa báo.
Năm 1959, Trần Thị Thu Vân rời Huế vào Sài Gòn và bắt đầu sự nghiệp viết văn chuyên nghiệp của bà. Ở đó bà cho đăng nhiều bài trong nhiều tạp chí khác nhau. Năm 1960, trong khi đọc Kinh Cựu Ước bằng tiếng Việt, người phụ nữ trẻ này, dù được nuôi dưỡng như một Phật tử, đã có ấn tượng ngay bởi Bài Ca Của Những Bài Ca hay Bài Ca Của Salomon, cũng được biết trong kinh điển Thiên Chúa Giáo như là Bài Thánh Ca Của Những Thánh Ca – một trong những sách thi vị nhất trong Thánh Kinh – rung động với tình yêu trong các vai chính, chàng và nàng. Chữ “canticle” được dịch sang tiếng Việt là nhã ca. Sức mạnh tình yêu, đam mê, khát vọng, và thơ thấm vào từng chữ đã quyến rũ, xâm chiếm Trần Thị Thu Vân, nhiều tới mức bà quyết định lấy chữ “nhã ca” làm bút hiệu. Từ đó tác giả Nhã Ca xuất hiện.
Từ năm 1960 thơ và truyện ngắn của Nhã Ca được đăng trong các tạp chí văn học hàng đầu của Nam Việt Nam. Năm 1963 bà sáng lập tuần báo yểu mệnh, Ngàn Khơi. Bà cũng cộng tác với nhiều tờ báo nổi tiếng nhất tại miền Nam, như Hiện Đại, Văn, Dân Việt, Sống, Hòa Bình, và Độc Lập. Bà cũng hợp tác với các thành viên của nhóm xuất bản tạp chí văn học Sáng Tạo.
Cho đến giữa thập niên 1960s Nhã Ca tránh xa các chủ đề chính trị và tập trung các sáng tác của bà vào tình yêu, đam mê, và khát vọng. Nhiều tác giả khác viết cùng thể tài như vậy.
Tình cảnh văn chương miền Nam, đặc biệt sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ năm 1963, bày ra sắc thái đa dạng của nền xuất bản sách báo. Hơn một trăm tờ báo, tạp chí, và tạp chí chuyên đề được xuất bản cùng lúc; một số trong những báo chí đó chỉ sống được vài tháng trong khi các báo khác có lượng độc giả đáng kể ủng hộ họ nhiều năm. Theo Neil Jamieson, “Có gần 700,000 ấn bản báo tiếng Việt được ấn hành hàng ngày tại Sài Gòn.”(4) “Dù nhiều nhà xuất bản tiếng Việt cùng thời mà tôi đã thăm dò đều nghĩ rằng con số này là phóng đại, sự thổi phồng này, thiếu chứng cứ, nhưng tại miền Bắc vào thời đó có ít báo chí và sự kiểm duyệt cực kỳ chặt chẽ, cho thấy tại miền Nam tương đối có tự do. Đặc điểm của nhiều tác phẩm văn chương của thời kỳ đó cho thấy chiến tranh đã không “tìm ra được đường vào văn chương và nghệ thuật… Chủ đề được yêu thích của đại đa số các tác phẩm thơ văn là tình yêu.”(5)
Tác phẩm đầu tiên của Nhã Ca, được xuất bản năm 1965, là tuyển tập thơ Nhã Ca Mới. Một thành công tức thì và lớn lao, nó mô tả sự sung sướng và đau khổ của cuộc đời một người phụ nữ qua sự khám phá những cảm xúc và kinh nghiệm của chính Nhã Ca; tập thơ này nhận được Giải Văn Chương Toàn Quốc cho thi ca vào năm 1966.(6) Cùng năm này, bà bắt đầu làm việc cho đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do truyền thanh các chương trình ra Miền Bắc Việt Nam. Nhã Ca là biên tập viên và cũng chịu trách nhiệm một số chương trình âm nhạc và các chương trình tập trung vào vấn đề phụ nữ. Bà cũng không đề cập đến chính trị trong các sáng tác của bà thời đó. Tuy nhiên, trọng tâm của bà bắt đầu thay đổi. Trong khi vấn đề phụ nữ và những cảm nghĩ của họ vẫn đóng vai trò quan trọng trong những sáng tác của bà, gia đình trở thành nổi bật trong tác phẩm của bà, mà bà bắt đầu đặt vào hoàn cảnh giữa cuộc chiến tranh khốc liệt. Hơn nữa, Nhã Ca khởi sự khám phá các thể loại mới, gồm các tác phẩm văn xuôi dài hơn.
Trong tiểu thuyết đầu tiên của bà vào năm 1966, Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, xuất hiện và trở thành tiểu thuyết bán chạy nhất. Cuốn tiểu thuyết này đã tái bản tới sáu lần và bán ra trên 100,000 bản, nó mô tả tình cảnh của một gia đình chờ đợi trong vô vọng những người con trai thành viên trong gia đình -- một người con trai và một người con rể -- trở về từ tiền tuyến để kỷ niệm ngày lễ quan trọng nhất Việt Nam, Ngày Tết Âm Lịch. Người con trai trong gia đình đã tử trận và người con rể thì bị mất tích.(7)
Trong Đêm Nghe Tiếng Đại Bác, Nhã Ca không đứng về phía bên nào trong cuộc chiến đang tiếp diễn. Bà đứng về phía cho gia đình. Cùng lúc với văn xuôi, tác phẩm này là bài nhã ca cho sự kiên nhẫn, cho tình yêu nhân loại, cho gia đình. Nhưng nó cũng xót xa cho tình thế đặt gia đình vào những hoàn cảnh khó chịu của hy vọng và tuyệt vọng gây ra bởi cuộc nội chiến và chiến tranh quốc tế đang tàn phá đất nước của bà. Tiếng nói của Nhã Ca trở nên mạnh mẽ hơn trong tác phẩm kế tiếp của bà, Giải Khăn Sô Cho Huế.
Vào khoảng năm 1968 Nhã Ca và chồng, nhà thơ Trần Dạ Từ, đã kết hôn được bảy năm. Họ có hai người con còn trẻ và sống tại Sài Gòn. Sự thành công như những tác giả giúp họ thong thả hơn về mặt tài chánh với một cuộc sống rất sung túc trong một khu vực dân cư giàu có. Vào ngày 25 tháng 1 năm 1968, thân phụ của Nhã Ca qua đời tại thành phố Huế quê nhà của bà và bà đã về trong tang lễ của ông cụ, diễn ra vào ngày 29 tháng 1. Ngày kế tiếp sau đó Cộng Sản tấn công, bắt đầu Trận Tấn Công Tết.(8) Nhã Ca bị kẹt tại Huế trong cuộc chiến kéo dài nguyên cả tháng 2. Những trải nghiệm của bà và của những người quanh bà tại Huế làm bà bị sốc. Do khát vọng hòa bình, bà đã chỉ trích chiến tranh trong tác phẩm mà bà hoàn tất vào tháng 11, 1968 với tên sách nói lên cho chính tác phẩm, Một Mai Khi Hòa Bình.
Năm 1969 bà viết liền ba tác phẩm về Huế: một tuyển tập truyện, Tình Ca Cho Huế Đổ Nát, và tác phẩm nối tiếp có tên Tình Ca Trong Lửa Đỏ.(9) Sau cùng là chuyện tình giữa một cô gái Miền Nam và một anh bộ đội Bắc Việt. Mang hai người này lại với nhau, Nhã Ca một lần nữa cho thấy niềm tin của bà vào tình người được chia xẻ có thể vượt khỏi dị biệt chính trị và đưa đến kết thúc cuộc chiến tàn ác. Cũng trong năm 1969 bà viết Giải Khăn Sô Cho Huế. Tất cả con người và sự kiện trong tác phẩm này đều thực. Nhã Ca cũng là chứng nhân các sự kiện mà bà diễn tả hay nghe về chúng từ những người bà đã gặp trong thời gian trải nghiệm cực kỳ đau khổ. Nó là sự miêu tả hay là tập hợp của những miêu tả được viết ra trong sự tỉnh giác của những sự kiện bi thương.
Giải Khăn Sô Cho Huế được rót vào với một tình yêu ai oán cho thành phố Huế, cho người dân ở đó, cho đất nước Việt Nam, và cho chính cuộc đời. Tuy nhiên, trong ngôn ngữ của nó, tác phẩm khác xa với thi vị của một bài ca; nhịp độ ngắt âm đốt lửa người đọc như những họng súng tự động được dùng tại Huế vào tháng 2 năm 1968. Sự lập lại thường xuyên của những chữ, những từ ghép, và những thành ngữ tạo ra nhịp điệu buồn bã và lo âu, phản ảnh sâu sắc và cụ thể cuộc sống trong ngôn ngữ đau buốt và tuyệt vọng giữa chiến trường là Huế. Mỗi ngày, từ ngày này qua ngày nọ, người dân tranh đấu để sống còn; họ chạy từ nơi này sang chỗ khác; họ tìm thức ăn và chỗ ở; họ chôn xác chết; cứ lập lại mà mỗi lần mỗi khác và luôn luôn sợ hãi. Nhịp điệu của ngôn ngữ phô diễn cảm giác tức thì và phản ảnh ngay lập tức. Mục đích của Nhã Ca là mang sự kiện này phô bày ra, để nhắc nhở những hung bạo đã tàn hại thành phố Huế, dân Huế và gánh trách nhiệm. Miêu tả của bà về các sự kiện không bóng bẩy chút nào nên không có sự lừa dối sự thật và vì vậy đây là một trong những giá trị lớn nhất. Ngôn ngữ cháy bỏng và bốc khói với bạo động kinh hoàng và thương tích mà chiến tranh trừng phạt người dân.
Giải Khăn Sô Cho Huế cũng là một cáo trạng. Nhã Ca đưa ra thông điệp chống chiến tranh rất thẳng thắn. Người ta có thể nghe tiếng la thất thanh của bà phản đối sự tính toán địa chính của các đại cường can dự trong Chiến Tranh Lạnh dẫn tới sự chia rẽ trong dân tộc Việt Nam. Bà chuyển tải quan điểm này qua sự so sánh Việt Nam với “con chó nhỏ loạng choạng trong dòng nước,” không thể vào bờ bởi vì những loạt đạn liên tục mà các chiến sĩ buồn chán bắn ra để tiêu khiển.
(Còn tiếp)
CHÚ THÍCH
(1) Thông tin về Nhã Ca và tác phẩm của bà đến chủ yếu từ quan hệ thư từ giữa tôi với bà cũng như từ các tác phẩm được trích ở đây.
(2) Neil Jamieson đồng hóa sai Nhã Ca như là nhà văn Thiên Chúa Giáo. Neil Jamieson, Understanding Vietnam [Hiểu Về Việt Nam] (University of California Press tại Berkeley, 1995), trang 321.
(3) Dương Nghiễm Mậu đang sống tại Sàigòn. Nguyễn Thụy Long đã từ trần tại Sàigòn năm 2009. Lê Tất Điều hiện là cư dân California. Lê Đình Điểu, Đỗ Quý Toàn trong nhóm thành
lập nhật báo Người Việt đầu tiên tại California vào năm 1978. Viên Linh là chủ nhiệm kiêm chủ bút tạp chí Khởi Hành, nguyệt san văn học Việt Nam tại California.
(4) Jamieson, Understanding Vietnam [Hiểu Về Việt Nam], trang 291.
(5) Theo luận án Tiến Sĩ của Hoang Ngoc Thanh, hoàn tất tại University of Hawai’i vào năm 1968. Ông cũng cho rằng có những ngoại lệ đáng chú ý như Doãn Quốc Sỹ, Đỗ Thúc Vịnh, Diệp Lan Anh, và Ngô Thế Vinh. Trích từ ấn bản sau cùng của nhiều phần của luận án: Hoang Ngoc Thanh, Vietnam’s Social and Political Development as Seen through the Modern Novel [Sự Phát Triển Xã Hội và Chính Trị của Việt Nam Như Được Thấy Qua Tiểu Thuyết Hiện Đại] (Nxb Peter Lang, New York, 1991), trang 310.
(6) Công Huyền Tôn Nữ Nha Trang, “Women Writers of South Vietnam (1954-1975)” [Những Nhà Văn Nữ Nam Việt Nam (1954-1975)], Vietnam Forum 9 (Winter-Spring 1987), trang 174.
(7) Đêm Nghe Tiếng Đại Bác (Nxb Nam Cường, Sài Gòn, 1966). Tác phẩm này đã được dịch sang Anh ngữ bởi James Banerian vào năm 1963 nhưng vẫn chỉ là ấn bản được chính dịch giả xuất bản. Năm 1997 sách được dịch sang Pháp ngữ bởi Lieu Truong và xuất bản bởi P. Picquier tại Arles dưới tựa đề Les Canons Tonnent la Nuit.
(8) Người Việt Nam gọi là Tết Mậu Thân để chỉ Ngày Đầu Năm Mới 1968.
(9) Theo thứ tự: Một Mai Khi Hòa Bình (Nhà xuất bản Thương Yêu, Sài Gòn, 1969); Tình Ca Cho Huế Đổ Nát (Nhà xuất bản Thương Yêu, Sài Gòn, 1969); và Tình Ca Trong Lửa Đỏ. Tác phẩm sau cùng được xếp theo thứ tự trong báo Hòa Bình bắt đầu vào ngày 19 tháng 8 năm 1969, ngay sau lần nạp bài cuối của Giải Khăn Sô Cho Huế được đăng trong cùng tờ báo và sau đó được xuất bản thành sách vào năm 1970 bởi Nhà xuất bản Thương Yêu.