Bản tin ghi theo Hiệp hội Chế biến và xuất cảng thủy sản Việt Nam (VASEP) và Tổng cục Hải quan vừa có báo cáo kim ngạch xuất cảng cá tra sang Mỹ trong 10 tháng của năm 2014.
Theo đó, hoạt động xuất cảng cá tra năm nay chỉ đạt kim ngạch 273,3 triệu USD - giảm 16,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân khiến khối lượng cá tra bán ra trên thị trường Mỹ suy giảm là do nhu cầu giảm trong khi những tháng qua, mức thuế chống bán phá giá do Mỹ áp đặt quá cao nên nhiều doanh nghiệp đã hạn chế xuất cảng sản phẩm cá tra sang thị trường này.
Bản tin thêm rằng mặc dù khối lượng cá tra xuất cảng sang thị trường Mỹ giảm nhưng giá xuất cảng trung bình lại tăng gần 4%. Mỹ hiện là thị trường nhập cảng cá tra Việt Nam lớn thứ 2 sau Liên minh châu Âu, chiếm 18,7% tổng kim ngạch xuất cảng cá tra Việt Nam.
Đặc biệt báo Xã Luận cho biết Mỹ sẽ tiếp tục dựng rào thuế quan đối với cá tra VN vì cho là cá tra VN bán phá giá gần 64%.
Bản tin XL nói, Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC) đã có quyết định cuối cùng về việc tiếp tục áp thuế chống bán phá giá (CBPG) đối với cá tra, ba sa nhập cảng từ Việt Nam sau khi rà soát thuế lần thứ hai đối với mặt hàng này. Theo đó, ít nhất 5 năm nữa, cá tra Việt Nam sẽ vẫn bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá, trừ phi các đợt xem xét hàng năm DOC kết luận cá tra Việt Nam không bán phá giá vào Mỹ thì vụ kiện mới chấm dứt. Quyết định của ITC dựa trên kết luận của DOC cho rằng nếu thu hồi lệnh áp thuế chống bán phá giá có thể dẫn tới việc tiếp tục hoặc tái diễn hành vi bán phá giá tại thị trường Mỹ với biên độ phá giá có thể lên đến 63,88%.
Thực tế, VN không bán phá giá, theo lời TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam (VN Pangasius) cho biết, nguyên nhân khiến cá tra Việt Nam có giá bán tốt, có sức cạnh tranh cao với cá da trơn Mỹ là do Việt Nam có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho hoạt động nuôi cá tra, giá lao động rẻ, cùng với việc áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chứ không phải bán phá giá.
TS Thắng nói: “Do đó, việc ITC và DOC dùng lệnh áp thuế chống bán phá giá để bảo hộ ngành sản xuất cá da trơn trong nước là không công bằng, bởi điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của hàng triệu người dân sống lệ thuộc vào ngành cá tra ở vùng ĐBSCL của Việt Nam.”
Bản tin XL thêm, theo số liệu thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất cảng Thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện nay Mỹ là thị trường nhập cảng cá tra lớn thứ 2 của Việt Nam, chiếm 18,8% tổng kim ngạch xuất cảng cá tra của Việt Nam.