Hôm nay,  

Last Days in Vietnam: Mỹ rút trong 24 giờ

05/10/201409:21:00(Xem: 4898)

Last Days in Vietnam: Mỹ rút trong 24 giờ

 

Bùi Văn Phú

 

Sau khi nhận chức tổng thống chiều 28/4/1975, một trong những quyết định của Đại tướng Dương Văn Minh là yêu cầu Mỹ rút khỏi Việt Nam.

 

Qua công điện gửi Đại sứ Mỹ Graham Martin, ông Minh đã yêu cầu Hoa Kỳ rút tất cả người Mỹ trong vòng 24 giờ.

 

Đó cũng là 24 tiếng đồng hồ của ngày 29/4/1975 tại Sài Gòn được đạo diễn Rory Kennedy đưa vào phim tài liệu “Last Days in Vietnam” đang chiếu tại nhiều rạp ở Mỹ. Phim được sự phối hợp sản xuất của chương trình American Experience thuộc hệ thống truyền hình PBS.

 

Nếu không có công điện của Đại tướng Minh, 30/4/1975 có phải là ngày cuối cùng của Việt Nam Cộng hoà và câu chuyện người Mỹ di tản sẽ có khác? Vì Đại sứ Martin đã rất bướng bỉnh, không vội lên kế hoạch di tản bất chấp khuyến cáo. Vì ông muốn nhiều người Việt được di tản trước, vì ông lo sợ cảnh hỗn loạn như ở Đà Nẵng hay ông thực sự tin rằng sẽ có một giải pháp chính trị cho Việt Nam?

 

Ông Martin qua đời năm 1990 nên đạo diễn không có cơ hội đưa ông vào phim như một phần lịch sử của cuộc di tản.

 

Qua Last Days in Vietnam, sau gần 40 năm từ khi cuộc chiến Việt Nam chấm dứt, công chúng lần đầu tiên được thấy bức công điện đuổi Mỹ của vị lãnh đạo cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.

 

Cùng nhiều tài liệu khác, như bức thư Tổng thống Richard Nixon gửi Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu hứa sẽ trả đũa nếu Bắc Việt vi phạm Hiệp định Paris 1973, như các kế hoạch di tản được phía Mỹ chuẩn bị.

 

Nhưng trọng tâm của phim là ngày 29/4/1975 ở Sài Gòn, qua kế hoạch Frequent Wind dùng trực thăng để di tản, vì lúc đó phi trường Tân Sơn Nhứt đã bị đạn pháo không còn xử dụng được.

 blank

H01: Cảnh di tản bằng trực thăng ngày 29/4/1975 ghi lại trong phim (ảnh Bùi Văn Phú)

 

Last Days in Vietnam chứa đựng nhiều phim tài liệu, có những đoạn phim chưa bao giờ công bố, đan xen cùng lời kể của nhiều người có mặt lúc đó.

 

Họ là những sĩ quan, binh lính Mỹ: Đại úy Stuart Herrington, cố vấn Richard Armitage, Đại úy Hugh Doyle, Trung tá Hạm trưởng Paul Jacobs, Thượng sĩ Juan Valdez, nhà phân tích cao cấp của CIA Frank Snepp.

 

Họ là những người Việt: Đại tá Hải quân Đỗ Kiểm (Kiem Do), sinh viên Phó Đức Bình (Binh Pho), Trung úy Phạm Hữu Đàm (Dam Pham).

 blank

H02: Đạo diễn Rory Kennedy thảo luận cùng khán giả trong buổi chiếu phim ở Berkeley (ảnh Bùi Văn Phú)

 

Có những thước phim bỏ quên trong một góc nhà, chưa tráng rửa sau 37 năm, của một người lính từ chiến hạm USS Kirk, ghi lại hình ảnh những trực thăng do phi công Việt di tản và vị chỉ huy Mỹ phải quyết định khẩn mà không hỏi cấp trên là đẩy những trực thăng UH-1 trị giá nhiều triệu đôla xuống biển để có chỗ đón người tị nạn.

 

Những đoạn phim ghi lại hình ảnh Miki Nguyễn, lúc đó mới 6 tuổi, và gia đình đã phải nhảy ra từ cửa sổ chiếc Chinook lơ lửng trên không, không thể đáp vì có thể làm chìm chiến hạm. Một em bé cuốn trong khăn vải được thả xuống cho thủy thủ đoàn chụp bắt. Sau đó phi công rà rà trực thăng sát mặt biển, nhảy ra khỏi cửa sổ, trước khi máy bay nổ tung trên nước.

 

Cuốn phim không bàn về nguyên nhân đưa đến sự thất bại của Hoa Kỳ dù có nhắc đến Hiệp định Paris 1973 là một văn kiện với ngôn ngữ rất mơ hồ, theo nhận xét của Frank Snepp, mà Ngoại trưởng Henry Kissinger đã thương thảo cùng Hà Nội để các bên ký kết, với hy vọng sẽ có hai quốc gia nam bắc Việt Nam như bán đảo Triều Tiên.

 

Phim cũng đề cập đến việc Tổng thống Richard Nixon từ chức vì vụ Watergate, việc Quốc hội Mỹ cắt viện trợ cho miền Nam Việt Nam.

 

Phim không nói đến nguyên nhân khiến người Việt chạy trốn cộng sản qua các cuộc di tản từ tỉnh thành phía bắc, nhưng đưa ra hình ảnh thảm sát Tết Mậu Thân ở Huế năm 1968.

 

Chủ điểm chính của phim là những nhân vật đã làm hết sức mình, bất chấp luật pháp Mỹ hay lệnh từ Washington để đưa nhiều người Việt ra khỏi Việt Nam.

 

Đại sứ Martin từ chối lên chuyến trực thăng đầu tiên, thay vào là 40 người Việt được di tản. Ông ở lại cho đến khi có lệnh từ Washington buộc phải cuốn cờ ra đi.

 

Đại úy Stuart Herrington điều phối di tản từ tòa đại sứ Mỹ. Ông kể lại chuyển biến từng phút sau khi kế hoạch Frequent Wind được thi hành để di tản 7 nghìn người, trong đó có khoảng 3 nghìn người Việt, từ khuôn viên tòa đại sứ sứ với phương tiện là 75 trực thăng CH-47 có thể dùng được.

 blank

H03: Những người Mỹ xuất hiện trong phim (ảnh Bùi Văn Phú)

 

 

Phía người Việt muốn ra đi, sinh viên Bình kể lại cảnh chen lấn để được vào bên trong sân tòa đại sứ Mỹ. Đại tá Kiểm nói về kế hoạch đưa tàu hải quân ra Côn Sơn. Trung úy Đàm thuật lại những lo âu của một người sĩ quan khi thấy tình hình quân sự ngày một xấu đi từ các tỉnh phía bắc.

 

Khi chuyến trực thăng, tưởng là cuối cùng, rời nóc sứ quán Mỹ và Washington được báo cáo cuộc di tản chấm dứt thì vẫn còn 11 lính Mỹ kẹt lại. Một binh sĩ là Mike Sullivan đã khẩn cấp gọi điện yêu cầu cho trực thăng vào.

 

Đại úy Herrington phải nói dối những người Việt rằng ông cần đi tiểu. Rút lên nóc, chân thang đóng lại. Thượng sĩ Juan Valdez là người sau cùng lên máy bay. Ông đếm đi, đếm lại nhiều lần để chắc chắn tất cả lính Mỹ còn lại đã có mặt trên chiếc trực thăng CH-47 cuối cùng rời Việt Nam.

 

Khoảnh khắc đó là rạng sáng ngày 30/4/1975. Bên dưới còn 420 người Việt bị bỏ lại. Nhìn xuống, Đại úy Herrington xem đó là một sự phản bội thật đau lòng.

 

Cùng khoảng thời gian, cố vấn Richard Armitage phối hợp với tướng lãnh hải quân Việt Nam Cộng hòa để di tản các chiến hạm từ Côn Sơn đi Philippines với 20 nghìn người gồm lính và dân.

 

Vài giờ sau, xe tăng mang số 843, 844 của bộ đội cộng sản Bắc Việt tiến vào Sài Gòn ủi sập cổng Dinh Độc Lập.

 

Trên đường phố, những người lính Việt Nam Cộng hòa cởi bỏ quân phục. Những lá cờ vàng ba sọc đỏ trên tường nhà được sơn lấp đi.

 

Ngoài khơi gần bờ biển Philippines, quân và dân Việt trên chiến hạm hát bản quốc ca lần cuối cùng: “Này công dân ơi, quốc gia đến ngày giải phóng…” trước khi lá cờ vàng hạ xuống. Những giọt nước mắt rơi, từ trong khoé mắt của cả những sói biển như Đại tá Đỗ Kiểm.

 

Gần bốn mươi năm sau, hồi tưởng lại ngày kết thúc bi thương đó, Trung úy Đàm tự hỏi: “Bạn bè của tôi đã nằm xuống để làm gì, có phải để được như hôm nay?”

 

Last Days in Vietnam tạo cảm giác hồi hộp, căng thẳng vì người xem, dù có thể đã biết cuộc chiến này kết thúc ra sao qua hình ảnh kí ức với chiếc trực thăng bốc người từ nóc nhà của phó trưởng cơ quan CIA, không phải nóc tòa đại sứ như thường hiểu lầm, nhưng không biết hệ lụy ra sao với những chứng nhân người Việt.

 

Ghi chú cuối phim cho biết 130 nghìn người thoát khỏi Việt Nam vào cuối tháng 4/1975, trong đó 77 nghìn được di tản bằng máy bay hay được tầu Mỹ cứu giúp trên biển.

 

Đại tá Đỗ Kiểm theo tàu hải quân rời Việt Nam đến trại tị nạn rồi định cư tại Mỹ. Gia đình của Miki Nguyễn cũng thế. Sinh viên Phó Đức Bình kẹt lại, bị giam tù hơn một năm, rồi vượt biển và đến Mỹ. Trung úy Phạm Hữu Đàm đi học tập cải tạo 13 năm và hiện cũng đang sống Mỹ.

 blank

H04: Đại tá Đỗ Kiểm rơi lệ khi hát quốc ca Việt Nam Cộng hòa lần cuối (ảnh Bùi Văn Phú)

 

Sau buổi chiếu phim ở Berkeley, đạo diễn Rory Kennedy mời những người Mỹ gốc Việt đi xem phim đứng lên nhận một tràng pháo tay từ khán giả.

 

 

Qua phần thảo luận, khi được hỏi với tình hình Syria, Iraq và những cuộc oanh tạc nhắm vào ISIS, giới lãnh đạo Hoa Kỳ như Tổng thống Obama, đặc biệt là ngoại trưởng John Kerry và bộ trưởng quốc phòng Chuck Hagel, là những cựu chiến binh của cuộc chiến Việt Nam, đã có xem phim chưa?

 

Bà Kennedy cho biết phim đã gửi đến một số dân cử quốc hội và năm tới kỷ niệm 40 năm cuộc di tản, lúc đó chính giới sẽ chú ý đến phim nhiều hơn.

 blank

H05: Trung úy Phạm Hữu Đàm sau 13 năm cải tạo lao động đã đến Mỹ định cư (ảnh Bùi Văn Phú)

 

Bài học gì có thể rút ra từ phim, khi Hoa Kỳ lại can dự vào Afghanistan, Iraq hay vào những quốc gia khác trong tương lai? Đạo diễn chỉ muốn đưa ra những tài liệu lịch sử. Người xem, tùy theo trải nghiệm và cách tiếp cận để có quan điểm hay nhận xét riêng về chính sách của Hoa Kỳ ở Afghanistan, ở Iraq, Syria.

 

Việc lúc đó Hoa Kỳ không viện trợ cho nam Việt Nam nữa có phải là lỗi của Quốc hội? Bà nói Quốc hội đại diện cho dân mà lúc đó dân chúng Mỹ cũng đã mệt mỏi với cuộc chiến.

 

Rory Kennedy sinh năm 1968, con út trong số 11 người con của Thượng nghị sĩ Robert Kennedy – người anh của ông là Tổng thống John Kennedy.

 

Bà đã đạo diễn hơn 30 bộ phim tài liệu và từng đoạt giải Emmy.

 blank

H06: Sinh viên Phó Đức Bình bị kẹt lại, bị giam tù hơn một năm, rồi vượt biển và định cư tại Mỹ (ảnh Bùi Văn Phú)

 

Trong một dịp tiếp xúc khác với truyền thông dịp ra mắt phim, bà đưa ra nhận định nếu Tổng thống John Kennedy còn sống, Hoa Kỳ không sa lầy ở Việt Nam.

 

Đây cũng là luận điểm gây tranh cãi khi nhắc lại cuộc chiến, khởi đầu với việc Tổng thống John Kennedy gia tăng số cố vấn quân sự cho Việt Nam, rồi Tổng thống Lyndon Johnson, Richard Nixon can thiệp quân sự mạnh hơn.

 

Cuộc chiến kết thúc bằng cuộc di tản, để lại một vết đen trong lịch sử Hoa Kỳ.

 

© 2014 Buivanphu.wordpress.com

 

 

H06: Sinh viên Phó Đức Bình bị kẹt lại, bị giam tù hơn một năm, rồi vượt biển và định cư tại Mỹ (ảnh Bùi Văn Phú)

 


.
,

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Cứ theo như lời của giáo sư Nguyễn Văn Lục thì T.T. Thích Trí Quang là tác giả của câu nói (“Cộng Sản nó giết mình hôm nay, mai nó mang vòng hoa đến phúng điếu!”) thượng dẫn. Tôi nghe mà bán tin bán nghi vì nếu sự thực đúng y như vậy thì hoa hòe ở Việt Nam phải trồng bao nhiêu mới đủ, hả Trời?
Đảng CSVN tự khoe là “ niềm tin hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc“của nhân dân, nhưng sau 94 năm có mặt trên đất nước, thực tế đã chứng minh đảng đã cướp mất tự do của dân tộc, và là lực cản của tiến bộ...
Khi Kim Dung gặp Ian Fleming cả hai đều hớn hở, tay bắt mặt mừng và hể hả mà rằng: “Chúng ta đã chia nhau độc giả của toàn thể thế giới”. Câu nói nghe tuy có hơi cường điệu (và hợm hĩnh) nhưng sự hỉ hả của họ không phải là không có lý do. Số lượng sách in và số tiền tác quyền hậu hĩ của hai ông, chắc chắn, vượt rất xa rất nhiều những cây viết lừng lẫy cùng thời. Ian Fleming đã qua đời vào năm 1964 nhưng James Bond vẫn sống mãi trong… sự nghiệp của giới làm phim và trong… lòng quần chúng. Tương tự, nhân vật trong chuyện kiếm hiệp của Kim Dung sẽ tiếp tục là những “chiếc bóng đậm màu” trong tâm tư của vô số con người, nhất là người Việt.
Trong tháng Hai vừa qua, cái chết đau thương, lẫm liệt của nhà đối kháng người Nga Alexei Navalny trong tù đã gây sầu thảm, phẫn nộ cho toàn cộng đồng tiến bộ nhân loại. Đối với người Việt Nam tiến bộ, nỗi đau lại càng sâu thêm khi trong ngày cuối cùng của tháng Hai, ngày 29, nhà cầm quyền độc tài Hà Nội bắt đi cùng lúc hai nhà đấu tranh kiên cường...
Ít lâu nay, vấn đề “bảo vệ an ninh quốc gia” được nói nhiều ở Việt Nam, nhưng có phải vì tổ quốc lâm nguy, hay đảng muốn được bảo vệ để tồn tại?
Xuất hiện gần đây trong chiến dịch tranh cử tổng thống, Donald Trump, ứng cử viên đảng Cộng hòa, đã lên tiếng đe dọa là sẽ không bảo vệ cho các đồng minh thuộc khối NATO trong trường hợp bị Nga tấn công. Ý kiến này đã dấy lên một cuộc tranh luận sôi nổi tại châu Âu, vì có liên quan đến việc răn đe Nga và ba kịch bản chính được đề cập đến khi Donald Trump trở lại Nhà Trắng vào năm 2025 là liệu Liên Âu có nên trang bị vũ khí hạt nhân chăng, Pháp có thể tích cực tham gia không và Đức nên có tác động nào.
Tôi không biết chính xác là Văn Trí đã đặt chân đến Đà Lạt tự lúc nào nhưng cứ theo như ca từ trong nhạc phẩm Hoài Thu của ông thì Cao Nguyên Lâm Viên ngày ấy vẫn hoang vu lắm. Ngoài “núi rừng thâm xuyên”, với “lá vàng rơi đầy miên man”, cùng “bầy nai ngơ ngác” (bên “hồ thu xanh biếc”) thì dường như không còn chi khác nữa! Từ Sài Gòn, khi tôi được bố mẹ “bế” lên thành phố vắng vẻ và mù sương này (vào khoảng giữa thập niên 1950) thì Đà Lạt đã bị đô thị hóa ít nhiều. Nơi đây không còn những “bầy nai ngơ ngác” nữa. Voi, cọp, heo rừng, beo, báo, gấu, khỉ, vượn, nhím, mển, gà rừng, công, trĩ, hươu, nai, trăn, rắn, sóc, cáo, chồn… cũng đều đã biệt tăm. Người Thượng cũng ở cách xa, nơi miền sơn cước.
Vi hiến có nghĩa là “vi phạm” hay đi ngược lại những gì Hiến Pháp (HP) quy định. HP không có gì là cao siêu hay quá bí ẩn. Hiến Pháp trong bản chất chỉ là một bộ luật. Sự khác biệt chỉ là: HP là một bộ luật nền tảng hay nôm na là “luật mẹ”. Không những không cá nhân hay hữu thể pháp lý nào trong xã hội, kể cả hành pháp (tức chính phủ) được quyền vi phạm HP, mà không một luật pháp nào của lập pháp (tức quốc hội) được quyền vi phạm HP cả...
Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ tiếp tục đi theo đường mòn Chủ nghĩa đã lu mờ trong thưc tế và thất bại trong hành động tại Đại hội đảng kỳ 14 vào tháng 1 năm 2026. Khẳng định này của ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư đảng là bằng chứng cho tính chai lỳ, chậm tiến và lạc hậu, không phải của riêng ông mà toàn đảng...
Thứ Bảy 24/2/2024 đánh dấu hai năm kể từ khi Nga phát động cuộc chiến tranh xâm lược toàn diện nước Ukraine. Cuộc xung đột đang lâm vào tình trạng bế tắc và ngày càng tàn khốc. Nhân dịp này ông Nick Schifrin, một phát thanh viên của kênh truyền hình PBS, đã tổ chức một buổi thảo luận bàn tròn về hiện tình của cuộc chiến, nó có thể đi đến đâu và chính sách của Hoa Kỳ đối với Ukraine sẽ ra sao. Hiện diện trong buổi thảo luận có các ông Michael Kofman, John Mearsheimer và bà Rebeccah Heinrichs...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.