Hôm nay,  

Vẫn Còn Là Giấc Mơ

27/09/201400:03:00(Xem: 8348)
Tác giả: Phương Hoa
Bài số 4342-14-29742vb7092714

Với loạt bài về Vietnam Museum, "Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên," tác giả đã nhận giải chung kết Viết Về Nước Mỹ 2014. Chuyến đi Nam Cali họp mặt nhận giải của tác giả kéo dài bốn tuần lễ, thêm nhiều chuyện vui mới. Định cư tại Mỹ từ 1994 diện tị nạn chính trị theo chồng, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif.

* * *

blank
Tác giả và Thượng Nghị Sĩ Lou Correa tại họp mặt Việt Báo.

Ngày 17 tháng Tám 2014 đối với tôi là một ngày kỳ diệu. Chuyến đi đã gần bốn tuần lễ, kể từ buổi họp mặt Việt Báo Viết Về Nước Mỹ, mãi hôm nay tôi mới về đến nhà. Về mà vẫn còn bàng hoàng, tưởng mình còn trong mơ. Một giấc mơ chưa từng dám "mơ" tới.

Thật vậy, từ khi viết bài dự Viết Về Nước Mỹ, tôi chưa hề một lần nghĩ có ngày mình sẽ được chọn cho giải Chung Kết của "cuộc chơi có hàng vạn người tham gia" vì đọc bài của ai tôi cũng thấy họ là những ngòi bút "cự phách." Tôi cũng chưa bao giờ dám tưởng tượng thằng con và đứa cháu nội xa cách mấy chục năm của chúng tôi lại được phép du lịch Mỹ để cho... "Đám Hai Lúa sang đại náo Hoa Kỳ," như lời ông bố và mấy đứa anh em chọc tụi nó.

Khi nghe tôi được giải Chung Kết VVNM, bạn bè và người thân ai cũng nói "Có công mài sắt, có ngày nên kim." Đúng là tôi đã hăm hở mài hoài cục sắt thô của mình. Nhưng muốn mài sắt, phải có "phiến đá mài" vững chắc. Chương trình Việt Báo Viết Về Nước Mỹ suốt 15 năm qua chính là phiến đá quí để người Việt khắp nơi mài dũa, rèn luyện tiếng Việt, và bảo tồn lịch sử, văn hóa của người Việt tại Mỹ.

Ngày đọc danh sách Chung Kết năm 2014, tôi vô cùng hạnh phúc vì thấy có tên mình lần nữa. Giải gì cũng được, miễn là có dịp "xuôi Nam" để chung vui trong ngày Hội, gặp lại các bạn viết và bạn bè là vui rồi, tôi nói với ông xã. Cho đến khi còn hơn một tháng trước lễ phát giải VVNM, đứa cháu gái bên Việt Nam bỗng nhiên đòi đi Mỹ dự lễ để trước là...vỗ tay cho bà nội, sau tham quan cho biết hệ thống đại học Hoa Kỳ. Cháu vừa thi đậu vào trường đại học Quốc Tế Sài Gòn để học hai năm chương trình college, sau đó chuyển tiếp qua Mỹ học hai năm cuối và sẽ được cấp bằng Cử Nhân từ hệ thống giáo dục Hoa Kỳ.

Vì gia đình thằng con đang có hồ sơ bảo lãnh, ai cũng nói không dễ gì đậu phỏng vấn du lịch, nên tôi có email than thở với cô Hằng Nguyễn, office manager của Việt Báo. Từ lâu tôi rất quý cô Hằng và vẫn thường liên lạc với cô ấy. Cô là người đáng mến, tính tình vui vẻ, rất nhiệt tâm trong công việc, và luôn trả lời email giải đáp thắc mắc sớm nhất cho tôi khi nào cô có thể. Mỗi khi có bài viết về "người thật việc thật" được đăng, tôi nhờ Hằng gửi cho vài tờ báo giấy để tặng nhân vật, là y như tôi nhận được báo ngay chỉ trong vài ngày.

Tuy email cho Hằng nhưng tôi cũng chẳng dám mong chờ gì. Không ngờ sau đó tôi nhận được thư mời của Việt Báo từ CEO Nina Hoà Bình Lê gửi cho con tôi. Một thư mời bằng tiếng Anh rất độc đáo, trân trọng mời đích danh con tôi từ Việt Nam sang Hoa Kỳ dự lễ phát giải Viết Về Nước Mỹ. Thấy thư mời có tính thuyết phục cao, tôi mừng hớn hở ra bưu điện gửi về để tụi nó kịp làm thủ tục.

Thư mời gửi đi rồi, thủ tục xin du lịch Hoa Kỳ thằng con cũng đã làm đầy đủ cho hai cha con nó, và chờ ngày hẹn phỏng vấn. Có vài người quen kể lại con cháu họ cũng giống tình trạng con tôi, từng nộp đơn xin du lịch Mỹ nhưng đều rớt phỏng vấn, nên tôi lo lắm. Một người bạn của nhà tôi ở Nam Cali gợi ý nếu muốn chắc ăn thì nên cầu cứu các vị dân cử nhờ họ tiếp thêm sức. Đúng là ý kiến hay. Gì chứ việc này tôi cũng đã có kinh nghiệm ngày trước, khi "con kiến" tôi đi kiện cái "củ khoai" dealer xe và được các ban ngành kể cả ngài Thống Đốc tiểu bang giúp đỡ tận tình. Thế là tôi copy thư mời của Việt Báo, bảng tiếng Anh bài viết được chọn vào Chung Kết mà tôi dịch ra, đường link Việt Báo online có đăng bài viết, và đường link Viện Bảo Tàng có đăng bảng tiếng Anh của tôi, rồi viết một lá thư kèm theo gửi cho ông Dan Logue, vị dân cử đại diện địa phương tôi đang sống để nhờ giúp đỡ.

Muốn chắc ăn, email gửi đi rồi tôi còn fax hết các thứ một lần nưa đến văn phòng, và gọi điện thoại nhắn message cho ông dân biểu. Khi ấy cũng đã gần đến ngày phỏng vấn nên tôi phát hoảng làm liều. Ông nhà tôi hù, "Bà quậy lung tung cái kiểu này không chừng ông ấy bực mình ổng... né luôn khỏi giúp đó!"

Không ngờ sau khi tôi để lại lời nhắn thì chỉ vài tiếng đồng hồ là người chánh văn phòng của vị dân cử khả kính gọi lại. Ông ta phỏng vấn, hỏi han tôi kỹ lưỡng về việc cần giúp và hứa sẽ trình lại cho ông Dan Logue. Thật tuyệt vời, chỉ sau hai ngày, tôi nhận được thư giới thiệu của ông Dan Logue, nhờ sở Di Trú Hoa Kỳ (Department of Immigration) quan tâm giúp đỡ cho trường hợp đặc biệt của con tôi. Trong thư ông có đề cập đến chương trình Viết Về Nước Mỹ của Việt Báo và bài viết về Viện Bảo Tàng của tôi, chứng tỏ ông đã đọc kỹ thư mời của Việt Báo, đọc bài viết, và tìm hiểu khá rõ ràng.

Cầm lá thư có họa tiết hoa văn xanh hồng, mẫu giấy biểu tượng của cơ quan công quyền Hoa Kỳ, có chữ ký của ông Dan Logue, và con dấu "California Legislature" mà trong lòng tôi dâng lên một niềm cảm xúc dạt dào. Tôi biết mình quả thật là may mắn được sống trên một đất nước tự do, nơi mà các vị dân cử luôn quan tâm lo lắng cho người dân của ho. Lá thư này gửi FedEx về Việt Nam, và sau hai ngày thì thư đến, kịp lúc cho con tôi đem đi phỏng vấn.

Thằng con tôi kể lại, khi phỏng vấn người nhân viên sở Di Trú đã xem xét hồ sơ, đọc kỹ thư mời của Việt Báo và thư giới thiệu của ông Dan Logue. Sau một hồi "xoay" con bé cháu toàn bằng tiếng Anh và nó trả lời thông suốt, người ấy cũng chưa quyết định được mà phải trình lên người có trách nhiệm cao hơn. Người này cùng ra phỏng vấn tiếp. Họ còn lục máy computer tìm ra hồ sơ bảo lãnh để xem xét và bàn bạc với nhau một lúc rồi mới tuyên bố chấp thuận. Theo lời cháu tôi, đó là cuộc phỏng vấn dài giờ nhất so với những người khác trong buổi sáng hôm ấy. Khi đó cũng đã cận ngày phát giải Việt Báo nên họ đánh dấu đỏ vào hồ sơ, và chỉ mấy tiếng đồng hồ sau thì có người mang Visa đến tận nhà trọ giao cho con tôi. Nhận Visa xong là tụi nó mua vé máy bay cấp tốc, và vài ngày sau cha con khăn gói lên đường, vừa kịp bay đến Nam Cali chỉ hai ngày trước ngày hội Việt Báo. Thật khó có thể tưởng tượng!

Tất cả những việc này đã nói lên tầm quan trọng và ảnh hưởng của chương trình giải thưởng Việt Báo VVNM đối với các cơ quan công quyền Hoa Kỳ. Chương trình này chẳng những được Quốc Hội Hoa Kỳ công nhận và tuyên dương, mà nó còn ảnh hưởng rộng lớn đến các cơ quan ban ngành, các vị dân cử, và đến cả những người đang làm việc ở ngoại quốc như là nhân viên sở Di Trú.

Sự kiện tôi được vào Chung Kết VVNM nhờ bài viết Nhà Bảo Tàng và được Việt Báo gửi thư mời thằng con tôi sang Mỹ dự lễ chẳng những là niềm vui to lớn cho tôi và gia đình, mà nó cũng đã làm...rộn rã trái tim những người bạn Mỹ của tôi ở thành phố cổ này. Trong đó có bà Mary và ông chồng Austin, cựu chiến binh và phi công phục vụ ở Tân Sơn Nhất ngày xưa, vợ chồng ông Dann giám đốc Viện Bảo Tàng, vợ chồng ông webmaster Harlan, ông Don Schrader, và mấy người nữa, tất cả đều là cựu chiến binh Việt Nam. Mọi người xôn xao gửi email, gọi điện thoại, hỏi thăm, theo dõi từng diễn tiến của sự kiện mà họ cho là "quá tuyệt diệu" này. Nghe tôi có ý định nhờ vị dân biểu giúp về việc thằng con xin đi du lịch Mỹ, ai nấy đều hưởng ứng. Người ta gửi cho tôi số fax, điện thoại, địa chỉ văn phòng ông ấy dù tôi có thể tìm thấy dễ dàng trên online, và rồi họ cũng mừng không khác chi tôi khi biết ông Dan Logue chịu giúp.

Tội nghiệp giám đốc Dann, ông đã rất vui khi Việt Báo gửi thư mời ông bà tham dự buổi lễ phát giải. Ông hân hoan chuẩn bị một bài diễn văn rồi sửa soạn cho chuyến đi. Mọi người trong Hội Đồng Viện Bảo Tàng và bạn bè thân hữu ai nấy cũng đều vui và bàn tán sôi nổi. Họ cùng nhau quan tâm đến sức khỏe của ông Dann, gửi email, gửi lời cầu nguyện để ông được khỏe mà đi dự.

Nhưng thật không may, đến gần ngày thì bệnh cũ ông tái phát. Điều làm mọi người đau lòng, và tôi thì xúc động đến rơi lệ khi được biết căn bệnh này do bởi một lần cứu người của ông ấy. Cách nay mấy năm, một buổi sáng khi lái xe đi làm, ra đến cửa ông Dann thấy bà hàng xóm bị bầy ngựa của bà trở chứng và đang rượt đuổi bà. Ông vội dừng xe để cứu bà ấy. Bà hàng xóm thoát chết, nhưng Dann thì bị nguyên một con ngựa nặng hàng tấn (1,000kg) đè bẹp ông. Sau nhiều tháng nằm bệnh viện, qua nhiều cuộc giải phẫu, ông đã trở lại bình thường, nhưng không ngờ ngày nay di chứng bộc phát và lưng ông đau đớn đi đứng không được, phải trở lại bệnh viện chờ giải phẫu tiếp.

Khi biết mình đi không được, ông Dann rất buồn và tận tâm tìm người đại diện. Mọi người cũng buồn theo rồi bàn với nhau cắt cử người đi thay. Người thì đề cử một thành viên Hội Đồng bảo tàng, ông Don Schrader cựu chiến binh Việt Nam cũng là cựu Giám Sát Viên quận hạt Yuba County; kẻ gợi ý bà Mary trưởng ban thủ quỹ; vợ chồng giám đốc Dann thì muốn con trai họ là luật sư Ceder và vợ là luật sư Erin đi thay vì họ sống gần dưới Los Angeles. Luật sư Cerder cũng là thành viên Hội Đồng bảo tàng và là thương binh từ Iraq giải ngũ về đi học lại. Cuối cùng thấy nhiều bất tiện, nên Dann gửi thư cho Việt Báo cáo lỗi không thể đi. chuyến đi mà ông vô cùng tiếc rẻ và cho là rất vinh dự này.

Ngày đặt chân xuống phi trường John Wayne Airport của Orange County tôi vẫn còn hồi hộp. Kéo chiếc vali bước ra theo đoàn hành khách nhưng tôi có cảm giác như là đang đi trên đám mây chồng chềnh. Bước thấp bước cao tôi vấp phải ai đó và ngã một cái rầm. Hai đầu gối tím bầm rướm máu, đau chí mạng nhưng tôi nào chú ý. Nhân viên phi trường hối hả chạy đến giúp và hỏi tôi có cần gọi xe cấp cứu. Tôi đã mong đợi bao lâu mới đến giờ phút này, con cháu tôi đang đợi bên ngoài thì tâm trí nào mà đi cấp cứu chứ. Tôi nói cám ơn họ rồi xin mấy bì đá lạnh chườm lên hai cái đầu gối sưng vù và nhờ họ đẩy ra ngoài trên chiếc xe lăn. Thằng con tôi và đứa cháu đi đón đã hoảng hồn khi thấy tôi ngồi xe lăn, còn tôi thì đến khi ôm được thằng con và đứa cháu nội vào lòng tôi mới tin đó là sự thật.

Niềm vui hội ngộ với con cháu đến từ nửa vòng trái đất chưa lắng xuống, thì hôm sau đã đến buổi tiền họp mặt với nhóm Việt Bút thân thương. Tôi dắt theo con bé cháu vì thằng bố kẹt đi chơi với anh em bạn bè xưa của nó. Tôi thuộc về tốp "lính cũ" nên không còn bỡ ngỡ như năm ngoái. Khi chúng tôi đến thì mọi người đã khá đông. Thức ăn bánh trái đồ uống nhiều không kể hết đã được "nhà tài trợ công sức" Sài Gòn Vũ lo dùm và cùng mọi người bày biện ra bàn tươm tất.

Đặc biệt, năm nay Việt Bút Nam Cali đem "trình làng" một loại trái cây độc đáo màu hoàng anh, chùm nào chùm nấy dày đặc, mới nhìn hấp dẫn giống trái bòn bon, nhưng lại là hình trái xoan chứ không tròn. Thì ra đó là trái chà là (date) tươi mà lần đầu tiên tôi mới thấy tận mắt. Gặp lại những bạn cũ tay bắt mặt mừng, và tôi cũng rất vui khi được gặp người "Đi Tìm Tên Một Người Vô Danh" Orchird Thanh Lê và thêm mấy người mới nữa. Hòa Bình hôm ấy cũng có mặt, cùng chen... chân sát cánh cười tươi chụp hình với cả nhóm. Chị Bảo Xuân, Iris, Nguyễn Trần Phương Dung, Donna... "hú" mọi người lại ký tên vào mười quyển sách tuyển tập VVNM 2014 mới toanh vừa ráo mực để chuẩn bị đưa ra bán giá đặc biệt gây quỹ thêm cho chương trình.

Tiệc xong, tôi nhờ Hòa Bình chở vợ chồng tôi cùng đứa cháu, và Orchird Thanh Lê nữa, về lại toà soạn Việt Báo để chúng tôi thăm hỏi anh chị Từ Nhã, vì tất cả các ban ngành lúc này đang bận rộn lo chuẩn bị cho công việc buổi chiều ở nhà hàng Moonlight. Sau khi thăm hỏi anh Từ nhắc tôi lo phát biểu trong vòng ba phút cho đúng với chương trình, đừng kéo dài thời gian sẽ làm trễ buổi ăn tối. Khi Việt Báo mời giám đốc Dann và giờ chót ông không đi được, tôi đã có chuẩn bị một bài phát biểu rất ngắn khoảng hơn một phút, bằng tiếng Anh, để cám ơn ông Dann cũng như chia sẻ với mọi người về nhân vật mà tôi đã viết, và dặn người nhà quay lại clip đoạn đó để đem về cho ông Dann xem. Tôi biết ông sẽ rất mừng vui mà đem post lên trên trang web của bảo tàng. Nhưng rất tiếc vì không đủ thời gian, nên giờ chót tôi phải đành bỏ bớt cái đoạn ấy trong bài phát biểu.

Việc gì đến rồi nó cũng sẽ đến cho dù tôi có run hay bình tĩnh. Biết vậy nhưng tại buổi lễ tôi cũng run...thấy mồ luôn, nhất là khi được phỏng vấn bỡi các ký giả của Little Sài Gòn TV, Vanessa Hồng Vân đài FreeVN TV, và mấy nhà báo khác. Tôi và "phe mình" hơn mười người được xếp ở bàn số 1, cạnh khán đài. Người ta nói "Việc người sáng, việc mình quáng" có lẽ không sai. Từ lúc bắt đầu buổi lễ, tôi ngồi bình tĩnh quan sát và lắng nghe hầu hết mọi diễn tiến. Khi xem đoạn clip nữ danh ca Quỳnh Giao hát, tôi xúc động bồi hồi, nhớ lại năm ngoái cũng trên khán đài này, một Quỳnh Giao xinh đẹp bằng xương bằng thịt đã cho mọi người thưởng thức cái giọng oanh vàng, cao trong vút của chị. Vậy mà giờ đây con người tài hoa ấy chỉ còn lại một cái bóng trong phim.

Nhưng đến người sau cùng là tôi, thì tôi đâm quính và...lùng bùng. Ngồi nhìn trân trân ông trưởng ban giám khảo Nguyễn Xuân Nghĩa giới thiệu tên tôi mà tôi vẫn không nhúc nhích vì chả hiểu ông ấy nói gì cả. Đến chừng cô Quyên Trần chạy lại cầm tay dắt tôi đứng dậy, "Tới chị rồi, sao không đứng lên?" Tôi mới giật mình bước theo cô, tiến lên khán đài bằng những bước chân bềnh bồng của kẻ mộng du.

Vậy mà ơn trời, sau khi bước lên sân khấu được đứng cạnh những thần tượng như thi sĩ Trần Dạ Từ, nhà văn Nhã Ca, nữ diễn viên Kiều Chinh, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa, và được "dựa hơi" gần các "huyền thoại" giám khảo từng một thời là tác giả, Trương Ngọc Bảo Xuân, Tân Ngố, Bồ Tùng Ma, tôi bỗng dưng như được...hoàn hồn. Tôi bình tĩnh hơn nữa khi nhận giải thưởng từ tay cô bạn xinh đẹp Khôi An, người được giải Chung Kết năm ngoái.

Khi mới bắt đầu bài phát biểu, tôi cũng có chút...lập cập, nhưng nhìn xuống dưới thấy dày đặc một dãy máy hình và máy quay phim, đặc biệt là nhìn thấy "nửa kia" và hai thằng con trai, cùng đứa cháu nội từ Việt Nam đang chuẩn bị chụp hình, và bà con, bạn bè đang nhìn chăm chú vào tôi thì tôi...tới luôn một mạch, vì không muốn họ bị thất vọng. Tuy nhiên, là tôi làm theo quán tính chứ sau buổi lễ tôi cứ mãi băn khoăn, không nhớ hết là mình đã hành động như thế nào, nói năng ra làm sao, mặt mũi nom có kỳ cục lắm không. Thật là may, khi về lại khách sạn tôi tìm được cái Video của đài FreeVN TV do cô Vanessa Hồng Vân thực hiện, ghi lại toàn bộ từ đầu đến cuối buổi lễ họp mặt VVNM trong ngày hôm đó, rất rõ ràng và chuyên nghiệp, nên tôi mừng vô cùng, ngồi nhẫn nha xem lại tận tường mọi thứ.

blank
Giám đốc Dann Spear của Viettnam Museum nhận bảng Vinh Danh của TNS Lou Correa.

Niềm vui còn nhân rộng thêm sau khi nhận giải và trước tiệc dinner. Tôi được vinh dự chụp hình chung với toàn ban giám khảo, ban biên tập Việt Báo, nhiều tác giả khác, và các vị Dân Biểu Nghị Sĩ... Đặc biệt là chụp chung với những bạn bè thân thiết từ các diễn đàn tôi tham gia, Việt Bút, Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ, như vợ chồng nha thi nhạc sĩ Cao Minh Hưng, vợ chồng Iris, chị Mão, anh Sáu Steve Brown, Khôi An, TháiNC, "sư phụ" Đường thi Trần Quốc Sĩ, Sài Gòn Vũ, Hồng Mai, và nhiều, nhiều lắm. Lòng vui phơi phới, gặp ai quen tôi cũng túm lấy để chụp hình và rất nhiều người cũng vui vẻ rủ tôi chụp chung với họ. Cảm động nhất là Thượng nghị sĩ Lou Correa, ông nói với Quyên Trần là muốn chụp hình với tôi. Cô Quyên lại đưa tôi đến gặp ông, nhưng khi đi ngang qua gặp vài người quen họ kéo lại chụp hình thì tôi quên mất nên đứng lại với họ. Sau người này tiếp đến người khác, chụp xong một số hình tôi mới chợt nhớ vội chạy đi tìm, thì thấy ông thượng nghị sĩ vẫn còn đứng chờ tôi nơi tấm phông "Giải Thưởng Viết Về Nước Mỹ" có hình bức tượng Nữ Thần Tự Do. Ông bắt tay tôi, nói lời chúc mừng, và cùng chụp một số hình. Gia đình tôi và mấy người bạn đứng gần đó cũng vào chụp hình chung với ông thượng nghị sĩ. Ông rất vui nên tấm hình nào cũng cười tươi rói.

Một kỷ niệm cảm động khác mà có lẽ suốt đời tôi không bao giờ quên, là được cùng cắt chiếc bánh VVNM 2014 với hai thần tượng mà tôi quý trọng, nhà văn Nhã Ca và diễn viên điện ảnh Kiều Chinh, cùng tác giả Orchird Thanh Lê. Tấm ảnh này tôi về nhà phóng lớn ra và trân trọng đặt trên bàn viết để hàng ngày...ngắm nghía.

Bèo hợp rồi tan, cuộc vui nào rồi cũng tàn. Biết thế nhưng sao bước chân ra về mọi người dường như vướng víu, không đành. Tôi ôm từ biệt bạn bè mà lòng rưng rưng vì cái cảm giác chờ đợi đến "năm tới" mới gặp lại nhau nghe sao mà lâu quá!

Sau buổi lễ, vợ chồng tôi còn ở lại hơn mười ngày, đưa thằng con và đứa cháu đi tham quan khắp "bốn vùng chiến thuật" Nam Cali, như Disneyland, Hollywood, Las Vegas, Grand Canyon... Đi đến đâu con bé cháu cũng tròn mắt trầm trồ và chụp hình túi bụi rồi khi về khách sạn là nó cặm cụi bỏ lên FaceBook để gửi về Việt Nam khoe với bạn bè.

Tuy bận rộn theo tụi nhỏ mỗi ngày, hết tour du lịch lại đi thăm viếng khắp nơi, không có thời gian nhòm ngó đến mấy chiếc máy ảnh, nhưng mỗi ngày về đến khách sạn là tôi vui vô cùng vì cập nhật sớm được một số hình ảnh gửi từ email mà các bạn như Cao Minh Hưng, Sài Gòn Vũ, Hồng Mai, và những người bạn khác đã chụp trong ngày lễ VVNM.

Khi về lại nhà, việc trước tiên là tôi làm một bữa tiệc nho nhỏ để "ra mắt" tụi nhỏ với bạn bè, những người bạn Mỹ đã từng chung vai sát cánh lo lắng cho tôi trong thời gian làm thủ tục cho tụi nó, và cùng quan tâm dõi theo những diễn tiến của ngày lễ VVNM. Mọi người vui mừng chào đón đám "Hai Lúa" nhà tôi với thật nhiều quà cáp và thức ăn, bánh trái, cả bánh kem, và hoa nữa. Món nào họ cũng ép con bé cháu, "Thử đi, những thứ này chắc là bên Việt Nam không có đâu!" Con bé rất vui vì được dịp nói tiếng Anh trực tiếp với "người Mỹ chính hiệu" đến "mỏi cả miệng," nó thích chí nói.

Ngày kế tiếp chúng tôi đưa bọn nó đến thăm Viện Bảo Tàng để trao hai tấm bảng danh dự của Thượng nghị sĩ Lou Correa cho vợ chồng giám đốc Dann Spear. Trước khi đi, tôi có báo cho mọi người, nên bốn người trong Ban Hội Đồng đã có mặt sáng hôm ấy. Dann vẫn còn đau phải ngồi xe lăn nhưng cố gắng đứng dậy để chụp hình. Ông xúc động vô cùng khi nhận bằng khen. Tấm lòng và công sức của vợ chồng ông bây giờ có thêm một vị Thượng nghị sĩ Quốc Hội công nhận. Dann và mọi người cùng nhau rối rít bàn việc tìm chỗ nào trang trọng nhất, "bắt mắt" nhất để treo mấy tấm "Honor Certificate" này. Ông webmaster Harlan bấm máy lia lịa. Và đến hôm sau tôi đã thấy hình ảnh buổi trao bằng nằm trang trọng trên trang web bảo tàng với đầy đủ ghi chú.

Vì không có nhiều thời gian nên cha con nó chỉ chơi ở nhà tôi vài ngày là chúng tôi tiếp tục "tiến quân" đi lên vùng Bay Area, San Jose, Hayward, Fremont, San Franscisco... để tụi nó thăm gia đình mấy đứa anh em, rồi đi tham quan danh lam thắng cảnh miền Bắc Cali... Niềm vui đoàn tụ không thể tả cho hết.

Bây giờ thì thằng con và đứa cháu đã trở về Việt Nam, nhưng dư hương của ngày hội Việt Báo 2014 và cuộc trùng phùng "thần kỳ" của gia đình vẫn còn lâng lâng trong tôi. Đối với tôi, mọi việc cho đến giờ này vẫn cứ như là giấc mơ. Một giấc mơ tuyệt vời!

Một lần nữa, xin trân trọng và chân thành cám ơn Việt Báo Viết Về Nước Mỹ.

Phương Hoa

Ý kiến bạn đọc
09/10/201422:37:37
Khách
Phùng Annie Kim thân mến,
Cám ơn Annie đã hỏi thăm. PH đã về nhà được mấy tuần và đã...tỉnh táo rồi, dù vẫn còn cảm giác những việc vừa qua như là trong mơ vậy. Tiếc là hôm tiền họp mặt nhóm VB không gặp được Annie để nói chuyện nhiều hơn, trong buổi lễ gặp nhau thì mừng nhưng lu bu quá. Hẹn năm sau vậy!
Chúc Annie và gia đình luôn vui khỏe...
Thân mến,
PH
09/10/201405:50:00
Khách
-Chị Phương Hoa khỏe chưa?
-Chị tỉnh táo rồi hả?
- Nhớ con và cháu nội quá há?
- Chừng nào xuống khu Bolsa nhớ ghé thăm Vũ và ghé em chơi nhé.
- Phùng Annie kim
07/10/201415:33:20
Khách
Chào anh Sáu Steve,
Chào bạn Mai Phạm,
Cám ơn anh Sáu luôn đọc bài và khuyến khích. PH thấy anh cũng rất có khả năng đó mà, cố viết cho nhiều vào thế nào có ngày anh cũng sẽ mài đựơc cây kim cho mà xem
Chúc anh và gia đình luôn vui và hạnh phúc
PH

Bạn Mai Pham,
Cám ơn bạn đã đọc và góp ý. Thạt ra Khi viết bài, tác giả cũng đã cố gắng để tránh dùng những từ ngữ "mới" sau này, nhưng thỉnh thoảng vẫn còn "lẫn lộn" làm độc giả khó chịu. Thạt là xin lỗi và sẽ rút kinh nghịêm. Chúc bạn vui
PH
01/10/201412:40:34
Khách
Chào chị Phương Hoa,
Bài viết chị rất hay và vui. Theo tôi nghĩ bài học chính trong bài viết chị như trong câu tục ngữ "Có công mài sắt, có ngày nên kim". Chị được "cái kim" đó rồi.

Chúc anh chị nhiều hạnh phúc.

Sáu
27/09/201421:16:01
Khách
"sớm nhất cho tôi khi nào cô có thể"; "thư mời có tính thuyết phục cao". Một người qua Mỹ chừng đó năm, mà lại dùng chữ kỳ cục như vậy.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,308,377
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.