Hôm nay,  

Đêm Trước Ngày Ra Đi

13/08/201400:00:00(Xem: 10983)

Tác giả: Vành Khuyên
Bài số 4299-14-29699vb4081314

Với kiểu "viết như nói", tác giả đã góp nhiều bài viết và nhận giải đặc biệt Viết Về Nước Mỹ 2005. Cô tên thật là Trần Thị Ngọc Trâm, sinh năm 1965 tại Saigon, thứ nữ một gia đình H.O. Công việc đang làm: chuyên viên Sở Xã Hội tại Salem Oregon.

* * *

Đêm trước ngày ra đi, tôi không còn là tôi.

Tôi vẫn còn nhớ rõ ngày tôi đi là ngày thứ năm trong tuần. Ngày thứ hai, tôi với anh quyết định gần nhau để những tháng ngày xa nhau sắp tới có cái gì đó để mà tin, mà nhớ nhau. Tôi thật tình không còn lòng dạ nào để tận hưởng những phút giây lẽ ra phải thật tuyệt vời đó sau ngày cưới, thay vào đó một cảm giác chua chát, một cảm giác gì như là nửa muốn, nửa không, để khi mất đi rồi, tôi chẳng có cái cảm giác tiếc vô ngần như người ta vẫn kể trong các câu chuyện vì tôi yêu anh lắm, nhưng cái cảm giác hụt hẫng, biết mình không còn là mình, thậm chí về nhà tôi không dám ngẩng mặt nhìn cha mẹ vì sợ họ nhận ra tôi không còn là con gái của họ.

Đêm trước ngày ra đi, tôi không còn là tôi nữa rồi.

Khoảnh khắc chia tay đêm ấy, cái đau đớn thân thể không rõ ràng bằng cảm giác đau đớn trong tâm linh. Anh rủ tôi đừng về nhà mà ra thẳng bến xe về quê anh, qua ngày đi, về lại thành phố mà sống.

Tôi đã từng muốn thoát ly chỉ để có anh. Không muốn sao được, anh từng kể, những ngày anh xuống đó thăm mẹ của anh, anh nằm trên phản nhìn qua khe cửa sổ trong chiếc nhà lá đơn sơ mẹ và anh của anh đang sống, một ánh trăng thật sáng, thật to, thật tuyệt vời như những đêm nào hai chúng tôi xa nhau cùng nhìn ánh trăng để thấy mình không xa cách. Tôi và anh sẽ bên nhau, anh sẽ làm cho tôi hạnh phúc cả đêm, cả ngày, thậm chí cả cuộc đời này.

Chỉ tưởng tượng cảnh đó và khoảnh khắc chia tay ngày mai, khuông mặt tôi đã nhạt nhòa nước mắt. Anh ơi em không muốn xa anh, ngàn lần không, không, không, không anh ạ.

*

Cuộc sống mới định cư thật là dễ chịu. Tôi và hai người chị gái có cái phòng riêng, ai vô phải gõ cửa chứ không phải cái xó nhà như căn nhà chúng tôi ở chen chúc nhau tại thành phố. Chúng tôi quây quần bên nhau trong những bữa cơm và những buổi tiệc tùng, họ hàng và bạn bè mừng chúng tôi mới định cư.

Tôi nhớ anh vô ngần. Uống một ly nước cũng nhìn thấy anh trong đó. Đi trong trường học cũng dường như nhìn thấy anh ở cuối con đường tôi đang đi vẫy tay và tôi chỉ còn chạy lẹ tới để có thể ôm chầm lấy anh sung sướng và quen thuộc như ngày nào.

Cái đau đó ghê gớm lắm, nó làm tôi tê liệt hết những sợi thần kinh tỉnh táo. Tuần nào, thậm chí mỗi ngày tôi viết thư cho anh, tôi cũng mong anh như vậy với tôi. Hễ tuần nào không có thư anh, tôi trở chứng điên dại, im lặng, không nói, cứ nhìn xa thật xa mà nước mắt tuôn dòng.

Mẹ tôi hiểu lòng con gái, cứ gặp tôi trong cảnh ấy là thở dài.

Biết đến khi nào, lủ trẻ gặp lại nhau đây.

"Mày quên nó đi !" Mẹ tôi nhắc.

Tôi hạ giọng "Kệ con mẹ ạ".

Có lẽ không ai ngòai tôi hiểu tại sao tôi không quên được anh và cũng không ai ngòai tôi có thể quyết định được điều đó cho dù tôi có muốn là đứa con hiếu thảo cách mấy đi nữa.

Tôi thấy mắt mình nóng, thất thểu đứng dậy vào phòng, đặt lưng xuống, tôi mau chóng chìm vào giấc ngủ may ra gặp lại anh.

*

Năm ấy, người chị lớn nhất của tôi đã ba mươi lăm tuổi. Ngay từ những ngày chưa định cư, có một anh là anh ruột của người bạn sinh họat chung với chị tại Hội Yêu Thích Điện Ảnh cùng định cư tại tiểu bang Oregon gia đình tôi tới, anh viết thư về cho chị và tỏ lòng muốn tiến tới hôn nhân, dù chưa biết thực hư chị tôi là ai, toàn là qua lời kể của gia đình anh. Gia đình tôi đến vào tháng Giêng, thì tháng Tám năm đó, với chút ít vốn liếng ESL, chị tôi lên xe hoa về nhà chồng như để tránh lỡ thì con gái, còn chưa biết yêu thương nó ra làm sao.

Tôi chỉ cười buồn. Cầu mong chị hạnh phúc, dầu gì cũng là do chị đồng ý, chị có không đồng ý, chắc ba mẹ tôi cũng chẳng ép. Người anh rể trước khi rước chị tôi về đã dẫn chúng tôi đi chơi thác, chơi bowling, dã ngoại tại các khu rừng một vài lần như là để làm quen và để chúng tôi nói vào cho chị và anh.

Tôi chưa từng hỏi chị tôi có hạnh phúc với anh hay không sau ngày ấy, nhưng tôi bỗng thấy thương chị tôi hơn. Những chuyến du lịch sau ngày cưới tại Las Vegas, Canada với chị tôi cùng người chồng bên cạnh, thật là một điều an ủi cho một người chị cả như chị tôi, tất bật với chuyện gia đình và một tay lo cho đàn em nhỏ từ những ngày còn là cô gái 18 tuổi cho tới ngày trước khi định cư tại Mỹ.

Tôi thương chị tôi lắm.

Người chị kế tốt nghiệp đại học tại VN, với chị tương lai chỗ nào cũng sáng dù ở Mỹ hay ở lại Việt Nam. Chị yêu người Thầy dạy Điện Toán của mình, hai người hứa hẹn cầm sắc. Chưa biết sẽ ra sao, nhưng chị cũng đã có nơi chốn. Em gái tôi trước khi đi là sinh viên năm thứ ba Đại Học về ngành Kinh Tế Gia Đình cũng lắm mối, mối được nhất là một anh chàng học Hải Dương học tại VN, sau đó đi tàu Viễn Dương nhưng em tôi không yêuanh ta.

Tôi cần cù với thi cử, yêu ngay một người không bằng cấp, không nhà cửa, có cũng như không với cha mẹ tôi, họ đã âm thầm tìm cho tôi người khác.

*

Tôi tự lý giải với mình là những anh chàng này ít học và đã bị đời sống Mỹ hoá. Tôi bỏ thành phố đang sống, ra tự lập tại một thành phố khác mang theo nhiều hy vọng của một sự đổi thay có ý nghĩ hơn cho cuộc đời chính mình.

Tôi vẫn viết thư về cho anh, kể hết, kể những lần chung đụng với các tay đi chung. Trong thư hồi âm, tôi đọc hết những tiếng nấc, những hoảng loạn anh có về những gì tôi đã kể. Tôi thấy mình bậy, bậy hết sức. Tôi làm vậy chả khác nào đưa anh ly thuốc độc, bảo anh uống đi, và với anh không còn lựa chọn nào khác ngoài sự chấp nhận và tiếp tục là chỗ dựa tinh thần cho tôi nơi xứ người.


Tôi ước gì anh thông cảm được cho tôi, tôi cô độc quá, tôi cô độc đến độ tôi chỉ nhờ những cánh thư để giải tỏa hết những nỗi niềm của mình. Anh hãy thông cảm cho tôi mà tôi quên bẳng đi anh đã từng trong vị trí là người đàn ông duy nhất tôi phải tôn thờ như đạo lý của một người phụ nữ Việt Nam, dù có xa cách bao nhiêu và bao lâu chăng nữa.

Tôi vào trường lớn học tiếp hai năm còn lại. Chả thèm quen vớ vẩn, tôi may mắn được một người Việt nam đang làm luận án tiến sĩ trong trường để mắt và hắn nhận làm em nuôi trong một buổi tình cờ gặp gỡ. Hắn khen tôi hiền và đẹp. Chung quanh hắn có rất nhiều cô, tôi chạnh lòng thấy những cô đó như thù ghét tôi. Tôi mơ hồ hình dung tôi đang trong cái game tình yêu của hắn hay sao mà hắn ve vản tôi với thái độ rất không xứng hợp. Mới đầu tôi cũng không quen, dần dần tôi tự nói với mình, mới qua mà, cái gì kỳ trong suy nghĩ của tôi, tôi bảo đó là Mỹ hóa và tôi tập quen hết. Quen cả cái thói lẳng lơ mà lẽ ra là lòng kính trọng với hắn người đang là anh nuôi của tôi.

Tôi đang trên chiếc xe tuột dốc.

*

Một ngày, sau khi dạy xong, hắn mời tôi ở lại trường hàn huyên với hắn trước khi về để đợi hắn về luôn. Trong văn phòng của hắn, lao công trường mới dọn thật là ngăn nắp, sạch sẽ vô cùng, tôi ngồi đó thích thú. Hắn bảo hắn đi restroom chút xíu sẽ quay lại. Tôi chờ không nôn nóng, đàng nào tôi cũng về, có hắn nói vài câu chuyện, đỡ tẻ lúc xuống cầu thang thì cũng hay. Lúc hắn mở cửa vào, tôi nhận ra trên tay hắn cầm vật gì đó, hắn tiến gần đến tôi, nham nhớ: "Giờ này trường về hết rồi, anh biết chỉ còn anh và em, mình lẹ lên."

Tôi há hốc miệng nhìn rõ vật trên tay hắn khi bàn tay hắn mở ra thì rõ đó là một cái condom. Tôi chỉ có hắn là người bạn duy nhất tại thành phố lớn và trong ngôi trường này, tôi đã nhận làm anh nuôi cho phù hợp với cái vị trí tôi đã có bạn trai. Nhưng tôi là gì thì chỉ có tôi biết. Trước mặt hắn, lúc này tôi chỉ là cái xác cho hắn thoả mãn cái điều hắn muốn trong lòng.

Hắn ôm lấy tôi vụng về, tôi nhu nhược làm theo lời hắn, tôi nghĩ chắc có thế hắn mới tiếp tục chơi với tôi, cho tôi cái kiêu hãnh giả tạo có người anh nuôi đang dạy tại trường đại học của một con bé đang tập làm quen với đời sống Mỹ. Dầu gì tôi cũng còn là con gái nữa đâu mà tiếc chi.

Sau này, tôi kể lại chuyện này cho một bà Mỹ bạn tôi nghe, bà ấy hùng hổ bảo thằng đó hiếp tôi, tôi không hiểu ra sao, bả giải thích thêm, " hắn dùng sự cô độc của mày để uy hiếp mày, thằng tồi."

Tôi chỉ còn cái mặt trắng bệch ra nhìn bà, thấy thân mình dơ dáy tệ, dơ đến nổi tôi không muốn tắm vào tối hôm đó.

*

Tôi gọi hắn tôi đã trễ kinh. Hắn tỉnh bơ: "Biết có phải là của anh không?" Như bao câu chuyện tương tự tôi nghe, tôi nhận ra ngay chân tướng của hắn. Sở khanh cũng có nhiều đường, nhiều ngã đến thế.

Hắn làm tôi thấy nhục, nhục ghê lắm. Lũ vô học sở khanh còn đoán trước được, đàng này, lũ có học, sở khanh còn làm tôi đau gấp bao nhiêu lần.

Cỡ khoảng tuần sau, tôi có kinh. Việc trễ kinh chỉ do tôi căng thẳng về bài vở thôi, và vì sự cô độc đè nén gần như là bị trầm cảm nặng, không phải mang thai như tôi nghĩ, tôi như thoát một gánh nặng vô cùng dù lúc đó tôi cũng còn chưa nhận ra được mình ngu ngốc ra sao. Tôi vào trường lầm lũi, hắn vừa nhìn thấy tôi đâu là đi ngõ khác, tôi chán chê cho một mối quan hệ, tôi nghĩ mình xấu hổ đến không thể nào bước nổi vô trường. May mà người bạn Mỹ phân tích rõ ràng cho tôi đứng lại vị trí của mình, người xấu hổ phải là hắn, đã hại mày, còn mày không có gì xấu hổ cả, mày chỉ không kiên quyết hơn thôi. Dù sao tôi cũng tự có lỗi một phần vì đã để sự cô độc lấn át lý trí. Ai trong đời không có, tôi có hơn một lần, quả là quá dại.

Tôi căm giận mình lắm. Tôi về lại gia đình mang theo nỗi chán chường, khắc khoải, cũng may mà tôi chưa kịp khoe với mọi người tôi quen cả anh tiến sĩ cơ đấy.

Tôi nhận ra, giáo dục, đạo đức và học vấn là ba khái niệm chả có gì dính líu và liên quan nhau ở đây. Một thằng có học vấn chưa chắc đã có giáo dục và có đạo đức. Một người có đạo đức, không cần có học vấn, họ vẫn hiểu được những phải trái trong đờ.

Tôi nhận ra tôi không còn là cô Trâm ngày nào, dễ tin, dễ gạt. Từ đây, tôi sẽ đi vào đời bằng chính đôi mắt và cái nhìn của tôi. Bố thằng nào dám đụng đến.

*

Vâng, chưa có bố thằng nào dám đụng đến, nhưng anh thì đã bỏ tôi mà đi. Anh từ giã tôi trong một lá thư não nùng. Tôi đã khóc nhiều lắm, khóc sưng cả mắt, rồi đau khổ đến độ khóc qua ngày hôm sau tôi biến mình thành con người khác. Tôi như mặc thêm hai ba cái áo giáp vào, đứa nào chưa kịp tấn công vào thân thể tôi, tôi đã giơ tay lên để tự vệ.

Tôi nhớ Việt nam, nhớ vô cùng những ngày hỗn loạn trong tư tưởng của cuộc đời mình. Tôi nghĩ đó đã là đỉnh điểm, ai ngờ, cho tới giờ này, tôi không còn cảm giác để biết đau khổ là gì nữa. Tôi chơ vơ, lạc lõng trong đời chưa biết mình sẽ trôi đi đâu từ cái thời gian nhận ra những đau khổ tinh thần khác trong đời như thế này.

Tôi tự trách mình đã có cái đêm trước ngày ra đi xuẩn ngốc, để rồi không còn biết giữ gìn cả lòng tự trọng của một người phụ nữ nơi xứ người. Xứ sở của Đông Tây hội nhập, chính ra là một điều hay, nhưng những con người không chân chính trong cái vòng tròn giao nhập đó đã dựa vào nó mà làm những điều vô đạo đức, vô nhân tính giữa con người với nhau.

Đêm trước ngày ra đi. Tôi có hiểu đâu đêm đó là đêm bắt đầu cho những khổ đau tiếp nối tôi có nơi đây.

Tôi nguyện làm con người chân chính, tôi nguyện sống với ngày mai và cái đêm trước ngày ra đi mãi còn trong tôi như một lời răn thật khó quên cho tới ngày hôm nay.

Vành Khuyên

Ý kiến bạn đọc
15/08/201416:42:35
Khách
Anh Mikey qua đây bao lâu rồi, anh dùng chữ "vụng về" với chữ "chơi" cho thấy tiếng Việt của anh không được chuẩn cho lắm.
Việc dùng tiếng Việt sai trong vấn đề này có thể bị hiểu lầm là " vô đạo đức " .
Con người có đạo đức không cứ đụng ai cũng này nọ. Càng không phải là gà hay vịt mà thấy người ta muốn nói chuyện với mình là nghĩ người ta cần " sex", người ta cần hay cái thằng cha thầy giáo cần.
15/08/201416:22:42
Khách
Đây là bài học thật sự ở trong đời mà những ai sống vào cái thập niên nhập nhằng hai văn hóa mới hiểu. Và cũng là bài học cho những ai mới bước vào đời và chưa tự tạo được cho mình bản lĩnh tự lập.
Người Việt nam thì không phải là Mỹ nên không thể dùng lối sống Mỹ để làm điều không đúng với người bạn hay người quen biết nào.
Chuyện có học chưa chắc có đạo đức đánh vào chỗ đó.
14/08/201423:16:42
Khách
lechi viết "Những người có học cao chưa chắc đã co đạo đức" - theo tôi thì anh ấy vung về nói chứ không sai: anh ấy mới chơi có môt lần (mà có mang condom nưa) thì làm sao có bầu dươc? ảnh nghi ngờ là phải rồi.
13/08/201419:17:45
Khách
Nếu là chuyện thật thì quả là một vết thương lòng quá đau đớn. Chuyện quá khứ đã qua đi.Mong cô Tram vui bước trên con đường mới. Rat đồng ý với cô những người có học cao chưa chắc đã co đạo đức. Mà họ con lợi dụng cái vỏ học cao đó để làm điều tệ hại với người ngây thơ khờ khạo.
Gửi ý kiến của bạn
Tắt
Telex
VNI
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> http://youtu.be/J5Gebk-OVBI
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tạo bài viết
Tổng số lượt xem bài: 833,890,770
Con đường dài nhất của người lính không phải là con đường ra mặt trận, mà chính là con đường trở về nhà. Đúng vậy, con đường trở về mang nhiều cay đắng, xót xa của vết thương lòng, của những cái nhìn không thiện cảm của người chung quanh mình, và nhất là những cơn ác mộng mỗi đêm, cho dù người lính đã giã từ vũ khí mong sống lại đời sống của những ngày yên bình trước đây.
Khanh con gái bà chị họ của tôi, sinh năm Nhâm Tý xuân này tròn 48 tuổi, ông bà mình bảo, Nam Nhâm, Nữ Quý bảnh nhất thiên hạ. Mẹ nó tuổi Quý Tỵ, khổ như trâu, một đời vất vả gánh vác chồng con, con bé tuổi Nhâm mạnh mẽ như con trai nhờ ông ngoại hun đúc từ tấm bé.
Nhìn hai cây sồi cổ thụ ngoài ngõ cũng đủ biết căn nhà đã trả hết nợ từ lâu. Hai cái xe Cadillac của người già không lên tiếng nhưng nói biết bao điều về nước Mỹ. Khi còn trẻ thì người ta không có tiền để mua những cái xe đắt tiền như Cadillac, Lincoln. Những cô cậu thanh niên mắt sáng, chân vững tay nhanh, chỉ đứng nhìn theo những chiếc xe bóng loáng, mạnh mẽ…
Tác giả đã nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2014. Bà định cư tại Mỹ từ 26 tháng Ba 1992, hiện là cư dân Cherry Hill, New Jersey. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả
Tác giả đã nhận Giải Đặc Biệt Viết Về Nước Mỹ 2019. Là con của một sĩ quan tù cải tạo, ông đã góp 3 bài viết xúc động, kể lại việc một mình ra miền Bắc, đạp xe đi tìm cha tại trại tù Vĩnh Phú, vùng biên giới Việt-Hoa Sau đây là bài viết mới nhất của Ông nhân ngày lễ Tạ ơn
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 9, 2018. Ông tên thật Trần Vĩnh, 66 tuổi, thấy giáo hưu trí, định cư tại Mỹ từ năm 2015, hiện là cư dân Springfield, MA. Sau đây là bài viết mới nhất của ông.
Tác giả tên thật Nguyễn Hoàng Việt sinh tại Sài Gòn. Định cư tại Mỹ năm 1990 qua chương trình ODP (bảo lãnh). Tốt nghiệp Kỹ Sư Cơ Khí tại tiểu bang Virginia năm 1995. Hiện cư ngụ tại miền Đông Nam tiểu bang Virginia. Tham dự Viết Về Nước Mỹ từ cuối năm 2016.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả đã kề cận tuổi 90 và lần đầu nhận giải Danh Dự Viết Về Nước Mỹ 2019, với bài về Washington D,C. Mùa Lễ Chiến Sĩ Trận Vong và Bức Tường Đá Đen khắc tên các tử sĩ trong cuộc chiến Việt Nam.
Tác giả lần đầu dự Viết Về Nước Mỹ từ tháng 7/2018, với bài “Thời Gian Ơn, Ngừng Lại”. Tên thật: Nguyễn Thị Kỳ, Bút hiệu: duyenky. Trước 30.4.1975: giáo viên Toán Lý Hoa-Tư thục-Saigon-VN.