Hôm nay,  

Di Cảo Thơ Xuân Diệu: Tiếng Thơ Bi Thương Cho Cuộc Tình Tan Vỡ

19/06/201400:00:00(Xem: 5170)

Cuộc đời có muôn màu, muôn sắc, có đam mê, yêu đương, dỗi hờn, ghen tuông.. và có cả tan vỡ, bi thương. Xuân Diệu cho rằng ông đã sống trọn vẹn cuộc đời và ước mơ thơ mình được soạn thành Tự Điển Tình Yêu Bằng Thơ Tình Xuân Diệu, để thế hệ mai sau khi có một tâm sự gì trong tình yêu, mở Tự Điển Tình Yêu ra đều tìm thấy những nguồn an ủi lòng mình trong đó.

Tháng 10 năm 1981, Việt kiều tại Paris mời ông sang chơi và nói chuyện thơ tại các trường Đại Học, tôi được hân hạnh tiếp đón ông và đưa ông đi thăm các danh lam thắng cảnh trong một tháng, ông rất thú vị tâm đầu ý hợp và xem tôi như người bạn thơ tri kỷ tri âm, ngày chia tay ông trao hết cả di cảo và việc soạn thảo Tự Điển Tình Yêu cho tôi. Ông còn chép tay tặng tôi một tập thơ ông đóng và khâu cẩn thận và ghi cảm tưởng khi đọc thơ tôi:
 
Bàn chuyện thơ cùng bạn Nhất Uyên,
Ngỡ hồn đất nước đến gần bên.
Đọc Vùng lửa đỏ, Công như núi,
Cảm tấm lòng son từ thanh niên.
Xuân Diệu. X-1981.

Vùng lửa đỏ và Công như núi, ông gọi tắt hai tập thơ của tôi, Cánh chim từ vùng lửa đỏ là tập thơ tôi in chung với nhạc Tôn Thất Lập xuất bản năm 1974. Và Công cha như núi Trường Sơn là tập thơ tôi in năm 1975. Cả hai tập do Hội Sinh Viên Sáng Tác tại Hải Ngoại xuất bản.

Về Hà Nội ông viết bài thơ gửi tặng

THƠ TẶNG NHẤT UYÊN

Bỗng nhiên ào tới nỗi thương Uyên,
Thương Nhất Uyên ta, nhớ bạn hiền.
Thắm thiết niềm son thơ tuổi trẻ,
Đáy hồn Trọng Chánh vẫn gìn nguyên.
Ôi ! niềm thanh quí trong hồn bạn,
Bạn đã đem mà tiếp đãi ta,
Ta nhận mến thương, nâng rất khẽ,
E tay nhàu chạm cánh bông hoa.
Nâng khẽ mà lòng nhận rất sâu.
Nhất Uyên ơi, đời vẫn nhiệm mầu !
Ta về muôn dậm, xin gìn giữ
Tình bạn thơm tho ta thấu nhau.
Hà Nội 25X,30XI.81

Từ năm 1981 cho đến năm 1985, mỗi lần nhà thơ Huy Cận sang Paris, ông Xuân Diệu thường gửi quà cho tôi, là những quyển sách mới, cũ ông ký tặng và có khi là một gói cốm xanh, một bao bột.. Các tập thơ cũ ông sửa chữa cẩn thận từng dấu phẩy, và các chữ in sai.

Trong di cảo thơ Xuân Diệu có nhiều bài thơ ông viết về mối tình ông và bà Bạch Diệp, nhiều bài thơ không tiện in khi ông còn sống, nhất là những bài thơ đau đớn cho mối tình tan vỡ không thích hợp với không khí đương thời. Trong bài viết này tôi viết về những bài thơ tình tan vỡ của Xuân Diệu.

Trong Tự Điển Tình Yêu tôi tập hợp, tổng kết khoảng 600 bài thơ tình Xuân Diệu làm 65 đề mục theo chủ đề và nội dung các bài thơ Xuân Diệu, mỗi chương có một bài dẫn tóm lược: Tình thi sĩ, Tình học sinh, Tình yêu, Tình Thơ, Tình mộng, Tình tương tư, Tình câm, Tình Xuân, Tình Hạ, Tình Thu, Tình Đông, Tình trăng sao, Tình chim bướm, Tình hoa lá, Tình cây, Tình quả, Tình nhạc, Tình họa, Tình điêu khắc, Tình thời gian, Tình không gian, Tình đất, Tình ánh sáng, Tình âm thanh, Tình Hồ Tây, Tình núi, Tình gió, Tình mây, Tình cái quạt, Tình sương tuyết, Tình gặp gỡ, Tình trao tặng quà, Tình nước, Tình thư, Tình chờ, Tình trách, Tinh ghen, Tình xa, Tình hạnh phúc, Tình hôn, Nhìn, Tình san sẻ, Tình gầy, Tình gặp lại. Tình cơm nước, Tình kỷ vật, Tình sầu, Tình điên dại, Tình biệt, Tình tan vỡ, Tình lưu đày, Tình đơn, Tình kỷ niệm, Tình không phai, Tình đời, Tình dối trá, Tình nhà, Tình bạn, Tình sử, Tình mai sau Di Chúc… Tóm lại tất cả những trạng thái, hoàn cảnh tình yêu đều có trong thơ Xuân Diệu, bạn đọc đang ở tâm sự gì xem mục lục đều tìm thấy những bài thơ tình tuyệt tác của Xuân Diệu tả tâm sự mình đang có.

Ngô Xuân Diệu sinh ngày 2-2-1916 tại Vạn Gò Bồi, xã Tùng Giản, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định. Cha Ngô Xuân Thọ, ông đồ Nghệ lấy cô làm nước mắm, quê xã Trảo Nha, huyện Can Lộc tỉnh Hà Tỉnh, đỗ Tú Tài Kép Hán Học, vào dạy học tại Bình Định kết duyên cùng bà Nguyễn Thị Hiệp. Thuở nhỏ học chữ nho, chữ quốc ngữ và tiếng Pháp với cha, đỗ bằng Thành Chung năm 1934 tại Quy Nhơn, say mê Tản Đà và bắt đầu làm thơ, năm 1935-36 ra học Trường Bảo Hộ Hà Nội, Tú Tài toàn phần thứ I và bắt dầu làm thơ đăng các báo của Tự Lực Văn Đoàn do Nhất Linh Nguyễn Tường Tam chủ trương. Năm 1936-1937 vào học Tú Tài toàn phần II trường Trung Học Khải Định Huế, nơi đây ông gặp Huy Cận, hai bạn thơ kết nghĩa với nhau. Năm 1938 cho ra đời tập Thơ Thơ, năm 1945 tập Trường Ca và Gửi hương cho gió. Xuân Diệu đã lấy cảm hứng từ Thi Ca lãng mạn Pháp, thổi vào Văn chương Việt Nam một luồng sinh khí. Xuân Diệu được xưng tụng là Hoàng Tử Thi Ca Việt Nam. Từ năm 1958 Xuân Diệu còn là một nhà nghiên cứu về Văn Học Cổ Điển Việt Nam ông viết giới thiệu nghiên cứu về Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Khuyến, Tản Đà, Đào Tấn, Á Nam Trần Tuấn Khải.. Ông đi khắp nơi trong nước và ngoài nước diễn thuyết về Thi Ca Việt Nam hơn 500 lần. Xuân Diệu mất ngày 18-12-1985 tại Hà Nội trong một cơn dồi máu cơ tim.. Xuân Diệu để lại một khối lượng sáng tác, nghiên cứu đồ sộ, ông là nhà thơ hàng đầu thi ca Việt Nam thế kỷ 20, tinh hoa thi ca ông là thơ tình. Tôi tổng kết sắp xếp lại toàn bộ thơ tình Xuân Diệu, bước đầu hình thành một bộ môn mới: Xuân Diệu Học.

Những bài thơ tình về cuộc tình tan vỡ tôi xếp vào Chương 55. Tình Tan vỡ.

Trong văn học Pháp, Tình tan vỡ là một đề tài lớn của thi ca. Thơ tình Xuân Diệu ảnh hưởng nhiều thi ca lãng mạn Pháp, ông chịu ảnh hưởng từ khi học Trung Học thời Pháp thuộc, ảnh hưởng thi ca đó vẫn in đậm trong ông những bài thơ vào cuối đời.

Tháng 3-1885, George Sand cương quyết rời bỏ Paris để trở về quê hương Rouen, cắt đứt vĩnh viễn với Alfred der Musset và kết thúc tấn bi kịch lãng mạn nổi tiếng nhất thế kỷ 19. Sau khi bị George Sand rời bỏ Musset đã viết bốn bài thơ Đêm, được xem như những bài thơ trữ tình hay nhất của ông:

“Những vần thơ tuyệt vọng là những vần thơ tuyệt mỹ,
Và có những lời ca bất tử nguyên là tiếng nấc của lòng.”

“Những lời than thi sĩ giống như lưỡi kiếm,
Vạch trên không một vòng tròn sáng rực,
Nhưng bao giờ cũng vương vài giọt máu long lanh.”..

“Người là thợ học việc nỗi đau là thầy dạy,
Ai chưa từng khổ đau, sẽ chẳng hiểu hết mình.”

Musset đã diễn tả hình tượng thi sĩ làm thơ như con chim bồ nông móc ruột cho con ăn, thi sĩ giống như thế: nhà thơ đem tâm can mình dọn cho đời bữa tiệc trần thế.

Đã hơn ba mươi năm rồi, nhà thơ Xuân Diệu đã ký thác cái tâm sự ấy cho tôi. Mối tình đau khổ tan vỡ tuyệt vọng của ông để tôi viết Tình Sử Xuân Diệu: “Tháng 10-1958, Nữ Đạo diễn Bạch Diệp dứt khoát giả từ Xuân Diệu, mối tình tan vỡ đã để lại những vần thơ đau khổ bi thương.” Tâm tình ấy Xuân Diệu không thể thổ lộ lúc ông còn sống, trong thời đại tình cảm khổ đau riêng tư đi ngược chiều với hoàn cảnh chiến tranh một dân tộc.

Bây giờ, cái đau khổ ấy trở thành di sản văn chương của văn học Việt Nam, nó không còn riêng của hai người, hay một thể chế độ nào, cái đau khổ của mọi tâm hồn khi diễn tả thành văn chương, nó đều trở thành di sản văn chương cả dân tộc. Người yêu thơ đã yêu thích một Xuân Diệu say mê nồng nàn với tình yêu, một luồng gió mới thổi qua văn học Việt Nam từ những năm 1930, 1940 trong Phong Trào Thơ Mới, nhưng ít ai biết đến khi Xuân Diệu thành công trong cuộc đời với những nhiệm vụ, trách nhiệm, trên đỉnh cao danh vọng, được mời vào Viện Hàn Lâm các nước, một bậc thầy của thi ca thời đại, lại là lúc ông đau khổ, bi thương với tình yêu. Khác với Hàn Mạc Tử đau khổ bi thương vì bệnh phong cùi, người yêu, người đời xa lánh:

«Trời hỡi làm sao khi khát đói,
Gió trăng sẳn có làm sao ăn ?
Làm sao giết được người trong mộng,
Để trả thù duyên kiếp bẽ bàng. »

Xuân Diệu vẫn sống, vẫn ăn, vẫn thở, vẫn nói chuyện thơ, vẫn viết văn, được mọi người kính trọng, nhưng ai biết đâu, lòng Xuân Diệu tan nát:

«Con dao cắm giữa lòng,
Đau đớn buồn không xiết.
Vết thương lớn ngang hông,
Anh sống và làm việc. »
(Con dao)

Con dao cắm giữa lòng là một hình ảnh từ Thi Ca lãng mạng Pháp. Thơ Alfred de Musset: Si jamais, par les yeux dune femme sans cœur. Tu peux m entrer au ventre et m empoisonner lâme, Ainsi dune plaie on arrache une lame (Nếu có bao giờ trong mắt người nữ không tim, Nàng đưa tôi vào lòng và đánh thuốc độc hồn tôi, Cùng trên vết thương người ta rút ra một ngọn dao)

Xuân Diệu cả đời sống vì thơ tình, nhưng than ôi, mối tình duy nhất Xuân Diệu yêu đương có cưới hỏi lại là một bản án tử hình:

Cùng giường khác mộng sao em ?
Tình ta đau đớn hơn đem tử hình !
(Khác mộng)

Xuân Diệu đã đau khổ vì người yêu đã ra đi, và yêu một người khác:

“Giả từ thân thể muôn yêu dấu.
Người sẽ về tay ai biết đâu.
Chớ mộng cánh tay cành chuốt ngọc.
Mơ chi con mắt lặng gieo sầu.”
(Giả từ thân thể)

Và không còn gì để trách nhau:

“Thôi đừng trách hận chi nhau,
Lỗi lầm anh trả bằng đau đớn rồi.
Tan đi nát lại bao hồi,
Yêu em ai khổ trên đời bằng anh.
(Em đọc lại thơ)

Xuân Diệu đau đớn:

“Ai lấy cưa ngàn răng vạn răng.
Cưa đôi ta thành hai mảnh.
Cưa tan nát anh làm vạn mảnh.
Để trong đời một mảnh đau thương.
(Vội gì vội)

« Anh đã giết em, anh chôn vào trái tim,
Từ nay anh không thể yêu em trong sự thật..
Anh giết em rồi anh vẫn ngay đêm yêu mến,
Em giết anh rồi, em vất xác anh đâu ? »
(Anh đã giết em)

Giết người trong mộng là một đề tài mới xuất hiện từ Thi ca lãng mạn Pháp. Trong thơ Alfred de Musset trong Marrons du feu có những câu: J ai tué mon ami, j ai mérite le feu. Jai taché mon pourpoint et lon me congédie (Tôi giết bạn tôi, tôi xứng đáng bị bắn, vết nhơ thấm áo ngắn, người ta đuổi tôi đi.). Trước đó các tôn giáo từ Đông sang Tây đều nghiêm cấm ý tưởng giết người. Trong Thi Ca cổ điển Việt Nam hoàn toàn không thấy chuyện giết người trong mộng. Phật Giáo quan niệm: Tội lỗi con người dù: thân, miệng, ý đều tội lỗi. Hành động giết người, Miệng hăm dọa giết người, hay có ý tưởng giết người đều có tội. Các tôn giáo khác đều có những tương đồng. Nhưng luật pháp ngày nay chỉ có thể xử khi có người chết, có chứng cớ hay chỉ răn đe khi có bằng chứng lời hăm miệng. Còn ý tưởng giết người yêu phụ tình mình trong mộng thì không thể bắt tội bỏ tù người thi sĩ đau khổ dù có bài thơ làm chứng cớ.


« Cái dầm xuyên giữa đôi ta,
Còn hơn đau đớn thịt da mấy lần.
Vết thương trong cả tinh thần.
Đã đau một lúc lại dần dần đau.”
(Cái dầm)
“Ôi bởi vì sao đau đớn em,
Như bỗng ai lay mất trái tim.
Anh tìm một cây thương mến yêu,
Mọc trong lòng anh chăm sớm chiều.
Rể đâm trong máu ăn trong xương.
Sao bàn tay em lại nhổ lay,
Đừng thế em ơi đau ngất ngây.”
(Hướng về gió thu)

Nhìn dưa hấu, Xuân Diệu thấy lòng mình như máu tuôn ra, nhìn thạch lựu như hạt máu sa, những hình ảnh Xuân Diệu sáng tạo từ thực tế Việt Nam:

“Đau lòng dưa hấu máu tuôn ra.
Đau lựu cười như hạt máu sa.
Anh những đau nhìn muôn cảnh sắc.
Héo chìm như vỡ trái tim hoa.”
(Đau lòng dưa hấu)
Lẽ thường yêu dấu xưa nay.
Gai đâm rách toạt tim này chớ than.”
(Trăm ba mươi đóa)

Ở đây Xuân Diệu dùng hình ảnh gai đâm vào tim, mà không dùng hình ảnh tên bắn xuyên qua tim.

Xuân Diệu tan nát còn muốn hỏi người yêu;

“Còn muốn thế nào nữa hỡi em ?
Muốn anh không còn một trái tim để đập ?
Muốn nước mắt anh ngập thành sóng.
Muốn lòng anh thành một núi đau thương.
.. Ôi cái lẽ đời người ta nhất yêu thương.
Lại là kẻ với ta tàn sát nhất.
Cũng chẳng nới tay như cầm gươm sắt.
Cũng chẳng mũi lòng nghe tiếng khóc của ta. »
(Còn muốn thế nào)

Ngày Xuân Diệu qua đời năm 1985 tại Hà Nội.
Ngày 18-12-1985 Nhà thơ Huy Cận đang ở Paris, ông báo tin tôi nhà thơ Xuân Diệu mất sau một cơn đau tim, tôi và ông gặp nhau cùng khóc, cùng thấy hụt hẩng, một khoảng trống lớn tâm hồn. Tôi viết bài thơ gửi ông đem về nước đăng trong tuyển tập Tưởng niệm Xuân Diệu.

TƯỞNG NHỚ

Xuân Diệu

Hỏi trăng từ độ chiêm bao,
Hỏi hoa từ độ ngọt ngào dấu yêu.
Lời Thơ Thơ bỗng quạnh hiu,
Mây trôi bèo dạt trong chiều tiếc thương.
Gửi hương cho gió trên nguồn,
Hạc vàng đã khuất, bên cồn đứng trông,
Phấn thông vàng, gió phiêu bồng
Hồn tôi đôi cánh bay cùng xót xa,
Cầm tay đau những ngày xa,
Người đi còn tiếng Thanh Ca giữa đời.
Hỏi em từ độ yêu tôi,
Tình ta còn đọng thơ người trong tim.
Nhất Uyên
Các chữ đứng là tên các tập thơ Xuân Diệu.
Sau đây là các bài thơ về cuộc tình tan vỡ của Xuân Diệu.

GIÃ TỪ THÂN THỂ

Giã từ thân thể muôn yêu dấu !
Người sẽ về tay ai biết đâu !
Chớ mộng cánh tay cành chuốt ngọc,
Mơ chi con mắt lặng gieo sầu.
.
Thôi nhé từ đây thôi bén hương,
Bên nhà rào giậu chắn yêu đương.
Thôi nhé, lòng ơi, thôi hết nhé,
Hết mà ! ly biệt giữa tình thương.
Người sẽ nằm êm không nhớ tôi,
Đêm đêm hoa biếc nở đôi hồi,
Trong màn hoan lạc – tôi mơ thức,
Ở phía trời này, không một ai.
Nhớ, nhớ làm chi xin ngủ yên !
Cho tôi tất cả gánh thương phiền
Kho sầu không muốn chia đôi nữa,
Tôi giữ mình tôi – em cứ quên.
.
Giả từ thân thể, thôi từ giã !
Ly biệt linh hồn đã biệt ly !
Trên giấy này đây hôn cuối chót
Nhận chăng, môi lạnh tiễn tình đi ?
.
EM ĐỌC LẠI THƠ..
Mai sau dù có bao giờ,
Em ngồi đọc lại chùm thơ đắng này.
Có ai trên trái đất này
Yêu em sâu thẳm như ngày anh yêu.
.
Thôi đừng trách hận chi nhau
Lỗi lầm anh trả bằng đau đớn rồi.
Tan đi nát lại bao hồi,
Yêu em ai khổ trên đời bằng anh.
21-9-1967 Trên máy bay đi Liên Xô
.
VộI GÌ VộI..
Vội gì vội lấy ai bỏ anh
Vội gì vội để anh đau khổ ?
Vội gì em có hai mình
Vội gì vội bỏ một mình anh.
.
Ai lấy cưa ngàn răng vạn răng
Cưa đôi ta thành ra hai mảnh
Cưa tan nát anh làm vạn mảnh
Để trong đời một mảnh đau thương.
.
Chúng ta rồi cũng phải xa nhau
Nhưng xa sau vẫn hơn xa trước.
Những ngày tháng bên em hạnh phúc
Không dễ dàng anh dứt được ra.
.
Vội gì vội nát bóng tan gương
Vội gì vội đôi đường rẻ biệt !
Vội gì vội non cùng nước kiệt
Vội gì em ly biệt đôi ta.
Thái Bình 24-4-1967
.
KHÁC MộNG
Cùng giường khác mộng sao em ?
Tình ta đau đớn hơn đem tử hình !
Trăm muôn mơn trớn dục tình
Bằng sao được bóng in hình trong tim !
Nếu anh lạc mất hồn em,
Thì ôm thân thể khôn tìm tình yêu !
Ấm là tim bạn dõi theo
Khi xa, biết có người yêu nhớ mình;
Vui là trong dạ đinh ninh
Hai ta, ta chẳng một mình đơn cô.
Buồn là một trái tim trơ
Phía sau không hậu phương chờ đợi ta !
Giữa khi hạ nắng, lạnh là
Biết ai tin cậy để mà mến yêu !
Anh không muốn mộng phiêu diêu
Muốn yêu em, được em yêu suốt đời !
Hỡi em anh nhớ thương hoài,
Kề nhau, mộng đã xa rồi hay sao ?
9-3-66, 25-3-1966
.
ANH ĐÃ GIẾT EM…
Anh đã giết em anh chôn vào trái tim anh
Từ đây anh không được yêu em ở trong sự thật
Một cái gì đã qua, một cái gì đã mất
Ta nhìn nhau bốn mắt biết làm sao.
.
Ôi ! em mến yêu
Em vẫn là người anh yêu mến nhất !
Cho đến bây giờ ruột em vẫn thắt
Tim anh vẫn đập như vấp thời gian,
Nhớ bao nhiêu yêu mến nồng nàn;
Nhớ đoạn đời hai ta rạng rỡ
Nhớ đất trời em cho anh mở
Nhớ muôn thuở thần tiên.
.
Ôi ! Xa em anh rơi vào vực không cùng
Đời anh không em lạnh lùng tê buốt
Nhưng còn anh, còn em mà đôi ta đã khác
Ta: hai người xa lạ phải đâu ta !
Anh đã giết em, anh chôn em vào trái tim anh
Đêm nào anh cũng đi quanh em mà khóc
Anh vẫn ước được em tha thứ
Anh vẫn yêu em như thuở ban đầu.
.
Thế mà tại sao ta vẫn xa nhau ?
Tại em cố chấp
Tại anh đã mất
Con đường đi tới trái tim em.
Anh đã giết em rồi, anh vẫn ngày đêm yêu mến
Em đã giết anh rồi, em vất xác anh đâu ?
12-1969
.
CON DAO
Con dao cắm giữa lòng
Đau đớn buồn không xiết
Vết thương lớn ngang hông
Anh sống và làm việc.
.
CÁI DẰM
Em ơi, có biết cho tình,
Lòng anh vò xé tan tành vì em.
Mới vừa xa khuất mắt đen,
Nỗi đau lòng đã tràn lên tấm lòng.
.
Cái dằm xuyên giữa đôi ta
Còn hơn đau đớn thịt da mấy lần.
Vết thương trong cả tinh thần
Đã đau một lúc, lại dần dần đau.
.
Em là nhân của hồn anh,
Trong nhân ai nở để cành gai đâm.
25-12-61
.
HƯỚNG VỀ GIÓ THU
Hướng về gió thu nghe hơi thu
Không khí dịu mát như là ru..
Ôi bởi vì sao đau đớn em
Như bỗng ai lay mất trái tim.
Anh tìm một cây thương mến yêu
Mọc ở trong lòng chăm sớm chiều
Rễ đâm trong máu, ăn trong xương,
Vào ruột vào gan, ra sắc hương.
Sao bàn tay em lại nhổ lay
Đừng thế em ơi ! đau ngất ngây !
Chớ rứt lá cành, đừng đụng gốc
Đừng bẻ hoa đi, đau đầu óc.
21-8-62
.
ĐAU LÒNG DƯA HẤU MÁU TUÔN RA
Đau lòng dưa hấu máu tuôn ra,
Đau lựu cười như hạt máu sa.
Anh những đau nhìn muôn cảnh sắc,
Héo chìm mà vỡ trái tim hoa.
 Sau khi tình đến, chiều như mọc,
Mà lúc tình đi sớm cũng tà !
Tiếng nói trái tim sao bỗng đục,
Nghẹn ngào anh muốn hỏi đôi ta.
.
Hỏi em sao tối giao thừa ấy
Em chẳng đi chơi trở lại nhà,
Chỉ bởi không anh cùng dạo bước
Mà em thấy nhạt hết màu hoa.
.
Sao em - vẫn một con người ấy,
Giờ cách xa anh cũng dễ dàng,
Giờ chẳng nhớ nhung, không ngóng đợi,
Mặc dù rét lại với đông sang.
.
Anh như một kẻ mất đường tiên,
Đi đất lang thang nhớ nhạc huyền !
Có phải đôi ta như cửa chận,
Thấy em, mà vẫn phải tìm em.
27-1-65
.
TRĂM BA MƯƠI ĐÓA..
Anh vừa dạo khắp vườn hoa
Vì em tháng lại ngày qua anh trồng.
Sáu năm lệ tưới đôi tròng,
Lệ cười tươi với não nùng lệ đau.
Rễ ăn huyết lệ từ sâu
Màu hoa mới được bền lâu thế này.
Lẽ thường yêu dấu xưa nay,
Gai đâm rách toạc tim này - chớ than ?
Ba trăm mươi đóa thời gian,
Chim muôn tiếng nhạc, gió ngàn lời ca.
Máu xuân đã cạn đâu mà !
Nếu cần, tưới nữa cho hoa rực hồng !
Đêm 25-7-1967
.
THÁC
Như nước giòng lao gặp đá ngăn
Cuộn từ đáy vực tỏa băn khoăn,
Chưa vần được đá nên tung sóng
Ức mãi ngàn năm vẫn thét gầm.
.
Thắm thiết tình anh gặp cách xa
Cuộn tròn đau khổ sóng tung hoa !
Cuốn êm đi đấy ! em yêu hỡi !
Cuốn mãi ngàn năm chẳng thả ra.
9-6-1967
.
SỐ PHẬN HAI TA
Đó là số phận của hai ta
Em ở gần bên, em cách xa,
Anh ở bên gần, anh cách biệt,
Đó là số phận của hai ta.
Đêm 25-1-1969
.
AI ĐÁNH ANH
Những tình mến ấy, tình thương ấy
Sao chẳng vừa cho chẳng đủ cho.
Ai đánh anh mà đau đớn suốt ngày ?
Ai cắt thân anh mà ngày đêm máu chảy ?
Ai đốt ruột anh mà phút giây đều bỏng cháy ?
Ai sầu anh thế, ai để anh thương..
Ai giăng mối tơ mà tội anh vương ?
Càng quẫy lại càng tim gan thắt lại
Những đám mây buồn đang dồn dập tới
Ai gạt giùm anh, ai cởi cho anh.
Sáng 7-6-68
.
KHO VÀNG
Anh có kho vàng ở tận xa
Kho vàng yêu dấu ở xa ta
Nên anh là kẻ giàu muôn triệu
Mà hóa nghèo như bọc xương da.
Em cũng như anh đôi lứa giàu
Nhưng em nghèo bởi ở xa nhau.
5-1966
.
VẾT THƯƠNG
Nhạc ơi, ở trong đài,
Ai mượn đàn réo rắc
Ai đang nhớ thương ai,
Mà đậm đà tha thiết.
.
Ai bảo đàn run rẫy
Chi dậy cả phòng tôi
Chúng ta là nghệ sĩ
Mang cái hồn không nguôi.
.
Mang vết thương trong lòng
Để yêu mê cuộc sống
Ôi nhạc sĩ, thi nhân
Cũng một loài đắm mộng.
.
Cảm nghĩ gì sâu sắc
Nếu không có vết thương?
Cho nên, đừng hối hận,
Hỡi khúc nhạc tơ vương.
.
Sáng nay anh nhớ em
Chỉ bạn bầu với nhạc
Em trái cấm trên trời,
Anh chớ lòng hái được.
Cho nên anh một mình
Với vết thương muôn thuở
Vẫn làm tội làm tình
Những tấm lòng trăn trở.
10-8-1973.

Trích trong Chương Tình Tan Vỡ trong Tự Điển Tình yêu bằng thơ tình Xuân Diệu, Nhất Uyên biên soạn. Khuê Văn Paris xb

Nhất Uyên Phạm Trọng Chánh. Nhà thơ, Tiến Sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V. Sorbonne. Du học và sống tại Paris từ năm 1970.

Tác giả: Chiêm Bao Trắng, Ký Hiệu, Sài Gòn 1969. Bóng Thời gian.(với Nguyễn Đăng Hưng) Thanh Long Bruxelles 1972.Thời gian ta mãi mãi còn xanh (với Nguyễn Đăng Hưng). Hiện Diện. Liège 1972. Cánh chim từ vùng lửa đỏ. Thơ Nhất Uyên, Nhạc Tôn Thất Lập. HSVST Paris 1974. Công cha như núi Trường Sơn. HSVST Paris 1974. Le système scolaire colonial au Vietnam Luận án dưới sự hướng dẫn GS Michel Debauvais.EHESS Paris 1976. LEducation au Sud Vietnam 1954-1975 luận án Tiến sĩ dưới sự hướng dẫn GS Lê Thành Khôi. Université Paris Descartes. Sorbonne 1980. Tình khúc mùa xuân. Bông Sen 1996. Hồ Xuân Hương nàng là ai ? Khuê Văn Paris 2001. Từ thuở yêu em. Paris Khuê Văn 2004. Truyện thơ Odyssée (12110 câu thơ lục bát) Khuê Văn 2006. Sử Thi Iliade (16793 câu lục bát) Khuê Văn 2009. Thơ Tình Nhất Uyên. Huy Cận, Xuân Diệu đề tựa. Khuê Văn 2009. Nguyễn Du mười năm gió bụi (1786-1796)và mối tình Hồ Xuân Hương. Khuê Văn Paris 2010. Tự Điển Tình Yêu bằng thơ tình Xuân Diệu. Khuê Văn Paris 2011.

Ý kiến bạn đọc
19/06/201414:45:17
Khách
Tinh co doc bai viet nay, toi thay ten Pham trong Chanh, nguoi ban luc thieu thoi. Toi co y tim kiem bay lau, Nam 1975 , chung toi co lien lac, sau do mat tin tuc nhau vi ban ron gia dinh. bay gio tinh co biet duoc, xin duoc lien lac lai Nhat Uyen Pham trong Chanh. neu co the. Cam on
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“Ý thức xã hội mới Việt Nam “là toàn bộ những tư tưởng, quan điểm, những tình cảm, tâm trạng, truyền thống tốt đẹp, v.v. của cộng đồng dân tộc Việt Nam, mà hạt nhân là chủ nghĩa Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh lợi ích căn bản của nhân dân nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng, bảo vệ xã hội mới”. Nói như thế là cuồng tín, vọng ngoại và phản bội ước vọng đi lên của dân tộc...
Nhiều sự việc thay đổi kể từ thập niên 1970 khi Richard Nixon và Mao Trạch Đông nghĩ ra công thức “một Trung Quốc” cho sự dị biệt của họ đối với quy chế Đài Loan. Nhưng nếu kết hợp với các biện pháp khác để tăng cường việc răn đe chống lại bất kỳ hành động xâm lược bất ngờ nào, chính sách này trong 50 năm qua vẫn có thể giúp cho việc gìn giữ hòa bình. Liệu Trung Quốc có thể cố tấn công Đài Loan vào năm 2027 không? Philip Davidson, Tư lệnh mãn nhiệm của Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Mỹ, nghĩ như vậy hồi năm 2021 và gần đây ông đã tái khẳng định việc đánh giá của mình. Nhưng liệu Hoa Kỳ và Trung Quốc có định sẵn cho cuộc chiến trên hòn đảo này không, đó là một vấn đề khác. Trong khi nguy hiểm là có thật, một kết quả như vậy không phải là không thể tránh khỏi.
Khi nhận xét về chính trị tại Việt Nam, không những các quan sát viên quốc tế mà ngay cả nhân dân đều băn khoăn trước câu hỏi: dưới chế độ CSVN, cả quân đội lẫn công an đều là những công cụ bảo vệ cho đảng và chế độ, nhưng tại sao thế lực của công an và đại tướng công an Tô Lâm lại hoàn toàn lấn át quân đội như thế?
Có nhiều chỉ dấu Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã “lọt vào mắt xanh” Trung Quốc để giữ chức Tổng Bí thư đảng CSVN thay ông Nguyễn Phú Trọng nghỉ hưu. Những tín hiệu khích lệ đã vây quanh ông Huệ, 66 tuổi, sau khi ông hoàn tất chuyến thăm Trung Quốc từ 7 đến 12/04/2024.
“Hủ cộng”, tôi có thể hợm mình tuyên bố, với sự chứng thực của Google, là do tôi khai sinh trong khi mấy lời cảm thán tiếp nối là của Tố Hữu khi nhà thơ này, nhân chuyến thăm viếng Cuba, đã tiện lời mắng Mỹ: “Ô hay, bay vẫn ngu hoài vậy!” Gọi “khai sinh” cho hách chứ, kỳ thực, chỉ đơn thuần là học hỏi, kế thừa: sau “hủ nho”, “hủ tây” thì đến “hủ cộng”. “Hủ nho”, theo Việt Nam Tự Điển của Hội Khai Trí Tiến Đức, là “nhà nho gàn nát”, chỉ giới Nho học cố chấp, từng bị những thành phần duy tân, đặc biệt là nhóm Tự Lực Văn Đoàn, nhạo báng sâu cay vào thập niên 1930. Nếu “hủ nho” phổ biến cả thế kỷ nay rồi thì “hủ tây”, có lẽ, chỉ được mỗi mình cụ Hồ Tá Bang sử dụng trong vòng thân hữu, gia đình. Hồ Tá Bang là một trong những nhà Duy Tân nổi bật vào đầu thế kỷ 20, chủ trương cải cách theo Tây phương nhưng, có lẽ, do không ngửi được bọn mê tín Tây phương nên mới có giọng khinh thường: "Chúng nó trước hủ nho giờ lại hủ tây!" [1]
Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc?
Cả Hiến Pháp 2013 và Luật Công An Nhân Dân năm 2018 đều quy định công an nhân dân là lực lượng bảo đảm an toàn cho nhân dân và chống tội phạm. Tại sao trên thực tế nhân dân Việt lại sợ hãi công an CSVN hơn sợ cọp?
Càng gần các Hội nghị Trung ương bàn về vấn đề Nhân sự khóa đảng XIV 2026-2031, nội bộ đảng CSVN đã lộ ra vấn đề đảng viên tiếp tay tuyên truyền chống đảng. Ngoài ra còn có hiện tượng đảng viên, kể cả cấp lãnh đạo chủ chốt đã làm ngơ, quay mặt với những chống phá Chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Cộng sản Hồ Chí Minh...
Hí viện Crocus City Hall, cách Kremlin 20 km, hôm 22 tháng O3/2024, đang có buổi trình diển nhạc rock, bị tấn công bằng súng và bom làm chết 143 người tham dự và nhiều người bị thương cho thấy hệ thống an ninh của Poutine bất lực. Trước khi khủng bố xảy ra, tình báo Mỹ đã thông báo nhưng Poutine không tin, trái lại, còn cho là Mỹ kiếm chuyện khiêu khích...
Khi Việt Nam nỗ lực thích ứng với môi trường quốc tế ngày càng cạnh tranh hơn, giới lãnh đạo đất nước đã tự hào về “chính sách ngoại cây giao tre” đa chiều của mình. Được Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN), thúc đẩy từ giữa thập niên 2010, ý tưởng là bằng cách cân bằng mối quan hệ của Việt Nam với các cường quốc – không đứng về bên nào, tự chủ và thể hiện sự linh hoạt – nó có thể duy trì sự trung gian và lợi ích của mình, đồng thời tận dụng các cơ hội kinh tế do tình trạng cạnh tranh của các đại cường tạo ra
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.