Bạn,
Hàng ngày, tại các bến Bình Đông, Cầu Ông Lãnh, Trần Văn Kiểu, Trần Xuân Soạn có hàng trăm chiếc ghe từ các miền Tây lên và quần tụ ở đây. Đại đa số các chủ ghe là dân nghèo khó, buôn bán. Phương thức kinh doanh của họ là mua nông sản ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long đem về Sài Gòn bán cho các lái thương thường trực ở bến để kiếm chút tiền lời. Sau đó họ lại mua một số mặt hàng từ Sài Gòn đưa về miền Tây để bỏ mối cho khách. Hoạt động kinh doanh của các khách thương hồ này rất nhỏ bé, đắp đổi qua ngày để trả nợ áo cơm trong cuộc sống đầy biến động. Báo Sài Gòn viết về hoạt động của những người khốn khó này như sau:
Bến sông Trần Xuân Soạn có đến ba cái “chợ” chuối, dừa và hoa kiểng do các khách thương hồ miền Tây hợp thành. Có khoảng chục chiếc ghe đang cập bến sông. Những chiếc ghe không số, cũ kỹ và chật hẹp. Hàng hóa chủ yếu là dừa, nhưng là những quầy dừa nước dại mọc ở ven sông. Cả quầy to chỉ bán được 3.000 - 4.000 đồng. Dân thương hồ vừa bán cả quầy, vừa tách múi, bỏ bọc để khách hàng mua về dầm đá uống...
Các chủ ghe ở bến này đều là dân ở Long An. Ban đầu, họ chặt dừa dại ở quê để bán. Dừa cạn dần họ qua tận miệt Tân Thành, Tiền Giang kiếm hàng. Mỗi chuyến thương hồ thường kéo dài 4 - 6 ngày. Ghe nhỏ chở khẳm cũng không hơn 100 quầy. Bán hết hàng và dè sẻn tối đa, người buôn chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng/chuyến. Ở bến “chợ” này có một số người rất nghèo, không có cả ghe để đi, phải thuê, mượn lại ghe của người khác. Có người đi ghe cả mấy năm vẫn không lo nổi cho con ở quê ăn học...
Trên bến Trần Xuân Soạn, gần cầu Tân Thuận, còn có một “chợ” hoa nhỏ với vài ghe cập thường xuyên. Một chủ ghe hoa tâm sự: “Tụi này dân Chợ Lách, Bến Tre. Cả hai làm mướn ở quê nhưng không đủ ăn nên phải chạy vạy thêm bà con, đóng cái ghe nhỏ đi bán hàng rong. Hồi đầu bạ gì bán đó, sau mình chuyển hẳn qua bán hoa kiểng vì dễ kiếm sống hơn”. Tại bến Bình Đông, quận 8 có khá nhiều ghe thuyền tứ xứ lớn nhỏ tập trung buôn bán. Đã gần 18 giờ, ở đây vẫn còn khá nhộn nhịp. Phía bờ Trần Văn Kiểu, những xe ba gác đang sang chuối từ ghe để đi bán dạo, còn bên Bình Đông, lác đác một số ghe đã cắm bến, bày hàng ngay bờ sông bán cho khách qua đường. Anh Nguyễn Văn Cương ở huyện Mỏ Cày, Bến Tre, chủ ghe chuối dưới chân cầu Chữ U, cho biết ở hai bến sông này thường xuyên có khoảng 30 - 40 ghe từ các tỉnh miền Tây lên, hàng hóa chủ yếu là dừa và chuối. Hoàn cảnh của các chủ ghe mỗi người mỗi khác. Người thì ôm theo cả gia đình hai, ba thế hệ, người thì lầm lũi đi một mình; có người đi ghe kiếm sống; có người trốn... nợ ở quê. Hình như vì đồng cảnh ly hương lênh đênh phương xa và cái máu thương hồ ăn nói bạt mạng nhưng không để bụng, hiếm khi xảy ra chuyện tranh chấp, va chạm... ngược lại họ luôn đỡ đần, đùm bọc nhau.
Bạn,
Những người mưu sinh trên sông nước đã gắn bó với chiếc ghe như con cá sặt, cá lòng tong, cọng rong dưới nước. Dù có nhiều khó khăn trong mưu sinh, họ cũng không muốn đổi nghề, vẫn tiếp tục những ngày tháng lênh đênh trên ghe để kiếm sống qua ngày...
Hàng ngày, tại các bến Bình Đông, Cầu Ông Lãnh, Trần Văn Kiểu, Trần Xuân Soạn có hàng trăm chiếc ghe từ các miền Tây lên và quần tụ ở đây. Đại đa số các chủ ghe là dân nghèo khó, buôn bán. Phương thức kinh doanh của họ là mua nông sản ở các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long đem về Sài Gòn bán cho các lái thương thường trực ở bến để kiếm chút tiền lời. Sau đó họ lại mua một số mặt hàng từ Sài Gòn đưa về miền Tây để bỏ mối cho khách. Hoạt động kinh doanh của các khách thương hồ này rất nhỏ bé, đắp đổi qua ngày để trả nợ áo cơm trong cuộc sống đầy biến động. Báo Sài Gòn viết về hoạt động của những người khốn khó này như sau:
Bến sông Trần Xuân Soạn có đến ba cái “chợ” chuối, dừa và hoa kiểng do các khách thương hồ miền Tây hợp thành. Có khoảng chục chiếc ghe đang cập bến sông. Những chiếc ghe không số, cũ kỹ và chật hẹp. Hàng hóa chủ yếu là dừa, nhưng là những quầy dừa nước dại mọc ở ven sông. Cả quầy to chỉ bán được 3.000 - 4.000 đồng. Dân thương hồ vừa bán cả quầy, vừa tách múi, bỏ bọc để khách hàng mua về dầm đá uống...
Các chủ ghe ở bến này đều là dân ở Long An. Ban đầu, họ chặt dừa dại ở quê để bán. Dừa cạn dần họ qua tận miệt Tân Thành, Tiền Giang kiếm hàng. Mỗi chuyến thương hồ thường kéo dài 4 - 6 ngày. Ghe nhỏ chở khẳm cũng không hơn 100 quầy. Bán hết hàng và dè sẻn tối đa, người buôn chỉ kiếm được khoảng 100.000 đồng/chuyến. Ở bến “chợ” này có một số người rất nghèo, không có cả ghe để đi, phải thuê, mượn lại ghe của người khác. Có người đi ghe cả mấy năm vẫn không lo nổi cho con ở quê ăn học...
Trên bến Trần Xuân Soạn, gần cầu Tân Thuận, còn có một “chợ” hoa nhỏ với vài ghe cập thường xuyên. Một chủ ghe hoa tâm sự: “Tụi này dân Chợ Lách, Bến Tre. Cả hai làm mướn ở quê nhưng không đủ ăn nên phải chạy vạy thêm bà con, đóng cái ghe nhỏ đi bán hàng rong. Hồi đầu bạ gì bán đó, sau mình chuyển hẳn qua bán hoa kiểng vì dễ kiếm sống hơn”. Tại bến Bình Đông, quận 8 có khá nhiều ghe thuyền tứ xứ lớn nhỏ tập trung buôn bán. Đã gần 18 giờ, ở đây vẫn còn khá nhộn nhịp. Phía bờ Trần Văn Kiểu, những xe ba gác đang sang chuối từ ghe để đi bán dạo, còn bên Bình Đông, lác đác một số ghe đã cắm bến, bày hàng ngay bờ sông bán cho khách qua đường. Anh Nguyễn Văn Cương ở huyện Mỏ Cày, Bến Tre, chủ ghe chuối dưới chân cầu Chữ U, cho biết ở hai bến sông này thường xuyên có khoảng 30 - 40 ghe từ các tỉnh miền Tây lên, hàng hóa chủ yếu là dừa và chuối. Hoàn cảnh của các chủ ghe mỗi người mỗi khác. Người thì ôm theo cả gia đình hai, ba thế hệ, người thì lầm lũi đi một mình; có người đi ghe kiếm sống; có người trốn... nợ ở quê. Hình như vì đồng cảnh ly hương lênh đênh phương xa và cái máu thương hồ ăn nói bạt mạng nhưng không để bụng, hiếm khi xảy ra chuyện tranh chấp, va chạm... ngược lại họ luôn đỡ đần, đùm bọc nhau.
Bạn,
Những người mưu sinh trên sông nước đã gắn bó với chiếc ghe như con cá sặt, cá lòng tong, cọng rong dưới nước. Dù có nhiều khó khăn trong mưu sinh, họ cũng không muốn đổi nghề, vẫn tiếp tục những ngày tháng lênh đênh trên ghe để kiếm sống qua ngày...
Gửi ý kiến của bạn