Ngày 24/5, trong lúc Lê Khả Phiêu có mặt tại Thượng Viện để tham dự một cuộc hội thảo về vấn đề kinh tế Việt Nam, thì từ 9g30 sáng, cộng đồng Việt Nam đã tổ chức một cuộc xuống đường triển lãm hình ảnh tội ác chế độ Hà Nội, cùng phân phát truyền đơn cho dân chúng Pháp, nói lên sự phản đối của cộng đồng Việt Nam về việc chính quyền Pháp tiếp rước nhà độc tài chế độ cộng sản Việt Nam. Một bàn xin chữ ký của người Pháp, đặt trước công viên trường đại học Sorbonne, cách nơi hội thảo của phái đoàn Lê Khả Phiêu không xa. Xe phóng thanh của cộng đồng liên tiếp phát ra lời kêu gọi dân chúng Pháp tẩy chay chuyến viếng thăm của phái đoàn đảng cộng sản Việt Nam dẫn đầu bởi một lãnh đạo độc tài do tổng thống Pháp mời. Với tư cách là công dân Pháp, gốc Việt Nam, những người tị nạn chạy trốn chế độ độc tài, rất tiếc là chính phủ vì quyền lợi kinh tế trong nhất thời, mà đánh đổi giá trị nền tảng của Pháp tự hào là quê hương của nhân quyền, để đón tiếp một tên độc tài.
Nhiều truyền đơn được phân phát cho người Pháp quan tâm. Nhiều người Pháp đã dừng lại ký tên vào kiến nghị phản đối việc nước Pháp đón tiếp một đầu đảng, xuất thân là một tướng lãnh độc tài, quân phiệt, từng gây đau khổ cho nhân dân Việt Nam và Cam Bốt, trong cuộc xâm lăng nước láng giềng vào năm 1979. Đông đảo người Pháp cũng như sinh viên đã dừng lại trước các tấm bảng, trưng bày nhiều hình ảnh giết chóc, và các mồ chôn tập thể Tết Mậu Thân tại Huế do cộng sản bắc Việt gây ra. Người ta chú ý nhất là bảng trưng bày hình ảnh của 20 nhà độc tài khét tiếng trên thế giới do tổ chức Reporters Sans Frontières công bố, trong đó có hình Lê Khả Phiêu bên cạnh hình Pol Pot.
Vào lúc 11g30 một phái đoàn đại diện các hội đoàn Việt Nam, gồm 3 người là ông Nguyễn Ngọc Đức, tổng thư ký Liên Minh Việt Nam Tự Do, ông Trần Đức, đại diện Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam, và chị Trần Dung Nghi, Chủ Tịch Hội Thanh Thiếu Niên Việt Nam tại Paris, đã được chánh văn phòng chủ tịch Thượng Viện, Alain Meat tiếp kiến tại thượng viện, trong lúc cuộc hội thảo về cải tổ kinh tế Việt Nam diễn ra trại phòng họp.
Trong cuộc tiếp xúc này, phái đoàn Việt Nam đã bày tỏ sự bất bình trước quyết định của chính phủ Pháp đã tiếp đón Lê Khả Phiêu như một quốc khách. Ông Alain Méar tỏ ra thông cảm về sự bất bình này, nhưng ông khẳng định là Pháp đã không đón Lê Khả Phiêu như một quốc khách, mặc dù có những áp lực rất mạnh từ phía Hà Nội. Ông cho biết là Hà Nội muốn Pháp đón Lê Khả Phiêu như từng đón Giang Trạch Dân trước đây, như tiếp rước tại phi trường, ra thông cáo chung,... Nhưng Pháp đã không nhượng bộ và chỉ tiếp Lê Khả Phiêu như một người nhân vật quan trọng được Tổng Thống Pháp mời. Ông cũng cho biết là riêng cá nhân ông cũng thấy bị sốc (choquer nguyên văn tiếng Pháp) khi ông Chirac quyết định mời Lê Khả Phiêu. Ông Alain Méar xác định với phái đoàn Việt Nam là trong cuộc gặp gỡ sáng nay, 24/5/2000, chủ tịch Thượng Viện Pháp, ông Christian Poncelet, đã đề cập thẳng với Lê Khả Phiêu về sự quan tâm của Pháp đối với vấn đề nhân quyền và tôn giáo tại Việt Nam.
Trước khi chấm dứt cuộc gặp gỡ, ông Nguyễn Ngọc Đức đã đại diện cho phái đoàn trao cho ông Alain Méar một tập hồ sơ về những hành vi chà đạp nhân quyền và dân chủ của đảng CSVN, trong đó có một lá thư gởi ông chủ tịch Thượng Viện Pháp, nội dung bày tỏ sự bất bình trước sự kiện Pháp tiếp Lê Khả Phiêu và đề nghị ông chủ tịch Thượng Viện Pháp nói thẳng với Lê Khả Phiêu là nước Pháp, một nước có truyền thống tôn trọng nhân quyền, không thể có những sự hợp tác lâu dài và hữu ích với một quốc gia đang bị cai trị bởi một chế độ độc tài, toàn trị.
Theo chương trình thì vào lúc 19 giờ, phái đoàn Lê Khả Phiêu được thủ tướng Pháp Lionel Jospin tiếp đón xã giao. Nhưng trước đó vào lúc 18 giờ, tại công trường Invalides, trung tâm thủ đô, cộng đồng Việt Nam đã thả nhiều bong bóng mang thông điệp ước vọng tự do, dân chủ cho Việt Nam. Đáng chú ý hơn cả là chùm bong bóng lớn có treo cờ Việt Nam vàng đỏ rực rỡ bay phất phới trên bầu trời thủ đô Paris.