Hôm nay,  

30-4: Ngày Tháng Sau Cùng, Anh Ở Đâu?

01/04/201400:00:00(Xem: 11545)

Những ngày tháng sau cùng của tháng 3, tháng 4 năm 1975 anh ở đâu, làm gì, thế nào, tại sao, là đề tài ai cũng thích kể cho người khác nghe và ai cũng thích… không nghe người khác kể. Biết vậy nhưng tôi vẫn cứ kể, viết lung tung khắp nơi. Nay nhân dịp kỷ niệm 39 năm mất nước, xin ôn vài đoạn gọi là để nhắc cho những cái đầu ở tuổi cổ lai hy đừng quên những gì mình đã khóc ở tuổi tam thập.

Nói một cách tổng quát thì 30/4/75 là cái tang chung của quân dân miền Nam. Tang thì dĩ nhiên là buồn rồi, nhưng tùy hoàn cảnh mà có người muốn quên, muốn chôn sâu, còn có người thì nhớ mãi hằng năm vẫn "làm giỗ" để nhắc cho chính mình. Tình cảnh tuỳ thời thế "đi hay ở" mà nhớ hay quên, khỏi cần phân tích.

Trong khi một số các anh chị kể chuyện Tháng Tư ra đi thì tôi kể chuyện Tháng Tư ở lại.

*Nói dối Mẹ

Quận Thuần Mẫn mất ngày 7/3, gia đình con anh ruột tôi, với 4 nhân khẩu đóng quân trong quận, không biết sống chết ra sao, phiêu bạt nơi nào? Ban Mê Thuột mất ngày 11/3, dòng dân quân, xe cộ súng đạn chen chân trên Tỉnh Lộ 7B, xác người đứng, ngồi, nằm lại đây.

Chiến sự lan nhanh sang Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng khiến mẹ tôi cứ rối lên, bắt tôi đi hỏi tin tức về gia đình cháu nội ở Thuần Mẫn, thằng con út của cụ vả thằng cháu đích tôn, cả hai đang chiến đấu ở Đà Nẵng, rồi tin thằng con ông chú tử trận tại Thuận An. Mẹ tôi không đi nổi, chỉ ngồi dựa vách tay lần tràng hạt, miệng lâm râm cầu kinh rồi hối tôi đi hỏi tin tức con cháu của cụ. Hỏi ai giờ ấy? Thấy bà mẹ quê khóc đứng khóc ngồi, vừa khóc vừa đọc kinh, rồi lại bắt tôi đi hỏi, tôi phải nghĩ cách nói dối:

- Mẹ cứ yên tâm, con đã nhờ mấy người bạn làm lớn lắm ở TTM đi tìm hộ rồi.

- Ừ cứ đi hỏi đi con, tìm đi, tốn bao nhiêu mẹ lo cho, cố mà năn nỉ người ta.

Bạn cùng khóa tôi làm ở TTM thì nhiều nhưng mẹ tôi thì chỉ có cỗ tràng hạt, một cơi trầu, chứ giầu có ba vạn chín nghìn gì đâu mà đòi "lo cho" con, cho cháu. Tội nghiệp các bà mẹ thật thà cứ bị những thằng con quỷ quái nói dối, nói dối từ lúc còn là quỷ ma trốn học.

Sáng 19/3/75, tôi vừa đi xin được thùng mìn chống CX từ một người bạn thủ kho đạn ở Long Bình về để tăng cường phòng thủ cho căn cứ Sóng Thần thì nhận được lệnh của ông đại tá TMT gọi ra trình diện hành quân ở Quảng Trị gấp. Tôi sang gặp Tr/Tá Nguyễn Đức Ân, Ch ỉ huy trư ởng (CHT) Trung Tâm Huấn Luyện HT/TTHL kiêm CHT/CCST, ông cùng các sĩ quan đang ăn cơm trưa, trong đó có ông phó là Trần Xuân Bàng K19, Vũ Thế Khanh K20, Nguyễn Kim Thân K21 v.v.. Tôi nói:

- "Tr/ Tá cho người sang CC Sóng Thần để tôi bàn giao kế hoạch phòng thủ, số mìn chống CX, tôi cần một ngày bàn giao và sẽ chỉ ra trình diện hành quân vào ngày 21/3 mà thôi".

Cùng nhận lệnh với tôi có Th/Tá Doãn Thiện Niệm K21, anh đã đi ngay ngày 19/3. Chuyện gia đình đang rối như canh hẹ, tôi mà báo cho mẹ tôi biết phải ra Quảng Trị, nơi thằng con út và cháu đích tôn của cụ đang chiến đấu ở đó thì chắc cụ thăng thiên sớm, nên tôi đành phải lại nói dối mẹ là đi công tác ở Vũng Tàu.

*Đà Nẵng ngày giờ cuối

Đúng lời hứa, tôi đến BTL/HQ tại căn cứ Non Nước Đà Nẵng chiều ngày 21/ 3/75. Vừa thấy cái mặt mẹt tôi, Đ/Tá TMT Lê-Quê đưa nhất dương chỉ vào mặt tên không ra đúng lúc:

"Lệnh gọi từ ngày 19, sao bây giờ ông mới đến? Sau chuyến này, tôi sẽ đưa ông ra tòa án quân sự. Bây giờ đi liên lạc với Tr/Tá Phan TĐT/HD để phòng thủ căn cứ Non Nước"!

À ra thế, tôi đâu có ngờ gặp ông ở đây, ông là TMT thường trấn thủ Thủ Đô SàiGon, chắc ông bị tư lệnh gọi ra hành quân nên ông hành... quân cấp dưới: "tao ra mày cũng ra".

Ruột đang nẫu như dưa hấu phơi nắng, nghe ông mắng và dọa sẽ đưa ta tòa án quân sự tôi cũng phải bật cười, nhưng không nói gì mà vạch… ra coi, đồng hồ chỉ 3 giờ chiều ngày 21/3/75.

Thấy tôi mỉm cười, ông không nói thêm mà bỏ đi. Đây là lần thứ 2 tôi bị, lần trước ở cống TTHL Rừng Cấm, ông thưởng tôi 15 ngày trọng cấm vì tội dừng xe jeep gần chỗ ông đứng làm bụi bay lên..

Phòng thủ cái khỉ gì khi tôi không có quân trong tay mà chi có cây colt? Buồn tình tôi đi tìm hai tên bạn đang làm việc ở đây là Huỳnh Văn Phú và Trần Vệ. Giữa tiếng bom đạn và đầy âu lo mà nghe Trưởng Phòng TLC Sư Đoàn HVP "nổ" và nói phét thì vui như tết, anh em lên hay xuống..tinh thần là do Phú-Phét, còn TTT/TTHQ Trần Vệ thì đang hò hét với dàn máy. Hai chàng cắm cúi làm việc, tôi đi lang thang, bất ngờ gặp Lê Quý Bình, chàng hỏi thăm:

"Mày đang ở Sóng Thần Thủ Đức mà ra đây làm cái giống gì?"

"Ông Que-Le gọi tao ra để hành (quân), thế mày trồng củ cải gì ở đây?"

"Tao làm phó cho ông Trần Ngọc Toàn K16".

"Ông Toàn đang coi Tiểu Đoàn 4 mà"

"Ông ấy vừa bàn giao cho Đinh Long Thành để về đây thành lập Tiểu Đoàn 18".

Đinh Long Thành là người thứ hai của K19/TQLC được làm tiểu đoàn trưởng sau Trần Văn Hợp trong số hơn 30 tên cùng khóa cùng binh chủng. Long Thành "được" bàn giao giữa tiếng súng nổ đạn bay, tiểu đoàn trưởng chưa kịp biết mặt, biết tên các trung đội trưởng thì cái "Đinh bị Long", TĐP Th/Tá Nguyễn Trí Nam K22 và ĐĐT Đ/Úy Tô Thanh Chiêu tử trận, và rồi tiểu đoàn bị xóa sổ vào ngày 27/3 trên pháp trường (bãi) cát Thuận An!.

Tình hình chiến sự biến chuyển từng giờ, ai cũng tối tăm mặt mũi, chúi đầu vào làm việc mà tôi lại lang thang như chó d.. chỉ vì cái lệnh quái đản thì yếu quá. Là lính, vứt chuyện cá nhân, chuyện gia đình qua một bên, tôi vào TTHQ xin việc, để theo dõi tình hình chiến sự và nhờ vậy mà biết được tin tức LĐ.147/TQLC đang kẹt tại bãi biển Thuận An.

Trước khi mất Ban Mê Thuột ba Lữ Đoàn Dù 1, 2, 3 trấn thủ Đà Nẵng, còn 4 LĐ/TQLC ở Huế, QT, như vậy là 2 Lực Lượng Tổng Trừ Bị bị biến thành địa phương quân - nghĩa quân để giữ đất đóng đồn!

Ngày 11/3/75 Ban Mê Thuột thất thủ, ngày 13/3 Tonton ra lệnh rút Dù về Sài gòn làm tổng trừ bị, trong số những Mũ Đỏ này hẳn là có nhiều K19 như Hải Khều Đoàn Phương Hải chẳng hạn. Khi rút Dù vào SG thì TQLC được lệnh kéo 3 Lữ Đoàn từ Huế vào Đà Nẵng trám chỗ trống của Dù rút ra, chì còn để lại Huế LĐ.147/TQLC mà thôi.

Lữ Đoàn Trưởng LĐ147 là Đ/Tá Nguyễn Thế Lương, LĐP là Tr/Tá Nguyễn Đằng Tống K16, gồm có các Tiểu Đoàn 3, 5, 7 của các TĐT K20 là Nguyễn Văn Sử, Phạm Văn Tiền, Phạm Cang và TĐ.4 của K19 Đinh Long Thành. LĐ.147/TQLC và SĐ.1/BB là lực lượng của QĐI Tiền Phương đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp của Tr/Tướng Lâm Quang Thi.

blank
Tháng 3-1975, rút quân khỏi Cao nguyên.

*Bãi biển Thuận An

Khi bỏ Huế, Tướng Thi cho lệnh rút quân ra bãi biển Thuận An, xuôi Nam vào Đà Nẵng bằng cách dùng cầu hay tàu thuyền vượt qua cửa biển Tư Hiền, nhưng đi nửa đừơng thì ông tướng cho lệnh dừng lại để chờ tàu Hải Quân vào đón, vì cầu qua cửa Tư Hiền không làm được. (?). Nhưng than ôi! Không có tầu nào vào đón quân dân ta, trừ con tầu ma*, thế mới kỳ! Kỳ ơi là Kỳ! Do kỳ cục hay kỳ đà nào cản mũi mà tàu không vào bốc quân được, cũng không vào tiếp tế, quân trên bờ hết đạn, hết lương thực, hết nước uống, địch bao vây tấn công, Cọp Biển đành xút móng, đành bị hy sinh "oan uổng", chết đủ kiểu, chết trên bờ, chết dưới nước, chết trong lòng "con tầu ma", chết tức tưởi, chết vì hỏa lực từ trên các đồi cát xả xuống, chết vì chửi thề rồi ôm nhau rút chốt lựu đạn mini! Trong số này có Th/Tá Nguyễn Trí Nam và Đ/Úy Tô Thanh Chiêu, em tôi!

"Con tàu ma" là một chiếc tàu vào bốc quân, nhưng vì số lượng đông quá sức chứa, tàu mắc cạn đang loay hoay tìm cách lui ra biển thì bị VC chơi B40, B41, người chết trong lòng tầu, người chết trên boong, người rơi xuống biển "chết vì nước"… nên tôi gọi đó là con tàu ma còn Tháng Ba Gẫy Súng Cao Xuân Huy gọi là quan tài sắt.

Năm 2011, đồng bào thôn An Dương và các thôn dọc theo bờ biển Thuận An đã và đang mới chỉ thu gom được 132 bộ xương trôi dạt vào bờ, trồi lên mặt cát rồi các ân nhân này đem tập trung vào một khu gọi là nghĩa trang với bia đá:

"Thập Loại Cô Hồn Hiển Hách Chi Mộ".

Cám ơn đồng bào thôn AN DƯƠNG tuy đang sống dưới chế độ XHCN, nhưng vẫn nhớ thương đến người lính VNCH đã thu gom hài cốt để lập mộ, dù biết những hài cốt này là TQLC, nhưng bị nhà cầm quyền làm khó nên đành ghi bia đá "Thập Loại Cô Hồn"! Tổng hội TQLC đã gửi tiền về để nhờ đồng bào lập trai đàn cầu siêu nhưng "9-quyền" địa phương không cho phép! Thế đấy, tụi ác quỷ nhớ dai nhưng người Việt tỵ nạn CS thì mau quên!

Chi tiết về thảm họa trên đây đã có trong các bài viết "Ngày Tháng Không Quên" của Đ/Tá Nguyễn Thành Trí, TLP/TQLC, "Tháng Ba Gẫy Súng" của MX Cao Xuân Huy, đã có Phạm Cang viết về TĐ.7 Di Tản, đã có "Người Lính Bị Bỏ Rơi" của Phạm Vũ Bằng và "Hồn Hoang Trên Pháp Trường Cát Thuận An" của Philato. Trong câu chuyện kể này tôi xin được không nhắc lại nữa.

Lính cầm súng chiến đấu thì cầm chắc cửa tử trong tay, không chết nay thì mai, đang nhai miếng cơm xấy thì đạn bắn toét miệng, cơm, máu và óc văng vào mặt thằng bên cạnh! Họ không kêu không than không trách vì đó là bổn phận, nhưng nếu chết vì cấp chỉ huy cẩu thả, "đem con bỏ chợ" thì không hiểu được, chỉ biết chửi thề.

Dù là tấn công hay lui binh đều cần có ít nhất là hai kế hoạch, vậy mà một cuộc lui binh cấp sư đoàn (+) lại chỉ có đường duy nhất là rút ra bờ biển, ra bờ biển thì bắt buộc phải có cầu hay tầu. Nhưng rồi Tướng Thoại HQ chẳng làm nổi một "cái cầu" để TQLC đi, Tướng Thi không ra lệnh nổi một cái tàu há mồm vào đớp lính. Nếu có kế hoạch hai, lấy QL1 làm trục lui binh cho SĐ.1BB và TQLC thì quân ta rộng đường tiến thoái, dẫu có thiệt hại cũng không bị lâm vào cửa tử như đã xẩy ra!

Tức thế đủ rồi, tôi mời các bạn vào vào Đà Nẵng.

Ngay khi có lệnh rút khỏi Huế từ chiều 24/3, người dân từ Bắc xuôi Nam, người từ Tam Kỳ QN ngược lên, tất cả đổ vào cái rọ Đà Nẵng, bao thảm cảnh xảy ra tại đây, hẳn là có nhiều K19 chứng kiến, trong đó có Th/Tá Hoàng Trai, CHT/TTHL/SĐ.1BB. Tôi ở Non Nước, em tôi ờ Sơn Trà, cháu tôi ở phi trường mà không thể liên lạc được với nhau.


*Bờ biển Non Nước

Sáng ngày 29/3/1975, lúc 6 giờ, trước cửa TTHQ/SĐTQLC, tôi đứng nói chuyện với hai anh Trung Tá Xuân Phúc và Hữu Tùng, trưởng và phó LĐ.369/TQLC và Trâu Điên Trần Văn Hợp, chuyền tay nhau ca café đen và điếu thuốc, hít khói vào thở ra hơi buồn và thở dài! Chúng tôi hỏi nhau về kế hoach 5W, vì đã có lệnh bỏ Đà Nẵng mà chưa biết đi về đâu bằng đường nào? Con đường duy nhất là biển Đông.

Non Nước sáng hôm 29/3 ấy trời âm u vì khói đạn pháo kích đêm qua còn bao phủ, ngột ngạt, khó thở. Bất chợt có tiếng ồn ào, mọi người hướng ra biển khơi có ánh đèn nhấp nháy, đó là tín hiệu cùa 2 tàu LSM vào đón TQLC. Lệnh trên cho ban tham mưu, các đơn vị yểm trợ ra bờ biển trước. Tôi đứng nghiêm chào hai anh Phúc-Tùng và Hợp, bắt tay nhau mà nước mắt chảy vòng quanh, tức trào máu họng, các anh ở lại điều quân, tôi tham mưu đi trước, nhưng đi trước tôi là Trung Tướng Tư Lệnh QĐI Ngô Quang Trưởng.

Chiều tối 28/3, khi các tư lệnh đang họp tại BTL/HQ ở Tiên Sa thì VC pháo kích, buổi họp tan, quý tướng lãnh tan hàng. Tướng Thoại HQ thì không còn tàu đón, trực thăng của Tướng TQLC bị hỏa tiễn chém gãy cánh, hai ông đi bộ men theo sườn núi tìm "thuyển ra cửa biển", còn Trung Tướng Tư Lệnh QĐI là Ngô Tướng Quân thì về với TQLC, thật là trớ trêu! Đêm qua, Tướng Trưởng "qua đêm" trong TTHQ/TQLC và sáng 29/3, ông cũng bơi như chúng tôi và đã được dìu lên tàu an toàn.

Sóng to gió lớn mà tàu thì đậu mút tầm thềm bắn 300 m thì làm sao đây? Nhìn những anh em Công Binh, THD bơm xuồng Zodiac, mang phao vào cổ mà thèm. Họ ung dung ngồi chờ trên bãi cát, sóng dội lên bờ rồi rút họ ra theo, phao và xuồng cao su được kéo ra tuốt ngoài xa, tưởng như đến được tàu, nhưng không, sóng sau dồn sóng trước, hất ngược những zodiac lên bờ, còn những cái phao màu vàng cam thì bị sóng dập vùi, trôi dạt tứ phía, lững lờ như những đám lục bình trôi, và qua vài con sóng dập vùi, những người mang phao đã nằm bất động.

Cùng tắc biến, tôi chợt nghĩ đến bài học vượt sông bên bờ hồ Than Thở, dùng poncho làm phao, sóng cao thì ngụp xuống cho sóng qua đầu nên không bị kéo trở lại, đuối quá rồi, vào cái lúc sắp xuôi tay, miệng đọc "nhân danh cha" thì một sợi dây thừng từ trên tàu bay tới, tôi chụp vội và được kéo lên, gật đầu cám ơn những người quăng dây, tôi nhìn thấy nụ cười của anh Phạm Văn Sắt K16 và Th/Tá Phan Công Tôn, nhưng Đ/Úy Nguyễn Văn Hưởng được kéo lên nửa chừng thì bị rơi trở lại, chìm vào đáy tầu.

Từ trên boong nhìn xuống nước, tôi thấy mặt những người cột phao quanh cổ ngửa mặt tím ngắt lên trời, nằm bất động, họ đã chết thật rồi, vớt người sống chưa xong thì ai mà nghĩ chuyện vớt xác, coi như thủy táng, "lính thủy đánh bộ" mà, đằng nào cũng chết vì nước.

Trong lúc bao nhiều người đang cố gắng tìm cái sống trong cái chết để bơi ra tàu thì VC pháo kích, khói bụi mịt mờ trên bờ nơi anh Phúc Tùng và Hợp còn trên đó, người người tán loạn. Đạn rơi tõm-tõm quanh tầu, tầu bèn de ra khơi, kéo theo những người bơi chưa tới, và họ không bao giờ tới được tàu HQ nên đành vể Thủy Cung hay Thiên Quốc.

Số phận hai anh Phúc và Tùng "mất tích" từ đó, ngay sau những loạt hỏa tiễn 130 ly, không ai biết các anh đi về đâu, những ai không tận mắt chứng kiến thì đừng phịa chuyện rằng các anh đã lên trực thăng. Chán hơn nữa là có chàng nhà zăng linh nước viết về Đã Nẵng dám phịa rằng hai anh Phúc và Tùng đang bơi ra tàu thì bị pháo kích chết! Xin lỗi anh tí, phịa vừa thôi, anh ngồi tại HQCX Saigon mà biết chi chuyện Đà Nẵng, mà dám phịa chuyện Tướng Trưởng mượn quân phục màu xám mặc vào

Trần Văn Hợp thì khá hơn, chúng tôi đã gặp nhau khi về đến Vũng Tàu. Nhưng còn một K19/TQLC khác cũng mất tích như hai anh Phúc-Tùng, đó là Hồ Ngọc Hoàng. Hoàng là TĐP/TĐ.6 của Tr/Tá Lê Bá Bình, Bình lên tàu được, nhưng cánh B của Hoàng thì kẹt lại vả đã nhập chung với TĐ.9 của Th/Tá Lâm Tài Thạnh, họ chiến đấu suốt ngày đêm 29/3 ở chủng viện Sơn Trà và Hoàng mất tích trong đêm đó. Tất cả diễn tiến này đã được Đ/Úy ban 3 TĐ.9 là Đoàn Văn Tịnh K22 viết chi tiết "Xưa Nay Chinh Chiến Mấy Ai Về" trong đặc san Sóng Thẩn 2011.

*Những ngày giờ sau cùng

SĐ (-) TQLC về đến Vũng Tàu ngày 1/4/75, đóng quân trong căn cứ Úc Đại Lợi sát với bãi sau để bổ sung quân số và tái trang bị. Chiều xuống, sau khi xong việc, Hợp và tôi ngồi trên bãi cát, chân thò xuống nước, tai nghe trasistor loan tin chiến sự, mắt nhìn ra biển khơi, tầu bè tới lui, đêm xuống xa xa cuối chân trời, thành phố biển sáng đèn, tàu xếp hàng ngang đi về đâu không biết, trên đó có bao nhiêu thượng cấp, lãnh đạo của đất nước tôi! Bất giác liếc sang bên phải là bãi biển "mộng mơ" mà trước đây đã một lần tôi dẫn người yêu ra đây ngắm trăng mật, chúng tôi tính chuyện gọi vợ con ra Vũng Tàu "nghỉ mát" mà trong đầu không hề nghĩ tới chuyện "tìm đường bỏ nước" ra đi.

Vợ chưa kịp ra thì ngày 16/4 mặt trận Phan Rang thất thủ, TQLC được lệnh lên đường tăng cường cho Quân Đoàn III, từ mặt trận Long Khánh, Long Thành, Biên Hòa, rồi Long Bình và tử thủ tại căn cứ Sóng Thần vào sáng ngày 30/4/75. Một điều đau thương nhưng cũng rất hãnh diện để nhắc lại là vào thời điểm dầu sôi lửa bỏng này, TQLC được bổ sung một số thiếu úy Võ Bị và CTCT vừa làm lễ tốt nghiệp mãn khóa trên đường di tản, các đệ này đã chiến đấu và rồi nhiều anh em đã gục ngã khi trên ba-lô còn mang theo cái mũ SVSQ, họ là những khóa 28, 29 và K4 CTCT. Những em bị thương được đưa về VB Lê Hữu Sanh Thủ Đức thì trưa ngày 30/4 lại bị VC đuổi ra, "thằng mù cõng thằng què"! Ôi đau thương!

Sáng 30/4/75 khoảng 10 giờ, tại căn cứ Sóng Thần, Tango Đ/Tá TLP Nguyễn Thành Trí họp cùng các đơn vị trưởng, dù trong tình thế tuyệt vọng nhưng ông hài lòng khi thấy tất cả các đơn vị trưởng đều có mặt, các đơn vị vẫn chỉnh tề hàng ngũ, súng vẫn cầm tay.

Nhưng vận nước đã không được quyết định bởi những người trực tiếp cầm súng, mà ở tận mãi đâu đâu, ở lầu 3 góc hay 5 góc, lầu cao gác tía, Tonton ra lệnh đầu hàng, quân sĩ ngỡ ngàng ngơ ngác!

"Là quân nhân, nhưng không làm gì khác được, thôi anh em về với đơn vị, giải thích cho các cấp biết, nhiệm vụ cầm súng của chúng ta đã bị kết thúc".

Tango nói với các đơn vị trưởng xong quay sang tôi:

"Cần Thơ ở lại để bàn giao căn cứ cho phía bên kia"!

Tôi biết ông lập lại câu nói của TT Big Minh cho có lệ và cũng là lúc Hợp bấm tay tôi rồi đi về TĐ.2, hiểu ý cái bấm tay của Hợp, tôi "bất tuân thượng lệnh", không bàn giao cái củ cải cho củ cải nào cả mà đi theo thằng bạn về vị trí đóng quân của nó cho có đôi vào lúc khoảng cách sinh tử là sợi chỉ.

Sau khi nói lời cuối cùng với quân sĩ, Hợp vốn bản tính bình tĩnh lầm lì cũng phải quay đi lau nước mắt rồi cùng tôi kẻ trước người sau đi ra khỏi căn cứ Sóng Thần. Như cái xác không hồn, chúng tôi nương theo dòng người men theo ven xa lộ để về trại gia binh Cửu Long Thị Nghè. Vừa tới đoạn ciment Hà Tiên thì nghe súng nổ ròn phía trước, chỗ ngã ba Cát Lái. Tụi nón cối dạt về sau, lum khum chạy núp hai bên đường bắn trả, tôi nghe tiếng Bắc Kỳ quen quen:

"Địt mẹ bọn Trâu Điên ngoan cố.

Thần hồn nhát thần tính, hễ thấy rằn ri là chúng gọi "Trâu Điên". Chúng vẫy tay ra hiệu cho đồng bào cứ đi trước đi. "Các anh bộ đội tử tế quá"! Tôi liếc Hợp rồi hất hàm, đi. Nào ngờ đồng bào đi trước, giặc cướp trộn trấu theo sau, vì dĩ nhiên "lòng súng nhân đạo, cứu người lầm than" của những người anh em Trâu Điên tách bầy, chiến đấu tới cũng đã không bắn vào quân dân ta có VC đi lẫn trong đó.

Về đến Thị Nghè thì thấy phía trước một toán băng đỏ đi ngược chiều, tay cầm súng M16 thỉnh thoảng nổ ông Thiên, chúng đang xô đẩy một bộ rằn ri bị trói 2 tay phía sau. Tránh đâu bọn trâu đánh này? Tôi xẹt vào một cáí sân nhà bên đường, núp sau những chậu bông mai tứ quý, liếc phía sau, thấy Hợp cũng xẹt vào con hẻm gần đó.

Đang lấp ló ngó xem bộ rằn ri kia là ai thì có ai đó nắm gáy áo tôi kéo giật vào phía sau, đóng cửa lại nói khẽ:

- Muốn chết hay sao mà lấp ló đó, tụi nó đang đi lùng sục các anh, sáng nay chúng mới bắn Ch/Uy an ninh trại gia binh ở ngay đầu cầu Dầu đấy.

Cầu Dầu nằm trên đường Dương Công Trừng, cách trại Cửu Long chừng 100m.

Tưởng ai xa lạ, hóa ra là cô Ba Dung, chủ tiệm café mà trước đây miếng đất trống trước cửa tiệm bị TPB của Nguyễn Rô đến cắm dùi. Lúc đó tôi là trưởng khối thặng số thương bệnh binh BV Lê Hữu Sanh TQLC Thị Nghè, tôi chịu trách nhiệm TPB/TQLC tại Thị Nghẻ, vì không muốn TPB/TQLC bị mang tiếng lây là cắm dùi nên tôi đã yêu cầu nhóm anh em thuộc TPB Nguyễn Rô đi ra khỏi khu vực Thị Nghè, cô Ba Dung tưởng tôi làm việc này vì cô! Lầm, nhưng kệ, cải chính làm gì, lạ rồi cũng nên quen. Nào ngờ chuyện nhỏ lúc trước nay bị nhận diện

Bài viết này xin kết thúc ở đoạn tuyệt đại đa số các cấp lãnh đạo và chỉ huy ở Saigon thì tìm đường ra sông ra biển, trong khi các TQLC đang đóng quân tại Vũng Tàu như đi "nghỉ mát", thiên thời địa lợi nếu muốn "vượt biển một mình" thì dễ như trở bàn tay. Nhưng vì nhiệm vụ lại kéo nhau ngược trở vào đất liền tiếp tay ngăn quân thù với SĐ.18,với QĐ III, và cuối cùng thì tử thủ ở CC/ST rồi tuyệt đại đa số các cấp chỉ huy TQLC vào tù. Cùng một đội tù tại Long Giao gồm có Trần Văn Hợp, Huỳnh Văn Phú, Tô Văn Cấp, TQLC/17 Trần Kim Hoàng, Lê Văn Cưu, TQLC/21 Trần Quang Duật, Doãn Thiện Niệm và Quách Ngọc Lâm cùng Lê Xuân Sơn k21, và nhiều Võ Bị và Võ Khoa TQLC khác nữa. Những mất mát liên tiếp xảy đến trong ngục tù là tự tử, tử nạn như các Tr/Tá Nguyễn Văn Nhiều K14, Nguyễn Đằng Tống K16, Huỳnh Văn Lượm K17, Đoàn Thức, Nguyễn Hữu Cát, Th/tá Trần văn Hợp K19 v.v..và tôi được tặng gần 10 cuốn lịch.

Kết thúc những ngày tháng cuối cùng của chúng tôi là như thế, như thế. Còn bạn thì sao?

Captovan

Ý kiến bạn đọc
21/04/201603:39:43
Khách
em muốn gặp những nhân vật lịch sử này để tiếp tục ca ngợi công lao của họ thì các anh có cách nào giúp em không. Em cảm ơn.
12/04/201608:29:05
Khách
Vô cùng biết ơn "niên trưởng" cùng ban biên tập Việt Báo đã kể lại cho chúng em, thế hệ sau, biết những gì đã xảy ra ngày ấy.
Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
JD Vance đã chứng tỏ một “đẳng cấp” khác, rất “Yale Law School” so với thương gia bán kinh thánh, giày vàng, đồng hồ vàng, Donald Trump. Rõ ràng, về phong cách, JD Vance đã tỏ ra lịch sự, tự tin – điều mà khi khởi đầu, Thống đốc Walz chưa làm được. Vance đã đạt đến “đỉnh” của mục tiêu ông ta muốn: lý trí, ôn hoà, tỉnh táo hơn Donald Trump. “Đẳng cấp” này đã làm cho Thống Đốc Tim Walz, người từng thẳng thắn tự nhận “không giỏi tranh luận” phải vài lần phải trợn mắt, bối rối trong 90 phút. Cho dù hầu như trong tất cả câu hỏi, ông đã làm rất tốt trong việc phản biện lại những lời nói dối của JD Vance, đặc biệt là câu chất vất hạ gục đối thủ ở phút cuối: “Trump đã thua trong cuộc bầu cử 2020 đúng không?” JD Vance đáp lại câu hỏi này của Tim Walz bằng hàng loạt câu trả lời né tránh và phủ nhận sự thật. Và dĩ nhiên, rất “slick.” “Trump đã chuyển giao quyền lực rất ôn hoà.” Cả thế giới có thể luận bàn về sự thật trong câu trả lời này.
Phải nhìn nhận rằng chuyến đi đầu tiên của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đến Mỹ đã được giới chức ngoại giao Việt Nam thu xếp để ông gặp được nhiều lãnh đạo, xem như xã giao ra mắt để hợp tác, hỗ trợ Việt Nam trong nhiều lãnh vực trong tương lai. Bài diễn văn của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm trước diễn đàn Liên Hiệp Quốc chỉ lặp lại các chính sách đối ngoại của Hà Nội, nên không được truyền thông quốc tế chú ý nhiều như các diễn văn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, là đại diện cho những quốc gia trực tiếp liên can đến các xung đột ở Trung Đông, ở Ukraine mà có nguy cơ lan rộng ra thế giới. Ông Lâm mới lên làm chủ tịch nước kiêm tổng bí thư Đảng Cộng sản được vài tháng, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, nên ông muốn dịp đến Liên Hiệp Quốc là dịp để thể hiện vai trò lãnh đạo của mình và nhấn mạnh đến chính sách ngoại giao du dây của Hà Nội.
Sự bất mãn lan rộng với các hệ thống thuộc chủ nghĩa tư bản hiện tại đã khiến nhiều quốc gia, giàu và nghèo, tìm kiếm các mô hình kinh tế mới. Những người bảo vệ nguyên trạng tiếp tục coi Hoa Kỳ là một ngôi sao sáng, nền kinh tế của nước này vượt xa châu Âu và Nhật Bản, các thị trường tài chính của nước này vẫn chiếm ưu thế hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, công dân của nước này cũng bi quan như bất kỳ công dân nào ở phương Tây.
Sau 38 năm quyết định “đổi mới hay là chết” (1986-2924) CSVN vẫn còn là quốc gia do một đảng độc quyền lãnh đạo; không có bầu cử tự do; không cho lập đảng đối lập và không có báo chí tư nhân. Vì vậy, những khẩu hiệu “nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân”, hay “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh” được Đại hội lần thứ X khẳng định là những khoe khoang nhàm chán...
Việc Donald Trump được gần phân nửa người Mỹ chấp nhận và ủng hộ trong những năm gần đây đã khiến nhiều người trí thức trong xã hội Hoa Kỳ đặt câu hỏi về sự tồn tại của “human decency”, hay dịch nôm na là “sự đàng hoàng, sự tử tế, đạo đức nhân tính của con người”. Liệu xã hội ngày nay đã hạ thấp chuẩn mực “đàng hoàng”, hay có thể nào sự đàng hoàng, tử tế giờ đây không còn là một nhân tính cần thiết trong giá trị nhân bản? Dĩ nhiên trong mỗi xã hội, mỗi người có mỗi “thước đo” riêng về mức độ của “đàng hoàng”, nhưng từ ngữ tự nó phải phần nào nói lên một chuẩn mực nhất định. Theo một số tự điển tiếng Việt, chúng ta có thể đồng ý rằng: 1. Đàng hoàng là một tính từ tiếng Việt mô tả cuộc sống đầy đủ, đáp ứng được các nhu cầu chung của xã hội. Ví dụ: cuộc sống đàng hoàng, công việc đàng hoàng, nhà cửa đàng hoàng. 2. Đàng hoàng còn được dùng để chỉ những biểu hiện về tính cách mẫu mực, hay tư cách con người tử tế đáng được coi trọng.
Thư tịch cổ ghi rằng… Lịch sử trên thế giới thật sự rất hiếm người tài vừa là vua đứng đầu thiên hạ vừa là một hiền triết. Nếu văn minh La Mã có Marcus Aurelus, hoàng đế triết gia, vừa minh trị dân, độ lượng với mọi người và để lại tác phẩm triết học nổi tiếng “Meditations” thì ở phương Đông hơn mười hai thế kỷ sau có Vua Trần Nhân Tông của nước Việt. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư, triều đại của Vua Trần Nhân Tông là triều đại cực thịnh nhất của sử Việt. Ông là vị vua liêm chính, nhân đức, một thi sĩ, đạo sĩ Phật giáo. Do là một vị vua đức độ, trọng dụng nhân tài, nên ông thu phục nhiều hào liệt trong dân, lòng người như một. Quốc triều có Thái sư Trần Quang Khải, về binh sự có các danh tướng Trần Quốc Tuấn, Trần Quốc Toản, Phạm Ngũ Lão, Trần Khánh Dư, Trần Nhật Duật…Về văn thơ có những người uyên bác như Trương Hán Siêu, Mạc Đĩnh Chi. Vua Trần Nhân Tông thương dân như con, xem trung hiếu làm đầu, lấy đạo nghĩa trị quốc.
Biển Đông hiện như một thùng thuốc súng và, liệu nếu xung đột bùng ra, chúng ta có phải đối phó với một quân đội Trung Quốc man rợ mà, so với quân đội Thiên hoàng Nhật trong Thế chiến thứ hai, chỉ có thể hơn chứ khó mà bằng, đừng nói chuyện thua? Như có thể thấy từ tin tức thời sự, cảnh lính Trung Quốc vác mã tấu xông lên tàu tiếp tế của Philippines chém phá trông man rợ có khác nào quân cướp biển từ tận hai, ba thế kỷ trước? [1] Rồi cảnh chúng – từ chính quy đến dân quân biển, thậm chí cả ngư dân – trấn lột, cướp phá, hành hung và bắt cóc các ngư phủ Việt Nam từ hơn ba thập niên qua cũng thế, cũng chính hiệu là nòi cướp biển.
Hội nghị Trung ương 10/khóa đảng XIII kết thúc sau 3 ngày họp (18-20/09/2024) tại Hà Nội nhưng không có đột phá nào, mọi chuyện vẫn “tròn như hòn bi” dù đây là hành động đầu tiên của tân Tổng Bí thư Tô Lâm...
Việc nhà hoạt động dân chủ Trần Huỳnh Duy Thức được nhà cầm quyền Việt Nam trả tự do trước thời hạn có lẽ là một trong những vấn đề đã được nội các chính quyền Biden-Harris quan tâm và vận động từ năm 2021.
Đối với triết gia Immanuel Kant, lời nói dối là “cái ác bẩm sinh sâu xa trong bản chất con người” và cần phải tránh xa ngay cả khi đó là vấn đề sống còn1. Trong tác phẩm “Deciphering Lies”, Bettina Stangneth, 2017, viết rằng: “Trong số những lý do khiến người ta nói dối vì điều đó có thể giúp họ che giấu bản thân, ẩn náu và tránh xa những người xâm phạm vùng an toàn của họ.” Stangneth cho biết thêm, “cũng không khôn ngoan khi thả trẻ em ra thế giới mà không biết rằng người khác có thể nói dối chúng.” The Wasghington Post, ban kiểm tra sự thật, cho biết: Trong bốn năm làm tổng thống thứ 45, từ 2017-2021, đến cuối nhiệm kỳ, Trump đã tích lũy 30.573 lời nói dối trong suốt nhiệm kỳ tổng thống - trung bình khoảng 21 lời tuyên bố sai lầm mỗi ngày. Từ khi thua cuộc tái ứng cử vào tay tổng thống Joe Biden cho đến giờ này, tranh cử với bà Harris, ông Trump càng gia tăng khẩu phần nói dối, phong phú đến mức độ không thể đếm cho chính xác.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.