Hôm qua nói chuyện lễ hội, từ chuyện ồn ào hỗn loạn cho tới chuyện mê tín quá lố,
cho tới chuyện dân Việt đi chùa để xin Phật giúp, còn dân Hàn quốc đi chùa để lắng
tâm ngồi thiền. Hôm nay bàn thêm về chuyện sân chùa.
Một bài viết trên báo Giác Ngộ ghi lời của người viết Mai Trung, tựa đề thấy
ngay mất vui, “Lại chuyện vé số, ăn xin… bủa vây cửa chùa.” Bài viết này bày tỏ
nỗi buồn:
“Đầu năm tôi có dịp đi chùa lễ Phật tại nhiều chùa trên địa bàn TP.HCM và các tỉnh
lân cận. Ngoài những ý nghĩa đẹp về mặt tâm linh trong ý niệm viếng chùa của
người Phật tử thì còn nhiều thứ đập vào mắt làm giảm bớt sự tôn nghiêm nơi thiền
tự - đó là cảm nhận của đa số Phật tử, trong đó có tôi.
Ghé thiền viện Phước Sơn (Đồi Lá Giang, TP.Biên Hòa, Đồng Nai) vào những ngày
này bên cạnh thưởng thức phong cảnh hữu tình thì còn nhiều hình ảnh chưa đẹp như
ăn xin, vé số tràn lên tới trước cửa tránh điện, rồi hàng quán buôn bán ngay
trước cửa như cái chợ tự phát, nhất là vào mỗi dịp lễ lạt…”(ngưng trích)
Đi chùa mà thấy hình ảnh như cái chợ tự phát, thiệt là buồn vậy.
Tuy nhiên, cũng có những hình ảnh trang trọng tuyệt vời, như một bài khác trên
cùng báo Giác Ngộ, tưạ đề “Ngư dân biển Cần Giờ đến chùa sám hối đầu năm.”
Bài báo Giác Ngộ kể, trích:
“Vùng biển Cần Giờ, đa số người dân mưu sinh bằng nghề đánh cá, ra khơi với tâm
niệm thu hoạch thật nhiều hải sản; lúc về thì nhậu nhẹt, có khi thâu đêm, la
lói om xòm khắp xóm. Vậy mà tại đây, Phật pháp dần dần đã được thắp sáng lên
khi các ngôi chùa mở rộng chương trình tu học, bà con hiểu được sát sanh là tội
và từ đó, đến chùa lễ Phật, tụng kinh nhiều hơn. Vào ngày rằm, ngày vía, các
ngôi chùa đông như lễ hội. Điều đặc biệt là, giờ đây bà con đến chùa không phải
để cầu đánh bắt được nhiều cá mà sám hối tội, nghiệp sát sanh đã gây ra trong
những năm tháng mưu sinh và tu học một cách đúng nghĩa...
...Tại chùa Hải Đức, một bác Phật tử giới thiệu: “Sáng giờ đông vui lắm, người
cúng trái bí nấu kiểm; người trái bầu kho tương, mỗi người một ít để cúng dường.
Ở đây, bà con trông nhất là ngày này”. Ngồi xem các cô gói bánh, những mẫu chuyện
đan xen mọi người nói với nhau mà tôi nghe được là chuyện “nhà cô bữa nay có ai
đến chùa”; “mọi người đi đủ không” hay “rằm này ông nhà cô có ăn chay không hay
đi nhậu”. Các cô quan tâm đến chuyện tu tập, hướng thiện và làm thế nào để gia
đình được bình an chứ không hỏi thăm “bữa nay nhà bà đánh được nhiều cá không”
như những năm về trước.
Còn tại chùa Phước Hải, rất đông bà con đến tu tập và làm công quả. Thầy An Đạo,
trụ trì chùa cho biết: “Từ lúc chùa khai đàn Dược Sư, ngày bảy thời kinh, thời
kinh nào cũng có khoảng 50 Phật tử hành trì. Có người tụng kinh, trì chú được
buổi sáng; có người rãnh buổi chiều, hễ có thời gian là bà con đến chùa lễ Phật
để giải nghiệp, tăng trưởng công đức”.
Không chỉ phụ nữ đến chùa mà giờ đây tại vùng biển này, đàn ông, thanh niên đều
đến chùa mỗi khi sắp xếp được công việc gia đình. Đến chùa lễ Phật, ai cũng bày
tỏ niềm vui, hoan hỷ và chung tay bê cái ghế, bày quyển kinh ra kệ, chuẩn bị
tươm tất cho buổi tụng kinh. Bây giờ, rất nhiều thanh niên, các chú, các bác ở
đây xem việc đi chùa là rất có ích; rượu bia vào chỉ làm hư người, chuốc thêm tội...”(ngưng
trích)
Tuyệt vời, ai bảo đi chùa toàn là đàn bà, hãy tới vùng biển Cần Giờ mà xem các
chú, các bác rủ nhau đi chùa, rủ nhau tụng kinh, lễ Phật...
Thế đấy, phải chi những hình ảnh bát nháo, xô bồ, ồn ào... ở các chùa khác giảm
dần.
Phải chi hình ảnh đi chùa nơi nào cũng đẹp như ở huyện Cần Giờ là tuyệt vời biết
mấy. Khi người người cùng thương yêu nhau, giữ gìn đạo đức tương kính nhau...
xã hội tất nhiên sẽ đẹp như truyện cổ tích vậy.