Hồng Hạc
(Bài 2 trong loạt 3 bài phóng sự của LĐV về Tết Giáp Ngọ vừa qua)Mùa màng thất thu, hậu quả của thiên tai vẫn còn sờ sờ trước mắt,
người nông xã Hành Tín Tây, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi có
một cái Tết ảm đạm.
"Năm 2013 lụt quá, nhà trôi sạch, chỉ còn tấm chăn bông cứu độ
gia đình tôi"
Chị Mỹ, 60 tuổi, nông dân xã Hành Tín Tây, than thở: “Năm 2013, mùa
Đông, lụt lội dữ quá, nhà tôi trôi sạch vật dụng, chỉ lấy lại được
có tấm chăn bông muối bùn nhão nhoét và mang ra sông giặt cả ngày
trời mới hết bùn, phơi xong, đắp vẫn nghe mùi bùn non, cuối cùng, sau
ba lần giặt, giờ mới đắp được!”.
“Tấm chăn bông giống như vật cứu độ của gia đình tôi, cả nhà ngủ tạm
yên giấc qua đêm là nhờ nó, nếu không có nó thì chẳng còn gì để
ngủ trong mùa lạnh này. Chuyện ngủ mà còn kham không xuể thì mơ gì
Tết! Đường sá bây giờ vẫn còn bụi đất đầy ra, đồng ruộng thì trời
nắng là dẫm chân nổi bụi, còn trời mưa sơ sơ thôi thì nhão nhoét bùn
non, kiểu này thì chỉ có chết!”.
Một anh nông dân khác tên Lang, cho Lao Động Việt biết thêm: “Từ hồi lũ
lụt xong đến giờ, bà con ở đây chưa khắc phục nổi hậu quả, nhiều
người mất trắng tài sản, bàn ghế, xoong nồi, ti vi, quạt máy đều bị
nước ngấm và bị trôi đi tứ xứ, lụt quá lớn, nước lên dữ đội, không
còn cơ hội bảo vệ tài sản, ngay cả cái mạng đây mà còn chưa chắc
giữ nổi nữa chứ đừng nói chi đến tài với sản…”.
“Ở đây quanh năm chỉ biết làm ruộng, làm bãi biền dọc bờ sông Vệ,
thu nhập vốn dĩ rất thấp. Nhà nào khá thì giành dụm xây dựng được
căn nhà cấp bốn. Nhưng nhà cấp bốn bây giờ chỉ cần một trận lụt
lớn cũng đủ hư hại, bão thì miễn bàn, mà thiên nhiên ngày càng khắc
nghiệt, đáng sợ nhất là vừa thiên nhiên, vừa con người”.
Hình ảnh dân nghèo Quảng Ngãi.
"Chưa chống xong bão thì thủy điện ồ ạt xả lũ, mình dưới này
gánh trọn"
"Rau cải năm nay rớt giá thê thảm vì rau Đà Lạt ra, rau Trung Quốc
vào, không có thứ gì bán gở vốn được"
“Thì thiên nhiên bị hỏng lá phổi, bão tố nổi lên, kéo theo mưa, mình
chưa chống xong bão thì trên các hồ chứa thủy điện bắt đầu ồ ạt xả
lũ xuống để bảo vệ bờ đập vì tích nước mưa quá nhiều sau mấy ngày
bão. Mình dưới này gánh trọn mọi thứ, ăn đói, ăn rét để đám người
kia hưởng lộc, nông dân đau khổ lắm!”.
Một nông dân khác tên Nghĩa, chia sẻ thêm: “Ví dụ như nhà quan chức
thì họ có tiền, họ xây kiên cố, lại có các khoản lợi nhuận khác
nên có lũ lụt ngập nóc nhà họ vẫn ngồi rung đùi mà ăn nhậu. Còn
như nông dân mình, cả một vụ lúa ba tháng trời kiếm được chưa đầy
một triệu đồng nếu chia bình quân trên đầu người, đó là chưa kể đến
vốn đầu tư phân tro, thuế nước. Bây giờ người ta không thu thuế nông
nghiệp nhưng lại tăng thuế điện, thuế nước thì nông dân còn khổ hơn
cả ngày xưa!”.
“Nếu chia trung bình đầu người, mỗi tháng, nông dân thu nhập được
chừng ba trăm ba mươi ngàn đồng, mỗi ngày xài mười một ngàn đồng, ăn
tiêu bằng cách gì đây? Tiền đi chợ này khác là nhờ nuôi con heo, con
gà, trồng luống rau mang ra chợ bán. Nhưng Tết này những thứ đó hoàn
toàn thất thu!”.
“Rau cải năm nay rớt giá thê thảm vì rau Đà Lạt ra, rau Trung Quốc
vào, không có thứ gì bán gở vốn được, đó là chưa kể đến nhiều nhà
bữa nay đất vẫn chưa canh tác được vì bùn non dày đặc, không thể gieo
trồng. Gà, lợn, trâu bò thì lụt xong trôi lỏm ngõm. Cứu trợ nhà
nước thì qua loa, tụi nó xơi tái ở các cơ quan rồi, nông dân muôn đời
vẫn mang tiếng mà không có miếng với vài gói mì tôm, vài ký gạo…
Tết năm nay đói!”.
Câu kết của ông Nghĩa khiến cho không gian giáp Tết như chùng xuống,
những gương mặt đói nghèo, buồn tủi hiện ra dày đặc tâm khảm của người
nghe. Một cái Tết buồn đang ghé đến với nông dân Hành Tín, Quảng
Ngãi.
Hồng Hạc, Lao Động Việt -
chao@laodongViet.orgGHI CHÚ: Liên Đoàn Lao Động Việt Tự Do (gọi tắt: Lao Động Việt, web:
laodongViet.org) là liên minh của các tổ chức lao động trong và ngoài
nước gồm: Phong Trào Lao Động Việt, Hiệp Hội Đoàn Kết Công Nông, Công
Đoàn Độc Lập, và Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam.