Lời nói đầu: Trong làng xóm San Jose thời gian qua đã có những vị ra
đi, cộng đồng đều lưu ý. Ký giả Cao Sơn, thiếu tướng Bùi Thế Lân. Bây
giờ đến lượt phóng viên Nguyễn Cầu đi trước, rồi ông Luơng văn Ngọ đi
sau. Bốn năm trước, chúng tôi viết loạt bài về trận An Lộc, có một
bài dành riêng cho Nguyễn Cầu, nay xin gửi quý đọc lại, để biết
Nguyễn Cầu là ai. Anh là người phóng viên nổi tiếng đã lọt vào An Lộc
quay cuốn phim ông Thiệu bay ra mặt trận. San Jose sẽ tiễn đưa cả ông
Cầu và ông Ngọ cuối tuần này.
Một tấc đường, một giải khăn tang. Bình Long máu đỏ, nhuộm cờ vàng
Tháng 4-1972, pháo cộng sản cường tập bắt đầu. Địch tấn công thế
mạnh như vũ bão từ biên giới Cam Bốt đánh qua. Chiếm Lộc Ninh trong
trận biển người có xe tăng ào ạt sau đại pháo. Sư đoàn 5 một sớm
một chiều đã gãy mất một trung đoàn. Chiến binh bên ta, phần tử
trận, mất tích, phần bị bắt và một số chạy về An Lộc. Cùng một
lúc cộng quân đem 10,000 bộ đội có cả chính quy miền Bắc khóa chặt
quốc lộ 13 ở phía Nam.
Tại hội nghị Paris, Nguyễn Thị Bình tuyên bố ngày 15 tháng 4-1972 Mặt
trận giải phóng miền Nam sẽ cắm cờ xanh đỏ tại An Lộc. Bình Long sẽ
là thủ đô của của chính phủ cách mạng. Trong hoàn cảnh đó hơn 20
ngàn dân An Lộc ai cũng muốn chạy ra khỏi vòng vây. Từ Chân Thành
cuối tháng 5-72 có một thanh niên thí mạng cùi nhất định tìm cách
vào An Lộc.
Đó là phóng viên chiến trường Nguyễn Cầu. Anh vừa thoát chết từ
Bastogne, miền Trung giữa tháng 5-72.
Vào sinh ra tử:
Ông Nguyễn Cầu hiện làm nghề quay phim quan hôn tang tế tại San Jose,
năm nay 76 tuổi. Người quê Long Xuyên ngày xưa lên Saigon học hết tú tài
rồi vào làm công chức bộ kinh tế. Cuộc đời tưởng chừng mãi mãi
sáng vác ô đi, tối vác về. Nhưng một ngày bỗng nổi chí làm trai muốn
giang hồ ngang dọc, bèn thi vào lớp phóng viên chiến trường do Mỹ đào
tạo cho quân đội VNCH.
Khóa đặc biệt và duy nhất được bên thông tin Mỹ huấn luyện, phát
lương và trang bị phương tiện. Vừa học nghề vừa học Anh ngữ hơn một
năm dài. 25 khóa sinh tốt nghiệp ra trường chia nhau về các quân khu.
Các chàng trai trẻ trở thành phóng viên cầm máy quay phim đi thu hình
trên các mặt trận. Đó là năm 1962. Những anh này, lính không phải
lính mà quan cũng không phải quan. Công chức cũng không phải, mà quân
nhân cũng không đúng. Lúc thì mặc bộ binh, lúc thì mặc nhảy dù, lúc
thì TQLC và cả quân phục biệt động quân. Đi theo đơn vị nào thì mặc
theo binh đoàn đó. Mặc nhầm là bị bắn lộn như không. Không trang bị
vũ khí, chỉ có giấy bút, máy quay phim, pin và phim phòng hờ. Trên
ngực có bảng tên và dấu hiệu báo chí. Trong người có thẻ của Mỹ
để được ưu tiên đi máy bay. Và cuộc đời của phóng viên Nguyễn Cầu lên
đường từ 1962 cho đến khi thực sự đứt phim 1975.
Trải qua 13 năm chinh chiến, ông đã đi khắp các mặt trận toàn là thứ
dữ. Đánh Hải Lăng với thủy quân lục chiến. Thời kỳ Lam Sơn 119 ông
vào Hạ Lào với Nhẩy dù. Thoát chết ở đồi 30. Nguyễn Cầu cũng có
dịp thử lửa Khe Sanh với biệt động quân. Vào Bastogue với sư đoàn 1,
sang Cam bốt với quân đoàn 4. Bay khắp vùng trời với không quân và đặc
biệt quay trận Hoàng Sa với hải quân. Sau cùng ông vào An Lộc với sư
đoàn 5.
Từ Bastogne đến An Lộc:
Tháng 3-1972 Hà Nội chuyển quân vào Nam. Tháng 4 Bắc quân tổng tấn
công trên 3 mặt trận. Hoả Tuyến, Cao Nguyên và Bình Long. Ngoài Trung,
sư đoàn 3 bộ binh tan hàng. Lần đầu tiên căn cứ Caroll cấp trung đoàn
phải đầu hàng. Cộng sản chiếm Cổ Thành Quảng Trị. Trong Nam, địch
tràn ngập phòng tuyến Lộc Ninh. Sư đoàn 5 tổn thất một trung đoàn.
Cùng một lúc, căn cứ Bastogne của trung đoàn 54 bị tràn ngập, sư đoàn
1 đưa 2 trung đội của trung đoàn 3 trực thăng vận vào thẳng căn cứ để
thăm dò. Phi công trực thăng còn lắc đầu lạnh cẳng. Nhưng có lệnh thì
cứ bay. Lính sư đoàn cam chịu phần số lặng lẽ lên tàu. Cần một phóng
viên đem máy đi quay. Nguyễn Cầu chợt quên mất vợ 4 con ở Saigon, giơ
tay nói với ông tướng để tôi đi. Phạm Hậu đứng khóc ở bãi đáp lúc
tiễn đưa. Hậu nói với Cầu đây là thí quân. Ráng mà trở về. Đó là
ngày 15 tháng 5-1972. Ấy thế rồi Nguyễn Cầu vào được Bastogne mà
không phải là vào sinh ra tử. Thiếu úy Hiệp chỉ huy liên đội tiền
phong vào mặt trận khi ra được lên trung úy. Phóng viên Nguyễn Cầu đem
ra được những thước phim quay trực tiếp tại chiến trường. Anh sống
những phút vinh quang khác biệt. Trực thăng bốc ngay về Giạ Lê, bộ tư
lệnh sư đoàn của tướng Phú, gặp đại tướng Cao Văn Viên trong phái
đoàn Saigon ra thăm đón chào khen ngợi. Ông cho phóng viên Nguyễn Cầu
quá giang máy bay của tổng tham mưu trưởng mà đem phim về Saigon. Tại
Tân Sơn Nhất, đại tá chánh văn phòng lái xe Jeep đưa thẳng đến đài
truyền hình. Các chuyên viên sẵn sàng tráng phim, chắp nối để chiếu
cấp kỳ. Cả tổng cục ai cũng bắt tay khen ngợi. Nguyễn Cầu cũng được
khen bằng tưởng lục. Ngày nay ông cũng không còn nhớ là tưởng lục
gì.
Một tuần sau, cuối tháng 5-73 phóng viên vác máy vào An Lộc.
Nằm quan tài vào An Lộc
Ông già phóng viên chiến trường thời xa xưa bây giờ ngồi trong phòng
làm việc bên những bộ máy quay phim tân kỳ của thế kỷ 21 tại San Jose
mà nhớ lại chuyện cũ. Suốt một cuộc đời phóng viên ông đi với các
sỹ quan cấp úy. Rồi các vị này thành tá, thành tướng. Nhưng phóng
viên Nguyễn Cầu thì muôn đời cũng chỉ là phóng viên. Đi riết rồi chỗ
nào cũng quen biết hết. Ông tư lệnh nào, ông tướng nào thấy anh phóng
viên vác máy quay phim cồng kềnh xông xáo thu hình giữa khói lửa mịt
mùng đều có cảm tình và hết lòng giúp đỡ.
Tháng 4-1972 ba ông phóng viên cùng khóa đều có mặt tại Chân Thành.
Đây là trạm dừng chân an toàn nhất trên đường vào phòng tuyến An Lộc.
Trung tướng Minh và bộ tư lệnh tiền phương của quân đoàn III đóng ở
đây. Nguyễn Cầu tìm cách đi theo nhẩy dù để mở đường máu. Suốt tuần
lễ, lính dù bị chặn đứng và thiệt hại nặng. Hoàn cảnh An Lộc giữa
vòng vây oan nghiệt đã đành. Nhưng mặt trận đường 13 bên ngoài quả
thực cũng hết sức gian khổ. Địch bám chốt bên trái và đại đơn vị
đông đảo bên mặt. Pháo cường tập ngày đêm mà phòng không thì ác liệt
vô cùng.
Nằm với mũ đỏ thì không biết bao giờ mới được vào bên trong để lấy
hình ảnh cho Sài Gòn, Nguyễn Cầu xin với ông tư lệnh quân đoàn cho
phép liều mạng đi theo trực thăng tiếp tế và tản thương. Tiếp tế
giữa các trận pháo kích trên sân bay. Trực thăng bay là là rồi đạp hàng
xuống. Nguyễn Cầu nằm vào trong một thùng gỗ tiếp tế để lính không
quân đạp xuống. Chuyện tưởng như đùa mà hóa thật.
Anh em hỏi đi hỏi lại là có thực sự Cầu nằm trong quan tài mà vào
An Lộc hay không. Thùng gỗ rớt nhẹ xuống sân bay, chẳng cần ai phá
cũng đã rời ra từng mảng. Phóng viên Nguyễn Cầu cầm máy bò vào
phòng tuyến và lập tức được đưa đến hầm chỉ huy. Anh trở thành
phóng viên đầu tiên vào được An Lộc. Chuẩn tướng Lê Văn Hưng rất hài
lòng bèn cho anh phóng viên liều mạng được nằm trên chiếc ghế bố duy
nhất của ông trong đêm đầu tiên.
Thiên hạ vẫn thắc mắc về cái cách Nguyễn Cầu vào An Lộc, dù rằng
thực sự anh đã vào. Đã sống với các đơn vị, đã ăn cơm dã chiến với
Biệt cách Dù, đã đi theo các đại đội của sư đoản 5, nhưng cái lối
vào bằng quan tài thì quá đặc biệt. Hỏi là có ai làm chứng được
không. Nguyễn Cầu buồn rầu nói rằng có mấy bạn cùng khóa biết
chuyện nhưng nay chúng nó chết hết cả rồi.
Chưa bao giờ họp khóa.
Cái khóa phóng viên chiến trường không tên, tốt nghiệp 25 người bây
giờ đếm lại chỉ còn trên đầu ngón tay của một bàn tay. Trải qua 13
năm chinh chiến, phần lớn chết trận cả rồi. Mặt trận vùng I là nơi
phóng viên bị chết nhiều nhất. Đỗ Văn Môn chết tại hỏa tuyến. Ngô
Minh Liêm chết ở Đông Hà. Hồ Văn Đực tại đại lộ kinh hoàng. Riêng
Trần Văn Nghĩa bị 18 viên đại liên xẻ dọc từ đầu xuống chân ở Quảng
Trị. Lên cao nguyên thì Vũ Tiêu Giang chết ở Plei Me. Đặng Văn Thiện
chết trận Ấp Bắc. Rồi đến Đức Cơ, Đồng Xoài nơi nào cũng có phóng
viên chiến trường hy sinh. Trong trận Bastogne có Trần Văn Hiệt vào thay
Nguyễn Cầu nhưng không bao giờ trở lại. Trong chuyến bay vào An Lộc
cũng để thay thế Nguyễn Cầu thì Nguyễn Ngọc Bình chết trên trực
thăng. Trần Văn Tuấn chết ở núi Bà Đen năm 68. Riêng có Nguyễn văn
Giáo là nổi danh vì cùng nổ tung trên trực thăng với tướng Đỗ Cao
Trí. Thái Khắc Chương mất tích năm 75 khi triệt thoái Pleiku. Trên khắp
4 vùng chiến thuật từ ngày ra trường đến khi bỏ máy, nơi nào cũng
có xương máu của bạn cùng khóa.
Ông Cầu nói, nhiều quá, lâu quá không nhớ hết nhưng thật sự gần như
cả khoá chẳng còn ai. Nghe nói còn một bạn vàng Nguyễn văn Lang ở
Canada. Còn phần lớn chết trẻ. Không ai sống với tuổi già như ông.
Khóa của ông ra đời năm 62 coi như không phải là khóa chính thức của
quân trường. Khóa năm cha ba mẹ. Ông Cầu buồn rầu kể lại. Thủa nhỏ
học Thoại Ngọc Hầu, Long Xuyên. Rồi qua Phan Thanh Giản, Cần Thơ. Năm
1959 lên Saigon làm công chức bộ kinh tế rồi lập gia đình. Qua 60 thi
nhập học khóa phóng viên. Học chữ học nghề hơn một năm dài. Rồi
chuyển qua căn bản quân sự. Cả khóa qua Dục Mỹ học chiến tranh rừng
núi xình lầy cùng với khóa 16 võ bị. Xong Dục Mỹ qua học nhẩy dù. Có
bằng Dù rồi mới ra trường. Sau này gặp lại anh em khóa 16 võ bị có
người đã lên đại tá nhưng phóng viên chiến trường thì suốt đời vẫn
là phóng viên.
Hình ảnh quay được của Nguyễn Cầu và các bạn đưa về phía Mỹ thì AP
xử dụng rất nhiều. Phe ta thì tổng cục chiến tranh chính trị và bộ
thông tin Việt Nam khai thác. Những hình ảnh trên báo Tiền tuyến,
Chiến sĩ Cộng Hòa và thời sự của Trung tâm điện ảnh quốc gia là
xương máu của anh em. Tuy nhiên trên thực tế chiến công của phóng viên
không được lưu tâm. Không có huy chương, không có thăng cấp dù là truy
thăng. Đi khắp các mặt trận nhưng gần như tự quyết định lấy phần số
của mình. Suốt bao năm qua anh em chưa bao giờ họp khoá.
Vào An Lộc
Vào được phòng tuyến An Lộc, phóng viên Nguyễn Cầu di chuyển từ hầm
này qua hầm khác, từ đơn vị này qua đơn vị khác. Kết quả ông đã đem
về những đoạn phim hết sức đặc biệt. Ngay sau trận pháo kích kinh
hoàng nhất của địch vào bệnh viện tiểu khu và nhà thờ An Lộc,
phóng viên đã quay được các xác chết của dân chúng, đàn bà, trẻ em
và các ông bà già. Số tử vong cả ngàn người cùng với xác chết
vương vãi bên ngoài đã được binh sĩ tập trung và chôn cất 3000 người
tại chỗ.
Những bài báo của thông tín viên Sài Gòn viết lại hết sức thảm
thương. Đặc biệt là những trẻ thơ sống sót bị thương bên cạnh xác cha
mẹ.
Đoạn phim này về sau đưa ra chiếu đã là các chứng tích về những
trận địa pháo của cộng sản. Nhưng đặc biệt hơn nữa, ngày nay cũng
tại mồ tập thể này ở An Lộc, chính quyền cộng sản cho xây một
tượng đài kỷ niệm với hàng chữ nguyên văn như sau:
Di tích Lịch sử và Văn hóa. Mộ 3000 người.
Nơi an nghỉ của đồng bào thị xã An lộc-Bình Long bị bom Mỹ hủy diệt
mùa hè năm 1972
Phần tài liệu của khu di tích phổ biến như thế này.
Ngày 6/12/1987 ngôi mộ tập thể này được nhà nước ghi nhận là di tích
lịch sử ghi khắc tội ác của Mỹ Ngụy đối với nhân dân Bình Long.
Năm 1988 Chủ tịch nước phong cho Bình Long tước hiệu Lực lượng vũ
trang nhân dân Anh Hùng
Thêm một chuyện khác, cũng tại khu vực hàng ngàn người chết vì pháo
kích, có câu chuyện của gia đình em gái nhỏ Nguyễn Thị Bình. Cả nhà
em chạy từ Phước Long về An Lộc thì bố bị chết. Anh bị mất tích.
Sau trận pháo kích vào nhà thờ đến lượt mẹ chết. Còn lại cô gái
Nguyễn thị Bình 14 tuổi và 3 em nhỏ bây giờ luẩn quẩn theo chân anh
phóng viên là người duy nhất không phải cầm súng chiến đấu...
Sau cùng Nguyễn Cầu bay ra bằng chuyến trực thăng đặc biệt để đưa phim
về Saigon. Chị em bé Nguyễn thị Bình được đi theo. Cầu đem đám trẻ
về nhà tạm trú.Tướng Lạc, tư lệnh Sư đoàn 9 đọc báo đã gọi cho
Nguyễn Cầu, cảm thương hoàn cảnh các em nhỏ mồ côi, ông tư lệnh đã
đón các em xuống Sa Đéc, gửi cho các bà Sơ trông nom. Sau này lại thêm
người anh 17 tuổi mất tích trở về đoàn tụ với các em.
Đó là câu chuyện Nguyễn Cầu vào An Lộc.
Sau trận 72, anh chàng phóng viên nhiều may mắn đã có dịp vô tình
ngồi trong chuyến tàu tiếp tế hải đảo lại quay được một phần của
trận Hoàng Sa 74. Cuối cùng là đoạn phim anh quay trên cầu Tân Cảng
vào những ngày cuối của tháng 4-1975. Sau khi cộng quân vào Saigon,
khai thác các phim ảnh của VNCH để lại, chúng đã đi tìm Nguyễn Cầu,
người có tên trong các bộ phim thời sự chiến tranh, trong đó có phim
tình cờ quay được cảnh cộng sản pháo kích vào trường Tiểu học Cai
Lậy.
Nguyễn Cầu được tin trong đài số 9 nói là cộng sản đang đi tìm tung
tích tên phóng viên Mỹ Ngụy, anh bèn trốn về quê chờ đến thập niên 80
mới tìm cách vượt biên. Đến San Jose Nguyễn Cầu trở thành Thuyền nhân
Video lo quay phim quan hôn tương tế để xây dựng lại cuộc đời.
13 năm cầm máy biết bao nhiêu hạnh ngộ, biết bao nhiêu gian truân. Người
lính không có số quân, không có thẻ bài. Trận nào cũng đánh. Đeo trên
người giây 3 chạc với pin và phim ảnh. Nón sắt che đầu và đôi khi nón
sắt chỉ che máy hình. Hình ảnh có khi tỏ khi mờ. Khi rõ ràng, khi
thì người cầm máy té lăn quay. Máy còn chạy mà người đã nằm xuống
đất. Hình không quân từ trên trời. Hình hải quân dưới nước. Hỏi anh ở
đơn vị nào, chẳng biết đơn vị nào là chính để trình diện. Khi Việt
cộng vào cũng không biết ở loại nào mà khai báo.
Tôi viết về chuyện Nguyễn Cầu 76 tuổi ở San Jose nhưng không phải là
ca tụng riêng một người. Tôi muốn tuyên dương cả khóa của ông. 25 người
phóng viên chiến trường. Chết gần hết chẳng còn ai. Bây giờ gần như
chỉ còn lại một ông già lãng tai. Trước đây rất trẻ trung đẹp trai,
nhưng ngày nay vẻ đẹp chỉ còn là kỷ niệm. Ông kể chuyện nhưng cũng
có chỗ nhớ chỗ quên. Sư đoàn nọ lẫn với sư đoàn kia, Tư lệnh này
thành ra tư lệnh khác, nhưng có một điều này chắc chắn không sai. Cả
khóa của ông thẩy đều anh hùng xông trận, nhưng suốt 13 năm chẳng anh
nào bắn được một phát súng.
Giao Chỉ, San Jose