Ông Joly Dixon, Giám đốc Tiền tệ vụ của Ủy hội Liên Âu cho biết như trên, nhưng nói tiếp rằng nền kinh tế Âu châu dĩ nhiên không thể được miễn nhiễm trước tình hình kinh tế Mỹ.
Một cuộc họp các Bộ trưởng Tài chính Âu-Á sẽ diễn ra ở Kobe Nhật Bản thứ bẩy tuần này. Trước cuộc họp Dixon nói từ Brussels trong lúc này Liên Âu tin rằng những mối lo ngại lớn lao của các thị trường Âu châu đã quá lố.
Ông nói: “Chúng tôi không nghĩ sẽ có những thay đổi cơ bản nào trong quan niệm của chúng tôi về nền kinh tế Âu châu. Chúng tôi nghĩ sức mạnh của một nền kinh tế là do nội tại, bởi vậy dù tình hình từ bên ngoài không mấy thuận lợi, kinh tế vẫn lành mạnh. Thực ra nếu giá dầu lửa duy trì như hiện nay, chúng tôi còn dự liệu một sự đi lên”.
Cuộc họp Âu-Á (thường gọi tắt là ASEM) sẽ họp hai ngày tại Kobe từ 13-1. Ngoài 15 nước Liên Âu, phía Á châu sẽ có 10 nước ASEAN. Ngoài các bộ trưởng Tài chính, tham dự cuộc họp còn có Phó Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Âu châu và Giám đốc Quỹ Tiền Tệ Quốc tế (IMF).
Liên Âu hồi tháng 11 đã dự kiến kinh tế sẽ tăng tưởng 3.1% vào năm 2001 và khu vực đồng Euro sẽ tăng trưởng 3.2%. Lúc đó Liên Âu cũng dự kiến kinh tế Mỹ tăng trưởng 3.3% và sản lượng GDP Nhật Bản sẽ tăng 1.9%.
Trước những dấu hiệu ngày càng nhiều cho thấy kinh tế Mỹ đang chậm lại, các nhà hoạch định chính sách kinh tế Mỹ đã cảnh giác mức tăng trưởng Mỹ có thể chỉ còn từ 2 đến 3%. Các nhà phân tích còn bi quan hơn, nói một sự suy thoái kinh tế trong lãnh vực kỹ thuật Mỹ là điều rất có thể xẩy ra.
Trong khi đó tin của Kyodo từ Tokyo Nhật Bản cho biết ông Haruhiko Kuroda, Thứ trưởng Tài Chính Nhật Bản nói một sự hạ cánh kinh tế của Mỹ chỉ có những ảnh hưởng hạn chế tại Á châu, mặc dù những xí nghiệp kỹ thuật cao có thể bị ảnh hương nhiều hơn.
Kuroda nói “Sự chậm lại của kinh tế Mỹ nằm trong vòng được dự đoán trước” Cuôc họp ASEM ở Kobe nhằm thảo luận về viễn tượng kinh tế Á châu. Ông nói: “Tôi không thấy lo ngại trước việc kinh tế Mỹ hạ cánh từ từ”. Nhưng ông nói các thị trường tài chính đã có phản ứng quá lố về chuyện đó và tiếp “tình trạng này cần phải được theo dõi cẩn thận”.
Kuroda nói sau cuộc phục hồi kinh tế ngoạn mục ở Á châu từ năm 1999 đến mùa hè năm 2000 tiếp theo cuộc khủng hoảng tài chính 1997-98, kinh tế Á châu đã có dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng. Nhưng vào mùa thu năm 2000 đã phải xét lại là có thể đi xuống so với dự kiến trước bởi vì kinh tế Mỹ đã chậm lại.
Kuroda nói: “Kinh tế Mỹ chậm lại có ảnh hưởng nhiều hơn đến những lãnh vực kinh tế Á châu có cơ sở kỹ thuật tin học và các lãnh vực kỹ thuật cao”. Nhưng ông nhận định kinh tế Âu châu vẫn mạnh, có lẽ tốt nhất trong 15 năm qua.