Người tỵ nạn khi bước chân lên thuyền ra đi, không biết mình sẽ cập vào bến
nào, cái mục đích đến là tìm một nước có tự do, ngoài ra không tính trước được,
vì có biết mình sẽ cập bến nào đâu mà dám tính trước. Cuộc vượt thoát nào cũng
vậy, phó mặc cho định mệnh. Hơn nữa cuộc vượt thoát lại cực kỳ hiểm nguy, may
thì chỉ là chân tơ kẽ tóc, còn rủi ro thì nhiều vô kể. Đi đến và cập bến nơi
đâu, nước nào cho trú chân thì hoàn toàn phó mặc cho Trời, không có tính toán
và định trước được.
Tôi ra đi không biết được đất nước tôi sẽ đến. Vậy mà hiện nay tôi đã sống ở đất
nước này là 31 năm. Vì người tỵ nạn vượt biên lúc đó (vào sau năm 1975 và đến
năm 1990) khi còn ở trong nước chỉ biết một số nước tiêu biểu như Mỹ, Canada,
Anh, Pháp, Đức, Ý, Úc, còn một số nước nhỏ khác thì không hay biết, vì chương
trình thời học trung học trước năm 1975, bỏ sách vở đã hơi lâu, chỉ biết khung
trời tự do có: Mỹ, Canada, Âu, Anh, Úc. Khung trời cộng sản thì có Liên Xô và một
số nước Đông Âu, gần với Việt Nam có Trung Cộng và Bắc Hàn. Chỉ biết có vậy. Dưới
thời Cộng Sản sau năm 1975, bị bưng bít và thực thiếu phương tiện. Hơn nữa
chính sách cai trị của Cộng Sản sau năm 1975 thì cái bao tử là gốc, làm sao có
đủ cơm, sắn, khoai, bo bo cho đầy cái bao tử trước đã, các thứ khác chỉ là cái phụ,
kể cả việc cho con đến trường.
Có những nơi, những nước không hẹn trước mà người tỵ nạn Việt Nam đặt chân tới,
vì họ chỉ mưu cầu có tự do là đủ. Tôi đã tình cờ mà đến đất nước Hòa Lan, do được
tàu Hòa Lan vớt giữa biển khơi.
Hòa Lan là một nước bé nhỏ nằm cạnh Đức, Bỉ, Đan Mạch, nhìn qua đại đương không
xa là nước Anh, một đất nước được biết ngay từ khi còn học Trung học, một quốc
gia mặt trời không bao giờ lặn. Thực tế thì không phải nước Anh lớn, mà vì có
nhiều thuộc địa ở nhiều châu lục như: Úc, Canada, Hồng Kong. Nước Hòa Lan nhỏ
có dân số 16.834.746 người (tính đến ngày 27-01-2014), một phần ba đất đai thấp
hơn mặt nước biển cho nên chính quyền phải đắp đê dành biển chiếm đất cho dân
có chỗ ở.
Đê điều ở Hòa Lan thì chằng chịt, ngoài hai đê lớn dành biển để lấy đất, còn đê
điều ở bên trong nước thì rất nhiều, vì nhiều thị xã nằm sâu dưới mặt nước biển
đến 4 mét cho nên, những khu dân cư ở, chính quyền phải đắp đê bao quanh, phía
trong con đê phải có nhiều máy bơm loại công suất lớn, bơm tự động tùy theo mực
nước ở trong đê khi mưa nhiều hay ít, bơm nước lên những dòng sông do con người
làm ra, cao ngang bằng với mực nước biển ở ngoài khi nước thủy triều xuống. Cứ
mỗi khi mưa nhiều, thì các máy bơm tự động bơm nước đổ lên những dòng sông, số
nước mưa này được chảy đổ ra biển trong, như một hồ chứa lớn. Đến khi thủy triều
xuống đến mức thấp nhất thì những cổng ở các con đê chính ngoài cùng này cất
lên để nước ở biển trong (hồ nước lớn trong con đê chính) tuôn ra. Khi mực nước
bên trong và bên ngoài bằng nhau (thủy triều từ từ lên), thì cổng của đê chính
đóng nắp lại. Cho nên trong các thị xã có dân cư ở, dù cho mưa nhiều vẫn không
bị ngập lụt bao giờ.
Không bị ngập lụt, vì những đê điều của Hòa Lan, dù là đê chính, đê phụ gì họ
cũng sửa sang định kỳ hàng năm, có cả một đội ngũ người và cơ giới được huấn
luyện căn bản và giáo dục nên tinh thần trách nhiệm rất cao. Mỗi ngày dù thời
tiết xuống độ âm, những nhân viên đê điều vẫn đi kiểm soát mực nước, mực tuyết.
Trong mùa hè nắng ấm, những giám định viên đi tuần, quan sát những nơi cần sửa
chữa, hay những khu vực cần sửa chữa định kỳ thì họ có chương trình sửa chữa
ngay. Cho nên, không kể thời gian, thời tiết, đê điều được bảo trì tối đa, nên
đất nước họ không xẩy ra ngập lụt vì mưa nhiều, hay bị vỡ đê vì sạt nở do sóng
biển.
Hòa Lan vùng đất của tình người.
Đến đất nước này lúc đó vừa 39 tuổi, còn đi làm được gần 20 năm, nay đã về hưu,
đời sống an sinh xã hội tốt nên đủ ăn no và mặc ấm, không phải bận tâm về kinh
tế ăn bữa nay lo bữa mai, cho nên phải có chương trình cho cuộc sống mỗi ngày,
phải đi lại và hoạt động thì mới khỏe mạnh, người bản xứ hay di cư cũng vậy. Đến
tuổi hưu bổng, phần đông ghi danh ở một nơi tập gym mỗi ngày, hoặc đi bộ, chạy
bộ, tập thể dục ở ngoài trời. Hòa Lan là một đất nước có truyền thống lâu đời
duy trì ngôi vua, dưới vua có một Thủ Tướng chính phủ và các bộ trưởng. Có hai
viện Quốc Hội, Thượng Viện và hạ viện, được dân bầu ra mỗi bốn năm một lần. Hạ
viện mới làm ra luật pháp rồi thông qua thượng viện, sau đó Thủ Tướng mới thi hành,
(để biết thêm chi tiết về tổ chức chính quyền ở Hòa Lan xin vào địa chỉ:
http://www.tweedekamer.nl ).
Sở dĩ nói vùng đất Hòa Lan, hay quốc gia hòa Lan là vùng đất tình người vì nó
thể hiện quan văn hóa, qua cuộc sống của họ, mà nếu bạn không ở lâu, tìm hiểu cặn
kẽ bạn sẽ không hiểu nổi như: tâm trạng vui vẻ hòa nhã khi bạn gặp một người ở
ngoài đường, bạn là khách từ xa đến muốn hỏi địa chỉ nơi đến. Họ vui vẻ và niềm
nở giúp bạn ngay, nếu bạn ngỏ lời bằng Anh ngữ họ sẵn sàng nói tiếng Anh với bạn
(nếu họ biết), chứ khác với dân tộc Đức hay Pháp mà bạn cần hỏi địa chỉ ở dọc
đường.
Nhà ở của họ cũng có nhiều cửa sổ, và cửa sổ của họ cũng đặt thấp, to và rộng vừa
để có nhiều ánh sáng và cũng biểu hiện họ không khép kín như các dân tộc khác.
Với những tâm tình vừa kể, nên khi họ tiếp nhận người tỵ nạn Việt Nam họ cũng tổ
chức thành nhóm, mỗi gia đình người tỵ nạn họ phân công cho một gia đình người
bản xứ ở địa phương, để giúp làm quen với xã hội của họ thủa đầu như: đi mua sắm,
đi học, mở các dịch vụ ngân hàng, liên lạc với bác sĩ nhà, với bệnh viện...
Thủa đầu mới đặt chân đến đất nước này, tìm hiểu về văn hóa xã hội của họ, về
những tổ chức và tiện nghi của cuộc sống. Ở lâu năm mới quan tâm đến làng mạc,
đê điều, đến những con đường dành riêng cho người đi bộ, những con đường chỉ
dành riêng cho người tập thể thao, chạy bộ, đi xe đạp. Đây là những nét độc nhất
vộ nhị mà ta khó tìm ra ở những đất nước khác trên thế giới. Khi ra đến những
con đường, khu vực này ta mới thấy dân tộc họ quan tâm đến sức khỏe và tôn trọng
con người.
Những lộ trình, những con đường dành cho người đi bộ có đội ngũ quét dọn sạch sẽ
tử tế mỗi ngày. Đường đi bộ cũng dành cho người dẫn chó đi dạo. Nhưng chó cũng
được huấn luyện, chỉ được iể đái trên lề cỏ, không làm mất vệ sinh cho người đi
bộ, chạy bộ và người đi xe đạp. Những khúc đường, khúc đê phải sửa chữa và đắp
thêm, họ có những xe cơ giới, ngoài xe ủi, xe xúc, xe tải chở đất, thuyền
chuyên chở đất, còn có các thứ xe xịt nước rửa đường, thứ thì có những trục
quay để chà sát cho sạch đất bùn trên đường, để cho người đi bộ, đi dạo không bị
trơn trượt và bị té như ở những đất nước nghèo hay theo chủ nghĩa cộng sản, vô
cảm, vô tâm với những người bị tại nạn trên đường di chuyển. Đây là những nét nổi
bật ở những xã hội có nhiều tình người như xã hội, đất nước Hòa Lan tôi đang được
định cư.
Vào những giờ dạo bộ mỗi ngày trên những con đê xứ người, đôi khi tai còn nghe
những bản nhạc thực hay của thời chính chiến cũ, mắt nhìn những đoàn xe cơ giới
của người bản xứ, cả gần mười chiếc, mà hình như người cũng chỉ có mỗi người một
xe, nghĩa là xe nào thì người lái ấy. Họ di chuyển đến nơi tu bổ đê, hay cắt cỏ
nếu vào mùa tháng 1, tháng hai hàng năm. Họ toàn làm việc bằng máy móc, cơ giới.
Xe thì cắt cỏ ở ven đê, xe thì vạt cỏ lên nằm có lớp nang, xe thì cuộn lại
thành bó tròn, xe thì xúc những bó cỏ tròn lên một xe chở và xếp có thứ tự, xe
cuối cùng thì quay trục, gom những cỏ rơi rớt lại để xe khác bó thành bó tròn.
Lòng người viết lại bồi hồi nhớ về quên nhà khi còn bé nghe trống, mõ, tù và thổi
lên báo đê bị vỡ, rồi dân các làng quanh đê đổ ra, dùng các phương tiện thô sơ
xẻng, cuốc, cọc, đất, rơm để ngăn nước lũ do biển tràn vào. Ôi! Thiên nhiên thì
như vũ bão mà sức người thì hạn hẹp, nhỏ bé, làm sao đương đầu nổi. Đê của xứ
Hòa nền toàn bằng đá tảng chở từ các nước lân cận Bỉ, Đức về đổ xuống làm móng,
trên mặt là một xa lộ phẳng phiu 6 ban, lại còn thêm một bờ chắn gió cao khoảng
4 mét thẳng theo suốt dọc con đê dài 30 km ngăn biển dành đất. Thật không thể
tưởng tượng được trình độ khoa học và kỹ thuật của Hòa Lan về đê, đập.
Một lần đến xứ hoa Anh Đào vào tháng 04 năm 2009 thăm một người em tỵ nạn ở nước
này, cũng một lần dạo chơi cho biết xứ Nhật, buột miệng tâm sự với người em:
“Quê mẹ mình bao nhiêu năm nữa với bằng quê hương Nhật được em”, em tôi trả lời
không đắn đo suy nghĩ: “Em nghĩ cũng cả trăm năm nữa anh ạ”! Nghe mà lạnh gáy.
Nhưng thật, khoa học và kỹ thuật của xứ hoa Anh Đào Nhật, và khoa học kỹ thuật
tiên tiến của xứ Hòa Lan, có lẽ Việt Nam ta còn thua xa cả trăm năm. Nếu cứ cộng
thêm với cái đuôi Xã Hội Chủ Nghĩa thì còn xa hơn.
Phải nhìn nhận đất nước này thực sự có tự do dân chủ. Người đứng ra điều hành đất
nước thực sự quan tâm đến hết mọi người dân, nhất là người nghèo, người có lợi
tức thấp. Khác với những tà quyền cộng sản chuyên lừa dối, chuyên cho dân nghèo
ăn bánh vẽ. Các nước theo chế độ Cộng Sản như Trung Cộng, Việt Nam, Bắc Hàn...
luôn luôn thiếu lương thực, thiếu nhà ở cho người nghèo, cho dân lao động, con
họ không được đến trường vì nghèo, không hộ khẩu, không đủ tiền đóng góp. Về sức
khỏe vì họ Không có bảo hiểm sức khỏe, nên khi bệnh hoạn không được vào nhà
thương để chữa trị. Nhưng báo đài, các loa phóng thanh cứ oang oang tuyên truyền
là đất nước no đủ và xã hội luôn đổi mới. Nhưng không phải như vậy. Dịp Tết
Giáp Ngọ 2014 dân nghèo ở các tỉnh miền núi thiếu gạo ăn, nhà nước lại đem cho
cả chục kí lô muối để cứu trợ.
Trái lại ở Hòa Lan, mọi người (giầu hay nghèo) nếu đã được ở chính thức đều có
một mái nhà, có một lợi tức cố định hàng tháng. Nghĩa là đủ ăn no, mặc ấm, con
cái được đến trường, khi bệnh hoạn được săn sóc thuốc men (vì mọi người đều có
bảo hiểm sức khỏe), những người dân có lợi tức thấp, không đủ tiền để đóng bảo
hiểm sức khỏe hàng tháng thì chính phủ sẽ trợ cấp thêm để có đủ tiền đóng bảo
hiểm sức khỏe như luật định. Cho nên khi có bệnh là đến bác sĩ nhà khai báo, rồi
được chuyển đi khám chuyên môn, và khi nhu cầu cần phải nhập viện thì được đối
xử công bằng.
Đến được đất nước Hòa Lan, một đất nước tư bản trong khối các nước theo tự do
tư bản, mới có cơ hội phân biệt những ưu việt của hai chế độ tự do và cộng sản,
dù cho chế độ tự do vẫn còn những bất công. Nhưng hơn hẳn vạn lần chế độ cộng sản,
nhất là cộng sản Việt Nam, Trung Quốc và Bắc hàn. Ở đất nước tư bản này đã 31
năm tôi chưa được nhìn thấy những viên chức chính quyền mà tôi mỗi dịp phải tiếp
súc nhận hối lộ, thấy xe cảnh sát đi tuần tiễu thường xuyên trong khu vực sinh
sống, nhưng chưa bao giờ thấy họ làm khó dễ, chận bắt người lái xe để làm tiền
như công an Việt Nam, mà họ hay lái xe vào những hang cùng ngõ hẻm, những nơi vắng
vẻ để bắt giữ bọn bất lương, trộm cắp, giữ gìn an ninh trật tự cho dân chúng.
Chưa nghe, chưa thấy một người dân bị đánh chết ở đồn công an như những trường
hợp ở Việt Nam mà tôi thường ngày theo dõi trên mạng.
Trong chế độ tư bản sau 38 năm, họ tiến thật xa trên các địa hạt khoa học, kỹ
thuật, cầu đường, bệnh viện, trường học; nói chung là an sinh xã hội, cao đến mức
hơn cả cộng sản lý tưởng theo học thuyết là “làm theo khả năng, hưởng theo nhu
cầu”. Thật vậy, người dân sống tại Hòa Lan đi làm thì được xử công bằng, không
có bất công, không bị chèn ép, nhất là chèn ép về lương bổng, đủ ăn no, mặc ấm,
con cái được đi học đến nơi đến chốn; bệnh hoạn được săn sóc thuốc men, và khi
chết cũng được chôn cất tử tế.
Ngược lại, những nước theo chủ nghĩa cộng sản như nước Việt Nam ta, 38 năm hòa
bình thống nhất, không bị ngoại xâm, không có giặc trong thù ngoài, thế mà dân
tình khốn khổ, nhất là giới nông dân nghèo khổ, năm hết Tết đến không đủ gạo nấu
cơm; người dân bỏ làng mạc đi làm xa nhà, làm công nhân ở các nhà máy, dịp Tết
đến không dám về thăm quê, thăm cha mẹ ông bà vì không đủ tiền mua vé xe, vé
tàu. Trường học thiếu phòng, bệnh viện thiếu gường. Người phương xa về thăm
nhà, đưa mẹ vào bệnh viện không được săn sóc tử tế, phải chờ đợi, chờ tiền mãi
lộ. Vì cả một hệ thống tham nhũng, bất công từ trên xuống dưới.
Người dân nghèo phải bán máu nuôi thân, người trẻ Việt Nam phải đi làm lao nô
khắp các nước trên thế giới, đi làm lao nô mà còn phải mánh mung, chi tiền hối
lộ mới được đi làm. Trẻ em nghèo bị bán đi làm đĩ cho các nước lân cận để kiếm
tiền sống qua ngày. Luân thường đạo lý thì bị suy đồi, bệnh vô tâm vô cảm có mặt
ở khắp nơi trong xã hội Việt Nam hôm nay. Do đó người đảng viên cộng sản Việt
Nam phải xét lại, từ bỏ cái đảng hại dân hại nước, làm cho dân tộc ta mỗi ngày
một đi xuống đến tận cùng trong thế kỷ 21 này sao. Hãy nhìn thế giới Tư Bản,
hãy nhìn đất nước Hòa Lan như một tấm gương./-